“Triệu người quen, có mấy người thân”
Đến nay tôi vẫn nhớ rõ ấn tượng của mình về cuộc thi hoa hậu áo dài đầu tiên được tổ chức tại Sài Gòn sau năm 1975 mang tên “Hoa hậu Áo dài”, khi ấy tôi chỉ là cô gái mười mấy tuổi. Nhiều người cùng thế hệ với tôi chắc chắn vẫn còn nhớ rất rõ về cô gái trẻ mang tên Kiều Khanh –Hoa hậu áo dài đầu tiên của Việt Nam sau 1975. Sự đăng quang của Kiều Khanh khi ấy đã tạo ra một quy chuẩn mới về vẻ đẹp, mang đến cái nhìn phóng khoáng, hiện đại về người phụ nữ. Đặc biệt, chị làm chúng tôi, lũ con gái nhỏ hả hê đắc thắng với việc một cô gái cắt tóc tém cũng có thể mặc áo dài rất đẹp và nghiễm nhiên chiếm hữu chiếc vương miện tối thượng kia.
Đáng nói, bản thân Kiều Khanh chỉ là chủ một tiệm làm tóc nhỏ ở Phú Nhuận, chị không phải sinh viên trường nào, càng chưa từng được đi du học như các cô gái thời nay. Ấy vậy mà sức ảnh hưởng Kiều Khanh tạo ra sau đăng quang đủ lớn đến mức lúc này tôi vẫn nhớ như in về chị. Tôi cũng dám quả quyết rằng, chị là hoa hậu đầu tiên ghi dấu ấn cá nhân đậm nét, đến tận bây giờ. Có lẽ bởi khi ấy, cô nàng tomboy tóc tém Nhật ấy, với nghề làm tóc và chiếc nơ to cao hứng kẹp sau đầu tạo thành một trào lưu ngộ nghĩnh, đại diện cho chúng tôi. Tôi gọi chị là sự-toàn-bích-gần-gũi, và tất thảy chúng tôi tung hô chị cùng vẻ duyên của “the-girl-next-door” ngày đăng quang.
Trác Thúy Miêu trong vai trò giám khảo của rất nhiều cuộc thi thời gian gần đây.
Có lẽ chị Kiều Khanh của chúng tôi ngày xưa bé nhỏ lắm, nhưng may mắn là hạt châu giản dị duy nhất trên đường đua nhan sắc đã dễ dàng khiến người ta ghi nhớ dài lâu và đậm đà đến vậy. Có những giai nhân mình mẩy phục sức đầy châu ngọc, oái oăm thay, sẽ chẳng có món tô điểm đắt tiền nào được lưu nhớ với lòng chân quý bền bỉ bằng hạt minh châu đơn sơ duy nhất ấy.
Còn bây giờ, các bạn trẻ cũng có những hoa hậu mới của họ. Những cô gái trẻ phước phận hơn người ấy cũng được yêu mến, nhưng hầu như bởi lí do ngược lại: họ trội bật về thước tấc, họ toàn mỹ một cách bất thường, và họ xa vời hẳn với đám đông phụ nữ hàng ngày diễu qua các ngã tư như một buổi dạ vũ miên man của áo chống nắng, váy chống lộ và khẩu trang chống bụi. Và chỉ bởi sự trội bật ấy, bởi phước phận hơn người ấy, bạn – những tân hoa khôi, đã hoàn toàn xứng đáng được tung hô chúc tụng.
Việt Nam những năm trở lại đây như một cô nàng được trang hoàng linh đình bởi la liệt các trận tỉ thí nhan sắc. Bây giờ, có lẽ chỉ có giới làm đẹp mới nhớ rõ tên và danh hiệu của từng hoa hậu. Việc ghi nhớ đó khó đến mức tôi cho rằng, nếu đưa câu hỏi về lịch sử hoa hậu Việt Nam cho thí sinh trong một cuộc thi nhan sắc, hay một kiểu gameshow “who’s who” về các hoa hậu tiền nhiệm, họ cũng sẽ khổ sở chẳng kém gì học trò đi thi môn sử. Phải nói, chiều dài lịch sử của những cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam chưa đáng bao nhiêu nhưng biến cố và nhân vật đã quá nhiều.
“Bức xúc không làm ta vô can”
Cái gì đã làm “giá trị” của danh xưng hoa hậu thay đổi theo thời gian? Câu trả lời của tôi là: “chúng ta” và “công xưởng sản xuất hoa hậu” đã khiến vương miện hoa hậu tại Việt Nam trở thành những chiếc mão gai được làm từ lon sữa bò.
Vậy “chúng ta” đã làm gì và “công xưởng” đã làm gì? “Công xưởng” tổ chức quá nhiều cuộc thi hoa hậu và tổ chức kém quá. Đã quá lâu không có cuộc thi nhan sắc nào mà ngay ở phần trình diễn sexy nhất là bikini cũng không còn khiến cho khán giả phải đứng bật dậy trầm trồ. Các nhà tổ chức đã bắt công chúng “chấp nhận” rằng các cô gái đẹp thì có “quyền” ứng xử ngô nghê. Vậy nên các hoa hậu về sau có khác biệt về nhan sắc (vì các cô đâu phải chị em sinh đôi), nhưng phát ngôn, cá tính của các cô khiến tôi buộc phải nghĩ họ là con một “dòng”. Một số nhà tổ chức đã tự miệt thị sự kiện mình dựng lên và khán giả, truyền thông theo đó hành xử với những cuộc thi này đúng như cách “cha”, “mẹ” sinh ra nó đã hành xử vậy. Hời hợt, chóng vánh, và mau tàn.
Tất nhiên, một nhóm “có tội” nữa là truyền thông mạng. Khi soi xét một cuộc thi hoa hậu, việc họ “xả thiêng” ngôi vị hoa hậu bằng những đòn công kích thẳng vào đời tư, từng tiểu tiết động thái hành vi của các tân hoa hậu, hể hả tố giác mọi tiểu tiết bất toàn của tượng đài nhan sắc chỉ vừa cắt băng khánh thành nọ đã làm mất đi quá sớm ánh hào quang và biến mọi chiếc vương miện thành những mão gai khổ nạn.
Công chúng, tức chúng ta, không bởi bức xúc mà vô can. Dưới con mắt của người dõi theo các sự kiện như một công chúng bình thường, tôi thấy cái hay sẽ xem, nhạt sẽ bỏ và bây giờ, chỉ may mắn qua tin đồn, tôi mới biết ai vừa lên ngôi nhan sắc.
Sau thời kỳ hồn nhiên, tôi – cô gái từng say sưa ngưỡng mộ những Kiều Khanh, những Lý Mỹ Dung huyền thoại, đã phải ngao ngán rời khỏi khán phòng một khi đấu trường nhan sắc đã mang đậm sắc màu “thượng võ” của những cuộc chọi… trâu. Người ta tôn vinh một thí sinh nào đó đồng nghĩa thóa mạ đối thủ của cô ta. Cô gái may mắn đăng quang chưa kịp tẩy trang thì trên mạng, những nhận xét đầy tính mạ lị đã được hả hê truyền tụng. Cùng lúc với việc soi mói nhan sắc ngoại hình tân hoa hậu, người ta sẽ lập tức đặt vấn đề về nhân phẩm đạo đức và vẻ đẹp tâm hồn của nàng. Sắc Đẹp không được để yên, nó được đại chúng mang ra hả hê “phúc khảo” để chờ khoảnh khắc hạ bệ. Tôi rút sự quan tâm của mình khỏi các cuộc thi nhan sắc và cảm tạ ơn trên đã cho tôi sinh ra ở một xã hội người người đều đề cao vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách tới mức khắc kỷ. Giữa xã hội tốt tươi đó, tôi sẽ phát hành một tờ tạp chí lấy tên là Nết và các quý đồng nghiệp của tôi ở tạp chí Đẹp sẽ khốn đốn một phen ra trò.
Mọc lên như nấm sau mưa ngay sau những cuộc thi hoa hậu đầu tiên là nghề “bầu hoa hậu” và “cò hoa hậu”. Hẳn nhiên, chẳng có gì để so sánh với môi trường đào luyện chuyên nghiệp tới mức khắc kỷ như ở Venezuela. Các cô gái, như những viên ngọc chỉ mới được đẽo gọt thô sơ được tung lên sàn diễn, khán trường trở thành một sàn giao dịch ngầm và người ta buôn bán danh vọng, sắc hương của những viên minh châu được gọt ẩu ấy một cách quá dễ dàng, lộ liễu và quá phản thẩm mỹ cho một môi trường đáng ra phải vô cùng duy mỹ.
Quay lại nhìn “chặng thi” thật sự của các cô gái sau khoảnh khắc đăng quang, chặng thi mà các cô phải đối mặt với công luận, truyền thông, giới giải trí, các mối quan hệ và những hợp đồng quảng cáo…, đôi khi tôi cố thử tự đặt ra bài toán giữa những phần thưởng huy hoàng và những chiếc gai trên vòng mão quanh những cái đầu xinh đẹp của các cô gái. Có bao giờ, em ước giá như mình không phải là người đội chiếc vương miện đó?
Từ ngai nữ hoàng nhan sắc, không ít cô gái đã bị lôi tuột xuống tận bùn đen chỉ sau vài giờ đồng hồ. Nữ vương trở thành tội đồ và “búp bê không tình yêu”. Thật tuyệt vời, một con búp bê xinh đẹp để bất cứ ai cũng có thể thỏa thuê chê bai, ném đá, và cười cợt. Thậm chí, có năm chúng ta có những hoa hậu mà sau khi đăng quang bị các phe ủng hộ những cô còn lại chê xấu, chê tàn chê tệ đến mức tôi cứ ngỡ như hoa hậu là người xấu nhất Việt Nam.
Chúng ta đã từng chứng kiến những cô gái khôn ngoan chỉ ngồi đủ lâu trên chiếc ngai tôn quý đó để nhận đủ phần tưởng thưởng rồi lặng lẽ rời bỏ vùng tâm bão hào quang để hạ cánh an toàn vào một cuộc hôn nhân sớm. Vài năm sau tái xuất, đôi phần tiều tụy nhưng mặn mòi hơn trước, với những thương tổn hôn nhân đình đám và đột ngột, lại cũng đột ngột, hạ bút trên vài hợp đồng quảng cáo, đóng phim, gọi là dấu ấn tái xuất.
Và chúng ta cũng đã từng chứng kiến chiếc ngai nhan sắc như những bệ phóng trực chỉ vùng trời nghệ thuật biểu diễn. Phần lớn các cô gái nhún mình lấy đà ở tư thế tuyệt đẹp, phóng vút lên và rơi tõm vào nghìn thu quên lãng.
“May mà có Hương đời còn dễ thương”
Thế rồi… đột ngột những cuộc “ném đá” dừng lại khi Phạm Hương xuất hiện. Đã lâu lắm mới có một cô gái trên đường đua nhan sắc chiếm được lòng yêu của mọi người nhiều, mạnh mẽ và trọn vẹn đến vậy. Chúng ta có những tuyển thủ toán học, âm nhạc hàn lâm, bóng đá nữ, cờ vua và cờ cá ngựa chiến thắng trên thế giới đi nữa cũng không gây thành hiện tượng xã hội bằng một người đi thi nhan sắc.
Nàng có chiến lược, có nhan sắc và quả cảm. Những bộ trang phục tuyệt vời, từ dạ hội cho đến truyền thống, chỉ có một bộ trang phục duy nhất Phạm Hương mang theo, một cách thụ động, là quá rộng và quá nặng nề cho nàng. Phạm Hương sải chân vượt lên trước? Nàng làm điều đó, bất chấp hiểm nguy, vì quốc thể. Phạm Hương nói được tiếng Anh và tất thảy toàn dân rung lệ hân hoan. Phạm Hương, nàng là kỳ vọng của dân tộc, của quốc gia, là người đại diện vẻ vang của văn hóa, văn minh và lương tri nòi giống. Ôi, cô gái tuyệt đẹp và tội nghiệp của chúng ta!
Cuối cùng, tôi sẽ lại ăn một trận gạch đá đến chết mất, nhưng không thể không thử nói lên một tiếng nói riêng: Cô gái ấy, và những cô gái khác, xin đừng bắt họ đại diện cho cái gì ngoài chính họ và nền văn hóa mà họ được thụ hưởng.
Vậy ai đại diện cho Việt Nam? Rất có thể đó là chính chúng ta, cách chúng ta yêu và ghét những cô gái đẹp, những cô gái may mắn và đối thủ của họ. Chúng ta, những người bình chọn cho cô gái Việt Nam đi thi nhan sắc quốc tế và cả những người không bình chọn. Chúng ta mới chính là điều mà quốc tế nhìn vào để đánh giá quốc sỉ Việt Nam. Chính mỗi chúng ta phải phụ một tay với các cô gái đẹp của chúng ta để làm những “bộ trưởng ngoại giao” nho nhỏ.
Bạn đặt cược điều gì?
Cuộc sống lam lũ, vâng, xin thưa là “lam lũ”, dù phần nhiều được thay thế bằng tính từ “năng động” và “hiện đại” ở các thành phố lớn của Việt Nam bây giờ đã làm cho đàn bà con gái Việt ngày nay không điệu đà cầu kỳ như ngày xưa nữa, những huyền thoại về nhan sắc mất dần theo thời gian. Mà làm sao có huyền thoại được nữa khi mọi huyền thoại đều ra đường với khẩu trang và tất cả đang tất tả cho những vòng quay công việc không mệt mỏi? Vì vậy, thực tình thì tôi nghĩ, các cô gái đẹp, chỉ mỗi việc các bạn đẹp, đủ để tham dự cuộc thi nhan sắc thôi đã là quá có ích cho đời rồi.
Tôi rất thích câu nói: “Cái đẹp là một kỹ năng” và tôi cũng tin là như vậy. Một cách sáng suốt thì một cô gái khi tuổi đời còn rất trẻ, lại đẹp nữa, hẳn cuộc đời các bạn sẽ được ưu ái rất nhiều. Các bạn có nhìn nhận được đây là một ván cờ mà nếu thắng, các bạn đã phải đặt cược trước rồi, chưa kể trong trường hợp nếu thua. Bởi đây là ván cờ của lý trí. Nhưng bạn sẽ đánh đổi cái gì, bạn đang cố giành lấy cái gì: một tấm chồng tốt hay là các nhãn hàng quảng cáo, khi mà, tội nghiệp cho các hoa hậu Việt Nam – đó có vẻ là mẫu số chung về đích đến duy nhất chờ đợi các em.
Cuối cùng tôi chỉ ao ước đây là thế giới của sắc đẹp. Giá như chúng ta cũng hồn nhiên như chính các cô hoa hậu và thừa nhận đó là những cô gái mà số phận đã chọn. Được nhìn ngắm một cô gái đi ngược lại lời tiên tri của Nguyễn Du: “Đã cho lấy chữ hồng nhan/ Làm cho, cho hại, cho tàn mới cân”, và tôi nghĩ thế cũng đủ rồi. Và vai trò của một cuộc thi hoa hậu hay sức ảnh hưởng của các cuộc thi hoa hậu cũng chỉ nên đến đó mà thôi, giúp cho chúng ta được ngắm một bộ sưu tập các cô gái đẹp. Còn vẻ đẹp tâm hồn của các cô, nó chỉ cần ở mức lành mạnh đủ để không làm tổn thương những hào quang bên ngoài. Họ không ứng cử đại biểu nhân dân và cũng không đi thi chế tạo tàu vũ trụ. Hãy cứ để cho các cô gái được đẹp một cách bình yên!
Với các cô đã là hoa hậu, vương miện chính là bàn cờ bạn đã đặt cược. Nhưng tôi nghĩ các em đã có được một trải nghiệm vàng. Vì em là những người đàn bà đẹp, và không phải cuộc đời người đàn bà nào cũng có được cái trải nghiệm của chiếc vương miện đó. Chỉ một năm sau đêm lên ngôi, trải nghiệm của người đàn bà đủ cho nhiều năm sau. Đó có thể là kiếp nạn nhưng nó có thể là phần thưởng. Mong em sẽ vượt qua vòng thi cuối cùng đó một cách an toàn.
Bài cùng chuyên đề:
– Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy: Tôi vẫn nghĩ “sắc đẹp là một tài năng”
– Hoa hậu Mai Phương Thúy: “Hơi tiếc quãng thời gian thanh xuân”
– Hoa hậu Ngọc Hân: Một vẻ đẹp khác…
– Hoa hậu Đặng Thu Thảo: Vững vàng giữa mong manh
– Hoa hậu Kỳ Duyên: Sóng gió lui dần?
Bài: Trác Thúy Miêu