Lê Minh Sơn: Tôi vừa tìm được “minh chủ” - Tạp chí Đẹp

Lê Minh Sơn: Tôi vừa tìm được “minh chủ”

Sao

Có thể, sẽ là một Lê Minh Sơn “nhẵn mặt” hơn trên truyền hình nhưng chỉ xin, đừng là… giám khảo!

Sẽ khác

Vì sao dạo này dụ anh lên báo khó thế nhỉ? Anh bỗng trở nên “bí hiểm” từ bao giờ vậy?

Có 3 lý do. Một: Không còn gì để nói. Hai: Đến tuổi này có lẽ không nên nói vì hễ nói ra lại phải làm thì rất mệt. Ba: Mà những cái đang làm thì lại không nói được.

Chỉ là, tôi vừa đọc được một bài báo, nói Quốc Trung và Anh Quân là “hai đường thẳng song song”. Còn anh, anh có nghĩ có một cái tam giác ở miền Bắc không, với ba đỉnh là: Quốc Trung, Anh Quân, Lê Minh Sơn?

Tôi chẳng bao giờ nghĩ đến điều ấy cả vì với tôi, âm nhạc phải rộng hơn thế. Điều tôi mong muốn lúc này không còn là những sản phẩm âm nhạc phục vụ một bộ phận công chúng mà là những chương trình lớn có sức lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng. Và đó là lý do để chắc chắn trong năm tới, tôi sẽ xuất hiện trước công chúng trong một cương vị khác, không chỉ đơn thuần là một nhà sản xuất âm nhạc.

 

Lại vẫn là triết lý làm nghề của Thanh Lam sao: Sau đỉnh cao, cái anh cần, lúc này, là bề rộng?

Đỉnh cao nào? Âm nhạc với tôi cũng chỉ là một cái nghề bình thường như bao nghề khác, đâu có gì là quá cao sang. Có chăng chỉ là giúp cho đời sống của mình được phong phú hơn lên một chút mà thôi! Còn thì, trong đời sống, nếu có cái gọi là đỉnh cao, thì tôi chỉ mong sao mình làm được một người bình thường cho tử tế. Nghĩa là, một người cha tốt, một thằng đàn ông nhân hậu, không làm gì ác, đặc biệt là với đàn bà. Và làm sao mà ác được, khi trong đầu tôi hầu như lúc nào cũng tràn ngập các dự án, hết dự án này đến dự án khác, chỉ với một khát vọng làm nghề duy nhất: viết được một cái gì khác…

Vậy, tới đây, cách anh định “lan tỏa” là gì?

Phải nói là vừa qua, tôi đã may mắn tìm được một “minh chủ” cho mình. Bằng tất cả sự đồng cảm, anh ấy đã nhận đỡ đầu cho dự án âm nhạc mà tôi đang ấp ủ và đúng hơn là đã xắn tay vào làm.

Ai vậy?

Tạm thời, tôi chỉ có thể nói rằng đó là một người bạn, một người anh, có đủ quyền lực về tài chính, lẫn… hành chính, đủ để giúp tôi vẽ lên được thành hình một phần khát vọng của mình.

Làm sáng tạo mà lại muốn “có chủ” sao?

Cần chứ! Thực sự là để đi đường dài, nghệ sỹ chúng tôi rất cần những sự đỡ đầu từ những người vừa có tiền vừa có tâm như vậy, những người mà chúng tôi vẫn hay gọi đùa là “minh chủ”. Khi làm việc, tôi chỉ có thể làm dưới một người và trên một người, không phải một hai “kính gửi kính thưa” thì tôi mới làm được. Phải cho tôi được toàn quyền quyết định những cái gì mà tôi cho là đẹp, là hay thì tôi mới làm nổi. Đó là lý do tôi cần một “minh chủ”.

Đồng ý, anh làm gì cũng được, nhưng chỉ can anh đừng làm… giám khảo nhé, vì sao mà lúc ấy anh khác anh đến thế cơ chứ!

Vậy mà có thể tôi vẫn làm đấy, nhưng phải là trong những chương trình do mình được trao cầm trịch, không phải giải trí đơn thuần. Không phải vì hèn vì sợ mà là vì đã đến lúc phải bảo vệ hơn nữa ba chữ Lê Minh Sơn!

Ô, lâu nay thì không sao?

Trước nay thì gần như không nghĩ đến mà chỉ thực sự có ý nghĩ đó trong khoảng hai tháng nay thôi, sau khi tôi gặp được “minh chủ” của mình…

Đã đủ

Có vẻ “tình hình” nhỉ, diva đi rồi, và giờ là cần “minh chủ”?

Đi đâu? Chả ai đi cả! Chưa bao giờ. Chỉ toàn là ở lại! Và sao lại không còn? Thứ nhất là chưa bao giờ mất. Thứ hai là có những việc, những chuyện chẳng qua là ở vào một thời điểm nào đó, một hoàn cảnh nào đó thì nó là thế, tạm thời là thế. Chứ đã làm việc với mình thì làm sao mà bỏ được, làm sao mà phải bỏ?

Nhưng “ở lại” lúc này, vẻ như không còn là tính “ăn đời ở kiếp” mà dường như, chỉ là “khách vãng lai”, gọi thì về, xong thì lại đi?

Thì có hề gì? Tới giờ này, gần 40 tuổi rồi, sau bao nhiêu trải nghiệm, sau những cuộc gặp (mà phần nhiều, tôi cho là do định mệnh), tôi nghĩ mình đã quá thấm thía cái gọi là lẽ mất được ở đời. Tôi nghĩ là mình đã được quá nhiều chỉ vì tôi gần như chẳng bao giờ nghĩ đến chữ “mất”. Bởi sống, suy cho cùng là tận hưởng, kể cả lúc tắc đường và… tắc ruột. Những cuộc gặp, những ánh mắt… – vậy là quá đủ cho một đời sống mà xin lỗi, nếu anh là tay vô văn hóa, hay một thằng hèn, thì sẽ chẳng bao giờ nhận được.

Tùng Dương sang tận Đức làm album, Mỹ Linh mời sao Hàn góp mặt cho liveshow, cả Thanh Lam tới đây cũng sẽ cộng tác với Nguyên Lê, thông qua Quốc Trung… – Bấy nhiêu không khiến anh cảm thấy anh cần phải làm mới mình bằng những “yếu tố ngoại” sao, thay vì “quanh quẩn mãi chỉ vài ba dáng điệu”: Tùng Dương, Thanh Lam, Ngọc Khuê…?

Đi đâu? Tôi chả việc gì phải đi đâu cả, khi người tài trong nước cũng còn dùng chưa hết, kho tàng âm nhạc dân gian Việt còn lâu mới khai thác được hết, ở một đất nước mà chỉ cần đi cách 10 – 15 cây số thôi, nhiều khi đã khác nhau nhiều lắm về sắc thái sống… Và còn ai có thể làm được điều đó tốt hơn là những người luôn tắm mình trong nó, vui buồn với tận cùng của nó, từ nỗi khổ tắc đường đến nỗi bồi hồi xao xuyến trước một cái cây mơn mởn xanh non… Còn cái hay của người ngoài, đồng ý là “ngon”, nhưng rất có thể, đó là cái ngon của bơ sữa, của những con sói đi hoang, trong khi khẩu vị của chúng ta, biết đâu, là một ly café Buôn Mê đậm đặc!   

Ra là anh thà cả đời uống café còn hơn thử một lần trong đời nếm mùi bơ sữa? Vậy chứ ở đâu ra cái nghệ danh Sơn Latin của anh?

Cả hai. Nhưng có điều, con đường mình đi phải là dưới bóng café, phải là cho hơn 80 triệu dân của cái đất nước này. Một người tài như Trần Mạnh Hùng mà ta đang may mắn có, việc gì phải đi tìm đâu? (Và xin lỗi, phải có tài mới nhìn ra được cái tài của người khác!). Ai chứ Trần Mạnh Hùng – một người nổi tiếng không quen mặt, tôi có thể nói về anh ba tháng không hết. Tôi có thể có lúc liều mạng coi trời bằng vung, nhưng không thể không nể phục Trần Mạnh Hùng. Vì đó là người Việt Nam duy nhất chỉ xách mỗi cái cặp trong đó đựng mấy bản tổng phổ đứng biểu diễn tại những sân khấu danh giá nhất ở nước ngoài một cách đầy tự tin và kiêu hãnh. Một người đốt cháy mình kinh khủng, cho không biết bao nhiêu những bản giao hưởng tam tấu, tứ tấu, phối khí hòa âm… Cái người ta mất 2 năm, với Hùng là 4 tháng, bằng một cường độ lao động phải nói là trên cả mức khổ sai. Đó cũng là người mà tôi chỉ mong gửi gắm được con tôi, sau khi cháu hoàn thành 7 năm ở Nhạc viện, thay vì nghĩ đến chuyện cho con đi du học.

Anh tự thấy anh có được bao nhiêu so với tấm gương làm nghề mà anh gọi là “trên mức khổ sai” ấy?

10%.

Đang cần

Cuộc gặp nào là may mắn nhất với anh?

Tất cả. Nhưng cũng đừng quên hỏi lại xem họ có cảm thấy may mắn khi gặp được Lê Minh Sơn không nhé!

Những người bạn vong niên, họ có gì hấp dẫn anh vậy, và ngược lại?

Trước giờ, không hẹn mà thành, tôi cũng không biết sao mình rất hay chơi với những người hơn tuổi, và ngược lại, họ cũng rất khoái chơi với tôi. Giờ thì biết rồi! Là vì họ từng vất vả hơn, đau khổ hơn và bi kịch hơn mình nên điều mà họ muốn trao cho một người trẻ như mình chính là một phần hoài bão dang dở của họ, những mong muốn chưa thành hình, những tiếng nói đáng ra cần được lắng nghe hơn của họ – những tiếng nói cần thiết biết bao cho một người trẻ, nhất là khi họ đang đứng giữa ngã ba đường hay trước những hào quang…

Ngược lại, chơi với những người trẻ, những người già cũng sẽ thấy mình trẻ lại vì được gặp lại mình, cũng thế, với bằng ấy cuồng si, nông nổi…

Và “hậu quả” là anh già trước tuổi, để đến nỗi 23 tuổi đã làm được một bài hát đáng tầm cha chú là “Ôi quê tôi”?

Tôi nhớ, năm 21 tuổi, viết xong “Vui lên đi em”, mừng quá, lao đến nhà Nguyễn Cường. Nghe xong, ông anh tôi sướng quá, làm loạn lên, gọi vợ ầm ĩ: “Em ơi em ơi lên đây lên đây…”. Có thế thôi, mà tự dưng tôi bỗng nhìn ra con đường của mình, rồi từ đó lọ mọ mà thành… Còn thì, trước đó, những năm 90, Thanh Tùng, Bảo Chấn tràn ngập, biết viết cái gì… Hay hôm rồi, đi Tây Nguyên viết theo “đơn đặt hàng” cũng vậy, nội cái nhìn của Nguyễn Cường cũng đủ để tôi tự thấy: Phải làm gì khác được với Nguyễn Cường thì may ra mới là điều Tây Nguyên cần lúc này…

Ui dào, Nguyễn Cường thì bao giờ chả bênh anh!

Nhầm! Nguyễn Cường chưa bao giờ thiên vị tôi, mà chỉ có tôi thiên vị Nguyễn Cường. Tôi ăn mắng của Nguyễn Cường nhiều là khác. Cái gì chưa được, ông bạn già chỉ sọt rác và bảo: Vứt! Làm thằng đàn ông, phải một phát là ăn ngay, không có chuyện làm lại!

“Vui lên đi em”, vậy giờ đã đến lúc làm tiếp bài “Nhanh lên đi anh!” chưa, nếu như không chắc mình còn trẻ?

Trẻ, thì đúng là không còn. Vì đã bắt đầu biết sợ. Sợ một điều gì đó vô hình, hơn là sợ mình không còn trẻ nữa. Nhưng, già thì chưa nhé! Vì vẫn luôn muốn thoát cũ, muốn nói những gì người ta không hay nói, viết những gì người ta không để ý. Và, quan trọng, là vẫn cảm thấy xao xuyến như thường, khi nhìn thấy một bờ mông rất đẹp đi qua. Các bố mình, các đại ca của mình cũng đều thế cả. Nên, nếu gọi đó là vô đạo đức thì xin thưa, “nhà này (chắc chắn là) dột từ nóc”, haha!  

 

Hôm rồi thấy anh lên báo xui mọi người “tận hưởng” tắc đường. Vậy chuyện “tắc ruột” của nhạc Việt thì làm sao nuốt cho trôi đây, theo anh?

Chuyện nhạc Việt tắc ruột theo tôi thậm chí còn không thể ví được với chuyện tắc đường. Vì tắc đường thì ít nhiều còn có cái thú vị của nó, chứ nhạc nhẽo bây giờ thì có gì mà thích?

Có anh?

Mình tự ngửi mình sao biết mình thối được? Cũng như mẹ tôi suốt ngày kêu: Mày hút thuốc suốt ngày hôi lắm, nhưng nào mình ngửi được? Ngửi được thì có mà chết, mặt mũi đâu mà ngồi trước phụ nữ, mà mình thì mê phụ nữ như thế…

Vậy, cái anh cần lúc này là gì?

Tôi cần có thêm một lần gặp lại cảm giác khó chịu này: hoang mang đến tận cùng. Hoang mang tới mức mà trong suốt gần ba năm trời (quãng từ 2009 – 2011), hầu như ngày nào tôi cũng đi câu, có những ngày thậm chí còn ngồi từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Kể cả ngày 30 Tết. Đó là những ngày sau khi tôi làm xong album “Lam xưa”, cũng là cái đĩa cuối cùng với Thanh Lam. Tới lúc đó, tự dưng thấy khó khăn kinh khủng, khi trong đầu mình cứ như một cõi hỗn mang, hoang mang đến tận cùng, không biết viết gì làm gì nữa để khác đi, mà vẫn được là mình. Cảm giác như lúc đấy mình bập vào cái gì cũng có thể nghiện. May mà chỉ nghiện câu cá!  

Một dạng tựa như trầm cảm?

Có lẽ còn hơn cả trầm cảm, tôi nghĩ thế. Sao nhỉ, nó là một cuộc vật lộn ghê gớm trong mình, một cuộc đối thoại không ngừng nghỉ… Không phải vì hai chữ diva hay diveo, Lam hay làm… Mà đơn giản là tự dưng thấy trong đầu mình tự dưng hết nhẵn, hết sạch, từ cảm xúc cho đến khát vọng. Trống rỗng tuyệt đối, cứ như một công trình bị rút ruột, sau mười mấy cái đĩa CD và hơn nửa số đó live show… Về sau, ra được khỏi cuộc đó, mới than với mấy ông bạn già, thì lại được chúc mừng, bảo: May mà cuộc đó còn đến sớm, nếu không muốn nói là quá sớm, vào lúc mình còn có sức bật lại nó, và còn có thể tìm được lại nguồn năng lượng đã mất. Chứ chẳng may nó đến muộn, là coi như xong!

Và đúng là sau cuộc đó, tôi đã “câu” được lại những “con cá lớn” khác như: “Một khúc sông Hồng”, “Hà Nội của tôi ơi”…

Vậy bài học để lại là gì: Đừng bao giờ vắt kiệt?

Trái lại, tôi đang cần có thêm một cuộc như thế nữa!

Text: THU QUYNH
Photo: TRONG TUNG
Producer & Stylist: TRUPI
 

Thực hiện: depweb

26/04/2012, 13:55