Berat: Thành phố ngàn cửa sổ

Berat, Thành phố ngàn cửa sổ

Nhà thờ Chúa ba ngôi bên sườn núi có hàng chữ NEVER

Kỳ 14

Con đường di sản văn hóa
Trong bao nhiêu cách để chọn điểm đến cho một cuộc du hành, Lã Hoa thích được đến thăm những di sản văn hóa. Con đường này đã đưa chị qua Melaka, La Habana, Riviera Maya, Roma, Paris, Barcelona, Bruges, Bath, London, Warszawa, Krakow, Berlin, Salzburg, Dresden, Praha… Càng đi càng thấy những cảm nhận mơ hồ trở nên rõ nét hơn, khi được tận mắt thấy con người đã phá hoại rồi khôi phục, nâng niu gìn giữ rồi rũ bỏ lịch sử bằng nhiều cách rất khác nhau ra sao. Những bài viết về hành trình trên con đường di sản văn hóa này chỉ là những câu chuyện nhỏ, nhưng có thể là những bài học lớn mà ở Việt Nam ngày càng có nhiều người quan tâm: Công cuộc bảo tồn và khôi phục những di sản văn hóa trên thế giới.

Chuyến xe buýt lúc tảng sáng

Chặng xe từ thành phố vùng biên với Montenegro là Shkodër đến thủ đô Tiranë của Albania dài 6 tiếng đồng hồ trôi khá nhanh, lơ mơ theo giai điệu réo rắt của những bài hát không rõ mang phong cách Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ hay pha trộn, nhưng nghe khá êm tai. Bạn tôi còn bảo một bài từa tựa “Chiếc khăn Piêu” hát bằng tiếng Albania. Cảm giác thân quen này vẫn bám theo khi xuống xe đi dạo trên những con phố bình dị, hơi giống với Hà Nội ngổn ngang nắng bụi, nhưng trái cây thì có vẻ tươi ngon hấp dẫn hơn.

Dậy thật sớm, rời khách sạn ra bến kịp đón chuyến xe đầu tiên đến thành phố di sản Berat, đi qua những ngôi nhà sơn đủ màu đang dần hiện rõ sau màn sương mỏng. Đây là đâu nhỉ? Một ông bố trẻ đạp xe chở cô con gái nhỏ ngồi trên gióng ngang phía trước (thật giống cảnh bố chở tôi hồi còn bé) lịch sự mỉm cười cám ơn khi tôi giơ máy ảnh mong ghi lại khoảnh khắc rất hiếm gặp này. Nhưng Hà Nội, ngay cả ở khu phố cổ cũng không còn nhiều ngôi nhà mặt tiền nguyên bản như ở đây. Những ngôi nhà như bập bềnh thở, khuất sau những đại lộ rộng lớn kềnh càng được xây sau Thế chiến II.

Và cũng chỉ những khi yên ắng dường này, trong ánh sáng mờ nhạt thoi thóp, mới thấy được màu sắc của những ngôi nhà thật đặc biệt. Vào đầu những năm 1990, chính phủ Albania bắt đầu trùng tu thủ đô được xây dựng từ đầu thế kỷ 17, sống sót sau nhiều cuộc giao tranh và cọ xát giữa các nền văn hóa, theo cung cách rất “lười biếng khôn ngoan”. Song song với những sang sửa cục bộ theo các phương án của nhiều nhà tư vấn kiến trúc nước ngoài, là việc khoác lên Tiranë một tấm áo đủ màu sơn, đầy ngẫu hứng sáng tạo như ở Napoli hay Palermo bên Ý, dù kém vẻ tinh quái và sắc sảo. Thấp thoáng sau khung cửa một vài căn tiệm mở sớm là những gương mặt phụ nữ không hề ngái ngủ, đầu tóc gọn gàng. Vài cặp vợ chồng già thong dong đi ăn sáng, quần là áo lượt, giày đánh xi bóng lộn, mũ phớt khăn thắt trâm cài láng mượt như đi dự tiệc. 

Berat, Thành phố ngàn cửa sổ

Những ngôi nhà Ottoman nhiều cửa sổ ở Mangalem

Trời sáng dần, đang tìm đường đến đúng bến xe liên tỉnh thì gặp ngay một đám các bác tài xe buýt nhỏ co kéo mời chào bằng tiếng Anh rất to và rõ, rằng giá vé chỉ đắt hơn chút đỉnh nhưng sẽ đi nhanh tới các tỉnh lân cận. Thế là vội chui vào một xe còn dăm chỗ ngồi. Nhưng chờ mãi một lúc lâu xe vẫn chưa chạy vì chưa đủ khách. Một chiếc xe buýt lớn lướt qua, vội cùng già nửa hành khách hối hả nhao theo. Xe buýt lớn chạy đúng giờ với giá vé rẻ hơn nhiều, lại thoáng đãng mát mẻ. Nhưng sau 10 phút yên vị, vẫn thấy xe ì ra đó, thì ra đám tài xế xe buýt nhỏ chạy sang cà khịa. Chẳng cần hiểu tiếng cũng biết họ đang hét: “Sao các ông lại giành khách của chúng tôi? Các ông có biết chúng tôi khổ sở lắm mới đón lõng cho đủ sở hụi, trong khi các ông cứ nghênh ngang cậy quyền được bao cấp. Đã thế rút chìa khóa luôn cho hết chạy đằng trời nhé!”.

Láo nháo xôn xao một lúc rồi cũng êm, chẳng rõ họ làm hòa bằng cách nào. Xe rời bến chẳng khác cảnh ở Việt Nam những năm 1980 là mấy, lồng gà vịt quàng quạc chen lẫn đám xe đạp chất ngất trên những nóc Hải Âu, Karosa máy cũ nổ phành phạch, át đi tiếng rao lanh lảnh của đám phe vé và các hàng quà rong. Nếu ngồi yên ở nhà thì có những chuyến viễn du vào quá khứ kiểu này không? Và những câu chuyện rất đời ấy có liên quan gì đến những sự tích lãng mạn về nơi mình sắp đến? Câu chuyện về Berat (thành phố màu trắng) liệu có gì li kỳ hơn chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh làm nên núi Tản sông Đà, tình sử “độc dược” ở những đền thờ của người Maya bên Mexico hay câu chuyện nàng tiên cá của thành cổ Warszawa? Đâu đó trên đường, ta sẽ nhặt được cùng với các sự tích mới nghe những kỷ niệm tưởng đã ngủ yên, dù chỉ sau vài thập kỷ.

Berat, Thành phố ngàn cửa sổ

Và có lẽ chính sự xê dịch rất thực và những câu chuyện rất hư mới làm cho các di sản sống mãi.

“Ngày xửa ngày xưa có hai chàng khổng lồ là Tomorri và Shpirag. Thật không may hai chàng đều phải lòng một cô gái, và giao chiến không ngưng nghỉ để giành lấy cô bằng được. Nắng chói lòa, ánh gươm vung loang loáng, gió cát cuồn cuộn thổi trên những triền thung lũng theo cuộc thư hùng. Rồi cả hai đều bị lún sâu vào đất vì những ngón đòn khủng khiếp của đối phương. Không phân thắng bại, họ cùng gục ngã trước đòn thù và biến thành hai quả núi mang tên mình. Cô gái khóc như mưa, nước mắt tuôn chảy thành cả một dòng sông”. Berat trắng lóa, từng có một tên gọi khác – Pulcheriopolis, nghĩa là xinh đẹp – quả thật rất xinh đẹp ngay cả dưới ánh mặt trời nóng bỏng, vì được xây nên để hòa vào màu xanh bất tử của hai quả núi bên dòng Osum mơ màng. Không rõ cô gái có phải tên là Osum không, nhưng tự nhiên tin rằng câu chuyện này sẽ sống mãi như thành phố hiền hòa đang sáng bừng trước mặt.

Những con mắt gió

Thành phố được hình thành từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên và đã trải qua thời hoàng kim dưới đế chế Byzantine của Hoàng đế Theodosius vào thế kỷ thứ tư. Song vẻ duyên dáng lãng mạn của nó chỉ thực sự tạo dấu ấn trong lịch sử nhờ kiến trúc Ottoman của những ngôi nhà được xây dựng từ thế kỷ 15 – những ngôi nhà có dãy cửa sổ màu nâu san sát choán gần hết các bức tường màu trắng. Trước khi thăm quận Mangalem với rất nhiều ngôi nhà như vậy, chúng tôi đã kịp trèo lên pháo đài cổ Kala trước khi mặt trời thẳng đứng. Nếu bay đến Berat, sẽ thấy thành phố từ trên cao giống như một viên kim cương lớn hình tam giác long lanh trên nền lá xanh thẫm. Vẫn là màu trắng, nhưng có vẻ đẹp khác hẳn Dubrovnik phập phồng ngoài biển. Cách diễn đạt sáo rỗng “không bút nào tả xiết” trở nên có nghĩa. Chỉ có thể thật sự cảm nhận được vẻ đẹp trắng Berat khi nhẹ bước chân men theo những triền đồi sỏi đá, cỏ đã úa vàng nhưng thông vẫn reo vui, ngắm nhìn Osum lặng lẽ và dường như không chảy dưới chân mình.

Berat, Thành phố ngàn cửa sổ

Núi Tomorri, Shpirag và sông Osum

Pháo đài vắng vẻ trên đỉnh đồi vẫn có người ở, rải rác những dây phơi các tấm vải ren và sợi dệt tay đủ màu phấp phới. Một anh hướng dẫn viên du lịch đang thao thao rằng ngay từ trước cuộc xâm lăng của người Ottoman, đã có hàng chục nhà thờ Byzantine được xây nên vào thế kỷ 13. Những nhà thờ này cùng với các nhà thờ Hồi giáo về sau đều bị thời gian xói mòn, phần còn lại không may bị biến thành nhà kho sau năm 1967. Dù vậy rất nhiều di vật văn hóa vẫn được gìn giữ, như những bức tranh của Onufri, họa sĩ người Albania thời thế kỷ 16, được bày trong một bảo tàng – nhà thờ nhỏ. Sau khi nhìn ngắm đã mắt từ trên cao, thong dong xuống dốc là gặp nhà thờ chính thống giáo Chúa ba ngôi, một quần thể nhỏ nhưng toàn vẹn và độc đáo. Bức tường kép màu nâu đỏ được bảo tồn và sửa chữa qua nhiều thế kỷ, nổi bật trước một sườn núi, sơn chữ NEVER. Không bao giờ mất đi, thành phố quá tĩnh lặng và thưa thớt du khách này?

Quận Mangalem dưới chân pháo đài được hình thành từ thời Trung cổ. Chúng tôi dạo bước trên cây cầu cổ Ahmet Kurt Pasha, được xây từ năm 1780, đón chút gió mát từ mặt nước Osum. Chợt thấy những ô cửa sổ Ottoman tựa như những con mắt gió, làm dịu đi vẻ thô kệch của những tòa nhà cao hơn được xây trong nửa cuối thế kỷ trước. Có lẽ người Albania không cần cố gắng nhiều để bảo tồn Berat thưa dân, ngoài việc dọn dẹp và giữ gìn cho các đường phố sạch sẽ. Đúng là so với bãi biển Durrës và nhiều thành phố cổ khác của Albania thời mở cửa, Berat sạch sẽ hơn nhiều. Đi sâu hơn vào các ngõ phố lát đá, vẫn thấy những chú lừa cõng trên lưng các thùng Rakia, một loại rượu nhẹ đặc sản địa phương. Những chú lừa thở phì phò, rượu nhỏ giọt long tong nhắc nhở cơn khát. Chưa kịp dừng chân thì mùi thơm của thịt nướng xộc vào mũi. Dù đang rất khát, tôi không thể cầm lòng và mua một miếng Börek, bánh mì kiểu Thổ kẹp thịt và rau to tướng, giá có 30 lekë (khoảng 1/5 euro)! Bánh này hơi mặn làm no chán rất nhanh, nên đành bỏ qua các quán ăn đặc sản khác. Để lần tới quay lại vậy, có lẽ nhiều năm sau nơi này vẫn thế. Cuộc sống ở đây trôi thật chậm, chậm hơn cả bước chân các chú lừa.

Berat, Thành phố ngàn cửa sổ

Berat sáng bừng trước mặt

Chuyến tàu lúc xâm xẩm tối

Dù rất tiếc không thể lưu lại lâu hơn trong những khu phố đã nhộn nhịp dần dưới ánh chiều tà, khi những người đàn ông tụ tập chơi bài và chơi cờ, phụ nữ bán những gói nhỏ chứa một loại quả đỏ thắm và nhỏ xíu không rõ tên và chuyện gẫu dưới tán những cây bưởi, trẻ con ríu rít bên các quầy kem, chúng tôi phải hối hả chạy ra bến xe buýt cho kịp hành trình tiếp theo. Sau khi ghé bãi biển Durrës, kịp mua vé lên chuyến tàu cuối ngày để về lại Tiranë, lòng chợt vui vui vì hành trình suôn sẻ không ngờ. Song chuyến tàu đã khởi hành muộn hơn dự định gần tiếng đồng hồ, rồi ngừng lại ở ga sau đón khách tắm biển ra về khi mặt trời sắp lặn. Những toa tàu tưởng sẽ vắng vẻ bỗng chật ních. Vài chú bé chạy qua chạy lại bán nước giải khát, các gia đình cười đùa ầm ĩ. Đùa chán thì trẻ con nhổm lên đứng trên ghế để thò mặt ra ngoài ngắm nghía trời đất. Bố mẹ mắng mỏ chúng một lúc rồi cũng làm theo, cả nhà cùng thi nhau cọ mũi vào những cành olive ven đường tàu. Khi toa tàu chợt tối xầm vì chạy qua một hầm xuyên núi, tất cả nhất loạt rú lên. Rồi giữa đồng không mông quạnh, tàu khựng lại. Thì ra ai đó đã kéo dây phanh khẩn cấp bên ngoài để xuống giữa chừng cho gần nhà mình. Nhiều người khác mừng vui “ăn theo”, lũ lượt kéo xuống. Người lái tàu đủng đỉnh xuống nhả phanh mà không hề cáu gắt, trái lại còn mỉm cười.

Berat, Thành phố ngàn cửa sổ

Một đoạn tường pháo đài Kala

Tôi nhớ đã thích thú bắt chước gia đình bên cạnh thò mũi ra khỏi cửa sổ toa tàu để ngắm nhìn những cánh đồng nghèo nàn nhưng vui tươi, những gương mặt rạng rỡ của những người nông dân thu hoạch dưa theo kiểu chuyền tay, mấy bác bán hàng to béo xẻ thịt ven đường, giơ tay vẫy chào hành khách. Chắc chắn tôi sẽ không quên chuyến tàu lạc vào quá khứ hôm ấy, trên đường về từ thành phố ngàn cửa sổ. Ngàn cửa sổ, cần gì phải có ngàn cửa sổ cơ chứ? Nếu được bình yên bên một ô cửa duy nhất, trên một chuyến tàu của-riêng-ta, mãi mãi như lúc này đây, thì tuyệt biết chừng nào?!

Berat, Thành phố ngàn cửa sổ

Cửa sổ Ottoman

Kỳ sau: Plovdiv – Đô thị cổ nhất châu Âu

Bài: Lã Hoa
Ảnh: Anh Anh

logo


From the same category