A fashionable life - Tạp chí Đẹp

A fashionable life

Sống
Một không gian tĩnh lặng được cây xanh bao quanh, ao nước nối thông với các kênh lạch tự nhiên, thấp thoáng mái ngói rêu phong của những ngôi nhà cổ kính, đó là hình ảnh đầu tiên chúng tôi quan sát được khi bước vào không gian của nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Đón chúng tôi với nụ cười hiền hậu, Sĩ Hoàng nói đây chính là không gian thanh tịnh của anh, tránh khỏi công việc của một nhà thiết kế bận rộn ở Sài Gòn.

Nhà vườn Long Thuận ở quận 9, TP. HCM, do Sĩ Hoàng dựng lên là một quần thể với nhiều ngôi nhà có kiến trúc khác nhau nhưng có chung hơi thở thuần Việt. Nhìn mộc mạc, cổ kính và giản dị như vậy, nhưng ai cũng có thể cảm thấy được sự dụng công và tinh tế của chủ nhân với cơ ngơi của mình.

Sự bình yên của vạn vật

Sĩ Hoàng mời chúng tôi tạm nghỉ tại một cái đình nổi trên mặt nước, được anh đặt tên là Vọng Nguyệt Trà. Ngồi ở đây, khách có thể tận hưởng làn gió mát thổi từ phía cánh đồng phía xa xa, ngắm nhìn đàn cá đủ màu sắc bơi lội dưới ao. Khi ông chủ của cơ ngơi tung thức ăn xuống, các chú cá xôn xao ùa tới như một bầy trẻ con.

 

Chúng tôi ồ lên lên kinh ngạc khi thấy có những chú cá to đến lạ lùng. Sĩ Hoàng cười nói: “Cá ở đây cũng sướng lắm, chẳng bị ai ăn thịt bao giờ, cứ thế mà lớn thôi”. Mà chẳng riêng gì cá, ngay cả những con gà tre lông sặc sỡ đang thong thả dạo bước trên các thảm cỏ cũng được anh nuôi cho vui chứ không phải để làm thức ăn. Sự yên bình khiến những con vật cũng trở nên thư thái và không biết sợ là gì. Chốc chốc, bầy gà lại nghiêng đầu nghe ngóng khi một vài chú chó Phú Quốc lon ton chạy qua. Nhìn ra góc khác, chúng tôi chợt thấy những chú mèo lông vàng, lòng trắng đang lim dim sưởi nắng. Thật khó tìm được nơi nào mà tất cả các vật nuôi lại hạnh phúc như ở đây.

Tuy nhiên, không có gì là lạ khi biết Sĩ Hoàng theo Phật giáo nguyên thủy. Anh thường xuyên ăn chay và ý thức được việc tập thiền từ khi 16 tuổi. Trong câu chuyện khi dẫn chúng tôi đi tham quan, anh nói: “Quyết định xây nhà vườn Long Thuận là tôi đã biết mình muốn gì, muốn phục vụ mục đích gì. Đây là không gian tĩnh lặng, gần gụi với thiên nhiên, để lánh mình khỏi ồn ả thị phi, là nơi mình tu tâm thiền định hàng ngày, dù quá trình xây dựng kéo dài đến 8 năm tôi cũng không vì thế mà thay đổi.

Tiếp tục với câu chuyện thiền, anh chia sẻ: “Tôi dành một giờ vào buổi sáng cho việc thiền, nhưng thiền với tôi đơn giản lắm, thiền trong từng bước chân đi, suy nghĩ những việc tốt, chú ý giữ mình trước việc xấu. Ngay cả việc đi chậm và chú ý bước chân của mình để làm sao tránh sát sinh cũng là thiền rồi”.

Phải mất gần một giờ, chủ nhân mới đưa chúng tôi đi tham quan hết các khu vực chính của nhà vườn Long Thuận. Quay trở lại Vọng Nguyệt Trà để thưởng thức ly trà tươi xanh mát, ngắm ánh nắng chiều vàng rực đang ánh lên sau dãy tre vàng. Sĩ Hoàng chậm rãi kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm khó quên của anh trong quá trình dựng nhà.

Mắt nhìn xa hơn bước chân đi

Toàn bộ khu nhà vườn này do chính tay anh thiết kế và theo dõi, giám sát thi công. Anh dùng tư duy của họa sĩ vẽ một bức tranh để cân nhắc bố cục chứ không hẳn là tư duy của một kiến trúc sư trước bản vẽ xây dựng. Khu nhà cho đến nay đã hoàn thiện được 70% so với những gì anh đã vẽ ra trong bức tranh.

 

Tiêu chí quy hoạch một dinh cơ rộng tới 2 hecta của Sĩ Hoàng là. “Mắt nhìn xa hơn bước chân đi. Dù ngồi ở đâu trong khu vườn này, người ta cũng có thể nhìn thấy toàn cảnh mà không bị che khuất bởi cái gì hết”. Trong quan điểm của anh, quy hoạch như vậy sẽ tận dụng được tối đa yếu tố thiên nhiên ở đây, nắng và gió tràn ngập không gian, người đến có thể cảm nhận được tiếng thở của gỗ, nghe tiếng mưa trên mái nhà, nhìn thấy hoa lá tràn cả vào nhà…

Các gian nhà cổ ở đây đều được anh cất công tìm kiếm và vận chuyển nguyên cả ngôi nhà từ Quảng Nam vào rồi lắp đặt lại. Các kèo, cột đều là loại gỗ căm xe có giá trị sử dụng lâu năm trong mọi điều kiện môi trường. Mái ngói được lợp thành 9 lớp theo đúng kiểu lợp truyền thống và 70 năm sau mới cần thay mới.

Anh nói mình cũng là người có cơ duyên. Khi bắt đầu xây dựng khu vườn, anh đã có ý định dựng lại các gian nhà cổ ở đây nhưng chưa biết thực hiện như thế nào và bắt đầu từ đâu. Đúng lúc đó miền Trung gặp lũ lụt. Ở Quảng Nam khi đó có rất nhiều nhà cổ bị hư hại không sử dụng được. Vừa hết lũ, anh tìm ra tận nơi để mua lại và đưa các ngôi nhà ấy về Sài Gòn để chúng được tiếp tục sống cùng thời gian.

Đối diện với Vọng Nguyệt Trà là một ngôi nhà cổ như vậy. Anh dùng ngôi nhà làm nơi thờ tự tổ tiên và khéo léo lắp đặt phía trước một sân khấu nổi. Sĩ hoàng khoe diễn viên múa Linh Nga từng biểu diễn trên chính sân khấu đó. Khi không dùng tới, anh cho sân khấu chìm xuống nước để giữ gỗ được bền. Đó là những việc làm nho nhỏ của một người quan tâm và am hiểu về gỗ.

 

Khi thấy chúng tôi hân hoan chuyền tay nhau những bông hoa đại thơm dìu dịu rụng bên ngôi nhà cổ, Sĩ Hoàng lại vui vẻ kể thêm một kỉ niệm về chúng. Có một lần anh chợt thấy hai người làm việc quét dọn cho nhà vườn gom những bông hoa ấy lại, thay vì đốt bỏ chúng, họ lại tỉ mẩn ngồi xếp chúng thành hình trái tim, mê mải ngắm nhìn và tỏ ra rất vui vẻ khi nhận ra anh đang quan sát mình.

Anh nói: “Đừng tưởng những người lao động chân tay không có sự lãng mạn. Chỉ cần cho họ thời gian và không gian thôi. Cuộc sống luôn cho ta cơ hội để nhìn thấy những niềm vui như vậy”.

Cả buổi chiều dạo quanh khu nhà vườn xanh mát của anh trong tiếng nhạc thiền êm ái, chúng tôi chằng còn muốn rời đi. Khi cả ê-kíp đã lên xe ra về, Sĩ Hoàng còn dặn thêm: “Ở cái đầm trước mặt đây có nhiều sen lắm, tiếc là giờ sen chưa nở. Bao giờ sen nở, mọi người lại ghé xuống đây chơi nhé”. Liệu có lời mời nào hấp dẫn hơn thế nữa không?.

Theo Đăng Ninh

Bazaar

Thực hiện: depweb

30/06/2012, 11:32