Thời trang “gặp gỡ” nghệ thuật đương đại
Không còn bó hẹp mình trong những bức tường, giờ đây nghệ thuật đương đại đã phủ những khối màu sắc và ý tưởng của nó lên khắp các sàn diễn thời trang. Trải qua một thập kỷ, những môn nghệ thuật đường phố như mural painting (tranh tường) và graffiti (nghệ thuật vẽ tranh lên trường theo phong cách hip hop) đã phát triển và đạt tới thời hoàng kim. Những nghệ sĩ graffiti như Banksy, Jeff Koons cùng nhiều tên tuổi khác đã mang đến cho cộng đồng cái nhìn mới mẻ về những vấn đề xã hội. Những tác phẩm của họ mang tính trải nghiệm cuộc sống rất cao, từ sắc màu, hình khối và ý tưởng… Chúng đã đi từ bức tranh tường trên đường phố cho đến những bảo tàng danh giá như MoMa (New York) hoặc ICA (Boston).
Và chính tại những nơi này, thời trang đã có cuộc “gặp gỡ” với nghệ thuật đương đại. Chẳng hạn như NTK Phoebe Philo đã lấy cảm hứng từ những tác phẩm graffiti trên đường phố Paris của nghệ sĩ Gyala Halasz (nghệ danh: Brassai) để thực hiện những món đồ chủ đạo trong BST năm nay của nhãn hàng danh tiếng Celine. Hay đến như “cáo già của ngành thời trang” Karl Lagerfeld cũng đã khiến giới mộ điệu đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi ông mang những tác phẩm mang hơi thở đường phố của nghệ sĩ Jeff Koons vào BST của mình.
Karl đã lấy cảm hứng từ những bức tranh tường để tạo nên một sàn diễn thời trang độc đáo.
Những mẫu thiết kế như thế này đều cho thấy sức ảnh hưởng của nghệ thuật đương đại đến thời trang quốc tế.
Một không gian sáng tạo mang tầm quốc tế
Nghệ thuật đương đại đã mở ra nhiều không gian sáng tạo cho những nghệ sĩ và NTK thời trang. Dù vậy, không hề dễ dàng khi họ phải đưa cảm hứng từ tác phẩm của những nghệ sĩ khác vào BST của mình, mà vẫn phải đặt thêm góc nhìn thời trang của cá nhân họ. Chỉ riêng việc hiểu và tái ứng dụng những chất liệu sáng tạo từ tác phẩm của những nghệ sĩ khác vào tác phẩm của mình đã là một việc không hề đơn giản, để biến những vẻ đẹp đó trở nên hoàn thiện và hài hoà trên những mẫu quần áo còn khó khăn hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, giới yêu thời trang có thể nhận thấy rõ rằng những tác phẩm nghệ thuật “có thể mặc được” ngày càng trở nên thịnh hành và phổ biến hơn. Xu hướng “thời trang đi từ nghệ thuật” này không chỉ thu hút những sự chú ý tích cực của giới nghệ sĩ đương đại, mà còn khởi nguồn ý tưởng sáng tạo cho nhiều hình thức nghệ thuật khác nữa.
Những BST rất táo bạo, vừa mang tính nghệ thuật mà vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn thời trang.
Các NTK đã có những bước đi táo bạo khi lựa chọn và đưa những tác phẩm nghệ thuật đường phố vào những mẫu thiết kế của mình. Sự kết hợp này đã mở ra những tiềm năng mới cho thời trang quốc tế, đồng thời cũng là một sự tôn trọng đầy xứng đáng với nghệ thuật đương đại.
Trong thời gian tới, chắc hẳn húng ta sẽ tiếp tục được thấy sự thống trị trên sàn diễn thời trang của những hoạ tiết phun sơn, than chì cùng đường nét đậm đặc trưng trong các tác phẩm hội họa. Thật sự, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy màu sắc, nơi nghệ thuật là sức mạnh tối thượng.
Bài: Sue Trương
Ảnh: Vogue