Các nghệ sĩ được đề cử giải Cống Hiến 2013
Món quà của sự bất ngờ
Ở nền văn nghệ xứ mình, nhiều giải thưởng bằng cách nào đó luôn được biết trước giờ trao giải. Nhìn những nghệ sĩ (đã biết tỏng giải thưởng của mình) bước lên sân khấu, diễn những lời có cánh rằng tôi cảm động tôi bất ngờ với giải thưởng, có gì đó vừa khổ sở vừa khó chịu, đương nhiên không đáng tin. Người không có giải chẳng ai thèm đến xem lễ vinh danh kẻ khác, thành ra cả khán phòng rặt những người đoạt giải ngồi với nhau, điềm tĩnh đợi đọc đến tên mình như một kiểu điểm danh.
Thực tế ai cũng hiểu, điều hấp dẫn nhất ở một buổi trao giải chính là tính bất ngờ. Bất ngờ nghĩa là người bỏ phiếu không đoán được, Ban tổ chức (BTC) không đoán được, người được đề cử càng không đoán được. Khi kết quả được xướng lên, niềm hạnh phúc sẽ rưng rưng trọn vẹn (và nỗi buồn cũng thật bàng hoàng). Ở điểm này, Cống Hiến đã làm được một điều: ngoài trao giải thưởng, còn trao thêm món quà của sự bất ngờ. Cũng khá vất vả để có được “món quà” này, khi những ai liên đới cũng thích đóng vai trò quan trọng được là người báo tin đầu tiên. Những năm trước, phiếu của Cống Hiến kiểm ngay trước giờ trao giải, các nhà báo được “nhốt” cách ly để kiểm phiếu cùng BTC, nhưng qua tin nhắn kết quả vẫn được “tường thuật trực tiếp” cho các nghệ sĩ bên ngoài. (Mùa Cống Hiến 2009, ở café Paris Deli Tràng Tiền trước giờ vào lễ trao giải, Đức Tuấn cùng người quản lý ngồi uống sinh tố bình thản nhận cả chùm tin nhắn chúc mừng anh đoạt giải kép cho hạng mục album và ca sĩ của năm).
Chắc nhận thấy tính vô vọng khi trông mong vào những cam kết giữ bí mật, BTC đã quyết định chỉ tin vào chính mình. 50% phiếu công khai được kiểm trước với sự tham gia của báo chí. 50% số phiếu còn lại – vẫn còn xác suất quá lớn cho những cú lội ngược dòng ngoạn mục – do BTC tự kiểm. Ban kiểm phiếu “tuyên thệ” coi tuyệt mật là nguyên tắc đầu tiên (ngay cả Trưởng BTC cũng không được quyền hỏi thông tin từ đội “đặc nhiệm” này). Tính đến từng tích tắc trước khi giải thưởng được xướng lên, MC và nghệ sĩ đảm nhiệm việc trao giải cũng không đoán được trong phong bì dán kín là tên ai. Chính bà Nguyễn Mỹ Trang, thành viên ê-kíp sản xuất “In The Spot Light” cũng chia sẻ, “Hôm qua chúng tôi không nghĩ mình được giải, không chuẩn bị ai chụp ảnh, nên giờ chẳng có tấm hình nào tử tế.”
Cuối cùng, chúng ta đã có cơ hội được chứng kiến những giọt nước mắt chân thực, những niềm vui vỡ òa – món quà giản dị nhưng quá xa xỉ và hiếm hoi, càng trân quý giữa đại trà những vô duyên và tù mù của các loại giải biết trước, giải thỏa thuận, giải mặt trận, giải thương lượng và giải sim rác thao túng.
Nhạc sĩ Anh Quân trao giải Nghệ sĩ mới của năm cho ca sĩ Hương Tràm
Phong độ của đẳng cấp sánh cùng năng lượng tuổi trẻ
Với nhiều người, khoảnh khắc Hương Tràm, nữ ca sĩ 18 tuổi lên nhận giải “Nghệ sĩ mới của năm” là một trong những ấn tượng đáng nhớ nhất của mùa Cống Hiến 2013. Cô gái trẻ nói giọng Nghệ thuần chất, nước mắt dâng trào vì quá xúc động, nhận lời chúc của những nghệ sĩ đi trước theo cách giản dị khiêm tốn và có cả sự kiêu hãnh tự biết mình. Anh Quân, Mỹ Linh, Tùng Dương đã dành cho chủ nhân đầu tiên của giải thưởng Nghệ sĩ mới của năm lời khuyên thật xác đáng (và có ý nghĩa với tất cả các nghệ sĩ trẻ) từ trải nghiệm và suy nghĩ nghiêm túc về nghề nghiệp của chính họ: “Hãy luôn luôn học hỏi và tìm kiếm trong âm nhạc, hãy làm nghề có ý thức”; “Với người nghệ sĩ, phong cách cá nhân là điều quan trọng nhất! Chúc bạn luôn khát khao tìm đến những giá trị mới”.
Nhiều người không hài lòng khi những cái tên trẻ được xướng lên kèm một từ đầy trọng trách – “Cống Hiến”. Nhưng những khuyết thiếu và bệnh tật của Nhạc Việt cần được sửa chữa và lấp đầy bởi nguồn vitamin sức trẻ. Âm nhạc khỏe khoắn của Tạ Quang Thắng, sự tươi non trong trẻo của Thái Trinh, sự khác biệt cực đoan và điên rồ chỉ có “khi người ta trẻ” của Nguyễn Đình Thanh Tâm, sinh lực nồng nhiệt và lành mạnh của cơn bão Rock Storm (45 liveshow quét qua, nhóm lửa tinh thần hơn nửa triệu khán giả trẻ).v.v.. những “cơn nóng sốt mùa xuân” của tuổi trẻ, họ đáng được vinh danh giữa một khung cảnh âm nhạc thừa sự ủy mị ướt át, thiếu những hơi thở trong lành này. Không chuyển giao niềm tin cho họ, thì sau thế hệ diva ắt hẳn sẽ là những chống chếnh. Nhạc sĩ Quốc Trung có nói: “Xu hướng âm nhạc hiện nay là hướng tới các nghệ sĩ có phong cách riêng và cá tính đặc biệt, hơn là sự điêu luyện và giọng hát thiên bẩm tuyệt vời. Giá trị diva không bao giờ cũ, nhưng nó không phải là thước đo duy nhất, cách hát diva cũng không còn là đỉnh cao duy nhất mà các ca sĩ trẻ cần hướng tới. Tôi nghĩ điều này tích cực và làm đời sống âm nhạc mới mẻ, đa dạng hơn”.
Ca sĩ Hiền Thục thể hiện “Nhật ký của mẹ” – đề cử giải Bài hát của năm
Nhạc sĩ Quốc Trung lần đầu đoạt giải Cống Hiến sau ba lần được đề cử
“Nhạc sĩ của năm” đến với Quốc Trung là quá muộn (cũng như trường hợp của Anh Quân năm trước). Tất nhiên, với người nghệ sĩ đích thực, sáng tạo luôn là thúc bách tự thân, họ làm vì chính mình, nhu cầu nội tại của mình – có giải thưởng hay không chỉ là những hên xui tình cờ họ gặp trên hành trình nghệ thuật (đôi khi rất đơn độc). Nhưng nếu chúng ta bỏ quên những giá trị tích cực thì điều đó lại là một dằn vặt đáng tiếc. Các mùa Cống Hiến thường thấy trở đi trở lại những tên tuổi Quốc Trung, Anh Quân, Huy Tuấn, Võ Thiện Thanh, Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Tùng Dương… Phải khẳng định tới giờ, những nghệ sĩ này vẫn là những trụ cột, mỗi sản phẩm của họ đều ảnh hưởng tới mặt bằng chất lượng âm nhạc trong năm, thậm chí là những dấu mốc quan trọng của từng giai đoạn phát triển của nhạc Việt. Hãy nhìn Tùng Dương, người luôn mới mẻ với chính mình, người chưa bao giờ về tay không với Cống Hiến; Hãy nhìn Mỹ Linh trong live show 20 năm ca hát vẫn thu phục tuyệt đối bởi sự quyến rũ đằm đượm và độ chín muồi về nghề nghiệp (vì thế nhiều nhà báo đã tần ngần tiếc khi Mỹ Linh không được nhận giải Ca sĩ của năm); Hãy nhìn Quốc Trung với những đóng góp cơ bản cho nhạc nhẹ Việt Nam suốt từ những năm 1990 tới ngày hôm nay (tức hơn 20 năm sau) vẫn là một trong những người kiến tạo những giá trị quan trọng của âm nhạc đương đại. Những tên tuổi tinh hoa đi cùng mỗi mùa Cống Hiến như một minh chứng cho sức sáng tạo bền bỉ không tuổi của người nghệ sĩ. Đẳng cấp là mãi mãi, và phong độ có lẽ không chỉ là nhất thời.
Thế nào là Cống Hiến?
Ngay trong buổi họp báo giới thiệu đề cử Cống Hiến 2013, nhiều nhà báo đã “tấn công” BTC vì loại những chương trình có rating cao ra khỏi bảng đề cử (“The Voice”, “Bài hát Yêu thích”…); đồng thời “ưu ái” những sản phẩm dành cho số ít khán giả và những cá nhân quá mới. “Cống hiến là cống hiến thế nào, khi ‘anh’ bỏ quên những chương trình thu hút cả triệu lượt công chúng” (lại còn được truyền thông nhắc tên hàng ngày)? Thì BTC nhanh nhẹn trích dẫn ngay tiêu chí: “Có sáng tạo, đóng góp thiết thực vào sự phong phú và phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng”. Theo đó, “LUALA Concert” chỉ tổ chức ở vỉa hè một góc phố nhỏ, hay “Giai điệu trẻ” không có tiền làm truyền thông nên chỉ ai trực tiếp xem mới biết… đã cố gắng góp phần đưa âm nhạc cổ điển đến với công chúng. Nếu trong một nền âm nhạc có nhiều cá nhân và dự án cố gắng “tốt nhất trong khả năng có thể của mình” như thế, hẳn chúng ta sẽ không có cơ hội dùng từ “thảm hại’ hay “bệnh tật” mỗi khi nói về nền âm nhạc nước nhà.
Ca sĩ Phạm Thu Hà giành giải Album của năm với “Classic Meets Chillout”
Nhạc sĩ Hoàng Nhã thay mặt ca sĩ Mỹ Tâm nhận giải Ca sĩ của năm
“Cống hiến là cống hiến thế nào, khi anh ‘ép’ chúng tôi phải bỏ phiếu (không chấp nhận phiếu trắng) cho những cá nhân mới toe, thậm chí cho những album chúng tôi chưa từng nghe” (vì nghệ sĩ chưa kịp tặng?). Nhà báo Hữu Trịnh của báo Thể Thao & Văn Hóa (TT&VH) mới nhẩn nha vừa mềm dẻo vừa đanh thép khẳng định: “Một giải thưởng phải mang bản sắc của nhà tổ chức. TT&VH sẽ làm giải thưởng theo quan điểm ‘cống hiến’ của chúng tôi. Nếu chúng tôi không đủ bản lĩnh và cứng tay suốt bao năm qua, thì giải Cống Hiến không thể có uy tín như ngày hôm nay!” Nếu chỉ để đo page view, rating hay nóng bỏng truyền thông, đã chẳng cần đến Cống Hiến. Sao lại nỡ hạ lá phiếu của nhà báo theo dõi văn nghệ cào bằng với bình chọn tin nhắn hay lượt nghe? Trong thời buổi mà cứ lên báo xoành xoạch là thành “sao” (đến nỗi hoa hậu cũng tự cho mình là nghệ sĩ, chụp ảnh nude là hoạt động nghệ thuật) – thì truyền thông định hướng dư luận hay dư luận dắt mũi truyền thông đây?
Giới làm nghề cần một thước đo, một bảo tín về giá trị âm nhạc thuần khiết, để họ đặt lòng tin và ao ước được chạm vào. Với một giải thưởng lấy tiêu chí “Có sáng tạo và cống hiến âm nhạc”, giữ sự công minh và trung thực như một cam kết tối thượng – sau một chặng đường chưa đủ dài (mới 8 năm), Cống Hiến đã vun vén được niềm tin ấy. Điều này đáng được coi như một thành tựu kiêu hãnh mà bất cứ nhà tổ chức giải thưởng nào cũng ao ước, nhưng cũng là sức ép ngày càng thử thách đối với BTC. Cực đoan là một trong những phẩm chất cần thiết của người làm sáng tạo; dễ lung lay như cây cao giữa muôn chiều gió thì sẽ không bao giờ có thể gánh vai trò mở đường và tạo khuynh hướng. Một giải thưởng để tôn vinh những giá trị mới, những sáng tạo không ngừng nghỉ – ắt cũng nên cực đoan và can đảm với xác tín của mình.
Thì hãy tiếp tục thuyết phục chúng tôi, bằng con đường riêng và sự trung thực của Cống Hiến!
Từ trái sang: Ca sĩ Phạm Thu Hà; nhạc sĩ Doãn Nho; bà Trương Lê Kim Hoa – Trưởng BTC giải Cống hiến 2013, TBT báo TT&VH; ông Đỗ Ngọc Minh – đại diện nhà sản xuất “LUALA Concert”
Nhạc sĩ Hồng Kiên, Anh Quân, ca sĩ Mỹ Linh chia vui cùng ông Trần Thanh Tùng và bà Nguyễn Mỹ Trang – đại diện nhà sản xuất “In the Spotlight”
Giải thưởng Âm nhạc Cống Hiến của báo Thể Thao & Văn Hóa sáng lập và tổ chức thường niên, do các nhà báo theo dõi về văn hóa nghệ thuật bầu chọn. Cống Hiến 2013 (lần thứ 8) trao giải cho 6 hạng mục:
Nhạc sĩ của năm ( nhạc sĩ Quốc Trung)
Bài hát của năm (“Chiếc khăn Piêu” – nhạc sĩ Doãn Nho & ca sĩ Tùng Dương)
Chương trình của năm (chuỗi chương trình In The Spotlight)
Nghệ sĩ mới của năm (ca sĩ Hương Tràm)
Album của năm (“Classic Meets Chillout “– ca sĩ Phạm Thu Hà & nhà sản xuất Võ Thiện Thanh)
Ca sĩ của năm (ca sĩ Mỹ Tâm). |
Bài: Quỳnh Hương