Việc hợp tác giữa các tập đoàn lớn và NTK không phải là điều quá mới mẻ. Đơn cử như hãng xe hơi Mercedes Benz và hãng mỹ phẩm M.A.C là nhà bảo trợ chính Tuần lễ Thời trang New York hơn một thập niên vừa qua; hay mới đây nhất hãng tai nghe Dre Beats và Tập đoàn Samsung hợp tác với NTK Alexander Wang cho ra đời những mẫu tai nghe và điện thoại.
Hoặc như, sự xuất hiện của các mẫu thiết kế lấy cảm hứng từ các set menu fast-food của McDonald’s trong BST Thu Đông 2014/2015 của Moschino cùng sự lên ngôi của xu hướng “Logo Mania” cho thấy chiến lược marketing khôn ngoan của các công ty khi bắt tay với NTK để tối đa hóa hiệu quả quảng bá thương hiệu.
Trong Tuần lễ Thời trang New York, logo Mercedes Benz xuất hiện ở vị trí phông nền tại hầu hết các show diễn. Trong khi đó, M.A.C là đơn vị bảo trợ trang điểm cho những show diễn đình đám
Xét về phương diện hình ảnh thì đây thực sự là bước đi khôn ngoan khi các NTK có thể quảng bá rộng rãi tên tuổi của mình trong khi các tập đoàn lớn hưởng lợi từ việc nâng tầm hình ảnh thương hiệu. Tuy nhiên, hạn chế của xu hướng này là tính ngắn hạn của hiệu ứng truyền thông trung bình chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.
Sự ra mắt của dòng sản phẩm hợp tác giữa các công ty và NTK thường chỉ thu hút giới truyền thông trong một thời gian nhất định và nhanh chóng“hạ nhiệt”
Chính vì lí do này, việc “bắt tay” giữa các nhà marketing và NTK được cho là cú hích hiệu quả về mặt truyền thông quảng bá. Đối với các tập đoàn lớn, sàn catwalk chính là “tấm pano” hiệu quả giúp truyền bá rộng rãi hình ảnh sản phẩm tới khách hàng, đó là chưa kể đến hiệu ứng “Viral Effect” (hiệu ứng lan truyền của một chiến dịch quảng bá).
Bản thân trình diễn catwalk được coi là phương thức nâng cao hình ảnh của thương hiệu nếu xét về khía cạnh marketing trong lĩnh vực thời trang
Trong Tuần lễ Thời trang New York, London, Milan và Paris Xuân Hè 2014 và Thu Đông 2014/2015 vừa qua, xu hướng “Logo Mania” (Xem thêm tại đây), ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh logo Coca-Cola trong BST của Marc Jacobs hay logo thương hiệu McDonald’s trong BST Moschino của NTK Jeremy Scott.
Sự xuất hiện của logo Coca-Cola và McDonald’s là kênh quảng bá lý tưởng và toàn diện trên truyền thông
Xuyên suốt và sau buổi trình diễn, khách mời và các nhiếp ảnh gia thời trang sẽ chia sẻ những bức hình trên các trang mạng xã hội, chưa kể việc đăng tải thông tin và hình ảnh BST trên báo chí suốt 4 tháng tương ứng với mùa mốt Xuân Hè (tháng 2 – tháng 6) hoặc Thu Đông (tháng 8 – 12).
Những bức hình runway được đăng tải trên báo và tạp chí trong một khoảng thời gian dài nhất định
Để tối đa hóa việc quảng bá, bộ phận PR và Marketing các thương hiệu thường tặng cho một số khách mời nhất định như các biên tập viên, nhà báo, blogger mẫu sản phẩm ngay sau show diễn kết thúc.
Giám đốc Sáng tạo Vogue Nhật, Anna Della Russo với vỏ case điện thoại lấy ý tưởng từ túi đựng khoai tây chiên của Moschino. Chỉ tính riêng trên kênh Instagram, Anna Della Russo hiện có 446,000 người theo dõi. Đó chưa kể hoạt động chia sẻ hình ảnh trên Facebook hoặc forum.
Giám đốc Sáng tạo Vogue Nhật, Anna Della Russo trong trang phục của nhà mốt Moschino xuất hiện với tần suất dày đặc tại thời điểm trình diễn BST Moschino Xuân Hè 2014
Mặc dù chi phí các công ty phải chi trả cho các NTK quảng bá sản phẩm không được tiết lộ những chắc chắn đây không phải là một con số nhỏ. Cũng có trường hợp chính bản thân sản phẩm là nguồn cảm hứng trùng với ý tưởng thiết kế chủ đạo của NTK và do vậy hoàn toàn miễn phí.
Những BST được trình diễn trên sàn catwalk cũng là kênh truyền bá thông tin hiệu quả đối với các tổ chức phi chính phủ. Một ví dụ điển hình chính là sự hợp tác giữa nhà mốt Kenzo và Tổ chức Đại dương xanh thông qua những mẫu thiết kế Xuân Hè 2014 kêu gọi bảo vệ đại dương.
Câu khẩu hiệu “No Fish, No Nothing” (Không còn cá, không còn gì) của Tổ chức Đại dương xanh được sử dụng trên những mẫu áo sweater được chia sẻ và nhận được ý kiến phản hồi tính cực trên mạng
Chính vì lý do này mà chương trình thường niên tại Anh Quốc “Children In Need” do đài BBC tổ chức thường mời các NTK tham gia thiết kế chú gấu bịt mắt một bên. Doanh thu bán hàng những mẫu thiết kế này sẽ gây quỹ nhằm giúp đỡ những trẻ em cần sự giúp đỡ. Kể từ năm 1980, chương trình này đã thu về khoảng 600 triệu Bảng Anh.
Những NTK đình đám từng cộng tác với dự án “Children In Need” bao gồm Victoria Beckham, Gucci, Paul Smith, Balenciaga, Versace, Vivienne Westwood hay Loewe
Bài: Thanhhuysing
Ảnh: Burberry, GoRunway.com, Vogue
“White on white”: mặc sao cho đẹp?