Tôi từng kiệt sức vì… làm hoa hậu!

“Hoa hậu” là gì mà rất nhiều cô gái đau đáu khát khao?

Là một hoa hậu có thực sự vẻ vang? Và khi đã khoác trên mình danh vị hoa hậu, có nhất thiết phải sống khác, nói khác, nghĩ khác “hoa thường”?

Có ai đó đã từng là hoa hậu thấy hối tiếc về việc mình đã cố ganh đua trong vài vòng thi để được đội lên đầu một chiếc vương miện, mà rồi sau đó, nhiều trong số họ đã ước mình chưa từng được đội nó?

Nhiều hoa hậu sẽ “làm báo” với Đẹp Online để chia sẻ những suy nghĩ của họ – những người sau một đêm thi đã trải nghiệm cuộc sống của một hoa hậu thực sự, đã nếm trải những gì?

Để đảm nhận trách nhiệm của một hoa hậu, trong một nhiệm kỳ, theo tôi, thật ra không quá nặng. Tuy nhiên, để cho xứng trách nhiệm của một công dân được mọi người tin tưởng và yêu mến trao cho danh hiệu hoa hậu thì có thể nói là không bao giờ đủ. Yêu nước, yêu người, làm đẹp và quảng bá hình ảnh của đất nước, dân tộc có bao giờ là quá sức với một hoa hậụ, trong khi đó không phải là trách nhiệm của riêng ai?

 
Hoa hậu Lưu Diễm Hương: Vinh quang của một hoa hậu không chỉ là giây phút đăng quang hay những lúc sải bước trên thảm đỏ, trước những ánh nhìn ngưỡng mộ và những ánh đèn flash…

Hương từng bị kiệt sức vì di chuyển khi không ngừng tham gia các chương trình từ thiện dành cho sinh viên, trao tặng nhà cho người nghèo, cứu trợ đồng bào gặp thiên tai, đến thăm và tặng quà cho những người già neo đơn và trẻ em lang thang cơ nhỡ… Nhưng đến lúc này nhìn lại, Hương biết mình vẫn chưa thực sự hết mình để cố gắng làm được những việc có ích. Trừ thời gian đầu còn được BTC cuộc thi định hướng, thì mỗi hoa hậu đều phải tự ý thức xây dựng và hoàn thiện hình ảnh của mình, ngay cả khi chiếc vương miện đã được chuyển giao cho người mới. Điều đó nếu như không đến từ mong muốn chủ quan của họ thì khó ai có thể giúp được họ, kể cả khi đó là những quy định có tính ràng buộc.


Không ít lần Diễm Hương phải cất đi hai chữ “hoa hậu” ở nhà và” khoá” thật kỹ, trước khi về lại với đời sống…

Vương miện đơn giản là một món trang sức để trưng vào tủ kiếng. Để khi chợt nhớ, chợt buồn lấy ra lau thật kỹ, tự đội lên đầu và cười một mình trong gương: “Mình cũng đẹp đấy chứ?!”.
Vinh quang của một hoa hậu không chỉ là giây phút đăng quang hay những lúc sải bước trên thảm đỏ, trước những ánh nhìn ngưỡng mộ và những ánh đèn flash. Để có được chỗ đứng lâu dài và thực sự trong lòng công chúng cũng như đồng nghiệp, người nghệ sỹ nói chung và hoa hậu nói riêng ngoài sức hút về ngoại hình còn cần đến những sức thuyết phục khác, nằm trên con đường họ lựa chọn. Vương miện được trao trong đêm chung kết, đơn giản là một món trang sức quý và vô cùng đẹp, nhưng cũng chỉ để cho cô chủ trưng vào tủ kiếng, để rồi khi chợt nhớ, chợt buồn lấy ra lau thật kỹ, tự đội lên đầu và cười một mình trong gương: “Mình cũng đẹp đấy chứ?!”.



Sau những ồn ào vì bị tố “đã có chồng” nhưng vẫn tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012 tại Mỹ. Chọn giải pháp im lặng một thời gian, cuối cùng hoa hậu Diễm Hương đã gửi lời xin lỗi chân thành đến khán giả và quyết tâm xây dựng hình ảnh lại từ đầu.

Việc nên làm sau đó của một cô hoa hậu, như Hương, là không ít lần phải cất đi hai chữ “hoa hậu” ở nhà và “khóa” thật kỹ, trước khi về lại với đời sống. Chỉ có không ngừng nỗ lực, xác định đúng mục tiêu cần chinh phục, đam mê, lao động, không ngại học hỏi từ những câu la mắng có tính chất xây dựng của đàn anh, đàn chị, thì mới mong có được sự thành công cũng như sự kính trọng, yêu mến của mọi người.

Ai cũng vấp ngã, vấn đề là ta nhận ra mình vấp ở đâu, để còn biết đứng lên và đi tiếp. Hơn ai hết, Hương hiểu hoa hậu luôn bị xem là một bình hoa di động và luôn gắn với những định kiến không hề dễ nghe. Cái danh thì lớn nhưng lại chẳng phải là một nghề có thể mang lại thu nhập ổn định. Vẫn biết, đời cho ta nụ cười đẹp thì hãy trao lại nó cho mọi người để làm đẹp hơn cuộc sống. Nhưng khi ta không vui và phải khóc thì hãy tạm quên danh hiệu đó đi để nỗi buồn được nhẹ nhàng trôi đi. Vương miện hoa hậu – có thì đã khó, giữ lại càng khó hơn bội phần. Còn trả lại sẽ dễ như hít thở!

Đời sống càng phát triển, cái đẹp càng có cơ hội được tôn vinh. Vì vậy, cũng nên lấy làm mừng trước việc các cuộc thi lớn nhỏ được tổ chức. Chỉ tiếc, không hẳn tất cả các cuộc thi đều diễn ra đúng như tên gọi của nó. Có vô số những bất cập, những kết quả gây thất vọng, những chuyện không nói ra được, những cuộc mua bán mà chỉ người trong cuộc mới hiểu, qua những cú đưa mắt và những cú bắt tay… Trăm sự, cũng vì chúng ta đã đi quá nhanh chăng, để có thể bình tĩnh là mình, trước cái đẹp?

 Hoa hậu thế giới người Việt Lưu Diễm Hương

logo

 

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

 

Mời độc giả đón đọc bài viết của các Hoa hậu:

Hoa hậu Việt Nam 1994 – Nguyễn Thu Thủy:
Cấm cửa thí sinh dự thi Hoa hậu “sống thử”: Lấy gì đảm bảo không… lọt?

Hoa hậu Việt Nam 2012  – Đặng Thu Thảo: Làm giàu từ chiếc vương miện hoa hậu? Xin đừng ngộ nhận!

 

>>Tin liên quan – Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy: Cấm cửa thí sinh dự thi Hoa hậu “sống thử”: Lấy gì đảm bảo không… lọt? – Thấy bảo luật mới của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm nay quyết “cấm cửa” những thí sinh từng qua “sống thử”, “sống như vợ chồng”…, mà tự hỏi: Sao lại phải tự thu hẹp cửa thế nhỉ? Khác nào “phú quý giật lùi”!

 

 

 


From the same category