Cống hiến 2014: Xôn xao và bất ngờ - Tạp chí Đẹp

Cống hiến 2014: Xôn xao và bất ngờ

Review

Giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2014

“Song hành” của Ngô Hồng Quang

Rõ ràng, sự danh giá của đề cử và chủ nhân giải Cống hiến là có thật. Hiện nay, lòng tin của giới chuyên môn và khán giả đã bị triệt tiêu gần hết bởi sự lụi bại của những giải thưởng từng uy tín nhưng không còn hợp thời, giải thưởng mới bày ra nhưng lại bị chi phối bởi đồng tiền và quyền lực giải trí. Đương nhiên, Cống hiến không hẳn là một giải thưởng chuyên môn, nên đừng bao giờ mơ ước nó trở thành một Grammy trong âm nhạc hay Oscar của điện ảnh. Đơn giản là vì chúng được quyết định bởi lá phiếu của những người nằm ngoài giới chuyên môn.

Giải thưởng của nhà báo – những người nằm trong giới truyền thông – “bạn cùng tiến” của giới làm PR – cũng chẳng khác lắm thị hiếu trung bình cộng của các khán giả. Nhà báo xét cho cùng vẫn chỉ là một khán giả đặc biệt – cao cấp và “mạnh miệng” hơn một khán giả bình thường. Họ có một quyền năng là được nói (trong phạm vi tờ báo của họ) và nói có người nghe là bạn đọc (nhưng tin và thuận theo hay không là việc hoàn toàn khác!). Khán giả vốn là một từ chung chung, không rõ đông bao nhiêu và trình độ thế nào… Nhưng đương nhiên, khán giả sẽ có người trình độ chuyên môn âm nhạc rất cao cấp, và có người thì “phình phường”! Còn nhà báo – trình độ thể hiện ngay trong từng bài viết – đó là điều rất rõ ràng!

Ở những giải thưởng báo chí, thường có những tiêu chí khác về sự lan tỏa, tầm ảnh hưởng của tác phẩm, sự thành công ở đích đến cuối là công chúng… hơn là sự đánh giá thuần chuyên môn nghề nghiệp và đóng góp của nghệ sĩ đối với sự phát triển của nghệ thuật. Tất nhiên, giải Cống hiến đặt sự quyết định vào báo giới thì vẫn có cái hay và đặc trưng riêng, chẳng cần phải cố gắng hay cố làm cho giải thưởng chuyên môn làm gì. Quan trọng nhất, vẫn là ban tổ chức đưa ra những đề cử thật xuất sắc, mang tính phát hiện và cổ súy cho sự phát triển rộng khắp của âm nhạc mỗi năm. Trong cuộc họp báo năm trước của giải, một nhà báo thắc mắc về một đề cử – “Tôi không biết đĩa nhạc này!”. BTC đã trả lời khá sắc sảo và tỏ rõ quan điểm, “Đó là một đĩa nhạc xuất sắc mà chúng tôi lựa chọn. Bạn không biết không có nghĩa là nó không xứng đáng!”.

Bởi thế, như mọi năm, những đề cử cuối cùng của giải Cống hiến cũng đã được cân nhắc từ một danh sách tham khảo ý kiến báo chí. Có những trường hợp tưởng như xuất sắc mà nếu lọt vào đề cử sẽ có số phiếu bầu khá cao như ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi lại bị lọt khỏi danh sách Nghệ sĩ mới của năm. Nhưng cũng có trường hợp nhờ cuộc trưng cầu “báo ý” này mà đàng hoàng xuất hiện như trường hợp album “Song hành” của nghệ sĩ độc tấu nhạc dân tộc Ngô Hồng Quang (Đề cử Album của năm).

Bảo Lan

Bảo Lan. Ảnh: Dzung Yoko

Chốt lại danh sách, những cái tên gạo cội và quen thuộc vẫn được gọi tên như Nguyên Lê, Đỗ Bảo (Nhạc sĩ của năm – Album của năm – Chương trình của năm); Tùng Dương, Trần Thu Hà (Ca sĩ của năm – Album của năm – Chương trình của năm); Quốc Trung (Nhạc sĩ của năm – Chương trình của năm); nhóm Năm Dòng Kẻ (Album của năm)… Những cái tên này đương nhiên đại diện cho các yếu tố nghề nghiệp: sự sáng tạo, sự cống hiến và tất nhiên, một khi họ đã làm việc ở một tầm cao với sức ảnh hưởng vốn có thì báo giới không thể chối từ sự hiển nhiên này được. Khán giả bình dân có thể chống lại và hoài nghi sự khác biệt của các nghệ sĩ đẳng cấp này, nhưng báo giới khác – họ bắt buộc phải biết đến và đi theo sự dẫn lối của những người mở đường trong nghệ thuật (ít hay nhiều, mạnh hay yếu – tùy thuộc vào từng cá nhân nghệ sĩ). Nhưng báo chí đặt lòng tin và họ, bởi sự tồn tại ấy rõ ràng dung hòa được hai phần thương mại và nghệ thuật trong showbiz, và một góc độ nào đó duy trì được tính định hướng và làm sang của báo chí!

Đề cử năm nay có những nhân tố mới. Ngô Hồng Quang và đĩa nhạc “Song hành” – một phát hiện có công của báo chí phía Bắc – cho thấy đâu đó vẫn còn ủng hộ những người nghệ sĩ thầm lặng, ra sản phẩm âm thầm, bé mọn (500 bản in) và lọt thỏm giữa ê hề các đĩa nhạc trẻ được lăng xê rầm rộ. Đây là một dự án thú vị – một cuộc đối thoại giữa âm nhạc cổ truyền với nhạc hiện đại (hợp tác cùng nhạc sĩ Onno Krijin – Hà Lan) và đã được phát hành vượt ra khỏi biên giới tại xứ sở hoa tuylip. Sản phẩm của Quang làm chúng ta gợi nhớ và có phần tiếc nuối cho các sản phẩm âm nhạc của Jazzy Dạ Lam, nghệ sĩ đàn tranh Vân Ánh (vài năm trước) và pianist Vân Anh (Việt kiều Úc) vừa phát hành album năm nay. Cùng với album đầy sức nặng “Độc đạo” của cặp đôi Nguyên Lê – Tùng Dương vừa phát hành tại Pháp, album “Yếm đào xuống phố” – Jazz hóa chèo truyền thống của Tân Nhàn và Trần Mạnh Hùng, “Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta” của cặp đôi ăn ý Đỗ Bảo – Hà Trần từng gây sốt nửa cuối năm 2013, và album “Yêu” của nhóm Năm Dòng Kẻ đang ở giai đoạn chín muồi về tài năng… hạng mục Album của năm tương đối nặng và thách thức công chúng, nhưng sẽ là cuộc đua thú vị và khốc liệt nhất. Tất nhiên, “Độc đạo” đang chiếm ưu thế lớn khi nó được đảm bảo bởi tên tuổi của hai nghệ sĩ.

Bảo Lan là cái tên cũ khi gắn với Năm Dòng Kẻ nhưng lại là một cái tên mới đầy ấn tượng tại hạng mục Nhạc sĩ của năm bên cạnh 3 đàn anh Nguyên Lê, Đỗ Bảo và Quốc Trung. Điểm chung của cả 4 nhân vật được đề cử này là thiên hướng âm nhạc hiện đại world music dựa trên nền tảng căn bản là jazz. Họ đều có thâm niên làm nghề âm nhạc và sự cực đoan luôn luôn hiện hữu nổi bật. Bảo Lan tuy “liễu yếu đào tơ” nhưng đứng cạnh các đấng nam nhi khá cân bằng bởi những gì cô đã thể hiện trong cả vai trò sáng tác và sản xuất album “Yêu” cho nhóm Năm Dòng Kẻ. Quốc Trung và Đỗ Bảo đều đã từng chạm tay tới giải Cống hiến nên có nhiều hy vọng cho Bảo Lan và Nguyên Lê năm nay. Tất nhiên, nhân vật được đề cử thứ 5 hoàn toàn non trẻ – Phạm Hải Âu – chủ nhân giải thưởng Bài hát của năm Bài hát Việt cũng được coi là một phát hiện. Nhưng xem ra, để Cống hiến thực sự, Phạm Hải Âu còn cần thêm thời gian và những sản phẩm ấn tượng nhiều hơn nữa.

Nguyễn Đình Thanh Tâm

Nguyễn Đình Thanh Tâm. Ảnh: Lê Thiện Viễn

Nguyễn Đình Thanh Tâm cũng là một sự bất ngờ khi lọt vào Top 4 đề cử Ca sĩ của năm cùng 3 “cao thủ” Trần Thu Hà, Mỹ Tâm và Tùng Dương. Điểm đáng nói ở Thanh Tâm là cú nhảy từ đề cử Nghệ sĩ mới của năm sang Ca sĩ của năm chỉ sau đúng một năm. Tâm nhiều năng lượng, giàu sức sáng tạo để có thể gây đột biến, và đủ thẩm mĩ cá nhân để kiểm soát năng lượng và sự biến hóa của bản thân. Album “Cánh diều lạc phố” nằm trong 6 đề cử Album của năm có thể nói là một sự ưu ái hơi quá khi so nó với 5 đĩa nhạc còn lại. Tuy nhiên, nỗ lực vượt mình khỏi đĩa nhạc đầu tay ấy bằng những sản phẩm tiếp theo “Chạy mưa” (đề cử Ca khúc của năm) và đĩa nhạc thứ 2 “Gặp tôi mùa rất đông” thực sự ngoạn mục. Đĩa nhạc mới giàu màu sắc electro dance này tỏ ra khôn ngoan khi dung hòa được yếu tố thương mại và khả năng biến ảo giọng hát đã tỏ rõ tố chất nghệ sĩ cá tính của Thanh Tâm. Rất khó để Tâm chiến thắng trong bất cứ hạng mục nào của Cống hiến năm nay, nhưng với việc được nhắc tên 3 lần trong đề cử, tôi coi Nguyễn Đình Thanh Tâm là một hiện tượng – người chiến thắng vang dội nhất của mùa giải!

Những cái tên khác, chưa được nhắc đến trong bài viết này, xin được nhường cho các bài viết khác. Bởi lẽ có những đề cử đương nhiên là xứng đáng, nhưng trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ muốn nhắc đến những điều ấn tượng. Mà đôi khi ấn tượng của một nhà báo không có nghĩa là ấn tượng của và về cả một giải thưởng. Bất ngờ vẫn chờ được công bố vào tối 22/4/2014 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và trực tiếp trên truyền hình VTV! 

 

Bài: Chu Minh Vũ

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến là giải thưởng rất đặc biệt, được bầu chọn bởi những phóng viên theo dõi mảng văn hóa nghệ thuật của các cơ quan báo, đài trên toàn quốc – những người đã trực tiếp theo sát hoạt động âm nhạc của nước nhà trong năm qua. Danh sách đề cử giải thưởng âm nhạc Cống hiến năm nay gần như phản ánh đầy đủ bộ mặt của âm nhạc đại chúng Việt Nam năm 2013.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

08/04/2014, 14:38