Nhạc sĩ Trần Tiến: "Sáng tạo khó thế đấy bạn ơi!" - Tạp chí Đẹp

Nhạc sĩ Trần Tiến: “Sáng tạo khó thế đấy bạn ơi!”

Sao

Trần Tiến & Hà Trần: Bất ngờ của biển cả – Bí mật của chân trời

Người mang những bất ngờ của kẻ thuộc về biển cả, người sở hữu bí mật của kẻ bay giữa những chân trời – Trần Tiến và Hà Trần là cặp đôi nghệ sĩ đặc biệt, là hai thế hệ tiếp nối trong một gia đình làm nghệ thuật mà ai cũng là những tên tuổi thượng thặng. Như tâm thất và tâm nhĩ của một trái tim, ở họ có sự đồng điệu đến mức đập chung một nhịp khó tách biệt. Tuy vậy, hai cá tính phức tạp ấy vẫn là những mảng đối lập, đối lập trong chính những tương đồng…

Thực hiện: Thục Khôi/Ý tưởng: Hellos./Nhiếp ảnh: Phục Nguyễn, Tuấn Anh/Trợ lý: Johnny Mạch/ Trang phục: Ngô Thái Bảo Loan

Đọc thêm:

– Trần Tiến – Hà Trần: “Âm dương có nằm ngang?”


– Nhạc sĩ Thanh Phương: Luôn có áp lực khi làm nhạc chú Tiến cho Hà hát

Hà Trần: “Tất cả là cuộc chơi DNA”

Trần Tiến chưa từng đi tìm một người hát hay nhất nhạc của mình, bởi nhạc của ông là dành cho cuộc đời, cho những ai tìm thấy vui buồn của mình trong đó. Nhưng năm 60 tuổi, ông đã thức suốt đêm ngồi nghe đi nghe lại CD “Trần Tiến”, món quà mừng sinh nhật được cô cháu gái Hà Trần gửi tặng từ phương xa, và bỗng nhận ra rằng, mình có được đứa cháu tri âm. Rồi lúc này, khi đã cận kề tuổi thất thập, ông lại gật gù: “Giờ thấy nó giống mình, hay hơn mình, mà lại là con gái…”

Chảy về biển, vì tôi chơi thân với dòng sông

– Ông từng có những câu hát rất hay về mẹ, nhất là lại còn được hát bởi Hà Trần: “Ngày xưa cha ngồi uống rượu, mẹ ngồi đan áo/Ngoài kia mùa đông, cây bàng lá đổ…”. Một ám ảnh buồn trong nhiều sáng tác của ông, hẳn vậy?

– Mẹ – người như bao người đàn bà trên trái đất, như cô bé đang chơi đùa với bạn ngoài vỉa hè kia, mồ hôi mướt mải. Em là mẹ tôi ở kiếp nào đó, là chị, là em, là người tình tôi ở hành tinh nào đó. Họ là cái gì tôi không có, nên tôi luôn trân trọng, yêu thương. Không có họ, trái đất này hoang vắng, già cỗi và sẽ chết. Mỗi người đàn ông trân trọng phụ nữ một cách. Với tôi, mẹ là đẹp nhất. Người là thiên thần cứu rỗi tôi, kể cả khi không còn ở cùng tôi. Khi Người về trời, tôi mới biết thế nào là cô độc tận cùng.       

Tôi chỉ viết những gì ám ảnh tôi, có thể là một chút hạnh phúc hay nỗi tái tê, chút mộng mị hay niềm “cay cú”. Đời cho tôi cái gì, xin trả ơn Người cái đó. Đó cũng là khao khát duy nhất để tôi tự thấy mình đang tồn tại một cách tự do và không mắc nợ. Ngoài ra tôi không có mưu đồ gì lớn lao và cần thiết cho việc viết lách…

Bạn thấy tôi là ai, mảng nào quan trọng trong sáng tác thì đó là việc của bạn. Trời bắt tôi làm cái cột ăng ten thu phát, thì tôi phải thu phát. Có khi đày tôi làm nhạc sỹ, hay người đứng đường làm nghề chỉ trỏ, lại có lúc đày xuống làm thầy lang, ca sỹ, hay người rửa bát, tất cả chỉ là chuyện thu, phát của ăng ten. Gì cũng được, miễn là đang làm việc và tồn tại. Nhạc sỹ hay rửa bát rồi cũng đến lúc chia lìa cõi đời đẹp đẽ này. Có gì quan trọng lắm đâu. Tôi chỉ đang cố trả nợ những đắng cay vui buồn cuộc đời cho tôi, để khi ra đi thanh thản, với một nụ cười chào mọi người đã cùng tôi đi qua trái đất thân yêu.

– Và đó là lý do khiến ca khúc của ông, kể cả những bài có ca từ tếu táo hay giai điệu vui tươi, vẫn phảng phất nỗi buồn nhân thế?

– Cuộc đời buồn nhiều hơn vui, chả thế Trời báo cho tất cả những đứa trẻ phải khóc cái đã, rồi mới được vào đời! Thật may, ngoài nước mắt, con người còn được sở hữu nụ cười. Thế nên khi mắc lỗi, người ta dùng nụ cười để xin lỗi. Thế nên có người làm nghề bán nụ cười. Những anh hề thời nào cũng đắt giá hơn kẻ bán nước mắt. Cũng đúng thôi, kẻ biết đùa thường rất thông minh và có cuộc đời đau đớn lắm, trầm luân lắm. Vua hề thì không bao giờ toét miệng.

Tôi không thích nước mắt, nhưng nỗi buồn là có thật. Thế nên tôi thường dùng các thủ pháp đối lập để trình bày ca khúc. Bài hát vui thì phải cười ra nước mắt. Bài hát buồn thì phải giấu một nụ cười tự giễu. Nhìn người hay cười trông có vẻ ngốc nghếch. Nhưng người hay khóc thì cũng không hơn gì. Thế nên tôi thường viết những ca khúc chẳng vui, cũng chẳng buồn. Chút ánh sáng đượm chút bóng tối, kiểu như bài “Tạm biệt chim én”. Tâm trạng nào cũng hát được. Nó vui nhè nhẹ và buồn man mác. Chỉ có hai bài hát tôi hoàn toàn bất lực, không thể pha nụ cười. Đó là bài hát về mẹ và chị. Những bài hát này, tôi cứ hát là khóc. Cũng sến lắm!

– Vì thế nhạc sỹ Nguyễn Cường – bạn ông – mách, trong nhóm “tứ quái Hà Nội”, ông là người có tất cả: gia đình êm ấm, nhiều bài hát nổi tiếng và đặc biệt tài năng. Nhưng dường như ông chưa bao giờ thấy mình “yên ổn”…    

– Như đã nói, tôi còn mắc nợ trần gian. Làm sao có thể sống yên ổn, khi cuộc đời quanh ta đâu có bình yên. Khi Tổ quốc, quê hương, bạn bè, và người thân của bạn vẫn còn đang sống trong một cuộc đời đầy sợ hãi, lo âu và bất trắc. Khi bản thân bạn, tuổi già, nghèo nàn, bệnh tật và nỗi cô độc sẽ ụp xuống bất cứ lúc nào…

– Ông sinh ra và lớn lên bên một dòng sông, nhưng giờ ông chọn sống ở nơi cửa biển. Ông có thấy những đoạn đời sống ấy khác biệt?

– Tôi chơi thân với dòng sông, lớn lên biết nó chảy về biển, tôi đành phải theo nó…

Hà thành công cả những bài tôi không nhớ mình sáng tác

– Ông chắc chưa bao giờ quan tâm ai hát hay nhất nhạc của mình. Còn Hà Trần thì bảo, nhiều người có thể hát hay nhạc Trần Tiến, nhưng hát sâu và hát “ra chất” Trần Tiến thì chỉ có thể là cô ấy?

– Tôi trọng những người hát có hồn, hơn là khoe giọng và kỹ thuật mồi chài. Hà là người hát có hồn và lại có nghề. Không chỉ nhạc của chú, cả nhạc tiền chiến lẫn nhạc rock, Hà chơi tuốt và rất đáng gờm. Thể loại nào ra thể loại đó và rất sang trọng, có văn hóa. Vừa rồi, hai chú cháu diễn cùng trong đêm nhạc của tôi ở Phú Quốc, tôi bảo: “Con cứ ngẫu hứng, thích gì hát nấy, không cần là bài của bố”. Thế là được nghe cháu hát “Nỗi lòng người đi” của Anh Bằng mà giật mình. Người hát như Hà ở xứ ta hơi hiếm. CD tiền chiến của Hà bán được nhiều hơn và mắc hơn CD nhạc chú. Thế là tôi mừng.

– Hà hát “hơn người” nhạc của ông, hẳn còn vì cô ấy có một câu chuyện của riêng mình?

– Tôi không biết cháu mình có chuyện riêng gì, nhưng việc Hà hát hay có liên quan đến văn hóa, sự nhẫn nại và khát vọng vượt lên chính mình của gia tộc. Cháu Vinh (con chị Yến), cháu Bình (con em Oanh) là những đại gia chân chính vượt lên từ những đứa con nhà nghèo. Cháu Hoàng (con anh Trần Hiếu), cháu Văn (con anh Trung) là những họa sỹ, nhà văn đáng gờm (Đây đều là các cháu, anh, chị, em trong gia đình của nhạc sĩ Trần Tiến – PV). Phải lao động như nhà nông đi cày, cộng một chút DNA dòng giống, may ra mới có thể thành công trong đường đời.

– Giờ đây, khi Hà đã “ngồi chiếu diva”, ông nghĩ gì về con đường nghệ thuật với cô ấy?

– Tôi có nhiều người bạn cùng đi chung con đường nghệ thuật. Nhưng khi gặp nhau chỉ tán chuyện rượu, đàn bà và nhân tình thế thái, đố có bao giờ chia sẻ về nghệ thuật. Việc ai người đó làm, cốt ở cái tâm và sự sang trọng. Rất may, cho đến giờ, chưa có người nào đi sai đường. Chỉ có bệnh tật, tuổi già và cái chết làm cho bạn bè xa nhau thôi.

“… Cháu đi rồi, không biết điều gì mách bảo, tôi gọi lại và xé bài hát đi. Hôm sau đưa cháu một bài hoàn toàn khác. Đó chính là ‘Sắc màu’…”
Riêng cháu Hà thì khác. Tôi xa Hà Nội năm Hà mới 6 tuổi, tôi có hình cháu múa thật đáng yêu như bé Nala (con gái Hà Trần – PV) bây giờ. Chả nghe anh chị kể gì về cháu. Rồi đùng cái, Hà đoạt giải tiếng hát sinh viên gì đó, rồi nghe anh Trịnh Công Sơn bảo: “Cháu của Tiến hát hay lắm!”. Tôi hỏi: “Cháu hát bài gì?”. Anh bảo: “Hát bè cho Thanh Lam thôi, nhưng sau này sẽ là một giọng ca tầm cỡ”. Tôi nghe thế nhưng vẫn chẳng có ấn tượng gì, thậm chí còn thất vọng khi nhờ cháu thu bài “Cô bé vô tư” ở Hà Nội. Hình như ngày xưa, bố mẹ không dạy cháu hát, vì nghĩ giọng con bé như mèo hen, lại còn phô nữa. Chắc nhờ bố, mẹ và chú chê nên con bé “cay cú” và quyết tâm luyện hát. Không thể quên công dạy dỗ của chị Phi Hiển, em ruột của chị dâu, mà cháu cất cánh từ con vịt xấu xí thành thiên nga.

– Nếu coi Trần Tiến là một chiếc cầu vồng nhiều sắc màu, ông có thấy Hà Trần cũng là một chiếc cầu vồng? Con đường sáng tạo và làm nghề của Hà có ảnh hưởng từ yếu tố gia đình như thế nào, và sự vượt thoát khỏi những chiếc bóng lớn của thế hệ trước, theo ông là động lực hay là khó khăn của Hà?

– Chuyện cầu vồng thì để người nghe đánh giá. Còn sự vượt thoát thì khó khăn và những chiếc bóng lớn vốn là động lực cần thiết cho người muốn vượt thoát. Yếu tố gia đình là cần, nhưng không chắc đã đóng góp thành công của một đời người. Không phải con vua thì sẽ làm vua. Có khi anh cắt tóc lại… làm vua một thời.

– Từ lúc nào thì ông chính thức coi cháu mình là một ca sỹ?

– Mãi sau này Hà kể lại, từ bé, mỗi lần chú ra Hà Nội thăm và hát cho bố mẹ những sáng tác mới, cháu toàn ngồi hóng hớt nghe, nuốt từng lời. Rồi khi chú biểu diễn, đêm nào con bé cũng đứng cánh gà sân khấu xem chú nói chuyện và hát với khán giả. Sau này Hà quyết hát lại những bài của nhóm Du Ca, vì Hà nghĩ họ chưa hát ra cái “thần” của chú mình.

Có lần vào Tp. Hồ Chí Minh, Hà muốn chú sáng tác riêng cho một bài. Tôi thấy giọng cháu hồn nhiên nên viết bài gì đó rất trong sáng, bài hát có câu: “Nào một hai ba, bước qua thời học trò”. Con bé lấy làm thích thú nhận bài. Cháu đi rồi, không biết điều gì mách bảo, tôi gọi lại và xé bài hát đi. Hôm sau đưa cháu một bài hoàn toàn khác. Đó chính là “Sắc màu”. Nghe đâu, đây chính là ca khúc đưa cháu lên ngôi. Ngoài ra thì mọi thành công của cháu, có lẽ chẳng dính dáng gì đến tôi hoặc bố Trần Hiếu. Từ ngày đó, cháu là người duy nhất trong nhà được quyền lục tung vốn liếng của chú, kể cả những mẩu nhạc ở sọt rác. Cháu đã thành công cả những bài tôi không nhớ là mình đã sáng tác, như bài “Chuyện tình thảo nguyên” là một ví dụ. Bài “Dòng sông mùa thu” cháu phải khóc vì chú không còn nhớ đã viết tặng tên cháu Thu Hà hồi nhỏ. Ngày về Mỹ theo chồng, cháu gửi về tặng chú một CD nhân sinh nhật lần thứ 60. Lần đầu tiên tôi ngồi nghe đi, nghe lại cả đêm. Không phải vì nhạc của mình, mà vì mình có được đứa cháu tri âm.

Giờ thấy nó giống mình, hay hơn mình, mà lại là con gái.

– Những năm sau giải phóng, khi đa số nghệ sỹ viết những bài hát ca ngợi quê hương đất nước, thì ông viết “Tạm biệt chim én” (ca khúc được nhiều người làm nghề bình chọn xứng đáng là ca khúc pop Việt đầu tiên). Ông lúc nào cũng đi riêng một đường. Ông có thấy mình cô đơn trong thế giới sáng tạo đó?

– Đi đâu, làm gì thì cũng nên có bạn đồng hành. Nhưng sáng tạo thì đừng, phải độc hành! Thương gia giỏi như kẻ buôn chuyến ngày xưa còn tìm tơ lụa bằng con đường độc đạo. Huống chi nghệ sỹ! Buồn cho một bài hát mới mà khán giả thấy như đã nghe đâu đó, cũ rồi! Cô đơn thì buồn, nhưng nếu không, thì chẳng làm nên cơm cháo gì. Nếu đi con đường này thì phải một mình, có khi lần mép vực thẳm, té lúc nào không hay. Sáng tác như người đi xiếc trên dây. Nhưng không được chết. Đã chết thì làm sao còn làm xiếc, còn là nghệ sỹ. Nếu muốn an toàn, đi con đường an toàn thì tùy. Nhưng ca khúc an toàn thì… như gói mỳ.

Thời đó, những bài hát chiến tranh thường đứng trước nòng súng, thúc giục. Vậy mình viết bài hát phía sau nòng súng, nơi gần trái tim. Ngày đó anh Sơn (nhạc sỹ Trịnh Công Sơn – PV) viết về thân phận cô đơn của một người phía bóng tối quá tuyệt vời. Thì mình ra ánh sáng, nói về thân phận của nhiều người, kêu gọi nụ cười cộng đồng. “Thành phố tôi rất trẻ, bạn hãy nghe họ hát, bằng trái tim rất trẻ…” (trích “Thành phố trẻ”). “Buồn thì vẫn buồn, cười thì vẫn cười…” (trích 30 tổ khúc “Ra ngõ”). Và thế là các bạn biết tên tôi. Sáng tạo khó thế đấy bạn ơi. Khó chết mẹ!.

 Bài: Thục Khôi

logo

Thực hiện: depweb

02/04/2015, 10:57