Tôi biết nàng đã lâu, và nàng biết tôi cũng đã đủ chán. Nếu tôi đi guốc vào bụng Lê Khanh thì nàng đi giầy cao gót trong ruột tôi.
Ví dụ như tôi hay gào thét mỗi lần gặp Lê Khanh, bảo nàng hãy vào Sài Gòn mà sống. Bởi theo tôi, cá sống nhờ giun, trâu bò sống nhờ gặm cỏ thì nghệ sĩ sống phải bằng biểu diễn. Mà kịch ở Hà Nội rất ít diễn, ít nhất là trên sân khấu. Tôi đay nghiến Lê Khanh về điều đó và nàng tủm tỉm cười. Nàng cũng không viện ra những lý do cổ điển như chồng hay con. Tôi bèn bảo: “Bà hy vọng ở lại, lúc về hưu lên phó giám đốc chứ gì?”. Tôi nói thế vì biết có nhiều nghệ sĩ đã phát khóc khi không được làm phó phòng. Sau này, có người thì thầm với tôi: Lê Khanh không mơ phó giám đốc đâu. Mụ ấy mơ làm phó bộ trưởng.
Lê Khanh có chồng là Phạm Việt Thanh. Nếu bạn ở Hà Nội, bạn vào một quán bia, thấy có kẻ nào đang sắp đánh ai, đang sắp mắng ai hoặc thậm chí sắp giết ai, nhưng nói về vợ lại đầy kính cẩn “mụ nhà tôi” thì đấy chính là chồng Lê Khanh 100%. Anh vừa nhắc tên vợ, vừa lấm lét và dáo dác nhìn quanh, đầy hoảng hốt. Chả ai dám cười chồng Lê Khanh, vì ai cũng hiểu nàng rất đáng sợ.
Đầu tiên là sợ trên sân khấu, Lê Khanh cực siêu trong những vai đàn bà uy quyền, có nhiều giằng xé và giải quyết bằng cách chém đầu đứa khác. Lúc ấy dáng nàng cao lớn, giọng nàng sang sảng, cánh tay nàng vung ra như thanh gươm và một cái hất đầu cũng khiến cả triều đinh cũng như cả rạp (nếu như còn rạp) rúm người lại vì khiếp đảm. Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu như Lê Khanh làm cảnh sát giao thông, thì chỉ cần thổi còi là tài xế xuống xe, quỳ xuống dâng cả tiền lẫn giấy tờ, thậm chí dâng cả thân thể.