Chuyện đàn bà ở phòng matxa

Những vuốt ve không vương dục vọng

Quyển sách cổ xưa nhất về kỹ thuật massage là của Trung Quốc, được viết từ 3000 năm trước Công nguyên. Massage (matxa), theo tiếng Ả Rập có nghĩa là ấn nhẹ, được dùng trước tiên như một liệu pháp trị bệnh, chữa lành những chấn thương, giảm đau và giải tỏa lo lắng. Trong thời buổi ngành dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, thư giãn rộn ràng phát triển, hầu như mọi spa đều có dịch vụ massage cơ thể với nhiều chọn lựa từ massage Thụy Điển (kỹ thuật massage do Pehr Henrik Ling, cha đẻ của massage hiện đại hoàn thiện vào năm 1813 tại Thuỵ Điển); massage Thái (bấm huyệt kết hợp kéo, duỗi, lắc và thả lỏng để co giãn cơ xương), đến massage Shiatsu của Nhật (bấm, trượt huyệt đạo)… 

(Ảnh: arlberg-well)

Một vài động tác Shiatsu xoa bóp, ấn trượt vùng bụng có thể đánh tan cơn đau bụng âm ỷ trong những ngày “đèn đỏ”, đôi chân căng cứng vì bị bó trong đôi giày 10 phân sẽ dịu xuống với vài đường massage chân, những mỏi mệt do đối diện với chiếc máy tính nơi văn phòng, sự đau đớn của cơ bắp sau những buổi gym quá chuyên tâm sẽ được giải quyết sau một xuất massage Thái. Vậy nên, có lúc tôi thấy trong những khi mệt mỏi, uể oải, yếu đuối nhất, phụ nữ thay vì mong đợi vòng tay an ủi, chỗ dựa ấm áp từ đàn ông nên chọn giải pháp đơn giản hơn là một liệu trình massage thư giãn toàn thân tại spa yêu thích.

Tôi thích những cái chạm nhịp nhàng, điêu luyện của đôi tay kỹ thuật viên trên cơ thể mình. Đó là những ve vuốt không vương dục vọng, một sự chăm sóc thuần túy và riêng tư – mà phụ nữ có thể chủ động dành tặng cho mình.

Chuyện trong phòng massage

Công việc của một nhân viên massage thường bị báo chí nhào nặn theo hướng tệ nạn xã hội, với những cô gái chân dài váy ngắn ỡm ờ đưa đẩy. Ly kỳ hình tượng theo kiểu này thường khiến người đọc hiểu nhầm rằng đây là một công việc nhàn hạ lương cao, thấp kém mạt hạng. Là nhầm đấy!

Massage là một trong những công việc nặng nhọc nhất trong ngành dịch vụ thư giãn – làm đẹp. Tôi có thể thấy ánh mắt thoáng chút ngại ngần của cô kỹ thuật viên khi một vị khách đề nghị suất massage vào lúc 7 giờ tối, bởi cô ấy đã “đi tour” 6 khách trong ngày và có lẽ, chưa kịp ăn tối. Những kỹ thuật xoa, bóp, ấn, trượt, bẻ người cần được thực hiện với toàn bộ sức lực và sự tập trung của kỹ thuật viên. Để có để giải tỏa những cơ bắp đang căng cứng ở vùng lưng của khách, kỹ thuật viên phải dùng đến các khớp tay, khuỷnh tay, thậm chí mượn lực đầu gối để tạo được sức ép cần thiết. Đó là một cuộc vật lộn tốn sức, mà có lần một nhân viên đã chia sẻ với tôi: “Buổi sáng ngủ dậy, đôi tay em cứng đơ ra, phải đến 30 phút tự xoa bóp các ngón mới cử động lại được và bớt đau đớn.” Đấy là do tôi hỏi thăm, chứ các cô thường ít nói, và chỉ hỏi khách hàng “chị thấy lực như vầy là vừa chưa, có cần nhẹ hơn hay mạnh hơn thì cho em biết.” 

Đẳng cấp và sự chuyên nghiệp của một spa được đánh giá bằng tên tuổi, thương hiệu, vị trí tọa lạc, chất lượng phòng ốc, loại mỹ phẩm sử dụng – và giá tiền của các dịch vụ. Có nơi một suất massage lên đến 1.500.000VND, khách hàng được phục vụ trong một căn phòng sang trọng, riêng tư, có đầy đủ xông hơi, bồn sục. Có nơi chỉ 50.000VND – 100.000VND, lương nhân viên khoảng 2.000.000VND bao cơm và thu nhập chính của họ đến từ tiền tip của khách hàng. Vào giờ cao điểm, spa bình dân kín khách với những cơ thể nằm san sát nhau chẳng buồn buông rèm che đậy. Tiếng chuông điện thoại, tiếng tán gẫu của đôi ba vị khách đi cùng nhau, tiếng càu nhàu vài ba chuyện vặt của các cô nhân viên dễ làm những ai muốn tìm chốn riêng tư, yên tĩnh cảm thấy phật lòng. Nhưng riêng về tay nghề của kỹ thuật viên, lại thường không bị ảnh hưởng bởi đẳng cấp hay tên tuổi của spa. 

Trung bình, một người mất khoảng 2-3 tháng để học các kỹ thuật massage cơ bản. Nhưng đó chỉ mới là học, chứ chưa “hành”. Làm nhiều mới lên tay, nghề dạy nghề mới quyết định chất lượng. Có nhiều cách để nhận ra một kỹ thuật viên mới vào nghề. Đầu tiên, động tác bẻ các khớp tay và chân của họ thường hơi vụng về, khiến khách cảm thấy đau và giật mình hơn là thoải mái. Họ thường vô tình cào móng vào da khách với động tác trượt khi xoa bóp ở phần bắp tay. Lực ép xuống các cơ lưng không đủ mạnh, khiến sau khi massage xong cảm giác mỏi ở lưng vẫn còn đó. Trái lại, một kỹ thuật viên giỏi nghề sẽ biết nhấn nhá vừa phải, sao cho các động tác “mướt” đến mức có thể khiến khách hàng ngủ thẳng giấc và tỉnh dậy với một cơ thể linh hoạt, khỏe khoắn. Tôi đã được cứu khỏi chứng vọp bẻ liên tục ở phần cơ cổ nhờ tay nghề xoa bóp của một cô… gội đầu, chỉ sau 15 phút ấn huyệt và nắn khớp. Dẫu rất tệ trong khoảng nhớ mặt và tên người, nhưng tôi có thể nhận ra hầu hết tay nghề của từng kỹ thuật viên ở mỗi spa, thậm chí còn biết cả hôm nay họ có bị phân tâm hay đuối sức không.

Văn hóa massage

Nghe lỏm ở phòng massage cũng là một thú vui. Chuyện chồng con, công việc, chuyện bạn gái chúng mình, chuyện tiêu dùng mỹ phẩm, giá vàng giá đất, cô ca sĩ nào cặp kè với ai… ôi thôi cả một kho buôn chuyện! Có chị nằm 60 phút nhưng hết anh A đến anh B rồi lại anh C gọi đến, anh nào cũng là anh yêu. Hỏi chị sao lắm mối thì chị trả lời “Chị quen Việt kiều em ơi, giờ này mấy ổng gọi qua kiểm tra để chắc là chị không đi với thằng nào.” 

Các khách hàng cũng mỗi người mỗi tính, có người vừa nằm lên giường là bắt đầu chỉ đạo nhân viên ấn ở đâu, bóp chỗ nào, có người im như thóc, có người ngủ cả giấc tròn. Lại có chị làm xong mới than thở “ban nãy em mạnh tay quá”. Khi được hỏi “sao chị không nói em” thì trả lời dở khóc dở cười “Chị chưa kịp nói em đã lướt qua chỗ khác nên chị im luôn”. Quả là một kiểu “văn hóa massage” rất thú vị, rất đàn bà. Và đàn bà đi massage thường sẽ thật thà đến là thương. Đấy là khi tôi nghe những phụ nữ “ba đảm đang” quanh mình than thở về những mệt mỏi mà họ phải chịu đựng mỗi ngày, từ ngày này qua ngày khác, biến thành những cơn đau hữu hình trên cơ thể – từ cái lưng bị vẹo đi do mang vác sai tư thế đến đôi chân lên gân chằng chịt do đứng quá nhiều. Mới rồi, chị khách hàng cạnh tôi tip cho cô nhân viên 200 ngàn kèm nhận xét “Công nhận, ông xã chị còn không chăm sóc chị kỹ được như em. Ổng chỉ đụng vô khi cần chứ chị mà kêu mỏi người là ổng bỏ ra chỗ khác”.


(Ảnh: luxform)

Tôi nhớ ra những chuyện linh tinh ở phòng massage khi chiều nay, cô bạn đồng nghiệp bảo rằng cô ấy vừa đăng ký đi học massage ở trung tâm phụ nữ để “giữ” chồng, khỏi cho ảnh đi bậy bạ. Chợt suy nghĩ, không biết khi nào các anh mới “hiếu học” được như chị em phụ nữ. Khi nào các anh mới thấy cần biết vài chiêu xoa bóp để dỗ dành mỗi khi đàn bà của mình mỏi mệt. Dẫu “tay nghề” của các anh còn xa lắm mới bằng được kỹ thuật viên, nhưng những vuốt ve thuần túy chăm sóc của các anh chắc sẽ khiến chị em hạnh phúc lắm. 

Bài: Lâm Mộc


logo


From the same category