Đây là kết luận của một nhóm nhà khoa học Mỹ đưa ra trong công trình nghiên cứu mới công bố.
Để đưa ra kết luận này, các nhà khoa học thuộc Đại học Washington và Trung tâm Y học Langone thuộc Đại học New York (Mỹ) đã tiến hành phân tích tác dụng và sự biến đổi của vi khuẩn trên cơ thể người đối với một nhóm 34 người thuộc cộng đồng thổ dân thiểu số Yanomami, sinh sống tại vùng rừng Amazon thuộc Venezuela.
Ảnh minh họa. (Nguồn: dailymail.co.uk)
Sau đó, nhóm nghiên cứu so sánh quần xã vi khuẩn trên các đối tượng này với các vi khuẩn trên một nhóm người Mỹ, một nhóm thổ dân Amazon khác tại Venezuela có tên Guahibo và một nhóm nông dân Malawi, phía Nam châu Phi.
Kết quả cho thấy lượng vi khuẩn trung bình đếm được trong cơ thể người Yanonami cao gấp đôi người Mỹ, cao hơn 30% so với người Guahibo và hơn 40% so với người Malawi.
Nhóm nghiên cứu cho biết trong cơ thể người Yanomami chứa hàng tỷ vi khuẩn, và chúng đóng góp vào việc phát triển các hệ thống cơ bản của cơ thể như hệ miễn dịch, tiêu hóa, giúp chống chọi các bệnh lạ xâm nhập.
Thậm chí các vi khuẩn có ích này, trong đó một số loại chưa từng được tìm thấy trên cơ thể người trước đó, còn có khả năng đánh bại một số virus gây bệnh mà kháng sinh hiện đại phải “bó tay.”
Theo các nhà khoa học, cơ thể mỗi người Yanomami chứa nhiều vi khuẩn có ích có thể là do họ sống hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài, do đó họ vẫn giữ được một chế độ ăn thuần tự nhiên cũng như chưa từng tiếp xúc với các chất kháng sinh nhân tạo.
Bộ lạc Yanomami là một nhóm sắc tộc người da đỏ bản địa lớn nhất ở vùng rừng Amazone. Họ sống phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên theo kiểu săn bắn, hái lượm và có tập tục di cư qua nhiều vùng khác nhau./.
Theo Vietnamplus