Minh họa: Hồng Trang
To đẹp hồi sau sẽ thấy, nhưng 21 trạm thu phí được vẽ lên lúc này nghe đã thấy ngại. Cứ khoảng 70km lại có một trạm, đường nào cũng dẫn đến “cổng chào” thu tiền dựng lia chia như thời “ngăn sông cấm chợ”. “Xe ta bon bon trên đường dài” là câu ca thời chiến, nay mỗi khúc bon bon mỗi khúc tiền.
BOT chỉ là xây dựng, vận hành, chuyển giao, không có chữ nào về “bảo trì”. Chả biết có phải vì thế lại gò lưng đóng phí bảo trì đường bộ nữa.
Mỗi ông một cõi. Ông BOT tuy sản xuất có “bảo hành”, nhưng sản phẩm lỗi, hỏng thì gọi ông Bảo trì. Ông Bảo trì lại bảo tài xế chi, không chi thì đi đêm mãi có ngày “phạm”.
Thời khó khăn, nhiều cơ sở vận tải phải vay tiền để đóng “bảo trì”, nay lại phải “chủ chi” lộ phí. Hàng hoá phải “đội giá”, bổ cả vào đầu doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Giá tăng, “lộ phí” cũng sẽ tăng, đến năm 2020 dự kiến tăng gấp 3. Trong 25 năm nữa cứ thế, qua cầu ngả nón chi tiền, cao ở mức hàng đầu khu vực.
BOT là một cách “dựa vào dân”. Dễ trăm lần không BOT cũng chịu, khó vạn lần BOT liệu cũng xong. Nhưng mức thu BOT được cho là “rất tù mù”, dù “chia ba phần tươi đỏ” nhưng nào biết dành cho lãi phần nhiều, phần hoàn vốn, phần bảo trì bao nhiêu…
Phí quá, phí chồng phí. Đã nộp phí bảo trì đường bộ, lại nộp cả phí bảo trì đường BOT. Đường nào cũng là đường, nhưng “đường bộ” khác “đường BOT”. Đơn giản mỗi ông một cõi và mỗi ông một túi, làm sao chung đụng, cũng không “thu hộ” được.
Chạy đâu cho thoát, có mỗi quốc lộ 1. Lên đường Hồ Chí Minh chỉ mới chạy được một khúc, lại khó chạy mọi thời tiết, lắm sạt lở, nhiều đèo dốc, thiếu trạm dừng, trạm sửa, trạm xăng…
“Đường ta đi dài theo đất nước” là câu hát xưa, nay trạm thu phí cũng sẽ bám dài theo đất nước. Xưa, địch phá ta sửa ta đi. Nay phải đóng tiền bảo trì, lộ phí mới ngoan.
Tiền thu rồi mà đường vẫn xấu, thì cần… thông cảm và chia sẻ.
Đường nào cũng dẫn đến La Mã, và đường nào cũng dẫn đến “cổng chào”. Nhưng Bảo trì và lộ phí là hai cái khác nhau, nhé. Bảo trì cứ chăm lo việc bảo chi, còn lộ phí cứ phí, miễn không lộ…
Trần Giang Phương