Ai Cập: Con nhân sư ngàn năm không ngủ

Kỳ 12

Tác giả Phương Mai đang trên một chuyến hành trình để viết sách mang tên “Con đường Hồi giáo”. Chuyến đi bắt đầu ở Saudi, nơi Hồi giáo khởi phát, sau đó theo chân các chiến binh Hồi giáo tỏa sang châu Phi đến Ma Rốc, và châu Á đến Ấn Độ. Các chiến binh Hồi giáo chiếm được thành phố nào thì tác giả sẽ đến đúng thành phố ấy. Đây là dải đất hùng vĩ của nền văn minh Hồi giáo thời kỳ cực thịnh. Mời các bạn theo dõi nhật ký chuyến đi trên Đẹp hàng tháng, phần một “Khởi đầu gian nan” bắt đầu khởi đăng từ số tháng 2/2012.

Đào quá khứ lên mà sống

Từ biên giới Israel, ngồi xe buýt suốt cả ngày tôi mới đặt chân được tới Giza khi trời đã khuya. Thành phố vệ tinh của Cairo có tới gần 4 triệu dân, giãn bớt huyết mạch luôn cuồn cuộn chảy không ngơi nghỉ ở thủ đô. Với tôi, lý do đến Giza không có chi khác ngoài việc thực hiện một trong những ước mơ thuộc loại “hàng chợ” nhất của những kẻ chưa một lần đặt chân đến Ai Cập: Chiêm ngưỡng kim tự tháp Giza 4500 tuổi – viên ngọc duy nhất còn sót lại của 7 kỳ quan thế giới cổ đại.

Thế mà buổi sáng hôm ấy, vừa lọt qua cổng vào khu di tích được chừng 5 phút, tôi đã muốn bổ nhào chạy ra, cứ như bị đánh úp. Một gã trai nhanh chóng đón lấy tấm vé của tôi từ tay nhân viên an ninh và hối hả dẫn thẳng tôi nhằm hướng tượng con Nhân sư. Gã ta múa mép liên tục, nói rằng mỗi khách du lịch đều cần có nhân viên của khu di tích đi theo. Vượt qua phút hoang mang, tôi kiên quyết đòi lại vé thì gã nhất định không trả. Tôi khùng lên dọa báo cảnh sát thì gã mới hậm hực bỏ đi. Gã chưa kịp khuất bóng thì tôi liên tục bị hàng chục gã khác tấn công, gã thì đòi xem vé, gã thì đòi mua nước, gã thì bắt đi tour, gã thì ép đi xe ngựa. Thậm chí khi tôi nhét tai nghe nhạc, giả vờ không để ý thì vẫn liên tục bị đeo bám. Đỉnh điểm là một gã sau khi đã lải nhải suốt cả trăm mét dọc đường thậm chí còn kiên quyết yêu cầu tôi bỏ tai nghe ra để… nói chuyện, rồi nhân danh bạn bè đưa ra lời khuyên nên làm gì, rồi nhân danh “người Ai Cập” ca thán tôi thiếu thân thiện với dân bản xứ, cuối cùng là nhân danh “một người bình thường” lên án tôi thiếu lịch sự khi không muốn tiếp chuyện. Chưa được một tiếng đi loanh quanh trong khu kim tự tháp mà tôi đã muốn nổ tung.

Một khu sa mạc rộng lớn với tất cả những đền đài tượng đá đẹp đẽ, lung linh, thần bí, thiêng liêng của Ai Cập ngàn xưa bỗng trở nên lố bịch với cái đám cò du lịch lộn nhộn hung hãn tự xưng là con cháu truyền đời của một nền văn minh hùng vĩ. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao dân du lịch nhiều kinh nghiệm đã tôn vinh Giza là “thủ đô của lũ cò quấy nhiễu” (the world’s capital of hassle). Gần 12% dân số Ai Cập, tức là chừng khoảng 10 triệu dân, sống dựa vào hơn 5 triệu khách du lịch đổ đến đất nước này mỗi năm. Mùa xuân Ả Rập tràn đến đây khiến an ninh mất thăng bằng và lượng khách giảm sút, cạnh tranh vì thế càng khốc liệt.  

Một người phụ nữ bán rong ở Cairo

Con đường Cách mạng nơi Mùa xuân Ả Rập của Ai Cập bắt đầu. Trên tường là hình ảnh những người đã ngã xuống để xóa bỏ chế độ độc tài Mubarak.

Nơi ẩn náu cuối cùng

Cuối ngày, tôi mệt lả. Khắp khu di tích cát mênh mang nắng chói chang không chỗ trú ẩn cho một kẻ lữ hành cô độc muốn chạy trốn khỏi đám tàn quân săn tiền, hậu thế của các Pharaoh quyền uy khi xưa. Ngồi xuống một bụi cây là có kẻ đến “hỏi thăm”. Ghé vào bóng râm một kim tự tháp, dù đổ nát và khuất nẻo đến mấy, cũng có người đến “mời mọc”.

Bến bình yên duy nhất của tôi lại chính là trái tim của kim tự tháp khổng lồ Giza – căn phòng bí mật nơi chiếc quan tài bằng đá của Pharaoh Khufu (hay Kheops) đã nằm lặng yên suốt 4500 năm.

Đường hầm xuyên qua đá tảng đến căn phòng bí mật chôn giấu Pharaoh trong lòng kim tự tháp Khufu.

Đường hầm đến căn phòng bí mật bắt đầu ở một hốc đá nhỏ trổ ra trên lưng chừng kim tự tháp cách mặt đất khoảng hơn chục mét. Hàng trăm bậc thang nhỏ hun hút xuyên thẳng vào thăm thẳm lòng sâu của gần 6 triệu tấn đá tảng. Khí lạnh âm u, những góc tối đặc nối với nhau bởi ánh sáng yếu ớt tỏa ra từ những chiếc đèn vàng. Tôi bước chân vào căn phòng vuông vức nơi chỉ có duy nhất một chiếc quan tài đá bị bật nắp nằm chính giữa. Khi tiến gần đến nơi, tim tôi thót lên vì bất ngờ thấy một người đàn ông và một người phụ nữ đang ngồi nép đằng sau trong tư thế thiền. Ánh sáng nhỏ từ chiếc đèn trong góc phòng hắt lên chiếc quan tài đá, để lại cả một bầu không gian bao trùm trong quánh đặc của lặng yên và huyền bí.

Tôi ngồi dựa lưng vào tường, lắng nghe tiếng bước chân xa dần của hai du khách cũng leo lên hầm mộ bí mật sau ít phút ngó nghiêng đã nhanh chóng bỏ đi. Có một điều lạ kỳ là nơi chôn cất thi hài của Khufu giản đơn đến khó hiểu. Tường và quan tài trống trơn, không có lấy bất kỳ một hình vẽ nào như thường thấy ở các lăng tẩm Ai Cập cổ. Nhiều người cho rằng kim tự tháp Khufu không phải là nơi chôn cất nhà vua, xác của Khufu cũng không phải là đã bị đánh cắp. Khufu thực ra là một đền thờ thiêng, nơi các tín đồ của cổ đạo Ai Cập được dẫn tới để hành lễ. Những kẻ mới nhập đạo trên con đường mê cung dẫn tới căn phòng bí mật sẽ bị giết chết, xác đặt trong quan tài đá không nắp, để nếu được chấp nhận và có chân tu, kẻ đó sẽ được phục sinh và trỗi dậy bước ra từ cõi chết.

 

Một giây nằm trong quan tài đá 4500 năm tuổi ở kim tự tháp Khufu. 

Bất thình lình, người đàn ông từ phía góc phòng đứng dậy. Ông ta dừng chân, cúi đầu một giây, và vắt chân… chui tọt vào nằm gọn trong chiếc quan tài đá. Tôi trố mắt ngạc nhiên. Người đàn ông phía trong bắt đầu dùng điện thoại mở một giai điệu kỳ bí, u u mê mê. Cả gian phòng ngập chìm trong bầu âm thanh huyền hoặc. Tôi như bị thôi miên, cả thân người tan đi. Chừng ba phút sau khi người đàn ông bước ra, tôi tiến lại gần ông ta và đưa tay ra hiệu… Chưa bao giờ tôi trải qua một cảm giác kỳ ảo đến vậy. Giây phút tôi duỗi thẳng người trên nền quan tài đá lạnh buốt là giây phút toàn bộ các mạch máu trong tôi căng ra, từng tế bào trên da bỏng rát. Đầu tôi quay mòng mòng với hàng triệu dây thần kinh điên đảo. Tim tôi đập dồn dập. Phía trên, người đàn ông lạ mặt tì tay vào thành quan tài ra hiệu cho tôi nhắm mắt. Âm thanh của một buổi hành lễ choáng ngợp và mê muội. Tôi vô thức làm theo lời ông ta, và ngay lập tức bị cuốn tuột đi theo một cơn lốc xoáy kỳ lạ của hàng triệu triệu ý nghĩ siêu thực.

Có thể tôi là một kẻ đặc biệt nhát gan. Có thể tổng số thời gian tôi nằm trong quan tài đá chỉ tính bằng giây. Nhưng sự thật là tôi đã cố sức chống lại sự mãnh liệt đầy quyền năng của cơn lốc âm thanh kỳ bí để bật dậy bước ra khỏi chiếc quan tài ma thuật có tuổi đời còn lâu hơn cả nền văn minh của đất nước tôi, chiếc quan tài nơi vị Pharaoh quyền lực của Ai Cập đã từng yên nghỉ.

 

Một hầm mộ cổ ở Alexandra 

Sự phũ phàng của Sphinx

Tôi quên rất nhiều câu chuyện đọc hồi bé, nhưng không bao giờ quên câu chuyện về lời đố hóc búa của Sphinx, ai giải được nó sẽ tự nổ tung, ai không giải được thì sẽ bị siết cổ đến chết: “Con gì buổi sáng đi bằng bốn chân, buổi chiều đi bằng hai chân, buổi tối đi bằng ba chân?”.

Tôi từng ngốc nghếch nghĩ rằng con Nhân sư bảo vệ kho báu này chính là con Sphinx ở Giza cho đến ngày phát hiện ra loài kỳ thú đầu người mình sư tử này có trong chuyện thần thoại trên khắp thế giới.

Giza những khi không “săn” khách

Trên đường rời Giza, tất nhiên là không thể thiếu một gã đánh xe ngựa lẵng nhẵng bám đuôi năn nỉ, mời chào, quấy rối… tôi ngoái nhìn con Sphinx lần cuối. Tôi nói lần cuối vì tôi đã thề sẽ không bao giờ quay lại Giza lần nữa. Cảm giác rời Giza giống hệt như cảm giác khi tôi rời Angkor Wat vàng son, rời Machu Picchu thần bí, rời Roma nguy nga. Những nền văn minh lớn rồi sẽ lụi tàn. Những người bạn tôi ở đây đang tự hào về một Ai Cập cổ đại nguy nga nhưng oái ăm thay lại chẳng còn mấy dính dáng với nền văn hóa đang thực sự là xương là máu của hiện tại. Văn minh Ai Cập đã mất. Tiếng Ai Cập đã mất. Người Ai Cập giờ theo tôn giáo của kẻ từng tràn đến thống trị: Hồi giáo. Người Ai Cập giờ đây nói tiếng của kẻ từng đô hộ Ai Cập: tiếng Ả Rập.

Con Sphinx ở Giza có thể đã siết cổ giết chết nền văn minh lâu đời nhất của loài người. Bởi vì con người kiêu ngạo không hiểu một điều đơn giản là vạn vật có sinh có thác. Cũng như con người, một dân tộc dù hùng mạnh đến mấy cũng có thời kỳ non yếu phải bò bằng tứ chi, lớn lên trưởng thành vững vàng trên hai chân, để rồi suy yếu trong chiều tàn với cây gậy chống đỡ tuổi già.

Đại học Azhar hơn 1000 năm tuổi

Hàng ngàn năm sau khi thư viện cổ đại Alexandria bị thiêu hủy, Ai Cập xây một thư viện khổng lồ với 1 tỷ cuốn sách. Xin đừng quên thư viện cổ đại Alexandria cũng như nữ hoàng Cleopatra không phải người Ai Cập mà thuộc đế chế Macedonia – Hy Lạp từng trị vì Ai Cập và tự tôn hình ảnh của mình như một Pharaoh Ai Cập.

Có một niềm tự hào len lỏi trong tim tôi, tự nhủ rằng dẫu nền văn minh Việt không hùng vĩ và lâu đời như Ai Cập, nhưng trải qua bao thăng trầm sóng gió của đô hộ và thực dân, ít nhất người Việt mình vẫn biết ai là bạn ai là thù, dù có đổi thù thành bạn, dù có vay mượn ít nhiều cũng vẫn còn một tiếng nói kia để biết rằng ngọn này còn nối liền với gốc.
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi



Mẹ hiền ru những câu xa vời…
(Phạm Duy)

Kỳ sau: Libya – Ngỡ ngàng rạng đông

Bài & ảnh: Phương Mai



From the same category