Thông tin về BST hợp tác giữa Alexander Wang và hãng thời trang giá rẻ H&M được phát đi một cách rất hoành tráng theo “mốt” mới nhất: trên mạng xã hội Instagram. Có thể nói rằng, sự ồn ào này hoàn toàn tương xứng với danh tiếng của một trong những NTK trẻ, “cool” và thành công nhất của thời trang thế giới hiện nay.
Tuy vậy, thời điểm công bố việc hợp tác giữa Alexander Wang và H&M rơi vào giữa tháng 4, chỉ khoảng gần 2 tuần trước ngày kỷ niệm một năm tai họa sập nhà máy may gia công thời trang giá rẻ ở Bangladesh làm hơn một ngàn công nhân thiệt mạng và hơn hai ngàn người bị thương. Thảm họa này đã làm dấy lên làn sóng tẩy chay một số thương hiệu thời trang đại chúng gia công trang phục tại Bangladesh, cũng như làm rõ hơn cái giá phải trả để thực hiện ý tưởng nghe rất êm ái rằng “ai cũng có thể ăn mặc hợp thời trang”, thực chất là sự cổ súy cho tiêu dùng (và từ “ai” cũng chỉ giới hạn đến người tiêu dùng sống tại các xã hội sung túc, đối tượng kinh doanh của các thương hiệu thời trang giá rẻ).
Có lẽ vì thế, cảm giác rằng phản ứng của cư dân mạng thời trang, nhất là tại những trang web “ngoài dòng chính” cho sự kiện này phần lớn là các ý kiến hoài nghi về dự án, cũng như chỉ trích mô hình kinh doanh của “fast fashion” (mô hình sản xuất thời trang quay vòng nhanh).
Bên trong cửa hàng H&M tại New Orleans, Mỹ
Câu hỏi được các fashionista (“tín đồ” thời trang) đặt ra mỗi khi một NTK nào đó liên kết với một thương hiệu thời trang giá rẻ thường là: sản phẩm nào trong phong cách của NTK đáp ứng được thách thức sản xuất đại trà với giá thành tối thiểu, đồng thời vẫn phù hợp với số lượng lớn khách hàng toàn cầu? Tất nhiên, việc Alexander Wang là NTK thành công là điều không cần phải bàn cãi. Nếu so sánh giữa các NTK “cool” với nhau – ví dụ Marc Jacobs chẳng hạn, chúng ta có thể thấy rằng khi Marc Jacobs trở thành NTK thời trang cho Louis Vuitton, thương hiệu riêng của anh vẫn còn trong trứng nước. Ngược lại, thương hiệu của Alexander Wang – NTK hiện nay của Balenciaga – đã hiện diện tại những boutique thời trang có tiếng trên khắp thế giới. Đồng thời BST “dòng thứ” “T by Alexander Wang” cũng được giới trẻ sành điệu ở thành thị đặc biệt hâm mộ. Tuy vậy, khó mà so sánh anh với các NTK đã từng hợp tác với H&M trước đây, từ Karl Lagerfeld, người mang lại cho H&M danh tiếng của sự siêu sang trọng, đến “siêu thử nghiệm” Maison Martin Margiela, hay Marni nổi tiếng với phong cách bohemian.
Đó là các NTK tạo cho mình những dấu ấn đặc biệt không dễ dàng “tái bản” trong thời trang giá rẻ, làm nên sự hấp dẫn của mối liên kết thời trang đồ hiệu với thương hiệu đại trà. Tôi nghĩ có một điểm chung giữa H&M và Balenciaga trong việc vì sao họ quyết định cộng tác với NTK trẻ Alexander Wang. Đó là bởi họ thấy ở anh khả năng nhạy bén nắm bắt xu hướng phát triển của thời trang, tài năng trong việc tổ chức và phát triển thương hiệu – được coi là những yếu tố quan trọng hơn một quan điểm độc đáo nào đó về vẻ đẹp, hay khả năng cắt, dựng, may đo trang phục. Tóm lại, ngờ rằng sự hợp tác này chỉ đơn thuần là bắt tay kinh doanh kiếm lời.
Từ trái qua: nữ rapper Lggy Azelia, NTK Alexander Wang và ca sĩ Fergie – Diễn viên Kate Bosworth và NTK Alexander Wang (phải)
Thú thật là tôi không ủng hộ lắm những vụ làm ăn kiểu này – chẳng phải đã có quá nhiều những thứ đẹp đẽ, hợp thời trang đang tràn ngập trên thị trường và xếp đầy tủ quần áo của mọi người? Chẳng phải có những món đồ mua về mà mới được diện một hai lần, hoặc thậm chí vẫn đang chờ được “bóc tem”? Lý do liên quan đến “fast” (nhanh) nhiều hơn là “fashion” (thời trang). Trước đây tôi đã rất phấn khích khi nghe tin Comme des Garcons hợp tác với H&M – cuối cùng thì những kẻ mê thời trang thử nghiệm như tôi cũng có thể mua được vài thứ của thời trang thử nghiệm. Đó là lúc phần lớn mọi người vẫn còn mê mệt với ý tưởng “thời trang dân chủ”, “phong cách hợp thời cho tất cả mọi người”. Phổ biến thời trang thử nghiệm cũng là những “giá trị thặng dư” chứng tỏ ưu điểm của các dự án kiểu này.
Tuy vậy, các “tín đồ” thời trang vẫn hơi lo lắng, bên cạnh việc làm sao có thể sở hữu được những thiết kế họ từng mơ ước, còn là việc liệu sự hợp tác giữa những NTK tiên phong và thời trang đại trà có làm tổn hại đến chính các NTK đó hay không? Đây không hẳn là những toan tính lạ lùng – khi những người hâm mộ còn cố ôm thêm trách nhiệm bảo hộ cho thương hiệu mà họ tôn sùng, hay bảo vệ cho ngành công nghiệp có thừa tiền bạc, các chuyên gia và sức thuyết phục để tự bảo vệ mình. H&M – hẳn các bạn đã biết, là gã khổng lồ của thời trang với doanh thu hơn 20 tỷ USD và tỷ lệ lãi gộp gần 60%. Sâu thẳm trong lòng giới mộ điệu, chúng ta cũng không muốn ý tưởng “thời trang cho tất cả mọi người” trở thành hiện thực, khi người tiêu dùng nào cũng có thể sở hữu những món đồ sành điệu giống mình.
Một công nhân xấu số trong tai nạn thảm khốc tại nhà máy chuyên sản xuất đồ cho Gap và H&M ở Bangladesh hồi năm ngoái
Đối với tôi, khẩu hiệu có phần ngây thơ và lãng mạn “thời trang dân chủ” phá sản hoàn toàn khi Maison Martin Margiela và H&M công bố hợp tác cách đây gần 2 năm, lúc tôi biết nhiều hơn về chuyện “hậu trường” đằng sau mác thời trang giá rẻ. Đó là môi trường làm việc cận kề với nguy hiểm sức khỏe và tính mạng của công nhân tại các nước đang phát triển, đồng lương ít ỏi mà họ phải chấp nhận để nuôi sống gia đình. Trong trường hợp của H&M, mức lương tháng tối thiểu cho công nhân may gia công tại Bangladesh được nâng từ 38USD lên 68USD vào tháng 11 năm ngoái, so với yêu cầu 100USD của các tổ chức công đoàn địa phương.
Vấn đề không chỉ dừng lại ở nhân công rẻ mạt của các nước thế giới thứ ba. Những lời mời mua sắm không giới hạn và khả năng sản xuất siêu đẳng của công nghiệp thời trang (550 triệu trang phục gắn mác H&M xuất xưởng hàng năm) cũng đi đôi với tình trạng tiêu hủy tài nguyên và ô nhiễm môi trường sống. Và những điều này cũng hoàn toàn không xa lạ với nước ta – nơi sản xuất ra không chỉ những món đồ mặc nhanh hợp mốt được bán tại các nước phát triển. Các thương hiệu lớn như H&M và Zara (công ty Inditex) đã có một số dòng sản phẩm thân thiện hơn với môi trường, một phần là để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng khó tính, và một phần (không nhỏ) là do sức ép của dư luận.
MMM vốn là thương hiệu mốt từng được mến mộ không những bởi sự táo bạo trong thiết kế thời trang, mà còn vì quan điểm kinh doanh kháng cự lại xu hướng đặt tiêu dùng lên trên hết với phương châm “càng rẻ càng tốt” của kinh tế thị trường. Tuy vậy, cảm tình cho thương hiệu nay đã giảm đi khá nhiều. Điều đó được thể hiện qua bức graffiti cỡ lớn với từ “Love” (Tình yêu) trên mặt tiền cửa hàng MMM tại Bruselle cùng lời bình “Our misery, not yours” (Nỗi khốn khổ của chúng tôi, không phải của các anh) cách đây hơn một năm rưỡi của Kidult – nghệ sĩ graffiti đường phố nhiều tai tiếng với các chiến dịch bôi bẩn cửa hàng của các thương hiệu thời trang tên tuổi, không loại trừ Celine, Hermès, Chanel hay Marc Jacobs.
Đấy là một trong những ví dụ về phản ứng cực đoan từ phía công chúng. Nhưng cũng phải công nhận rằng sẽ rất thú vị để xem Alexander Wang, gì thì gì cũng là một đại diện của thế hệ các NTK mới, sẽ có gì hơn cho những-cái-tôi-mới-khác, ngoài cái tôi-thời-trang và tôi-người-tiêu-dùng, hai vai diễn mà ngành công nghiệp thời trang lúc nào cũng chỉ muốn nhìn thấy trong chúng ta.
Bài: Thành Lukasz
Thế giới: Đón xem tường thuật trực tiếp BST Burberry Nam Xuân Hè 2015