“About Time” và nghịch lý của sự lựa chọn - Tạp chí Đẹp

“About Time” và nghịch lý của sự lựa chọn

Review

Ngược thời gian vì tình yêu

Không chỉ là một bộ phim tâm lý, tình cảm, “About Time” còn mang yếu tố hài hước, viễn tưởng. Đây là một trong những tác phẩm điện ảnh đáng xem nhất của mùa thu năm nay. Với riêng những ai yêu phong cách của đạo diễn kiêm biên kịch Richard Curtis, đến với bộ phim này giống như được gặp lại “người quen”.

Với nhiều người, bên cạnh “Notting Hill” (Ngọn đồi Notting), “Four Weddings and 0ne Funeral” (Bốn đám cưới và một đám ma), Bridget Jones’s Diary (Nhật ký tiểu thư Jones)… thì “Love Actually” (Yêu thực sự) thực sự là một tác phẩm điện ảnh sáng tạo, đầy cảm hứng về tình yêu, tình bạn, thuộc dạng “phải xem” (must-see).

Poster của “About Time” 

Bây giờ, với “About Time”, khán giả vẫn nhận ra phong cách phim “kiểu Curtis” qua câu chuyện tình đẹp, góc quay duy mỹ, tình huống hài hước, trang phục quyến rũ, nhạc phim lãng mạn… Nhưng tất nhiên, một đạo diễn sáng tạo, trung thành với dòng phim tâm lý, tình cảm biết cách để “mỗi lần đến lại đem theo bí mật”.

Lần này, chuyện phim xoay quanh một cặp đôi đến với nhau theo cách rất lãng mạn; trong đó, nhân vật nam tên Tim (Domhnall Gleeson) có khả năng du hành về quá khứ. Năng lực đặc biệt này, dẫu có một số giới hạn nhưng cũng đủ giúp Tim thay đổi những sự kiện gắn với đời mình, và có được tình yêu.
Chuyên mục “Điện ảnh thứ Năm” của mục Giải trí, Đẹp Online sẽ gửi tới bạn đọc các bài bình luận phim vào mỗi thứ Năm hàng tuần. Chuyên mục rất mong nhận được bài vở đóng góp của độc giả. Hãy gửi bài viết và hình ảnh bạn có cho mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Một đêm trước bữa tiệc đón năm mới, Tim được cha (Bill Nighy) cho hay: anh, cũng như những thành viên nam khác trong gia đình, có thể thay đổi những điều đang và đã xảy ra trong cuộc sống của mình. Bất ngờ đó càng khiến chàng trai, vốn mang mơ ước được đóng góp phần mình cho cuộc sống tốt đẹp hơn, thêm phấn khích. Anh rời thành phố quê nhà bên bờ biển Cornwall để tới London, làm luật sư tập sự. Bên cạnh lý tưởng bảo vệ lẽ công bằng, lẽ phải, sự thật thì có một việc khác anh cần làm để cuộc sống ý nghĩa hơn, đó là… tìm cho mình một cô bạn gái.

Những tình huống vừa rất thực vừa như những cơn mơ liên tiếp diễn ra với Tim và tình yêu của mình – cô gái xinh đẹp, duyên dáng tên Mary (Rachel McAdam). Khi Tim và Mary gặp, rồi đến với nhau thì cũng là lúc khán giả đã có thể thực sự “nhập” vào câu chuyện, hỉ hả cười, đăm chiêu nghĩ suy với những diễn biến tiếp nối đến với họ.

 

Clip ca khúc “How long will I love you?” (Anh sẽ yêu em bao lâu?) trong phim

Sở dĩ người xem dễ dàng có sự đồng cảm, bởi câu chuyện của Tim, cho dù gắn với năng lực kỳ lạ, thì vẫn không xa lạ. Cha Tim cũng có khả năng như anh, nhưng ông không có vẻ gì bất thường; hơn thế, còn là người đàn ông giản dị, tận tụy với gia đình, con cái, biết trân trọng những niềm vui tưởng chừng bé nhỏ trong cuộc sống.

Ngay những phút đầu, “About Time” đã mang đến không khí của một gia đình hạnh phúc, với nhiều tiếng cười, niềm vui. Bộ phim diễn ra trong không gian sống lý tưởng: một ngôi nhà kiểu cổ, hướng ra bờ biển, xuyên qua ô cửa sổ có thể thấy bờ biển ngập tràn ánh sáng. Ngôi nhà mang tính ẩn dụ là nơi Tim ra đi và cũng là nơi Tim quay trở lại. Ở đó chứng kiến những biến thiên của cuộc đời mỗi người. Cho dẫu những thành viên như Tim có chút “khác thường” thì đó vẫn là chốn đi về, là nơi lưu giữ bao chuyện đổi thay, còn – mất như bao ngôi nhà khác.

Hành trình của Tim ở “About Time” là hành trình của cuộc đời một người bình thường đi tìm kiếm lẽ phải, niềm tin, tình yêu cuộc sống, tình bạn, tình anh em, hạnh phúc gia đình… – những giá trị bất biến, quan trọng với bất cứ ai. Và bởi cuộc sống có cả niềm vui và nỗi đau nên Tim có thực sự cần đến khả năng du hành về quá khứ?

Khi “quyền chọn” nối dài

Tác phẩm điện ảnh mới nhất của đạo diễn Richard Curtis không biết vô tình hay chủ ý chạm đến vấn đề về “quyền chọn”, hay nói cách khác là nhu cầu lựa chọn, tìm kiếm sự hoàn hảo của con người.

Xem “About Time”, khi nhân vật Tim có khả năng du hành ngược thời gian để thực thi lại những hành động, lời nói không đem đến kết quả như ý muốn, chợt nhớ đến những điều tương đồng được bàn trong cuốn sách “Nghịch lý của sự lựa chọn” (“Paradox of choice”, tác giả: Barry Schwartz).

Cặp đôi diễn viên Domhnall Gleeson và Rachel McAdam

Tim tha hồ được quyết định, thực thi, lựa chọn lại những gì đã diễn ra mà không hề… mất phí. Khi ngỡ đã vuột mất Mary, người mang đến “tiếng sét ái tình”, Tim chỉ cần chui vào cánh cửa tủ, về thời điểm hai người gặp gỡ để… sửa sai. Khi ông chủ nhà Tim ở, nhà biên kịch luôn khát khao viết được vở kịch khiến tất cả công chúng đều phải choáng ngợp, gặp sự cố với anh diễn viên quên lời trên sân khấu; Tim đã quay về quá khứ để… nhắc thoại.

Không ít những điều trớ trêu, hài hước đã diễn quanh những chuyến du hành đó. Và vì không phải lần chọn lại nào cũng tốt đẹp nên có những khi Tim phải đưa ra rất nhiều sự lựa chọn khác nhau, ví như hôm cưới, anh phải thay rất nhiều phù rể.

Cách đặt vấn đề trong “Nghịch lý của sự lựa chọn” tương tự như thế, cho dù cuốn sách khác bộ phim ở chỗ xét đến sự “nghịch lý” chủ yếu ở chuyện mua sắm, tiêu dùng, kiếm tìm cơ hội.

Ở “About Time”, Tim là đại diện cho con người tri túc (satisfier), hầu như “biết đủ là đủ”. Nhưng cũng có đôi khi anh là người cầu toàn nên không hài lòng với những gì diễn ra và phải liên tục… chui vào tủ. Nên nhớ, ngoài Mary, Tim từng “say nắng” một cô gái khác và họ đã tình cờ gặp lại…

Con người chúng ta cũng như Tim (hay ngược lại?), sẽ không bao giờ phớt lờ những lựa chọn. Người ta luôn tự nhủ “đi thêm một cửa hàng nữa xem”, hay “xem thử một cuốn catalogue nữa” và nếu có thể “đi hết các cửa hàng hay xem tất cả các loại catalogue” thì chắc chúng ta cũng làm!

Trong thời bùng nổ thông tin và sản phẩm tiêu dùng như ngày hôm nay, càng ngày càng có nhiều sự lựa chọn bao vây con người. Mỗi người, cho dù có khả năng tập trung vào những gì mình muốn, nhưng mỗi cái “muốn” khác nhau sẽ dẫn tới vô số lựa chọn mới. Người ta khó có thể thoải mái tận hưởng những thành quả, nhất là khi so sánh với người khác, do vậy, họ cũng dễ dẫn đến trạng thái, nhu cầu tìm kiếm những cơ hội tốt hơn. Chúng ta sẽ bực mình nếu bị ai đó lấy đi quyền tự do lựa chọn; nhưng càng có nhiều quyền chọn, chúng ta lại càng dễ trở nên mông lung trong việc xác định chính xác, đúng đắn mục tiêu của mình…

Cảnh đám cưới của Tim và Mary

Trong “About Time”, Tim cũng phải trả “học phí”, chịu những hậu quả khác nhau khi “xoay” sự việc sang chiều hướng khác. Nhiều thứ vì thế có thể rối tung lên và chưa chắc việc chọn lại đã tốt hơn những gì vốn dĩ xảy đến.

Bởi thế, có phải chăng bộ phim, hay cuốn sách muốn nói với ta rằng: khi mọi “chi phí” về thời gian, tiền bạc và công sức được tính đến thì “tri túc” chính là “cầu toàn”. Nếu xem xét hết mọi nhân tố thì điều tốt nhất con người có thể làm là hài lòng với những gì tốt nhất một cách chừng mực, trong hiện tại.

Suy cho cùng, những gì tạo nên cuộc sống có lẽ không cần tới bất kỳ chuyến du hành ngược chiều thời gian theo ý muốn chủ quan nào.

Bài: Bùi Dũng
Ảnh: MSD

Thực hiện: depweb

25/09/2013, 19:21