Hermès : Độc nhất vô nhị

>> Một huyền thoại “sống”

Với Hermès, sự ra đời của mỗi chiếc túi được quyết định trước nhất bởi chất lượng của chất liệu cao cấp được lựa chọn cẩn thận. Sau đó là tay nghề của người thợ thủ công và những chi tiết đòi hỏi sự chuẩn xác theo tiêu chí của Hermès.

Câu chuyện về chiếc túi Hermès là những chuỗi hoạt động được ghép lại thành một đoạn phim ngắn mà đôi tay là diễn viên chính, đôi mắt là người chỉ đạo và trái tim là người dẫn dắt. Tất cả làm nên sự hoàn mỹ và mang đến linh hồn cho sản phẩm là những chiếc túi. Mỗi chiếc túi được làm bởi một người thợ (chỉ làm được nhiều nhất là 2 chiếc/tuần), từ đầu tới cuối. Và mỗi chiếc túi là độc nhất.

Hermès Birkin, người đồng hành hoàn hảo

Túi Birkin mang đầy đủ trong “gene” những giá trị đích thực của nhà Hermès: chất liệu da cao cấp, vẻ sang trọng bất biến, sự bền chắc, và sự xa xỉ ẩn mình trong những chi tiết tinh xảo.

Cũng giống như Kelly, chiếc túi Birkin tiếp bước trở thành một siêu sao tỏa sáng bên cạnh những ngôi sao lớn trên thế giới với thiết kế nổi bật và sức hút khó cưỡng lại. Trong show truyền hình nổi tiếng “Sex and the city”, dường như chiếc túi Birkin là “người tình” duy nhất mà cả 4 quý cô trong phim chung thủy dành trọn tình yêu trước sau như một.

Túi Birkin được ra đời vào năm 1984, được thiết kế riêng cho nữ diễn viên Jane Birkin. Khi chiếc túi xách cũ kỹ của mình đã quá tàn tạ, Jane Birkin phàn nàn với Jean-Louis Dumas khi cả hai ngồi cạnh nhau trên một chuyến bay rằng cô không thể tìm một chiếc túi nào phù hợp với mình. Ông Dumas đã đề nghị sẽ thiết kế một chiếc túi dành riêng cho cô, có thể chứa được “cả ngôi nhà của cô” mà vẫn thật sành điệu để cô có thể hãnh diện khi sử dụng.

Chiếc túi Birkin có phần nào hơi giống “người họ hàng” Kelly với phần quai ở miệng túi, nhưng thể hiện tinh thần thoải mái hơn, rất tiện dụng với hai quai xách. Giống như cách Jane đeo túi, túi Birkin hiện nay thường được sử dụng với phần miệng túi để mở, nắp túi nằm gọn ghẽ trong miệng túi. Phụ nữ thường thích túi cỡ lớn (40 cm), nhiều màu sắc với da bò Fjord, da bê Togo, da bò tự nhiên, da đà điểu và da cá sấu. Tùy thuộc vào mỗi loại chất liệu và kích cỡ, thông thường mất khoảng 18-25 tiếng đồng hồ để thực hiện.

Chiếc túi thường sánh vai cùng những ngôi sao điện ảnh hoặc siêu mẫu thành đạt, tùy biến với những dấu ấn cá nhân của mỗi người, có thể là một chiếc “bag charm” (đồ cài túi) hoặc là một chiếc khăn lụa Hermès được thắt nơ,… Đó là cách họ thể hiện tình cảm của mình dành cho “người bạn đồng hành” Birkin. Jane Birkin đã từng dán lên túi của mình rất nhiều những tấm “sticker” gợi đến hình ảnh một chiếc túi du lịch với những tấm decal tượng trưng cho mỗi nơi đi qua.

Chiếc túi Birkin đầu tiên của Jane Birkin đã được bán đấu giá gây quỹ ủng hộ cho nạn nhân trong một trận động đất tại Đài Loan. Siêu mẫu Linda Evangelista đã rất bất ngờ khi nhìn thấy chiếc túi Birkin màu trắng của mình với những hình vẽ graffiti độc đáo của Jean Paul Gaultier trong buổi ra mắt bộ sưu tập ready-to-wear đầu tiên Gaultier thực hiện cho Hermès vào năm 2004.

24 giờ đầu tiên của một chiếc túi

Tấm da đã được lựa chọn được bày trên bàn cắt của người thợ, mỗi người thợ trung bình cắt được khoảng 5-6 chiếc túi mỗi ngày. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, người thợ đã phải hình dung ra được phần nào của miếng da sẽ được sử dụng để cắt túi. Phải xem thật kỹ từng đường vân trên da để chọn ra được những phần hoàn hảo không tì vết. Những chiếc dao cắt của người thợ là những dụng cụ cực kỳ quan trọng, phải đạt độ chuẩn xác hoàn hảo để những đường cắt, khoét, tạo hình được hoàn hảo.


Thông thường, những mẫu túi thông dụng sẽ có những tấm khuôn cắt theo nhiều kích cỡ cho từng loại da (tùy theo độ đàn hồi và độ cứng của da). Để sản xuất được một chiếc túi có thể “ngốn” tới một tấm da bê hay 1,7 mét vuông da. Tuy nhiên lượng da sử dụng để làm túi còn phụ thuộc vào loại da sử dụng. Ví dụ như da cá sấu sẽ tốn nhiều bởi người thợ sẽ chỉ sử dụng phần da ở bụng của cá sấu, sau đó da được làm ẩm, căng rộng và làm khô. Da đà điểu được lựa chọn theo những nang lông, còn da thằn lằn thì có thể lên tới 4 hoặc 5 tấm da không tính phần đầu và đuôi (phần này không sử dụng được).

Giống như một đầu bếp trong căn bếp của mình, người thợ làm túi tập hợp lại những dụng cụ, vật liệu cần thiết để làm túi (da, miếng lót, miếng bọc, khóa túi, khuôn cắt, đinh tán,…). Trên tấm da có những phần cần được cắt mỏng như phần viền để dễ gấp lại hơn và một vài phần cần được “tách bớt” để đạt được sự đồng đều. Người thợ thực hiện các thao tác bằng tay với một lưỡi dao và máy cắt để quá trình gọt bớt phần viền được chuẩn xác hơn. Sau đó, người thợ sẽ đánh dấu những phần ghép trên túi để chuyển sang công đoạn ghép nối các phần của túi.

Công đoạn ghép và kết nối viền túi của Hermès yêu cầu kỹ năng, tay nghề cao của người thợ thuộc da và thợ làm yên cương. Với chiếc túi Kelly, sẽ có khoảng 40 phần cần được ghép lại một cách khéo léo để hoàn thiện chiếc túi. Công đoạn này đòi hỏi tay nghề tinh hoa của người thợ với đôi bàn tay điêu luyện. Chiếc túi thành hình khi người thợ ghép những phần thân túi, mặt trước và mặt sau, với những miếng đệm liên kết các mặt. Nhưng điểm nối liên kết giữa các phần của túi (được đánh bóng và nhuộm màu) phải đảm bảo màu sắc nhất quán với màu túi, đồng thời không có kẽ hở nào tại điểm nối. Tiếp đó, phần khóa túi được đính vào túi, quá trình này được coi như “thương hiệu” của tay nghề thủ công siêu đẳng.

Giai đoạn cuối đó là quá trình hoàn thiện túi từ trong ra ngoài. Những đường khâu tay phải thật tinh tế, ẩn mình khéo léo và hoàn hảo. Những mép da bên trong túi được mài tròn, làm mềm, nhuộm màu và bọc sáp như những mép da bên ngoài. Khi hoàn thiện xong, túi sẽ được lộn phải trở lại. Nghe thì có vẻ dễ nhưng quá trình này luôn đòi hỏi sự cẩn trọng trong từng cử động, mọi thứ được thực hiện theo trình tự từng bước một tránh để lại những vết tích không đáng có trên chiếc túi thành phẩm. Sau đó, người thợ sẽ chỉnh lại form của túi, thực hiện những bước hoàn thiện túi.

Những đường khâu thủ công chuẩn xác của người thợ

Cuối cùng, người thợ sẽ đóng dấu logo Hermès Paris (màu bạc hoặc vàng, phụ thuộc vào màu của những chi tiết kim loại), ngày hoàn thiện và “ký tên”. Rất nhiều bài báo đã nói về những mã số xưởng artelier của Hermès để ta có thể dựa vào đó biết được thợ làm túi là ai, năm sản xuất túi và xưởng làm túi. Túi hoàn thiện xong sẽ được kiểm định bởi bộ phận giám sát và sau đấy nằm gọn ghẽ trong chiếc hộp màu cam, chờ được lựa chọn để đồng hành.

Mọi thao tác đều thể hiện trình độ bậc thầy của những
người thợ tại xưởng làm túi của Hermès

Câu chuyện túi xách

Những chiếc túi xách vẫn luôn là “nguồn thu” chính của bất kỳ thương hiệu xa xỉ nào trên thế giới. Sức cuốn hút của những chiếc túi là không thể lý giải khi mà mỗi phụ nữ luôn phấn đấu để sở hữu ít nhất một chiếc túi hàng hiệu. Và điều kỳ lạ hơn, khi đã có một họ sẽ muốn có hai, và nhiều hơn nữa.

Đó là biểu hiện về giá trị bề nổi của những chiếc túi xách hàng hiệu. Fashion Stories lần này giới thiệu đến những câu chuyện sâu xa hơn về sự ra đời của những chiếc túi của một số thương hiệu nổi tiếng. Đó là những câu chuyện về mối quan hệ giữa chiếc túi và thương hiệu, giữa chiếc túi và người thợ làm túi.

Hy vọng sẽ phần nào giải những thắc mắc thường trực của mọi người về những chiếc túi “siêu sao” này.

Câu chuyện về túi xách gồm:

1. Hermès: Độc nhất vô nhị

2. Một huyền thoại “sống”

3. Niềm tự hào và biểu tượng phong cách


Bài: Tuấn Anh   

From the same category