Cấm cửa thí sinh dự thi Hoa hậu “sống thử”: Lấy gì đảm bảo không… lọt?

“Hoa hậu” là gì mà rất nhiều cô gái đau đáu khát khao?
Là một hoa hậu có thực sự vẻ vang? Và khi đã khoác lên mình danh vị hoa hậu, có nhất thiết phải sống khác, nói khác, nghĩ khác “hoa thường”?

Có ai đó đã từng là hoa hậu thấy hối tiếc về việc mình đã cố ganh đua trong vài vòng thi để được đội lên đầu một chiếc vương miện, mà rồi sau đó, nhiều trong số họ đã ước mình chưa từng được đội nó?

Nhiều hoa hậu sẽ “làm báo” với Đẹp Online để chia sẻ những suy nghĩ của họ – những người sau một đêm thi đã trải nghiệm cuộc sống của một hoa hậu thực sự, đã nếm trải những gì?

Mời độc giả đón đọc các bài báo đến từ các Hoa hậu:
Hoa hậu thế giới người Việt 2010 – Lưu Diễm Hương: Từng kiệt sức vì làm… Hoa hậu
Hoa hậu Việt Nam 2012 – Đặng Thu Thảo: Làm giàu từ chiếc vương miện hoa hậu? Đừng ngộ nhận!

Thấy bảo luật mới của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm nay quyết “cấm cửa” những thí sinh từng qua “sống thử”, “sống như vợ chồng”…, mà tự hỏi: Sao lại phải tự thu hẹp cửa thế nhỉ? Khác nào “phú quý giật lùi”! Chẳng phải một cuộc thi càng có nhiều người dự thi thì càng chứng tỏ được sức hút của mình sao? Đã nghiêm thì phải nghiêm tất, thì mới mong đảm bảo được sự công bằng, nhưng lấy gì để đảm bảo, không để “lọt cửa”? Một khi, định nghĩa “sống như vợ chồng” vẫn còn phải bàn cãi chán, và BTC, liệu có đủ người để đi xác minh mọi trường hợp không, để chắc chắn 100% rằng đừng hòng để ai “lọt cửa”?


Hoa Hậu Nguyễn Thu Thủy

Có người bảo, lúc này biển Đông đang dậy sóng, còn bày đặt thi hoa hậu hoa hiếc làm gì cho tốn kém, nhiêu khê… Đất nước lúc này cần người hùng chứ đâu cần người đẹp… Nhưng tôi thì không nghĩ thế. Và tôi tin ngay chính những người lính biển đang ngày ngày đứng trước lằn ranh sinh tử ấy, họ cũng sẽ không nghĩ thế…

Chặn cũng được, nhưng theo tôi chỉ nên trong trường hợp: Thí sinh đó đã vào sâu được đến vòng trong và lúc đó, có siết chặt quy chế hơn, với những người có cơ hội đến gần chiếc vương miện hơn, cũng là phải lẽ! Còn nếu như chỉ đơn thuần là một thí sinh ở vòng ngoài, thì theo tôi, là chưa cần thiết. Cứ để họ góp mặt cho cuộc thi được đa thanh, đa sắc, cũng như để những người trẻ ấy có cơ hội được lớn lên, và BTC, BGK vẫn còn có cả một thời gian dài để cân nhắc kia mà! Chứ chưa gì đã bảo cô này cô kia không được “bén mảng” đến đây, làm cuộc thi “mất sang”, thì chắc gì đã “làm sang” sân chơi đó hơn, mà biết đâu, lại là ngược lại?

Tương tự, cả cái cô thí sinh quay clip “anh không đòi quà” kia cũng vậy! Cứ để cô ấy đi thi đi, để có cơ hội trưởng thành hơn! Còn nếu như khi cô ấy có cơ hội vào sâu hơn, thì lại hãy soi xét, cân nhắc thêm lần nữa, bên cạnh những đối sánh khác, xem ai là người xứng đáng hơn, đâu đã muộn! Cứ cho người ta đi thi đi, còn chấm giải hay không, lại là chuyện khác, tính sau!

Như tôi cũng đã từng có lần lên tiếng trên trang cá nhân, trước việc thí sinh Hoa hậu Đại dương bị “ném đá” vì câu trả lời về giàn khoan: Khi người ta mới 18 tuổi, người ta có thể mắc rất nhiều sai sót, nhất là trong một tình huống dễ mất bình tĩnh như thế. Vậy nếu có thể, hãy dành cho các em một cái nhìn nhân văn hơn, ở một nơi mà chúng ta đang cùng nhau hướng tới cái đẹp. 

 

Mới đây, khi xảy ra chuyện hoa hậu đòi trả danh hiệu, cũng đã có người hỏi tôi: Đã bao giờ tôi cũng muốn làm điều đó? Tôi, thì tất nhiên là chưa bao giờ. Có thể là vào thời của tôi, truyền thông “hiền” hơn, chứ không toàn chuyện “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường” như bây giờ… Nhưng tôi nhớ là tôi cũng đã từng trả lời ứng xử một cách khá là ngớ ngẩn. Từng có lúc (tất nhiên là sau cuộc thi), nghĩ: Phải như mình chỉ đạt ngôi á hậu thôi, thì biết đâu mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn. Tiếng tăm cũng vẫn có, nhưng không đến nỗi phải “hứng gió mạnh” như một cô hoa hậu…

Lại có người bảo, lúc này biển Đông đang dậy sóng, bao người đang phải hàng ngày rát mặt đối diện với sóng to gió lớn, còn bày đặt thi hoa hậu hoa hiếc làm gì cho tốn kém, nhiêu khê… Đất nước lúc này cần người hùng chứ đâu cần người đẹp… Nhưng tôi thì không nghĩ thế. Và tôi tin ngay chính những người lính biển đang ngày ngày đứng trước lằn ranh sinh tử ấy, họ cũng sẽ không nghĩ thế. Càng đối diện với những điều lớn lao, con người ta lại càng dễ có những cái nhìn nhân văn, thân ái, thay vì tủn mủn, giáo điều như thường thấy ở các “anh hùng bàn phím”. Những người đó, tôi tin họ sẽ không bao giờ lên án người này người kia nên hay không nên làm việc này việc kia, hay cô kia thay vì diện cái váy hàng hiệu đó sao không đi làm từ thiện… Không hẳn là việc ai người nấy làm đâu, nhưng rõ ràng, một xã hội hiện đại bao giờ cũng cần phải phát triển cân đối, hài hòa và không thể thiếu cái nhìn nhân văn với cái đẹp.

Đừng đi “lo hộ” cho người khác quá nhiều khi không đủ hiểu họ và biết đâu, còn không được như họ…!

Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy
logo

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

>> Có thể bạn quan tâm: Cuộc trò chuyện thú vị của Hoa hậu Ngô Phương Lan cùng Đẹp Online. Trong cuộc chuyện, người có cuộc đời gần như “trải thảm” này lại hơn một lần nhắc đến cụm từ “không đơn giản”: không đơn giản để trở thành một người hoàn mỹ, không đơn giản để đi tới hôn nhân…, khi nhớ lại những chặng đời chị đã phải đi qua và đối diện. “Bông hoa vừa có chủ” cũng tự liệt mình vào trường phái luôn mong muốn được… “ngồi tù”. Dĩ nhiên là những-nhà-tù-kiểu-đặc-biệt.


From the same category