Nhà báo cũng chính là “người của công chúng”

Là một phương tiện truyền thông cung cấp cho mọi người tất cả những chuyện xảy ra trên trái đất, và cho mọi người biết những chuyện này có ảnh hưởng như thế nào tới đời sống, tinh thần, kiến thức và quan điểm của họ… nên báo chí rõ ràng mang một sứ mạng rất lớn đối với xã hội.

Sứ mạng lớn đầu tiên là phải có trách nhiệm đưa tin chính xác. Sứ mạng lớn thứ hai là góp phần định hướng dư luận, bởi hầu hết những thông tin báo chí đưa, độc giả sẽ tin.


MC Trấn Thành

Vì mang những sứ mạng lớn nên ta thấy công lao của phóng viên, nhà báo cũng rất lớn. Sẽ không dễ để vừa đưa tin kịp thời mà vẫn đảm bảo tính chính xác cao. Càng không dễ để đảm bảo tính khách quan khi họ bình bàn đến một vấn đề hay một con người cụ thế, đặc biệt là những vấn đề và những người có sức ảnh hưởng.  Khen chê nếu không khách quan và chính xác sẽ không chỉ làm tổn thương đến những yếu tố được nêu trong bài viết mà còn “làm hỏng” cả một khối lượng tư duy lớn, khi ngòi bút khiến người đọc nhận thức sai trước những giá trị sống lệch chuẩn…  

   

 

Với một trách nhiệm nặng nề như thế, tôi mong các nhà báo sẽ nhận được những sự trả công xứng đáng!  Ngoài nhuận bút cao hơn, còn là uy tín nghề nghiệp và một tiếng nói thuyết phục trước độc giả. Một khi uy tín được hình thành sau một thời gian chăm chút tạo dựng, đôi khi không cần tìm, mà các nguồn tin sẽ tự khắc đến với họ như một nơi gửi gắm tin cậy. Và khi họ đạt đến “cảnh giới” cao hơn nữa, thì đó chính là danh dự, giá trị cao quý, là những tượng đài hoặc hình mẫu nghề nghiệp của người làm báo. Vì báo chí giống nghệ thuật ở chỗ: người làm nghề tạo ra được tác phẩm và tác phẩm đó sẽ có “khán giả” và có fan hâm mộ! Nếu như phóng viên luôn hướng đến những tác phẩm chứa đựng thiện chí làm đẹp xã hội, họ cũng sẽ trở thành một “người của công chúng” – theo đúng nghĩa tích cực nhất của từ này. Đấy là tôi còn chưa nói đến những phóng viên chiến trường, mà không ít người trong số họ đã dám hy sinh cả tính mạng vì những bài báo góp phần đưa lại sự đổi thay. Những người đó, theo tôi, xứng đáng được gọi là những anh hùng.

Nhà báo, cũng như nghệ sỹ, khi làm nghề bằng ngọn lửa đam mê, thì có nghĩa họ sẽ có trách nhiệm đến cùng với những “đứa con” của mình và rộng ra, đó cũng chính là trách nhiệm trước xã hội. Vì sự đồng cảm đó, hy vọng nhà báo và nghệ sỹ sẽ ngày càng sát cánh bên nhau trong mối quan hệ cộng sinh mà khán giả/độc giả cùng là đích đến.  

Chúc mừng ngày Nhà báo Việt Nam!

MC Trấn Thành
logo

 

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

>> Cùng chủ đề: “Nhà báo” – MC Trấn Trành:
Đừng biến truyền thông thành “cỗ máy hủy diệt”!
Hy vọng trước khi mỗi một bài được đăng, chúng ta hãy dừng lại một chút, dù chỉ là một khắc, để cái gọi là tri thức, lương tâm, nhân tính, đạo đức nghề nghiệp lên tiếng nhắc nhở mình: có nên hay không? Hãy dừng lại trước khi ta gây ra những hậu quả thương tâm!


From the same category