Cleo - Tổ nghiệp showbiz và duyên nợ với đờn ca tài tử - Tạp chí Đẹp

Cleo – Tổ nghiệp showbiz và duyên nợ với đờn ca tài tử

Sao

Sinh ra dưới cung Thiên Bình, Cleopatra Diane de Merode còn là “con gái thần Vệ nữ” theo quan niệm chiêm tinh phương Tây, khiến nàng được bảo đảm đủ mọi ưu chất tài hoa, phong tư kiều mị, nhưng trên hết là tư duy sùng bái Cái Đẹp và lòng kiêu hãnh có lẽ thừa hưởng từ cha mẹ, một họa sĩ chuyên vẽ phong cảnh và một cựu diễn viên người Áo. Cha cô, Karl von Merode tự nhận mình là nam tước Freiherr von Merode đến từ một dòng tộc lâu đời tại Bỉ.
 

Cleo
 

Màn thoát y bất đắc dĩ và lịch sử mốt tóc chignon

Bé Lulu, tên gọi âu yếm của nàng, sớm hé lộ thiên hướng nghệ thuật và được gửi đến Học viện Paris Opera Ballet từ lúc 7 tuổi. Và khi mới 11 tuổi, cô bé có mớ tóc mây xoăn tít đã có buổi ra mắt đầu đời trên sàn diễn danh giá của kinh đô hoa lệ. Tất cả đã hứa hẹn cho một tượng đài nghệ thuật chuyên chính – nếu như nhan sắc ma mị của nàng đã không mê hoặc cả châu Âu, làm mụ mị mọi họa sĩ, nhiếp ảnh gia, lẫn giới truyền thông lúc bấy giờ, vượt xa tài hoa của đôi chân vũ nữ.

Người ta định danh nàng chính là hình mẫu đầu tiên của khái niệm “celebrity” trên thế giới – nơi mà vẻ ngoài nổi bật, thị hiếu thẩm mỹ cầu kỳ và những cuộc tình lâm ly có thể mang thứ hào quang lấn át cả tinh hoa tài khí.

13 tuổi, Cleo đã là nàng thơ phía sau những họa phẩm bậc thầy của Jean-louis Forain và Edgar Degas. Ba năm sau, nàng vang danh khắp kinh đô Paris với mái tóc rối bồng bềnh, chẻ chuẩn chu giữa vầng trán đồng trinh, viền bằng những vành xuyến đính đá óng ánh, xổ tràn xuống tận vòng eo không tưởng, dệt thành một chiếc khăn shawl đầy đặn lăn tăn sóng tóc. Người ta ghi dấu dung nhan nàng trên mọi tấm bưu thiếp, cỗ bài và các bích chương quảng cáo. Mái tóc sơn nữ và đôi mắt ma mị trong như ngọc của Cleo trở thành một mẫu mực về nhan sắc đàn bà đầu thế kỷ 20, dẫn lối cho những nếp tóc xoăn, mắt mơ viền chì và những đôi môi bé xíu như đinh ghim của “Kỷ ngây thơ” ’20s, với các dải băng trang kim trên tóc, điệu vũ chanson phóng đãng và những chuỗi cườm tung tẩy trên váy flapper.

Cleo

Nàng được cưng chiều, săn đón, ái mộ khắp nơi, và nghiễm nhiên trở thành giai nhân được chụp và họa hình nhiều nhất trên toàn nước Pháp, mà người ta còn cho là trên cả châu Âu. Khi Alfred Grevin giới thiệu cuộc triển lãm tượng sáp mang tên Hậu đài Nhạc kịch (Paris), Cleo đã là nữ vũ công ballet duy nhất được tạc tượng và đặt trân trọng giữa nhà biên kịch Gounod và Rose Caron.

Danh họa người Áo Gustav Klimt cũng từng là một nạn nhân của “cơn sốt Cleo”. Nàng xuất hiện rất nhiều trong các tuyệt phẩm của ông, và về sau, bộ phim mang tên “Klimt” (2006) còn hiển hiện ít nhiều câu chuyện của danh họa và nàng vũ nữ Pháp qua nhân vật Lea de Castro.

Năm 1895, Toulouse-Lautrec vẽ chân dung Cleo. Năm tiếp theo, đến lượt nhà điêu khắc Alexandre Falguière cũng rơi vào “cơn sốt Cleo”, làm nên cả một cuộc náo loạn nhỏ tại Paris Salon khi ông vén tấm trướng che trên tác phẩm mới của mình, phô bày bức tượng Cleo khỏa thân đầy mê đắm. Bản thân nàng thơ yêu kiều cũng bị chấn động trước phiên bản khỏa thân của mình. Trong bức thư gửi chủ biên tờ Le Gaulois, nàng tha thiết phủ nhận mọi tin đồn rằng Falguière đã sáng tác dựa trên mẫu thật: “Rất mong ông vui lòng đính chính lại cùng độc giả của quý báo rằng tôi không hề là người mẫu nguyên bản cho bức tượng của ông M.Falguière, sự khác biệt có thể được minh chứng nếu lưu ý quan sát đầu của bức tượng”. Sau biến cố đình đám này, nàng rút lui khỏi vùng hào quang danh vọng lẫn ánh đèn sân khấu, với lời giải thích là do nỗi lúng túng khổ sở khi chịu đựng những ánh nhìn lia khắp châu thân nàng và liên tưởng đến “bức tượng trần trụi kì khôi nọ”. Bức tượng định mệnh “The Dancer” của Alexander Falguière hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Musée d’Orsay.

Nhưng thị dân Paris háu tin vẫn có cách xoay sở để sản sinh thêm những tin đồn khi nàng vắng mặt, và “tác phẩm” tin đồn mới nhất của họ lúc này là những lời xì xầm độc mồm rằng người đẹp Cleo de Merode trên thực tế không có… tai! Sự thể bắt đầu từ mốt tóc chignon của Cleo, với mái tóc dày che phủ hai bên khuôn mặt, búi lại phía sau.

Ngay sau đó, nàng Cleo tội nghiệp buộc lòng phải tái xuất trở lại hòng minh chứng sự tồn tại đầy đủ của các cơ quan nghe nhìn trên cơ thể mình. Cuống quýt đối đầu với tin đồn quái gở, nàng xuất hiện ở khắp mọi nơi, tại nhà hát, đi dạo miệt mài trên các phố lớn trung tâm, ngược xuống Bois, tóc xõa được vén cao, lộ rõ một đôi tai đăng đối bình thường như hàng vạn đôi tai thị dân háu chuyện khác. Và từ đó, mọi quý bà quý cô Paris hoa lệ đều nhất loạt bới đầu theo kiểu tóc chignon.

Cleo

“Tình lang” phiền toái và kỳ tích ballet bị lãng quên

Tuyệt nhiên, những biến cố này không hề làm phương hại đến danh tiếng Cleo, mà trái lại, càng khiến nàng sở hữu một hấp lực khó cưỡng đối với sự hiếu kỳ của công chúng. Nói ngắn gọn lại là nàng nổi như cồn.

Vào cuối năm 1895, một sự kiện đã xảy ra, kết thúc cao trào cho một quãng thời gian đầy hào quang, đồng thời ám ảnh số phận Cleo mãi về sau. Vua nước Bỉ, hoàng đế Leopold đệ nhị, vốn là một tay hào hoa khét tiếng, tuyên bố nhân dịp công du thương lượng về quyền lợi thuộc địa để đến kinh đô hoa lệ và thân chinh khám phá sự thật về tiếng tăm tài sắc giai nhân trứ danh Cleo de Merode trong một buổi diễn của nàng. Nhiều tư liệu lẫn tin đồn thị dân thời bấy giờ cho rằng vũ đoàn nhà hát nhạc vũ kịch Paris chính là đại bản doanh thanh lâu hạng sang trên đỉnh thượng lưu của một Paris phóng đãng. Giới săn tin mau mắn đúc kết một mối tương quan giữa thói hào hoa của vị quân vương ngoại quốc và nhan sắc của nàng vũ công đang gây sốt toàn thành.

Khắp kinh thành Paris, trong mọi phòng trà lẫn phòng the, người ta hau háu truyền tụng những tình tiết lâm li lẫn dung tục về mối dan díu giữa “nàng kỹ nữ” 22 tuổi và “vị khách làng chơi” vương giả hơn nàng ngót nghét 40 xuân. Người ta nói rằng Cleo chính thức trở thành gái bao hạng sang, món đồ chơi ưa thích mới của vị quân vương phong tình, người ta trầm trồ truyền tụng về những món quà sang trọng nàng được dâng tặng, về toa tàu đặc biệt được thiết kế riêng cho Cleo, lắp thêm vào đoàn hỏa xa hoàng gia Bỉ. Họ, rất rất lâu trước khi Brad Pitt và Jolie trở thành Brangelina, được gọi chung bằng một cái tên sặc mùi showbiz: Cleopold!

Cleo

Trên thực tế, cho đến tận thời điểm đó, Cleo vẫn chịu sự giám sát khắc nghiệt của thân mẫu. Bà cựu minh tinh cùng con gái kiên quyết phủ nhận mọi tin đồn, khẳng định rằng thứ duy nhất nàng từng nhận của vị khán giả trứ danh này là những bó hồng chúc mừng sau các buổi diễn. Các tòa báo vẫn nhiệt tình loan tiếp thông tin tỉ mỉ đến từng chi tiết về chuỗi ngọc trai trắng muốt được vị quân vương gửi tặng Cleo, và về căn hộ huy hoàng ngài dùng để cất giữ nhân tình. Trong khi đó, Cleo vẫn ngày ngày lên xuống 5 tầng lầu để đi về căn hộ nơi cô đang sống cùng mẹ như một con chiên ngoan đạo. Tuy vậy, những lời quy buộc vẫn hấp dẫn đám đông hơn. Trò tiêu khiển lỗ nhĩ của đám thị dân háu chuyện đã đến hồi tai quái, khi Cleo đào tẩu khỏi Paris để đến St.Petersburg, nàng rơi tiếp vào những tin đồn truyền khẩu về lòng ái mộ bất thường của các bậc vương tôn dưới thời Sa Đế. Những lời xì xầm truyền tụng, những tình tiết li kỳ và phóng túng đã trở nên ồn ào lấn lướt cả kỳ tích của lịch sử nghệ thuật múa ballet: nàng đã trở thành nữ vũ công ballet đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật múa diễn cùng bạn diễn nam là Rupert Doone tại nước Nga.

Cleo lại trở về Paris, tiếng tăm của nàng đã lẫy lừng hơn gấp bội, tỉ lệ thuận với mức thù lao cho mỗi lần xuất hiện trên sân khấu. Khôn ngoan và chai sạn hơn rất nhiều, Cleo quyết xem đó là một cơ hội vàng. Nàng nhận một khoản thù lao khổng lồ để xuất hiện tại nhà hát hí kịch Folies Bergere – điều mà chưa vũ công ballet nào từng làm trước đây. Vài tháng sau, tờ The Éclair phát động cuộc bầu chọn Người đàn bà đẹp nhất Paris. 130 tấm ảnh được trưng bày trong một gian phòng của bản doanh tờ báo cho mọi thị dân đến thưởng lãm và bình bầu. Cleo chiến thắng với tỷ lệ gần một nửa trên 7.000 phiếu bầu.

Cleo

Cho đến tận bây giờ, mối dan díu với hoàng đế Leopold vẫn là scandal được nhiều người truyền tụng nhất. Thám tử đặc vụ Xavier Paoli đã ghi chép lại trong hồi ký, chứng thực lời tạ lỗi của đích thân nhà vua Bỉ: “Cho phép tôi thể hiện lòng thành tâm ân hận, bởi những quy buộc nhân gian dành cho tôi đã làm thương tổn danh phẩm quý cô. Than ôi, chúng ta đã không còn được sống trong thời cuộc nơi mà lòng ái mộ của một vị quân vương không hề là một tai họa! Cuối cùng, tôi chỉ là một ông vua quèn” (nguyên văn: I am only a little king).

Thần nữ Nam Vang trên giọng đàn Gia Định

2 năm sau biến cố bức tượng khỏa thân và tin đồn… không tai, cùng mẹ và người quản lí nhà hát hí kịch Folies Bergere, khi này cũng là người đại diện của nàng, cùng 9 rương tư trang và một chú chó cưng, Cleo đến Tân Thế giới lưu diễn trong suốt một tháng tại New York.

Mặc dù trước đó, cả một chiến dịch lót đường cho người đẹp Pháp đã được tiến hành, với những bưu thiếp mang hình ảnh của nàng được bày bán khắp mọi quầy báo, nhưng chuyến lưu diễn đã không thành công như kì vọng. Giới truyền thông ghẻ lạnh trong những bài bình luận hờ hững đầy mai mỉa, ca tụng nhan sắc người đẹp Paris nhưng miệt thị vũ đạo cũng như diễn xuất của nàng. Vào ngày Cleo ngán ngẩm rời Hoa Kỳ, tờ Boston Globe bồi thêm một cú tiễn biệt bằng việc gọi nàng với hỗn danh “The Frost” theo lối chơi chữ quái ác, vừa có nghĩa là “đóng băng”, vừa mang nghĩa lóng lối Mỹ là “thất trận”. Mặc nhiên, Cleo tái xuất Paris, rủng rỉnh 9.000 Mỹ kim thù lao từ chuyến lưu diễn, tức là gấp 40 lần thu nhập hàng tháng của chính nàng tại Paris.

Cleo

Năm 1899, thân mẫu Cleo qua đời, cũng là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành hoàn toàn cho bản lĩnh Cleo. Nàng trở thành một nữ thương gia thực thụ biết khai thác một cách điêu luyện hình ảnh và tiếng tăm bản thân. Nàng tỏ ra nhã nhặn và lịch lãm trong mọi cuộc phỏng vấn, khéo léo điều khiển báo giới lẫn dư luận và tình cảm công chúng theo hướng có lợi nhất. Các phóng viên được mời tới chứng kiến những cuộc họp giữa nàng và ban giám đốc nhà hát, cho phép họ tiến sâu vào quan sát hậu đài kì thú của công nghệ giải trí Paris. Những lúc nhàn rỗi, Cleo chơi dương cầm (nàng được biết tới là một nghệ sĩ dương cầm tuyệt vời dù không bao giờ chơi đàn trước công chúng) hoặc đạp xe rong ruổi những ngõ đường vắng vẻ ở ngoại ô Paris.

Trong những năm tiếp theo, Cleo lưu diễn xuyên lục địa và nhiều lần tái xuất Hoa Kỳ. Vua Xiêm Chulalenghorn khi đến Paris đã được nàng ưu ái dàn dựng riêng một chương trình nghênh đón, bản thân Cleo xuất hiện trong bộ phục trang diễm lệ, mình dát vàng, kim miện có chóp nhọn như các thần nữ trong tín ngưỡng Đông phương. Nàng uyển chuyển múa theo lối truyền thống của vương quốc Xiêm nhưng được thêm thắt cải tân bằng phong cách Parisian.

Buổi diễn được hoan nghênh rầm rộ, công chúng Âu châu nức lòng trước vẻ đẹp hương xa khi được thể hiện trên trang tuyệt sắc Paris, sự pha trộn kì diệu giữa đôi mắt như cặp ngọc lưu ly đặc thù của người phương Tây, mớ tóc digan dầy dặn xõa dài trong phục trang Đông phương lạ mắt. Từ đó, Cleo liên tiếp ra mắt công chúng trong những màn múa mang âm hưởng Á đông và luôn được ái mộ như một sứ thần thân thiện trong sách lược chính trị hữu hảo của chính quyền Pháp.

Năm 1900, người ta cho mời ban nhạc đờn ca tài tử Gia Định đến Paris phô diễn nét văn hóa của quốc gia thuộc địa. Để thu hút công chúng và sự quan tâm của truyền thông, de Merode được mời biểu diễn trên nền nhạc tài tử. Nàng xuất hiện trong những món trang sức theo lối cung đình Nam Vang và diễn tấu một vũ kịch truyền thuyết được cho là của người Chà Và, khi này được người Pháp gọi chung là một nền văn minh Đông Dương. Màn diễn tấu được đặt tên là “Vũ khúc Đông Dương” dù sai chệch với tinh thần văn hóa Việt Nam bấy giờ nhưng lại tình cờ phối hợp mượt mà hơi hướm Cao Miên trên giọng đàn của ban tài tử Gia Định, và sự xuất hiện của Cleo đã khiến buổi diễn nổi tiếng đến mức được nhà nước Pháp chọn in hình trên con tem lưu hành khi ấy. Đây cũng là cơ duyên cho các nhà nghiên cứu về sau tìm lại bản ký âm thất truyền của bài đàn huyền thoại.

Cleo

1 franc cho thanh danh

Tháng Sáu năm 1902, trên đỉnh vinh quang của các tiết mục múa mang màu sắc phương Đông, Cleo đến Anh quốc lần đầu trong đợt lưu diễn kéo dài 2 tuần liền tại nhà hát Alhambra London gồm các điệu vũ âm hưởng Boheme, Hi Lạp, Tây Ban Nha và Cao Miên. Năm 1904, khi lưu diễn tại Thụy Điển, Nam Tư, Đan Mạch, và đặc biệt ghi điểm lẫy lừng tại Stockholm với những đám đông ái mộ nô nức tụ tập trước rạp diễn. Hồi hương sau chuyến lưu diễn ngây ngất, Cleo tung cho chủ biên tờ Figaro tất thảy 3.000 bức thư tình thu thập được từ chuyến đi. Rất nhiều trong số đó được chọn đăng tải dài kì trên nhật báo.

Nhưng về sau, Cleo giảm dần mật độ lịch trình diễn. Mặc cho lợi nhuận và lòng ái mộ vẫn ngày lên cao, Cleo dần tỏ ra đặc biệt thích thú với điêu khắc. Nàng thư thái và tĩnh tại khi say sưa với những bức tượng nhỏ hình các vũ công, đàn chiên, con giống ngộ nghĩnh… Những món thủ công này đều được rao bán với giá khá đắt và mang lại cho Cleo một khoản thu nhập đáng kể. Cleo vẫn thi thoảng tái xuất sàn diễn cho đến tận sau tuổi 50. Bà chuyển về sống trong một biệt thự ven biển vùng Biarritz mà nhiều tư liệu cho là cố hương của bà. Nơi đây, bà dạy múa cho trẻ em để khuây khỏa nỗi nhớ nghề cho đến tận tuổi 80.

Ngay cả sau khi lui về ẩn dật, tin đồn vẫn không buông Cleo. Năm 1950, nữ văn sĩ Simone de Beauvoir, phu nhân nhà biên kịch và phê bình Jean-Paul Sartre tung ra cuốn “Le Deuxieme Sexe” viết về gái bao hạng sang. Trong đó, bà Beauvoir có nhắc lại những sủng ái đặc biệt của vua Leopold dành cho “ả điếm hoàng gia” Cleo de Merode. Cuốn sách cũng nhắc lại giả thuyết xuất thân thôn dã của Cleo và gợi ý rằng rất có thể Cleo đã tự nhận theo dòng dõi thế phiệt de Merode. Cleo khởi kiện, đòi bà văn sĩ phải bồi thường 5 triệu franc. Nàng vẻ vang thắng kiện, nhưng cũng chính trong quá trình nghị án, người ta nhận ra rằng nàng chính là bàn tay đạo diễn phía sau rất nhiều tin đồn về bản thân trước đây. Do đó, tuy thắng kiện, nhưng Cleo chỉ được hưởng 1 franc cho các tổn thất tinh thần và quy định dỡ bỏ mọi thông tin thiếu cơ sở có thể gây phương hại đến nàng trong mọi ấn bản về sau của cuốn sách đình đám nọ.

Cleo

Như những ngày đầu sự nghiệp đầy tăm tiếng, Cleo de Merode trong cuộc ẩn dật cuối cùng vẫn là người đàn bà chạy đuổi theo những cuộc phân bua vô tận, nàng vẫn là cô vũ nữ viết lá thư phân bua với tòa báo, hoặc mỏi mòn trong những cuộc bát phố xuôi ngược phố lớn Paris để xõa tóc trưng bày một đôi tai trọn vẹn. Sau biến cố với vụ kiện bà Beauvoir, năm 1955, Cleo phát hành tự truyện “Le Ballet de mavie” (tạm dịch “Vũ điệu đời tôi”), như một lần cuối cùng giành quyền lên tiếng cho chính bản thân, để nói những gì nàng cho phép thế giới lắng nghe.

Cleo qua đời ngày 17 tháng 10 năm 1966, yên nghỉ tại nghĩa trang Père Lachaise. Phía trên mộ phần Cleo là bức tượng chính nàng đang khóc than thân mẫu.

Lúc còn sống, de Merode đã kết hôn nhưng không có con. Theo tin tức trên báo chí trong suốt cuộc đời sự nghiệp của nàng, thì de Merode còn đính hôn trước đó vài lần, trong đó có một bá tước Nga, một triệu phú Hoa Kỳ, công tước vùng Manchester (sau bị ngăn chặn bởi bà ngoại của ông này), một điền chủ Pháp, một quý tộc Ba Lan, và bản thân hoàng đế Leopold đệ nhị, sau khi hoàng hậu Marie Henriette qua đời. Hẳn nhiên, các nguồn tin của báo chí thời đó vẫn hoàn toàn không có cơ sở chính xác. Bản thân Cleo chỉ thừa nhận 2 cuộc tình lâu bền nhưng thê lương, một người mắc bệnh thương hàn qua đời, và người thứ hai là một học giả và điêu khắc gia Tây Ban Nha đã bỏ rơi nàng theo một người đàn bà khác. Nhưng danh tính và chi tiết về 2 mối tình này cho đến nay vẫn là những bí mật nàng mang theo mãi mãi.

Cleo

Sự im lặng cuối cùng

Năm 2012, 46 năm sau khi Cleo qua đời, khi thế giới nàng bỏ lại sau lưng đã hoàn toàn bị chi phối bởi quyền lực truyền thông và thảm đỏ, tác giả Michael Garval xuất bản cuốn sách mang tên “Cleo de Merode and the Rise of Modern Celebrity Culture” (tạm dịch “Cleo de Merode và sự trỗi dậy của văn hóa người nổi tiếng”). Garval đã ghi chép, phân tích đến từng ngóc ngách xảo thuật lăng xê phía sau ánh hào quang của nhan sắc và tài hoa, đánh dấu sự bắt đầu cho một nền kỹ nghệ thực thụ về sau của thế giới.

Sẽ không ngoa nếu lịch sử nghệ thuật trình diễn và công nghệ lăng xê được chia ra thành giai kỳ tiền và hậu Cleo, khi tiếng tăm của nàng làm nên một sự thay đổi hoàn toàn về khái niệm nổi tiếng, giá trị của hiệu ứng hình ảnh, yếu huyệt của truyền thông và quyền lực của những tin đồn. Mặc dù trước Merode, nhân loại vẫn luôn có những trang nhan sắc khuynh thành, những cuộc dan díu vụng trộm éo le đi vào huyền thoại, nhưng bước ngoặt lịch sử khi loài người phát minh ra kỹ thuật in ấn và nhiếp ảnh đã tạo nên hình thái thô sơ nhưng đầy quyền lực của truyền thông và báo chí.

Sự phối hợp của hai nền kỹ nghệ này tôn vinh người đẹp nhưng không cho phép nàng hóa thánh, phơi lộ chuyện riêng tư của nàng nhưng lại cùng lúc đặt lên vầng trán nàng ánh hào quang nóng bỏng của mọi sự chú ý hiếu kỳ. Công chúng hoặc yêu nàng, hoặc say sưa những câu chuyện đầy ác ý về nàng. Truyền thông trao cho họ một quyền lực mới, nơi họ xộc thẳng vào phòng ngủ của người đàn bà đẹp, khoái trá tốc từng lớp xiêm y hào nhoáng của tiết hạnh và nhan sắc, để hả hê lần mò thịt da có thật của hình hài diễm ảo in trên bưu thiếp: Nàng cũng như ta, tham dục, đa mưu và đầy khiếm khuyết. Màn kịch vẫn quá chừng hấp dẫn ngay cả khi cô đào chính đã toan về già và nhan sắc thanh xuân cùng các phiêu lưu tình ái chỉ là những tro cốt cũ kỹ.

Cleo

Vì sao nàng trở thành “Kẻ được chọn”? Cơn sốt tò mò với văn hóa thuộc địa, kết hợp cùng sự phát triển của công nghệ nhiếp ảnh, in ấn và truyền thông đã hợp nhất tại khúc quanh định mệnh có nàng, để cùng làm nên một trong những quả bom truyền thông giải trí đầu tiên trên thế giới. Và từ đó, người ta có Monroe chết cô độc trong cuộc tình với đệ nhất chính khách, một linh hồn Presley mãi không siêu thoát, Lennon gục ngã trước họng súng kẻ cuồng tín và Diana qua đời trong chuyến xe tử thần đào thoát bão flash paparazzi.

Những ngôi sao thảm đỏ trở thành bàn cờ người với các quân cờ là những hình nhân tuyệt mĩ bị soi chiếu sống sượng dưới ống kính truyền thông, thỏa mãn giấc mơ nhìn xuyên qua những bức tường tư dinh tráng lệ và mọi lớp xống áo hào hoa với tâm lý đầy hả hê: “Tất cả họ, phía sau cánh cửa khép kín, đều như tất thảy chúng ta”. Các ngôi sao giải trí mua vui cho công chúng của mình ngay cả bên ngoài màn bạc, trên các bãi biển riêng tư, và ngay cả sau khi chết.

Ngày 27 tháng 09 năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 138 năm ngày sinh Cleo de Merode, trong buổi ra mắt cuốn sách khảo cứu “Hát bội, Đờn ca tài tử và Cải lương” của hai nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên và Nguyễn Đức Hiệp tại Việt Nam, lần đầu tiên bản múa huyền thoại của Cleo được tái dựng, qua trích đoạn “Vũ khúc Đông Dương” trên nền nhạc bản kí âm cổ xưa nhất tìm thấy được trong lịch sử. Vũ công Việt Nam tái hiện hình ảnh Cleo de Merode là người sinh sau bà đúng một trăm lẻ một đêm (MC Trác Thuý Miêu, tác giả bài báo – BBT).

Cơ sở dữ liệu đầu tiên của hai nhà nghiên cứu chính là con tem của nhà nước Pháp lúc bấy giờ in hình Cleo de Merode trong trang phục cung đình Nam Vang cùng ban đàn của nghệ nhân Nguyễn Tống Triều tại buổi trình diễn đờn ca tài tử ở Nhà hát Đông Dương năm 1900. Không đầy 3 tháng sau đó, vào 15 giờ ngày 5/12/2013, đờn ca tài tử chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đoạn phim tư liệu của nhà làm phim Huy Moeller ghi lại quá trình tái dựng vũ khúc đầu tiên của nhân loại trên nền nhạc đờn ca tài tử sẽ được công chiếu tại Việt Nam vào tháng Giêng năm 2014 tại trường Điện ảnh Quốc tế Sài Gòn và Viện Trao đổi Văn hóa Pháp IDECAF. Dự án phim Việt Nam đầu tiên về Cleo de Merode và đờn ca tài tử cũng đã được nhà biên kịch Ngô Thị Hạnh hoàn tất khâu kịch bản, đang trong quá trình kêu gọi đầu tư. Đây là dự án điện ảnh đầu tiên của Việt Nam về di sản đờn ca tài tử, cũng là phim điện ảnh đầu tiên trên thế giới tái hiện hình ảnh bà chúa tin đồn đầu tiên trong lịch sử nền công nghệ giải trí thế giới.

 

Bài: Trác Thúy Miêu

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Những thần tượng đương thời đã không thể làm lu mờ sự chói lòa của Chanel trong quá khứ. Vẻ đẹp nghiêm cẩn, giản  dị của Coco Chanel một lần nữa lại được kiểm chứng bởi cả thời gian lẫn không gian.

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

16/01/2014, 18:04