Hiện có nhiều bạn trẻ thắc mắc: Để trở thành diễn viên, để có một vai diễn, các diễn viên nữ thường phải “trả giá” bằng cách “trao đổi” với đạo diễn (kiểu như ông mất chân giò, bà thò chai rượu), có đúng không? Nếu vậy thì rất thiệt thòi cho các bạn gái ôm mộng làm diễn viên. Không bàn tới việc nhiều người bị ánh hào quang của ngành nghề nghệ thuật làm cho mờ mắt để bất chấp tất cả, hòng mua về sự nổi tiếng. Điều đáng bàn ở đây là: Một cá nhân có tài năng thật sự, chỉ mong muốn cống hiến khả năng thiên bẩm của mình, hơn là vì ham hố nổi tiếng, cũng đều phải “qua lại” với đạo diễn sao?
Đây là một vấn đề khá nhạy cảm trong showbiz, không phải “9 người 10 ý” nữa mà chắc phải đến cả trăm quan điểm. Dưới góc độ là một diễn viên, tôi cảm thấy nói: “Để trở thành diễn viên, để có một vai diễn các diễn viên nữ phải “trả giá” bằng cách “trao đổi” với đạo diễn” nghe có vẻ “cùng đường” cho người làm nghệ thuật quá! Đúng là họ phải trả giá, nhưng trả giá cho lựa chọn của mình thì đúng hơn! Vì điểm đến thì chỉ có một nhưng đường đi thì có nhiều.
Diễn viên Vân Trang vai Ý Linh trong phim “Scandal” – một cô gái bất chấp thủ đoạn, “qua lại” với đạo diễn, cặp kè đại gia… Vai diễn được coi là dấu son trong sự nghiệp của cô.
Có vài người từng hỏi tôi từ lúc vào nghề đến giờ đã từng bị đạo diễn nào “gạ gẫm” chưa, tôi hay đùa rằng: “Có đó! Nhưng không phải gạ gẫm tình cảm mà là “gạ gẫm” mình bằng những kinh nghiệm, những ngọn lửa nhiệt huyết với nghề để mình càng lúc càng đam mê nghệ thuật hơn”. Không biết, có phải do tôi không được… hiền nên chẳng ai dám buông lời, hay tại mình “tốt số” nên mới may mắn gặp được những vị đạo diễn tốt hay không…
“Điểm đến thì chỉ có một, nhưng đường đi thì có nhiều”
Nếu số bạn may mắn thì quá tốt rồi, nhưng giả như không may rơi vào tình huống đó, thì sao? Cá nhân tôi nghĩ không phải chỉ có showbiz, mà là bất kỳ ngành nghề nào trong cuộc sống cũng có cạm bẫy, nhất là “bẫy tình”. Chẳng qua là cuộc sống và những hoạt động của showbiz mang tính chất bề nổi và lấp lánh ánh hào quang nên đôi khi dễ làm lóa mắt người ta hơn, khiến người ta muốn nhanh nhanh chóng chóng có được nó. Nhưng điều gì đến nhanh thì cũng dễ ra đi trong vội vã.
Nhân vật Ý Linh trong phim “Scandal” đã phải đón nhận sự nghiệt ngã khi phải đánh đổi để được nổi tiếng, nhưng cái nổi tiếng đó mang tên Scandal – chẳng những không bền vững mà còn thấm đẫm máu và nước mắt.
Cũng như trong phim “Bí mật thảm đỏ” (Scandal) của đạo diễn Victor Vũ, hình ảnh Ý Linh và Trà My là những cô gái bị ánh hào quang điện ảnh làm mờ mắt, bất chấp thủ đoạn, “qua lại” với đạo diễn Lê Hùng, cặp kè đại gia Hoàng Kiệt… hòng chóng được biết đến trong showbiz. Khi tham gia vào phim, tôi cũng đã phải cố gắng tưởng tượng ra tình cảnh của nữ chính Ý Linh, đặt hết cảm xúc của mình vào đó để cảm nhận cái sự nghiệt ngã khi phải đánh đổi. Rõ ràng là họ cũng được nổi tiếng đó, nhưng cái nổi tiếng đó mang tên “Scandal” – chẳng những không bền vững mà còn thấm đẫm máu và nước mắt.
Diễn viên Vân Trang và đạo diễn Victor Vũ trong buổi ra mắt bộ phim “Scandal”
Ông bà xưa có câu “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nhân hòa mà thiên không thời, địa không lợi thì nhân cũng không thể hòa mãi được. Showbiz cũng như cuộc sống, muôn hình vạn trạng. Có người muốn nổi tiếng bèn chấp nhận đánh đổi tất cả. Nhưng cũng có rất nhiều bạn có tài năng thật sự, chỉ mong muốn được cống hiến khả năng thiên bẩm của mình hơn là vì ham hố sự nổi tiếng, nhưng không ngoại trừ, cũng có thể gặp phải những lời “gạ gẫm”.
“Một diễn viên thì sẽ phải gặp gỡ rất, rất nhiều đạo diễn. Nếu phải “qua lại” để có vai, thì phải “qua lại” với bao nhiêu đạo diễn mới gọi là đủ? Chưa kể, ngày nay, người quyết định sự nổi tiếng của một diễn viên không hoàn toàn nằm ở đạo diễn mà là ở công chúng”.
Do đó, tôi nghĩ, bên cạnh may mắn thì thực lực, bản lĩnh của người diễn viên vẫn là hai yếu tố chính quyết định con đường dẫn đến thành công. Nếu bạn có tài năng thật sự, có cái tâm với nghề thì không được đạo diễn này phát hiện, cũng sẽ gặp được đạo diễn khác. Bản lĩnh của bạn lúc đó là sự điềm tĩnh, rèn giũa từng ngày để chờ đợi một cơ hội tỏa sáng. Và cũng không đến phiên bạn muốn hay không muốn nổi tiếng, vì “hữu xạ tự nhiên hương” mà!
Còn nếu như bạn không có tài thật sự thì dù có “qua lại” với đạo diễn để có vai thì cũng không thể nào nổi tiếng được. Vì một diễn viên thì đương nhiên suốt cả cuộc đời của mình sẽ phải gặp gỡ rất, rất nhiều đạo diễn. Nếu phải “qua lại” để có vai, thì phải “qua lại” với bao nhiêu đạo diễn mới gọi là đủ? Chưa kể, ngày nay người quyết định sự nổi tiếng của một diễn viên không hoàn toàn nằm ở đạo diễn mà là ở công chúng. Nền điện ảnh Việt Nam ngày càng phát triển trong những năm gần đây, phim Việt được công chúng đón nhận nhiều hơn, khán giả bây giờ tinh ý hơn rất nhiều. Nếu bạn không khiến cho khán giả đồng hành được cùng nhân vật, không truyền tải được cảm xúc đến cho khán giả thì bạn có “qua lại” với hết cả đoàn phim, ống kính màn ảnh cũng sẽ phản bội lại bạn, đào thải bạn một cách nhanh nhất.
“Nếu đó là tình yêu thực sự như những cặp yêu nhau khác thì lúc đó, “sự nổi tiếng” hay “trao đổi” không còn là vấn đề”
Và chúng ta cũng không quên nhìn nhận khách quan ở một khía cạnh khác, đó là tình yêu giữa đạo diễn và diễn viên. Tất nhiên mối quan hệ này luôn bị mọi người nhìn với một cái nhìn khắt khe. Nhưng nếu đó là tình yêu thực sự như những cặp yêu nhau khác thì lúc đó, “sự nổi tiếng” hay “trao đổi” không còn là vấn đề nữa mà thời gian sẽ chứng minh tất cả.
Những bạn nữ muốn trở thành diễn viên cũng đừng suy nghĩ theo hướng tiêu cực và ám ảnh bởi suy nghĩ: “Để trở thành diễn viên, để có một vai diễn các diễn viên nữ phải “trả giá” bằng cách “trao đổi” với đạo diễn”. Như tôi đã nói ở trên, điểm đến thì chỉ có một, nhưng đường đi thì năm bảy đường, người trưởng thành và đi làm nghề nghĩa là cũng đã được trang bị đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm về cuộc sống, về ngành nghề mình đang theo. Mỗi người có những hoàn cảnh, số phận và sự lựa chọn riêng. Chúng ta không nên phán xét hay chỉ trích ai. Bạn cần có đủ bản lĩnh để cân nhắc thiệt hơn đưa ra lựa chọn về con đường phù hợp cho mình – Nhớ nhé!
Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói:
“Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “
trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?
Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.
Diễn viên Vân Trang