10 bộ váy kinh điển trong lịch sử điện ảnh

1. Những năm 20 của thế kỷ trước là thời hoàng kim của váy flapper và nữ diễn viên Clara Bow chính là hình ảnh tiêu biểu nhất cho phụ nữ thời đó. Bộ váy flapper được đính rất nhiều sợi tua rua ánh kim do Edith Head thiết kế đặc biệt cho Clara Bow trong phim “Saturday Night Kid” (1929) là chiếc váy flapper kinh điển trong phim ảnh, thời trang lúc bấy giờ và vẫn còn sức ảnh hưởng tới ngày nay.

2. Trong phim “Angel” ra mắt năm 1937, hình ảnh nữ diễn viên Marlene Dietrich trong bộ đầm lộng lẫy vẫn luôn là một trong những những khoảnh khoắc điện ảnh khó quên. Bộ đầm của nhà thiết kế Travis Banton được thêu tay toàn bộ, đính trên đó là những viên đá quý màu sắc. Đặc sắc hơn là phần áo choàng bên ngoài được viền lông chồn Zibelin.

3. Chiếc váy “rèm” đặc trưng được thiết kế bởi Walter Plunkett trong “Cuốn theo chiều gió” (1939) là bộ váy đặc sắc nhất trong tất cả những bộ váy mà nữ diễn viên Vivien Leigh đã mặc khi diễn vai Scarlett O’Hara. Và như tên gọi của nó, chiếc váy được may từ vải rèm, nó thể hiện “nỗ lực” của Scarlett khi muốn mình phải thật đẹp trước mặt Rhett trong khi điều kiện vật chất trong chiến tranh rất ngặt nghèo.

4. Một kiệt tác tuyệt vời nữa mà nhà thiết kế trang phục phim Edith Head mang tới cho Hollywood chính là chiếc váy lông công rực rỡ và cực kỳ công phu dành cho nữ diễn viên người Úc Hedy Lamarr trong bộ phim “Samson and Deliah” (1949). Bộ váy này đã giúp Hedy thể hiện quyền lực và sự quyến rũ cho vai diễn Deliah của mình.

5. Chiếc váy trắng ngà cổ yếm được “biểu tượng gợi cảm” Marilyn Monroe mặc khi diễn cảnh váy bị thổi tốc lên trong bộ phim “The Seven Year Itch” (1955) được thiết kế bởi William Travilla đã trở thành biểu tượng của điện ảnh thập niên 50. Travilla đã từng tiết lộ rằng, chất liệu vải cho chiếc váy này được dệt từ một loại tơ nhân tạo đặc biệt, có độ rủ vừa phải, không quá nặng hay quá nhẹ để chiếc váy có thể tung bay một cách thật duyên dáng.

6. Bộ váy xanh lơ của Grace Kelly đã đem lại cho nữ diễn viên sự thướt tha nhẹ nhàng trong bộ phim “To Catch The Thief” (1955). Chiếc váy xanh được thiết kế bởi Edith Head, nhà thiết kế trang phục bậc thầy của thế kỷ 20. Những tầng vải chiffon dày nhưng rất nhẹ giúp phần thân váy uyển chuyển theo từng bước chân của Grac Kelly. Điểm xuyết trên nền xanh lơ là một dải màu xanh đậm bắt chéo dọc thân váy như những đợt sóng êm đềm của vùng biển nước Pháp.

7. Chiếc váy màu đen của nhà mốt Givenchy mà Audrey Hepburn mặc trong bộ phim “Breakfast at Tiffany’s” (1961) là biểu tượng cho vẻ đẹp của thập niên 60. Được làm từ vải satin đen của Ý, chiếc váy đen dài chấm gót với đường cắt tinh tế cùng với chiếc vòng ngọc trai nhiều tầng nổi bật và đôi găng tay đen dài khiến cho bộ trang phục toát lên vẻ sang trọng bất biến theo thời gian.

8. Chiếc đầm trắng trong “Bản năng gốc” (1992) của Sharon Stone là hình mẫu hoàn hảo cho phong cách tối giản những năm 90. Chiếc đầm được nhà thiết kế Ellen Mirojnick làm từ chất liệu len lông cừu trắng muốt với những đường nét đơn giản, cổ lọ cao, không tay. Và cho đến hiện tại, kiểu đầm này vẫn chưa có “dấu hiệu” lỗi mốt.

9. “Elizabeth: The Golden Age” (2007) là một trong những phim về thời đại hoàng kim của nước Anh có những bộ trang phục vô cùng hoành tráng. Chiếc đầm vàng ánh kim của nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất (do Cate Blanchett thủ vai) khi ngồi trên ngai vàng chính là đỉnh điểm của sự hoàng tráng đồng thời là biểu tượng uy quyền cho một vị nữ hoàng của nước Anh. Chiếc đầm được làm từ vải satin óng vàng đã giúp nhà thiết kế Alexandra Byrne đoạt giải Oscar 2008 cho hạng mục Thiết kế trang phục xuất sắc nhất.

10. Chiếc đầm màu xanh ngọc lục bảo của nữ diễn viên Keira Knightley trong phim “Atonement” (2007) là kiểu đầm khiến cho rất nhiều khán giả “phát cuồng”. Chiếc đầm xanh bằng lụa được Jacqueline Durran thiết kế khá phóng khoáng khi phần quai áo chỉ là 2 sợi dây mảnh, phần cổ  khoét sâu và đặc biệt tôn lên phần lưng trần yêu kiều của Keira.

Bài: Mỹ Phương

Ảnh: Pinterest

logo


From the same category