Bộ Y tế đã khuyến cáo, người dân cần chủ động phòng ngừa các dịch bệnh mùa hè do tình hình dịch bệnh năm này sẽ có những chuyển biến phức tạp.
Sau đây là những bệnh thường xảy ra vào mùa hè các bạn cần đặc biệt lưu tâm.
Bệnh tiêu chảy
Bệnh tiêu chảy xuất hiện quanh năm, nhưng thường xảy ra nhiều nhất vào mùa hè. Nguyên nhân chính dẫn tới tiêu chảy là do uống nước bị ô nhiễm, ăn thực phẩm bị ô nhiễm, vệ sinh cá nhân không đủ và không đúng cách, không gian sống không sạch sẽ.
Triệu chứng
Bệnh tiêu chảy có những triệu chứng của bệnh như sau: Số lần đi đại tiện có thể ít (3-5 lần/ngày) hay nhiều (vài chục lần/ngày), nôn mửa, đau dạ dày, miệng trở nên khô, da bị mất nước và không còn đàn hồi, đi tiểu ít.
Phòng ngừa và điều trị
Để phòng bệnh tiêu chảy phải uống nước đun sôi, rửa tay và chân trước khi ăn uống. Khi đã bị tiêu chảy, cần uống nhiều nước, uống thêm dung dịch ORS (oresol).
Bệnh tay – chân – miệng
Bệnh tay chân miệng là một nhiễm trùng do vi rút. Bệnh thường tự khỏi và không đe dọa nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh rất dễ biến chứng thành viêm não dẫn đến tử vong. Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em, lây rất nhanh, dễ lan thành dịch làm nhiều người mắc.
Triệu chứng
Sau thời gian ủ bệnh từ 3 – 7 ngày, trẻ bắt đầu bị sốt nhẹ, mỏi mệt, kém ăn, đau họng… sau đó xuất hiện những nốt ban màu hồng có đường kính khoảng 2mm, ở trong miệng và trên da lòng bàn tay, gan bàn chân, đôi khi cũng thấy ở mông và cẳng chân. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên cần phải cách ly trẻ và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Phòng ngừa và điệu trị
Hiện tại vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh chân tay miệng. Trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa là hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết. Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng. Tuyệt đối không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân. Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn có chlor. Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch. Cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh.
Khi đã có dấu hiệu bệnh, cần đưa bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu hoặc truyền nhiễm, không được tự mua thuốc điều trị để tránh các biến chứng. Hiện không có thuốc đặc hiệu diệt virus gây bệnh tay chân miệng. Các biện pháp điều trị chủ yếu là chăm sóc bệnh nhân. Cho bệnh nhân dùng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau; bù đủ nước cho bệnh nhân nếu có sốt cao. Bệnh nhân cần được ăn đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Tại các thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Khi có biến chứng viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi phải nhập viện để có biện pháp điều trị tích cực.
Bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm vi rút Varicella Zoter gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, qua các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh từ dịch tiết đường hô hấp, dịch từ nốt phỏng thủy đậu, lây qua đường hô hấp do hít phải vi rút do người bị bệnh thủy đậu nói, hắt hơi (nhảy mũi) hoặc ho làm nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi.
Triệu chứng
Thời gian ủ bệnh khoảng 2 -3 tuần, thông thường từ 14-16 ngày từ lúc bị nhiễm vi rút đến lúc phát bệnh. Người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Bệnh kéo dài từ 7 – 10 ngày.
Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng cũng có thể gây ra biến chứng từ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước đến nhiễm trùng huyết, viêm não (ít xảy ra). Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.
Phòng ngừa và điều trị
Tất cả những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc xin đều có thể mắc bệnh. Thông thường người lớn mắc bệnh nặng hơn ở trẻ em. Mọi người đều phải chủ động phòng bệnh thủy đậu bằng cách tránh tiếp xúc với người bị bệnh và tiêm vắc xin phòng bệnh.
Bệnh do vi rút gây ra nên hiện nay chưa có thuốc đặc trị mà tùy thuộc vào sự phát hiện bệnh sớm trong 24 giờ đầu.
Điều trị triệu chứng: Chống nhiễm khuẩn, hạ sốt, an thần; chống ngứa để bệnh nhân đỡ cào gãi. Chú ý cắt ngắn móng tay và giữ sạch tay. Tại chỗ nốt đậu dập vỡ nên chấm dung dịch xanh metylen.
Điều trị đặc hiệu: Dùng kháng sinh chống virut loại acyclovir, nên sử dụng trong vòng 24 giờ đầu khi xuất hiện nốt đậu có thể giúp rút ngắn thời gian bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, cần có sự thăm khám và chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.
Bệnh dại
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại có tên khoa học Rhabdovirus gây nên. Người mắc bệnh dại chủ yếu là do chó, mèo, chuột mang mầm bệnh truyền sang người qua vết cắn, vết cào cấu hoặc do tiếp xúc trực tiếp với nước dãi từ con bệnh.
Triệu chứng
Người bị con vật nhiễm vi rút dại cắn sẽ ủ bệnh trong 2-8 tuần lễ (có thể chỉ khoảng 10 ngày nhưng cũng có thể kéo dài 1 năm, thậm chí lâu hơn). Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào vị trí vết cắn và số lượng virus xâm nhập cơ thể qua vết cắn. Cơn dại bắt đầu với cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, khó chịu. Mỗi khi nhìn thấy nước hoặc uống nước, cơ nuốt co thắt làm cho bệnh nhân sợ hãi. Sau đó, bệnh tiến triển đến liệt, có cơn điên cuồng hoặc co giật. Bệnh thường kéo dài từ 2 đến 6 ngày, đôi khi lâu hơn. Nạn nhân chết do liệt cơ hô hấp. Tất cả những bệnh nhân đã lên cơn dại đều tử vong.
Phòng ngừa và điều trị
Đối với con người, chỉ nên tiêm phòng bệnh dại khi bị động vật nghi dại cắn. Sau khi bị động vật cắn, phải theo dõi và chăm sóc con vật đó cẩn thận. Nếu sau 7 ngày, động vật đó không chết thì không phải tiêm. Trong trường hợp không theo dõi được tình trạng của động vật đó hoặc bị cắn vào vùng đầu, mặt, cổ thì phải đi tiêm phòng ngay.
Khi bị động vật nghi dại cắn, cần nhanh chóng rửa vết thương thật kỹ bằng xà phòng, sau đó rửa lại thật sạch vết thương bằng nước sạch, sát khuẩn bằng cồn, cồn iốt hoặc petadine để phòng nhiễm khuẩn vết thương, khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế để khâu vết thương (nếu bị rách nhiều) và tiêm huyết thanh kháng dại, vaccine dại và huyết thanh chống uốn ván.
Bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh do siêu vi trùng Dengue gây ra. Đây là 1 bệnh truyền nhiễm cấp tính và lây lan chủ yếu do loại muỗi vằn hút máu từ người mắc bệnh truyền sang người lành. Loại muỗi vằn này thường ở trong nhà, trong các góc tối tăm và các nơi ẩm thấp, thường hoạt động cả ban ngày lẫn ban đêm. Đây là 1 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nặng có thể gây tử vong do trụy tim mạnh hoặc do bị xuất huyết ồ ạt. Bệnh có thể xảy ra đối với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em từ 3 đến 10 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
Triệu chứng
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.
Người bệnh sẽ sốt cao 39-40 độ C, sốt liên tục trong 3 – 4 ngày. Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp có thể xuất huyết tiêu hóa và sốc.
Phòng ngừa và điều trị
Đối với trẻ em (đối tượng dễ mắc bệnh) nên mặc quần áo dài tay khi thời tiết thay đổi thất thường nhất là những ngày mưa, ngủ mắc màn cả ban đêm lẫn ban ngày. Không để trẻ ở những nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp, đặc biệt là những nơi gần bể nước, cống nước ô nhiễm.
Cần diệt ấu trùng muỗi hoặc không tạo điều kiện để muỗi đẻ trứng như thả cá vàng hoặc các loại cá ăn lăng quăng vào trong lu, giếng, chum, vại,…. Đổ nước trong các vật đựng nước không cần thiết. Tránh để đồ đạc lộn xộn hoặc để nhiều đồ vào chỗ tối tạo khe hở cho muỗi sinh sản. Đặt bát nước muối ở các khe trong nhà, sử dụng nhang muỗi, thuốc xịt.
Nếu bị bệnh, người bệnh chỉ uống thuốc để hạ sốt, ngoài ra không được dùng bất kỳ loại thuốc nào khác. Nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước mát hoặc nước trái cây để giải nhiệt, tránh ăn những thức ăn khó tiêu. Tuy nhiên, người mặc bệnh sốt xuất huyết nên đến gặp bác sỹ để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Viêm màng não mủ
Viêm màng não mủ là một bệnh nhiễm trùng nặng nề tại hệ thần kinh, thường không có giai đoạn tự lui bệnh. Nếu bệnh không được chuẩn đoán, điều trị kịp thời sẽ diễn biến nặng dần và tử vong.
Triệu chứng
Viêm màng não mủ là bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, tùy từng độ tuổi. Trẻ có thể khởi bệnh với các biểu hiện như sốt cao, chảy nước mũi, ho, tiêu chảy, quấy khóc, nôn trớ. Một số trẻ lại có thể xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tri giác, thị giác như trẻ quấy khóc, ánh mắt nhìn vô cảm… Vì thế, nhiều bà mẹ rất dễ nhầm trẻ bị viêm họng, viêm phổi hoặc tiêu chảy… và tự điều trị. Bệnh viêm màng não mủ hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm. Vì thế, khi trẻ có bất cứ một dấu hiệu bệnh lý nào (dù chỉ là ho, sốt, chảy mũi) cha mẹ cũng cần đưa trẻ đi khám để loại trừ những bệnh nguy hiểm.
Phòng ngừa
Để tránh mắc bệnh viêm màng não mủ do não mô cầu, cần vệ sinh cá nhân, nhất là vệ sinh họng, miệng hàng ngày. Cần cách ly bệnh nhân và tránh tiếp xúc với người bị bệnh vì vi khuẩn có thể lây qua các giọt nước bọt, chất nhầy họng do bệnh nhân ho, nói bắn ra không khí xung quanh người lành trực tiếp hít phải. Hiện nay đã có vắcxin đặc hiệu, trẻ em dưới 36 tháng cần được tiêm loại vắcxin này để gây miễn dịch chủ động.
Bệnh sởi
Sởi là bệnh theo mùa, thường gặp ở trẻ nhỏ và là bệnh lành tính. Tuy nhiên, nếu không biết cách chăm sóc đúng cách, trẻ có thể bị biến chứng dẫn đến tử vong.
Triệu chứng
Các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 39 – 40 độ C, sốt liên tục. Trẻ bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), tiêu chảy. Có những chấm nhỏ khoảng 1mm nổi lên trên niêm mạc má, dễ quan sát khi trẻ há miệng to; chấm có màu đỏ, sung huyết, ở vị trí ngang với răng hàm thứ nhất. Dấu hiệu này mất nhanh trong vòng 12 – 18 giờ.
Sau khi sốt 3 – 4 ngày, trẻ bị phát ban. Đầu tiên ban mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất, có xu hướng kết dính lại với nhau, phát ban xen giữa những khoảng da lành. Thể nhẹ thì ban rải rác, thể nặng thì ban dày gần như che kín da, cả gan bàn tay, chân, sau khi bay để lại vết thâm trên da. Trẻ ăn kém, mệt, mỏi.
Thường thì 3 – 4 ngày sau khi ban mọc, ban sẽ bắt đầu bay, nhạt màu dần, nơi nào mọc trước thì sẽ bay trước và để lại vết thâm trên da, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì. Trẻ lại sức dần và hết sốt.
Phòng ngừa và điều trị
Để phòng bệnh, cần tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ. Tiêm mũi 1 khi trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi 2 trong chiến dịch tiêm nhắc lại.
Việc điều trị chủ yếu là khắc phục triệu chứng như uống thuốc hạ sốt, vệ sinh toàn thân, răng miệng, mắt. Trẻ phải được ăn đầy đủ thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, uống đủ nước. Khi có biến chứng, có thể dùng kháng sinh theo chỉ dẫn của thầy thuốc, bổ sung vitamin A để tránh khô giác mạc. Bệnh nhi phải được ở nơi thoáng mát, ăn uống đầy đủ, vệ sinh sạch sẽ, không nên kiêng khem quá mức gây tình trạng thiếu các vi chất.