Chị rất thích, rất thấm bài thơ “Phản ứng” của Trương Quế Chi trong tập thơ
“Tôi đang lớn”, nhất là khi viết ra, tác giả của nó còn rất trẻ:
Một đứa trẻ
Ngồi khóc
Chờ dỗ dành
Người đưa cho nó cuốn truyện
Nó không đọc
Vì nó biết “truyện cổ tích nào kết thúc chẳng giống nhau”
Người đưa cho nó túi kẹo
Nó không ăn
Vì sợ bị mắc chứng béo phì “nhìn rất xấu”
Người đưa cho nó cây súng chơi
Nó không nhận
Vì nó sợ lỡ tay giết người “Súng đồ chơi toàn đạn thật”
Một đứa trẻ
Ngồi khóc
Chờ dỗ dành
Những người lớn
Ngồi khóc
Hoang mang
Vì không biết phải mang tới những gì cho đứa trẻ thôi khóc…
Người lớn phải khóc thôi, từ những đoạn kể thế này trên báo: Trên tầng thượng của quán cà phê nổi tiếng ngay sát Hồ Gươm là bốn thanh niên 9x, một gái, ba trai. Cậu bé tóc vàng kể: “Hôm trước tao vừa mua con điện thoại Vertu ở 65 phố Hàng Bún. Hơn 200 củ, đẹp mê hồn nhưng chưa dám dùng vì sợ bà già biết lại la mắng”. Tiếng cô bé ngồi cạnh: “Sao phải sợ? Bà ấy sợ anh thì có. Anh mà bỏ đi một ngày thì bả khóc hết nước mắt”. “Chuẩn. Bà ấy rút lõi tiền của ông bô anh để đi nhảy, đi mát xa, mát gần. Anh thu lại một ít có sao đâu, tiền móc túi cả mà. Bà ấy có biết cũng chẳng dám làm to chuyện, nhưng để anh phục hôm nào bắt quả tang bà đi với thằng nhỏ tình nhân rồi mới mang ra dùng”. Cậu bé khác chen vào: “Chuyện rút lõi phải nói đến bà chị tao. Học đại học nhưng nghề rút lõi thì thôi rồi. Ngồi đếm tiền cho bà già một lúc mà ném xuống gầm giường hơn ba củ. Ông bô tao toàn về đến nhà là say khướt, nên tao và bà chị tuần nào cũng có vài củ tiêu rủng rỉnh nhờ rút lõi trong ví của ổng. Có hôm ông hỏi: “Hình như chúng mày lấy tiền của tao?” thì bị chị tao mắng vì ổng đâu biết tiền trong túi có bao nhiêu. Cứ nhậu nhẹt, cờ bạc, gái gú tối ngày thì sao kiểm soát được tiền bạc. Tao mong ông bô tao cứ say suốt…”.
Người lớn hẳn khóc chuyện bé Quốc Linh 3 tuổi ở Thanh Hóa bị chính cha mình tưới xăng đốt. Sau nhiều tháng và hàng chục lần ghép da, giải phẫu đau đớn trong nước lẫn được bảo trợ từ thiện ngoài nước, Linh hiện đang sống với gương mặt biến dạng khủng khiếp: Đầu chỉ là mảng da trọc, tay bị cháy với những đốt dính vào nhau… Mẹ em nhớ những ngày đầu da bong, Linh không đi cũng không ngồi được, phải bế 24/24h. Linh khó thở ngày đêm vì mũi biến dạng, miệng không mím, không há được nên ăn uống như cực hình. Mỗi lần thay băng hay tắm, Linh cứ kêu con đau quá. Con có làm gì đâu mà con đau như vậy? Tại sao bố đốt con?. Mẹ không cho Linh tiếp xúc với gương nhưng bé tự soi. Lần đầu soi gương, Linh cứ khóc, cùng câu hỏi “Mẹ ơi, làm sao cho con đẹp lại để đi học?”.
Người lớn hẳn khóc chuyện ở Bình Dương có người mẹ này rủ con trai đánh ghen người mẹ khác bằng cách lột trần ngay giữa phố, quay clip đưa lên mạng. Lúc nghe lời mẹ hung hãn bao nhiêu thì trước mặt công an đứa con trai 15 tuổi rụt rè, sợ sệt bấy nhiêu. Hai em nó, đứa 4 tuổi và 9 tuổi khóc ngất khi mẹ bị bắt. Con gái 8 tuổi của bên bị đánh ghen liên miên ác mộng do chứng kiến mẹ bị đánh đập, lột truồng giữa phố mà không biết phải làm sao trừ việc… khóc. Chị cả nó là sinh viên từ thành phố nghe tin vội vã chạy về, xấu hổ không dám quay lại trường. Đứa em út 5 tuổi thấy hai chị và mẹ cứ ôm nhau khóc, chỉ ngơ ngác khóc theo…
Nhân ngày lễ, ở Hà Nội có trường mầm non kia thu tiền cho các cháu xem xiếc. Do không phải tất cả học sinh cùng đóng góp nên nhà trường quyết định phát loa thông báo: “Để công bằng cho các em đã đóng tiền, đề nghị những em chưa đóng tiền ngồi nguyên trong lớp, không được ra sân”. Hãy hình dung trong tiếng nhạc tưng bừng văng vẳng, những đứa trẻ không được ra sân đã… khóc thế nào. Ai đó đã gọi đây là thứ “công bằng gớm ghiếc”, rằng khó hình dung một ứng xử máy móc, nhẫn tâm như thế lại xảy ra trong trường mầm non ngay giữa thủ đô. Người này đưa ra giải pháp: “Giả sử máy móc một tý, các cô vẫn có thể nói với các con rằng mặc dù có những bạn không đóng tiền, nhưng các bạn khác đã đóng đủ tiền để tất cả được xem xiếc. Các con hãy vỗ tay cảm ơn bạn và nhớ rằng trong cuộc sống, chia sẻ với người khác thì niềm vui và hạnh phúc sẽ nhân lên”. Cư xử kia chỉ là giả sử, còn những đứa trẻ đã khóc thật… Trẻ dễ quên, nhưng người lớn thì sẽ nhớ, đau mãi câu chuyện này.
Chị không phải tín đồ của môn thể thao đua xe đạp, nhưng câu chuyện kịch tính kéo dài của “anh hùng” Lance Armstrong khiến chị tò mò. Bằng nhiều mánh khóe, tài lực, người nhiều năm đoạt giải nhất, trở thành thần tượng của triệu triệu công chúng và niềm tự hào to lớn của các con, đã kiên quyết chống lại cáo buộc dopping của giới cua rơ và Cơ quan Phòng chống doping Mỹ. Nhưng sự thật là sự thật. Trong cuộc phỏng vấn với nữ hoàng ti vi Oprah Winfrey, người đàn ông tứ tuần mà trong mắt mọi người nay là “kẻ gian dối nhất giới đua xe đạp trên thế giới” xin lỗi, nói anh hiểu sự phẫn nộ của cảm giác bị phản bội. Armstrong nói án phạt cấm thi đấu vĩnh viễn với anh – kẻ vẫn say mê tột cùng môn thể thao này – như án tử hình. Nhưng nhiều người cho rằng điều khiến Armstrong đau đớn hơn cả là câu nói về ba đứa con bé nhỏ: “Bọn trẻ không đáng phải sống với điều này trong đời chúng. Tôi đã nói với đứa lớn ‘Đừng bảo vệ ba nữa’.” “Đừng bảo vệ ba nữa”. Chị tin những người cha như Armstrong sẽ khóc cả cuộc đời…
Bài: Việt Linh