Vào thời kỳ cực thịnh, thiên hạ đồn: để chứng minh mình là dân Hà Nội, mọi công dân đều phải xuất trình hai thứ: sổ hộ khẩu và nhạc Phú Quang.
Nếu bạn ra chợ Đồng Xuân, thấy một người bán dao thớt, dứt khoát phải là một ông già. Nếu ai bán hành tỏi, chắc chắn là một bà già. Nếu thấy ai bán hoa, nhất định phải là một cô gái. Còn nếu ai bán Hà Nội, cam đoan sẽ là Phú Quang.
Toàn thể dân Việt Nam đều biết Phú Quang yêu Hà Nội đến điên cuồng. Anh gần như là nghệ sĩ duy nhất đã từng có vợ, có nhà ở Sài Gòn sau đó lại chuyển ra Hà Nội. Nhiều người không sao hiểu nổi điều đó. Riêng tôi nghĩ, nếu như chim sâu không thể xa sâu, rồng không thể xa mây, cá không thể xa nước, thì Phú Quang làm thế nào xa Hà Nội được?
Vậy lý do gì Phú Quang bán Hà Nội?
Ai bán mà chả cần tiền? Xin thưa, Phú Quang bán Hà Nội để có tiền mua một Hà Nội khác, thế thôi!
Đối với Phú Quang, hay nói chính xác hơn, với nhạc Phú Quang, Hà Nội là chuông chùa Hồ Tây, là sương mù Quảng Bá, là hoa sữa, hoa sấu, cùng lắm là tiếng tàu điện leng keng. Nói túm lại, Hà Nội của Phú Quang ngơ ngác, mờ ảo, thoang thoảng, phất phơ. Phú Quang không chọn được, không hiểu được và không bao giờ muốn hiểu Hà Nội kẹt xe, Hà Nội bia hơi, Hà Nội văn phòng hoặc Hà Nội cao ốc. Anh muốn đổi phắt Hà Nội này lấy Hà Nội kia, hình như bằng bất cứ giá gì.
Nếu tôi không nhầm, chưa nhạc sĩ nào có nhiều đêm nhạc Hà Nội như Phú Quang. Cả anh và Hà Nội đều nương tựa vào nhau mà sống, ca ngợi nhau một cách chân thành nhất. Thiên hạ đồn, nếu không có Phú Quang, đám dân Hà Nội sống ở Sài gòn đã chết từ lâu. Nếu như Trần Tiến ngây thơ, Dương Thụ mơ màng, Thanh Tùng day dứt thì Phú Quang lịch lãm. Đã có những giây phút anh chỉ huy dàn nhạc. Nếu có cơ hội, Phú Quang sẵn sàng chỉ huy tất cả mọi thứ ở đời.
Vào thời kỳ cực thịnh, thiên hạ đồn: để chứng minh mình là dân Hà Nội, mọi công dân đều phải xuất trình hai thứ: sổ hộ khẩu và nhạc Phú Quang. Thiếu một trong hai thứ này coi như chưa đủ tiêu chuẩn. Một số nhà nghiên cứu còn khẳng định cụ Rùa nổi trên Hồ gươm thì Phú Quang nổi trên Nhà hát lớn đều vào những dịp bất thường. May mắn nhất của Phú Quang là lúc tài năng nhất cũng là lúc anh đẹp trai nhất. Nhìn thoáng qua, anh giống tài tử Hàn Quốc. Nhìn gần, anh giống tài tử Hồng Kông. Tài tử Việt Nam chưa có ai giống anh được. Con gái chết vì anh nhiều như muỗi chết vì dơi.
Ngoài âm nhạc, Phú Quang còn có một biệt tài kể chuyện rất hấp dẫn. Chỗ nào anh xuất hiện, chỗ đó thiên hạ chỉ còn nước tê liệt ngồi nghe. Phú Quang cực kỳ nhạy cảm và cực kỳ thích thú trước những kẻ ngu. Anh nói về cái ngu của thiên hạ hay đến nỗi chỉ cực ngu mới không hiểu anh nói về đứa nào.
Nhưng Phú Quang cũng chả phải cố chấp. Hồi tóc anh mới bạc, anh nói rất hay về những lý do không cần nhuộm. Sau đó anh nhuộm và lại nói rất hay về những lý do cần làm thế. Khi Phú Quang tiểu đường, anh kể về nó hấp dẫn tới mức rất nhiều đứa tiếc vì không mắc bệnh.
Tôi gặp Phú Quang đã lâu lắm rồi. Có ba bộ phim của tôi do anh viết nhạc. Đã có thời kỳ, trong các liên hoan phim quốc tế, nghe ầm ầm biết phim Mỹ, nghe vui vẻ biết phim Ấn Độ, nghe đau khổ biết phim Pháp, thì nghe Phú Quang biết phim Việt Nam. Số giải thưởng điện ảnh mà Phú Quang vớ được chất cao đến mái nhà, nếu rơi xuống đủ đè bẹp vài nhạc sĩ khác. Phú Quang là một người thực tế. Anh yêu âm nhạc, yêu Hà Nội nhưng tuyệt nhiên không phải yêu đơn phương. Bày tỏ như thế nào, bày tỏ ra sao và dưới dạng gì đó là việc của Hà Nội, anh không quan tâm nhưng không quên.
Nếu như Bùi Xuân Phái suốt đời vẽ Hà Nội mà không để ý tới việc Hà Nội ngắm mình thì theo tôi Phú Quang không dễ dàng như thế. Phú Quang cần Hà Nội thăm hỏi anh, chào anh, Tết nhất đến nhà anh. Một số người cam đoan với tôi đã nhìn thấy lãnh đạo tới nhà nghệ sĩ và sau đó chứng kiến đền Ngọc Sơn cùng tháp Rùa dắt tay nhau đến nhà Phú Quang, tay có mang quà nhưng chả hiểu Phú Quang có nhận hay không.
Bi kịch của Phú Quang hôm nay nếu có thì nằm ở chỗ Hà Nội đã mở rộng, còn anh thì không. Anh không muốn ra khỏi Hồ Gươm. Nếu Thạch Lam sống lại, thay vì viết “Cô hàng xén” mà viết “Chàng nhạc sĩ” thì Phú Quang bất tử. Nhưng như ta đã biết, Thạch Lam không sống lại, tiếc quá! Cho nên Phú Quang vẫn ngồi ở chợ Đồng Xuân bán Hà Nội với giá cao. Nghe đồn cầu thủ Lê Công Vinh về Hà Nội ACB gì đó với giá 15 tỷ đồng. Bà con nghĩ thế là đắt. Riêng Phú Quang cười nhạt. Để có anh một phút, Hà Nội phải trả cả một đời.
Tôi chưa vào Bảo tàng Hà Nội nên chưa biết trong đó có gì. Nhưng trộm nghĩ trong ấy ít ra phải có một ngăn dành cho những cá nhân có nhiều đóng góp với thủ đô. Ngăn như thế để tượng Phú Quang thì hơi quá, nhưng nếu trưng bày cái đũa của anh thì rất hợp. Tất nhiên không phải đũa ăn cơm, mà đũa chỉ huy dàn nhạc!
Đạo diễn Lê Hoàng
(bài viết được đăng trên tạp chí Đẹp phát hành năm 2014)