Plovdiv: Đô thị cổ nhất châu Âu

Kỳ 15

Con đường di sản văn hóa
Trong bao nhiêu cách để chọn điểm đến cho một cuộc du hành, Lã Hoa thích được đến thăm những di sản văn hóa. Con đường này đã đưa chị qua Melaka, La Habana, Riviera Maya, Roma, Paris, Barcelona, Bruges, Bath, London, Warszawa, Krakow, Berlin, Salzburg, Dresden, Praha… Càng đi càng thấy những cảm nhận mơ hồ trở nên rõ nét hơn, khi được tận mắt thấy con người đã phá hoại rồi khôi phục, nâng niu gìn giữ rồi rũ bỏ lịch sử bằng nhiều cách rất khác nhau ra sao. Những bài viết về hành trình trên con đường di sản văn hóa này chỉ là những câu chuyện nhỏ, nhưng có thể là những bài học lớn mà ở Việt Nam ngày càng có nhiều người quan tâm: Công cuộc bảo tồn và khôi phục những di sản văn hóa trên thế giới.

Plovdiv - Đô thị cổ nhất châu Âu

Thời gian ở Balkan

Chuyến xe buýt từ thủ đô Sofia của Bulgaria chậm rãi bò tới Plovdiv, một địa danh khá quen thuộc trong lịch sử Hy Lạp với cái tên Philippopolis – sau khi Thrace nằm dưới quyền thống trị của Hy Lạp đầu thế kỷ thứ ba trước Công nguyên – hay trong văn chương Trung cổ và Phục hưng với cái tên Philibe dưới thời đế quốc Ottoman suốt hơn năm thế kỷ (1365 – 1878). Đây là thành phố lớn thứ hai Bulgaria (sau Sofia), và cũng là thành phố lớn thứ hai trong chuỗi mười đô thị cổ Thrace (sau Istanbul). Dù đã đọc rất nhiều về Thrace, những bộ tộc định cư ở Tây Bắc bán đảo Balkan – một phần của Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria ngày nay – và về tầm quan trọng của những thành quách nằm trên con đường từ Bắc tới Nam Cựu lục địa – giữa Á và Âu, và từ Đông sang Tây – giữa biển Đen và biển Adriatic, nhưng chỉ khi thực sự rong ruổi trên những con đường Balkan mới có thể phần nào mường tượng được quá khứ oanh liệt và sầm uất của những đô thị này. Giữa việc đọc và đi có một khoảng cách khó đo đếm. Một nhà du hành người Thổ Nhĩ Kỳ sống vào thế kỷ 17 – Evlya Chelebi – từng ghi chép “Philibe là thành lớn nhất trong mười thành của (đế quốc) Thổ Nhĩ Kỳ và ngày một giàu lên trông thấy”. Plovdiv ngày nay – được báo giới mô tả như một trung tâm mafia mới (chỉ trong vòng 20 năm gần đây có tới 12 chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Lokomotiv Plovdiv bị bắn chết) – có gì liên quan tới những dòng nhận định này?

Plovdiv - Đô thị cổ nhất châu Âu

Bên dòng Maritsa

Xe chạy vào đường lớn vừa lúc mặt trời ló rạng, hứa hẹn một buổi sáng trong trẻo. Theo nhịp lắc chậm chạp, dòng thời gian bỗng rẽ sang một nhánh khác, không còn mạch lạc đều đặn, mà lơ đãng trôi như cách một mẻ rượu nho được cất – Chẳng biết những giọt nồng hơi men sẽ ứa ra sau bao nhiêu giây/phút/giờ, hay bao nhiêu ngày/tháng/năm? Ở Balkan, thời gian có vẻ như chỉ được cảm nhận nhờ màu hoa, mùi cỏ, vị thơm mát của rau quả hay hương nồng nàn của rượu. Ngày hôm ấy như bao ngày khác, được ủ kỹ càng từ đêm, rồi bừng dậy trong những tia nắng đầu tiên vừa khẽ khàng len lỏi qua những vòm lá nho mỏng mảnh, rải đều trên những con đường lát đá vắng vẻ; chiếc xe kềnh càng lững thững đi như đang cuốc bộ, chẳng vội vàng gì. Rồi nắng đậm dần, rám màu trên những trái nho có vị chua chua chực chờ được hái và phơi, để cuối cùng đem theo cả nắng khi được gom và cất vào các thùng gỗ sồi. Xe vòng vèo thêm một lúc qua những cánh đồng vàng óng gốc rạ và hoa hướng dương đã héo gần hết. Mọi nhận thức rõ rệt về thời gian dần mất hẳn, không thể tập trung đếm được là xe đã chạy mấy tiếng đồng hồ. Tưởng chừng lâu lắm, nhưng khi chúng tôi tới bến trung tâm mới vào khoảng giữa trưa. Mặt trời đã lên cao nhưng thành phố vẫn mát dịu, những con đường vắng vẻ rợp bóng cây chạy dài theo những bức tường vàng nhạt và những song cửa màu nâu, vòng qua một chân đồi thấp thoáng tượng đài đứng im lìm.

Plovdiv - Đô thị cổ nhất châu Âu

Tượng đài người lính vệ quốc

Vào một trưa hè tháng Tám say nồng như thế, trong lòng không rõ phải chờ đợi điều gì. Chỉ biết đã qua mùa hoa hồng ở đây. Hoa hồng kịp nở và tàn úa hai tháng trước khi tôi đặt chân đến nơi bắt đầu những triền thung lũng quê hương của thứ tinh dầu hương liệu vừa dân dã vừa quyền quý. Có lẽ vì không có hoa để ngắm và cây cối quá xanh tươi nên con đường dài từ bến xe buýt trung tâm về tới căn hộ cho khách vãng lai thuê như ngắn lại, chúng tôi đến nơi sớm hơn giờ hẹn. Ngồi trước bậc thềm chờ chủ nhà tới mở cửa, nhấm nháp chai bia địa phương cho đỡ khát, là lập tức lơ mơ ngủ. Không rõ bằng cách nào có thể trò chuyện với bà hàng xóm mập mạp, tóc hạt dẻ búi gọn và váy áo chỉnh tề, đi qua ái ngại hay phân trần gì đó rất hiền lành bằng tiếng Bulgaria. Chai bia vừa cạn thì anh chủ nhà đỏm dáng nhang nhác Dianov trong phim “Trên từng cây số” cũng tới, may là anh nói tiếng Anh khá rành rẽ. Căn hộ được xây từ thời những năm 1970 hóa ra rất đẹp và tươm tất. Dù hoa hồng không đợi tôi, nhưng như để đền lại, Plovdiv đã dành cho tôi một căn phòng màu hồng nhung. Thế là chẳng kịp nhìn ngắm cảnh vật như tranh vẽ qua khung cửa, đã vội vùi mình trong chăn đệm đỏ thắm làm một giấc ngon lành.  

Plovdiv - Đô thị cổ nhất châu Âu

Nhà trong khu phố cổ

Thức dậy vừa đúng bữa trưa lúc mặt trời bắt đầu ngả bóng, mùi trà pha kiểu Thổ Nhĩ Kỳ lan tỏa khắp hành lang chung cư làm tôi tỉnh ngủ hẳn. Đứng trong căn bếp nhỏ cạnh phòng khách ấm cúng kê chiếc bàn tròn phủ khăn ren đan tay và những chiếc ghế bọc da êm ái, đun nước pha trà, cắt bánh kẹp thịt trộn salad như ở nhà mình, bỗng thấy nơi này thật thân quen. Chỉ có thời gian là vẫn có vẻ gì đó kỳ lạ. Đã quá bốn giờ chiều mà trời vẫn oi bức. Vội vã bước ra cửa trước khi mặt trời lặn, cảm thấy từng khoảnh khắc trôi theo những vạt nắng dài không tắt trên những bức tường xưa cũ. Nghe nói ở Plovdiv có một trong những cột đồng hồ cổ xưa nhất Châu Âu, vẫn chạy cho tới tận bây giờ. Tôi đã gặp trên đường đi về khu phố cổ vài ba cột đồng hồ, nhưng không biết đâu là chiếc cổ nhất, và cũng chẳng kịp nghĩ xem vì sao ở một thành phố thưa dân (chỉ khoảng 340 ngàn người) lại có nhiều cột đồng hồ đến thế.

Plovdiv - Đô thị cổ nhất châu Âu

Dường như có một dòng thời gian khác tuôn chảy theo nhịp kim của những chiếc đồng hồ ấy, chạy qua những dòng sông rượu, sữa và mật no say tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, qua tiếng kèn chiến thắng của ông hoàng Philip xứ Macedon, qua giấc mơ của đoàn quân thập tự chinh Thổ Nhĩ Kỳ, rồi lắng đọng lại tới ngày nay, trong tiếng chuông nhà thờ trầm mặc và tiếng nhạc ngân vang trên triền đồi khi hoàng hôn xuống. Bạn tôi bảo rằng đừng lạc lối trong những đống đất đá đổ nát, mà hãy lắng nghe xem nhịp sống hiện tại đang gợi nhớ điều gì sau những bức tường các nhà thờ Chính thống giáo, Công giáo, Hồi giáo, sau những ngôi nhà vừa có nhiều cửa sổ kiểu Ottoman vừa có những cổng vòm, mái hiên, bậc thang và lan can đậm chất La Mã. Trong một thành phố mà nhiều giai đoạn lịch sử cùng để lại dấu ấn, mỗi góc đường, mảnh sân, vòi nước đều có thể kể những câu chuyện khác nhau xảy ra vào khoảng thời gian từ thời Hy Lạp, La Mã, Byzantine, Ottoman đến cuộc giải phóng khỏi ách đô hộ của đế quốc Thổ cuối thế kỷ 19 hay những biến cố lịch sử suốt thế kỷ 20.

Plovdiv - Đô thị cổ nhất châu Âu

Khu phố cổ Plovdiv may mắn được gìn giữ từ khi chính phủ Bulgaria bắt đầu chiến dịch bảo tồn di sản nghiêm ngặt vào năm 1956, và có lẽ thành công lớn nhất của các cố gắng bảo tồn ở đây là việc giữ lại được hình ảnh nguyên bản của nhiều thời kỳ lịch sử trong một không gian hiện đại. Song có lẽ chính sự pha trộn của quá khứ và hiện tại lại là một trở ngại lớn cho danh hiệu di sản. Không may mắn như Hội An hay Warszawa, đến nay Plovdiv vẫn chỉ nằm trong danh sách dự kiến được phong di sản UNESCO.

Thành phố “bảy quả đồi” 

Plovdiv hiện đại, rộng chỉ 102 cây số vuông, có vẻ nhỏ bé so với tầm vóc lịch sử của đô thị cổ nhất Châu Âu còn tồn tại tới nay, nằm lọt thỏm giữa bảy quả đồi trên đôi bờ dòng sông Maritsa mỏng mảnh có màu rêu đậm pha sắc tím thẫm của một loài hoa dại mà tôi không rõ tên. Trong bảy quả đồi, có một quả đã bị san phẳng mấy chục năm trước. Cây cầu có mái che nối hai bờ Đông và Tây Maritsa chật kín các gian ki-ốt bán đồ lưu niệm. Những món đồ thủ công Bulgaria chen lẫn hàng nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Nga được trưng bày khá vui mắt.

Plovdiv - Đô thị cổ nhất châu Âu

Di tích đấu trường cổ

Trong cuộc dạo chơi vào buổi chiều muộn hôm ấy, qua những con phố nhỏ và dòng sông xâm xấp nước lên quả đồi phía Đông trong làn gió thung lũng mát mẻ, nhận thức về không gian và thời gian trở nên rành mạch hơn. Ánh chiều rọi màu vàng sánh kỳ ảo lên các nền nhà và chân tường còn sót lại của đô thị cổ Thrace trên đồi, lan tỏa khắp những bậc thang rải sỏi chen lẫn vào đất đá và cây cỏ, dải tường thành cũ nối vào những hàng rào sắt mới, cùng một chân tháp tròn như một miệng giếng xưa nằm ngay ven đường nhựa. Từ trên đỉnh đồi nhìn xuống là khu phố cổ nằm trong lòng thành phố mới với những tòa nhà hình hộp ngay ngắn, chen lẫn các tượng đài lịch sử và các công viên nhỏ. Bước chân bỗng thanh thoát nhẹ nhàng hơn, và chúng tôi đã leo lên quả đồi thứ hai có đài Tự do không khó khăn gì, trèo qua mấy trăm bậc thang dẫn lên tượng người lính vệ quốc cao sừng sững và bia tưởng niệm Thế chiến II trong tiếng nhạc réo rắt đâu đó. Trời tối dần nên không thể nhìn rõ các dòng chú thích nhỏ để tìm hiểu lai lịch của khu tượng đài. Lại thêm một lần tự hài lòng với sự thiếu thốn thông tin để thư thái tận hưởng không khí trong lành cùng nhiều du khách và dân địa phương đang dạo chơi, ngắm cảnh, chạy nhảy hay tụ tập đàn hát quanh đồi. Khung cảnh quá hiền hòa, và câu chuyện mafia kia thật sự chìm nghỉm dưới vóc dáng di sản lớn lao.

Plovdiv - Đô thị cổ nhất châu Âu

Những ngôi nhà với lối kiến trúc pha trộn giữa thời Ottoman và La Mã

Những tầng lịch sử ảo và thực

Sau một giấc ngủ dễ chịu, sáng hôm sau chúng tôi tiếp tục đi sâu vào khu phố cổ, bất chợt nhận ra một Plovdiv xưa rộng lớn và sâu thẳm. Có lẽ vẻ hài hòa khó tả giữa quá khứ và hiện tại đã làm cho thành phố lớn hơn diện tích thật của nó. Bắt đầu từ những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc nhiều tầng văn hóa được xây cất rất kiên cố dọc theo những dốc phố thoai thoải, cửa sổ và hành lang mở về nhiều hướng, ở những độ cao khác nhau mà vẫn cân đối và vuông vức. Màu sắc các bức tường khá vui mắt nhưng không quá sặc sỡ, cột kèo và lan can chạm khắc tinh xảo làm nền cho những thềm nhà và khu vườn sống động. Song rất ít nhà mở cửa, nhiều căn bỏ trống đã lâu có gắn bảng “bán” hoặc “cho thuê”, vắng lặng như trong cổ tích. Chỉ có tượng và phù điêu dọc đường đi “cử động” trong nắng sớm, như từ những ngôi nhà kia vừa bước ra. Đi qua những boutique có mặt tiền cổ kính tới quảng trường Dzhumaya là gặp một tầng văn hóa nữa hiện ra từ lòng đất – đấu trường cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ hai dưới thời hoàng đế La Mã Hadrian, dài khoảng 240m và rộng khoảng 50m có mặt tiền đặc trưng La Mã và mặt hậu hình cánh cung, sức chứa khoảng ba vạn khán giả, nằm giữa hai quả đồi Sahat và Taksim. Qua nhiều thế kỷ, phần lớn đấu trường đã bị nhiều tầng đất đá phủ lấp, giờ chỉ còn lộ thiên một phần nhỏ phía Bắc gồm sân và 14 tầng khán đài khá nguyên vẹn. Trên nền lát gạch của các con phố dẫn đến quảng trường Kamenitsa là vạch đánh dấu khuôn viên của toàn bộ đấu trường hiện nằm dưới đường và nhà. Lần theo vết tích rất tượng trưng ấy, như thấy các trận tranh tài thể thao vẫn còn diễn ra đâu đây, chứ không chỉ được ghi lại trên mặt các đồng xu cổ được bày bán trong các cửa hàng lưu niệm.

Plovdiv - Đô thị cổ nhất châu Âu

Tường thành trong khu phố cổ

Sự liên tưởng này không quá xa hiện thực, khi ở một di tích khác – nhà hát cổ đại cũng được xây vào cuối thế kỷ thứ hai dưới thời hoàng đế La Mã Trajan nằm trên đỉnh đèo giữa hai quả đồi Taksim và Dzhambaz – nhiều cuộc trình diễn nghệ thuật, nổi bật nhất là hòa nhạc Verdi và liên hoan nhã nhạc dân gian, vẫn được tổ chức hàng năm. Nhà hát cũng có 14 tầng khán đài, sân trình diễn ba tầng được trang trí bằng những hàng cột, phù điêu và tượng có sức chứa 7 ngàn người với âm thanh và ánh sáng từ những chiếc đèn chiếu cỡ lớn trong một không gian mở được mô tả là tuyệt mỹ và dường như không bị thời gian làm cũ mòn. Di sản không chỉ nằm im trong những vật thể vô tri. Vẻ đẹp văn hóa Thrace cổ xưa của những con người thiện chiến nhưng hiền lành và nổi tiếng yêu thơ ca nhạc họa đã ảnh hưởng sâu sắc lên văn hóa của những kẻ cai trị từ Hy Lạp, La Mã, Macedon và Ottoman, vẫn vang vọng tới ngày nay.

Plovdiv - Đô thị cổ nhất châu Âu

Bãi di chỉ trên đồi

Từ triền đồi nhà hát thả bộ xuống một góc khác của khu phố cổ, đi qua một nhà hát cổ nhỏ hơn để tới cổng thành phía Đông bên một bãi di vật lớn rải rác nhiều phù điêu còn sắc nét, thấy thành-phố-chưa–được–phong–di–sản này dù sao cũng may mắn. Thật khó tưởng tượng ở nước mình, kể cả Hội An, lại có những khu di tích mở, không hàng rào hay người gác, có thể nằm yên không suy suyển, và các di vật không bị lấy về làm của riêng. Gần đây nhất là vụ hàng rào sắt hơn trăm năm tuổi của khu di tích Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh – một tác phẩm kiến trúc độc đáo – và bức tượng Chiến thắng trong khuôn viên bảo tàng bị sập khi hàng chục tấn thép đổ vào. Đã là sự cố thì làm sao tránh được thiệt hại, nhưng sao những chuyện không may ấy lại liên tiếp xảy ra ở Việt Nam, chứ không phải ở một nơi như Plovdiv?

Plovdiv - Đô thị cổ nhất châu Âu

Plovdiv nhìn từ trên cao

Trách nhiệm thuộc về ai, để gìn giữ và bảo tồn các di sản, tránh cho chúng khỏi những tai ương vô tình hay cố ý? Liệu câu chuyện của chúng tôi, từ một thành phố rất nhỏ và rất già trên bán đảo Balkan, có lay động điều gì?

Plovdiv - Đô thị cổ nhất châu Âu

Bãi di vật Thrace trên quả đồi phía Đông

Kỳ sau: Prizren trên đỉnh thái bình

 

Bài: Lã Hoa
Ảnh: Anh Anh

logo 


From the same category