Ai bảo có con là… xiềng xích?

Chăm con… kiểu Tây

Một nghiên cứu của Đại học Princeton đã so sánh kinh nghiệm chăm sóc trẻ của các bà mẹ có hoàn cảnh tương tự nhau tại hai thành phố Columbus (Mỹ) và Rennes (Pháp). Kết quả cho thấy mức độ mệt mỏi vì con cái của các bà mẹ Mỹ cao gần gấp hai lần so với mẹ Pháp. Sau khi tìm hiểu thêm, họ nhận thấy rằng các bà mẹ của hai nước khác nhau ngay trong quan điểm về chuyện có con. Trong khi mẹ Mỹ coi đó là một sự kiện lớn, không ngừng lo lắng về việc chuẩn bị cho sự xuất hiện của một đứa trẻ thì mẹ Pháp lại coi việc đó là hết sức bình thường. Đến ngày sinh, họ vẫn thấy rất bình thản và nhún vai cho rằng: Chuyện gì đến sẽ đến.

Bản thân các ông bố Pháp cũng chẳng bao giờ nhặng xị lên khi nghe tin vợ sinh. Bởi vậy, người Pháp không bị ám ảnh chuyện con cái. Quan điểm của những bậc phụ huynh này rất rõ ràng là: Họ sẽ không đánh mất cuộc sống của chính mình chỉ vì nghĩa vụ làm cha mẹ.

Sau khi sinh, phụ nữ Pháp không dành toàn bộ thời gian để chăm con, bởi họ nghĩ rằng, đó là lúc cần tút tát lại cơ thể và đặc biệt là chăm sóc đời sống tình dục của mình. Thực ra, các bà mẹ Pháp không hoàn toàn để mặc con cái. Họ hướng cho bọn trẻ tự do phát triển. Họ biết rõ về các chứng bệnh trẻ nhỏ thường gặp và có biện pháp phòng tránh hợp lý. Họ không tỏ ra quá hoảng sợ, lo lắng về tình hình sức khỏe của con mình. Sự bình tĩnh này giúp họ thoải mái hơn và tạo cho con cái sự tự lập. Như vậy sẽ đỡ mệt mỏi cho bố mẹ, mà lại tốt hơn cho con cái.

 

Những bà mẹ Việt bình thản

Khác với hình ảnh người phụ nữ phương Tây, trước giờ, hình ảnh truyền thống của người phụ nữ Việt Nam thường gắn với sự chịu thương, chịu khó, bận rộn trong căn bếp, lúc nào cũng tất tả vì chồng, vì con. Đó là một hình ảnh đẹp của đức hy sinh vĩ đại, thế nhưng cũng phần nào gợi lên sự vất vả. Do đó, một số phụ nữ hiện đại ngày nay cho rằng: người vợ, người mẹ cũng cần cuộc sống tự do, thoải mái. Chúng ta không nên quá quan trọng hóa vấn đề để rồi tự làm khổ mình. Bởi điều đó chỉ khiến các bà mẹ thêm mệt mỏi vì con cái. Vì vậy, hãy cứ tỏ ra bình thản!

Người mẫu Dương Yến Ngọc là một trong những người theo quan điểm như vậy. Chị rất yêu thương con, sẵn sàng hy sinh cả sự nghiệp đang lên như diều gặp gió để toàn tâm toàn ý ở bên con, nhưng chị vẫn thấy thoải mái, dễ chịu. Bí quyết của người mẹ trẻ này chính là rèn tính tự lập cho con từ khi mới lọt lòng. Nếu như nhiều ông bố bà mẹ thường mệt mỏi, bơ phờ sau cả một đêm vật lộn với con thì Yến Ngọc chưa từng trải qua cảm giác ấy.

Ngay từ khi mới sinh con ra, chị đã tạo cho con thói quen ngủ đúng giờ, kể cả nếu ban ngày bé ngủ thì chị cũng đánh thức bé, chơi với bé để đêm con sẽ ngủ ngon lành. Hơn thế nữa, chị cũng không mấy khi dỗ dành con trong đêm, trừ khi bé bị bệnh. Chị giải thích rằng: tôi áp dụng nguyên tắc này ngay khi con mới chào đời. Một khi đã đặt con xuống ngủ, tôi sẽ không bao giờ bế lên và ru lần thứ hai nếu bé tỉnh giấc và quấy khóc. Tôi làm vậy để tập cho con học được cách tự ngủ lại. Vì nếu trẻ khóc, mẹ lại cuống cuồng dỗ dành, ẵm lên ru thì lần sau chúng sẽ càng khóc, càng hờn để đòi mẹ bế bằng được. Còn một khi mình đã không nhượng bộ ngay từ đầu, thì nó chỉ khóc một chút, rồi sẽ mệt và tự ngủ tiếp thôi.

 

Đến khi Doanh Doanh, con gái của chị lớn hơn, chị càng áp dụng triệt để kỷ luật thép. Người mẹ này không dễ dàng thỏa mãn những đòi hỏi của con. Bởi vậy, chẳng bao giờ có chuyện con hét toáng lên, khóc lóc, ăn vạ, giãy giụa đòi cái này cái kia. Dương Yến Ngọc tâm sự: “Lúc đầu tôi bị tất cả mọi người, kể cả ông bà nội ngoại lên án, cho rằng tôi là bà mẹ độc ác, lười biếng. Nhưng đó là cách tôi dạy con của tôi, và tôi đã tham khảo sách Tây rất kỹ càng. Bây giờ con tôi đã hơn 4 tuổi. Bé tự ăn, tự tắm, tự đi ngủ… chẳng bao giờ mè nheo mẹ”. Công việc của Yến Ngọc hiện khá bận rộn, thế nhưng chẳng ai nghĩ chị có con nhỏ vì thấy chị nuôi con mà cứ… nhàn tênh.

Cũng như Yến Ngọc, diễn viên múa Linh Nga tuy mới bắt đầu vai trò làm mẹ, nhưng cũng có quan điểm chăm con rất tiến bộ. Chị áp dụng rất linh hoạt giữa kinh nghiệm truyền thống và khoa học hiện đại. Chẳng hạn, Linh Nga thấy mọi người khuyên rằng mẹ nên trực tiếp dùng miệng hút mũi cho bé, nhưng cứ mỗi lần thử hút, chị đều dừng lại, vì e sợ không biết có an toàn không. Cuối cùng, sau quá trình tìm hiểu, tham khảo ý kiến của chuyên gia, chị học được một cách rất hay là cho con uống 10ml muối loãng hàng ngày, bé sẽ không bị nghẹt mũi, họng. Bên cạnh đó, Linh Nga cũng rất chú trọng việc rèn tính tự lập cho con. Khác với kinh nghiệm truyền thống, từ khi con lọt lòng, chị chưa bao giờ cho bé ngủ chung vì nghĩ vậy sẽ giúp con an toàn, thoải mái hơn. Chị cũng không ủ ấp con quá nhiều. Việc kiêng cữ khắt khe lại càng không. Vì vậy, con gái được một tháng tuổi, Linh Nga đã cho bé đi Hà Nội. Chị cho rằng việc cho con tiếp xúc sớm với xung quanh là rất quan trọng. Bởi điều đó sẽ giúp bé dạn hơn, dễ thích nghi hơn.

Linh Nga chia sẻ thêm: “Mỗi đứa trẻ có một đặc điểm khác nhau, thế nên không phải lúc nào cũng có thể chăm sóc theo cùng một cách. Tôi không chăm con theo một phương pháp hay lời khuyên nào cụ thể, mà chỉ thấy điều gì đúng nhất thì làm. Miễn sao vẫn tốt cho con, mà mình cũng được thoải mái”.

Con cái không phải là áp lực

Bên cạnh những người nổi tiếng, thường ít thời gian chăm con hơn thì nhiều bà mẹ bình thường khác dù có con mọn cũng vẫn tìm được sự tự do, thoải mái cho riêng mình. Gần đến ngày sinh, chị Thu Hà (Q1, TP.HCM) đã về quê ngoại ở Quảng Ngãi để được bố mẹ đỡ đần. Suốt 3 tháng đầu, chị cảm thấy thật sự khổ sở, tù túng vì những kiêng khem mà mẹ chị yêu cầu. Chị chờ đến hết ngày ở cữ, chị vội vàng xin phép bố mẹ cho trở lại thành phố để được chăm con theo cách của riêng mình. Từ chế độ ăn uống tới phương pháp định hình tính cách cho con, chị đều tham khảo cả kinh nghiệm truyền thống và hiện đại, từ phương pháp định hình tính cách cho con, chị đều tham khảo cả kinh nghiệm truyền thống và hiện đại, từ phương Đông đến phương Tây, đặc biệt là những trang web nước ngoài để rút ra những điều hay và phù hợp nhất.

Chẳng hạn, nhiều ông bố bà mẹ thường thích con thật bụ bẫm, nếu tháng nào thấy con tăng ít cân hơn là lo lắng. Nhưng chị lại rất bình thản về chuyện này, quan trọng là con vẫn phát triển đều đặn, cứng cáp, khỏe mạnh. Thậm chí, nhiều khi chị còn phải hãm lại sự phàm ăn của con vì sợ con béo phì. Vốn là người năng động, thế nên dù có con nhỏ, chị vẫn thoải mái shopping, cà phê cùng bạn bè như xưa. Chỉ khác rằng, giờ đi cùng chị luôn có thêm một bạn đồng hành bé nhỏ. Vẫn cho con bú sữa mẹ, nhưng chị Hà đã nhanh chóng lấy lại được vóc dáng thon thả và cũng không quên làm nóng lại mối quan hệ vợ chồng. Chị quan niệm: “Tôi rất yêu thương con nhưng tôi nghĩ rằng có thêm con là có thêm niềm hạnh phúc, vui vẻ, chứ không phải là một áp lực, gánh nặng.”

Theo Mẹ yêu bé

From the same category