Kết nối kỳ vọng thay đổi diện mạo ngành công nghiệp thời trang Việt Nam

Hội nghị quốc tế về công nghiệp thời trang được tổ chức với quy mô lớn cùng sự góp mặt của nhiều diễn giả uy tín bàn về vấn đề xây dựng và phát triển nền công nghiệp thời trang gắn liền với xây dựng ngành công nghiệp sáng tạo như: ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Truyền thông Lê; bà Đặng Thị Hương Lan – Quản lý dự án Kinh tế Sáng tạo tại Hội đồng Anh; bà Đỗ Nguyệt Hà – Giám đốc Sáng tạo Tạp chí Đẹp; bà Nguyễn Sao Kim – Viện trưởng Viện Mẫu thời trang Fadin; bà May Cortazzi – Trưởng khoa thiết kế thời trang Học viện London; bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng giám đốc Công ty may 10; bà Nguyễn Thanh Hương – Tổng biên tập Tạp chí F Fashion; ông Ricardo Bianco Levrin – Chủ sở hữu thương hiệu Bianco Levrin cùng các nhà thiết kế có tiếng trong làng mốt Việt như Hà Linh Thư, Kelly Bùi và các hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong ngành thời trang.

Các người mẫu trong các bộ trang phục của nhà thiết kế Kelly Bùi tại Hội nghị

Bà Nguyễn Thị Sao Kim – Viện trưởng Viện Mẫu thời trang Fadin và người đứng đầu Công ty may 10, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền đã có những chia sẻ tâm huyết rất đáng lưu tâm tại Hội nghị. Với bà Nguyễn Thị Sao Kim, triết lý để đi tới thành công nằm ngay trong lời đúc rút của cha ông “Làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng”. Hành trình đi và đến thành công cần có một quá trình, “có bột mới gột nên hồ”, và “bột” của ngành thời trang Việt Nam là một đội ngũ công nhân lành nghề hùng hậu. Dù làm ngành nghề nào cũng phải làm đúng và làm đủ. Từ những điều cốt lõi, căn bản, với  chiến lược giáo dục và hỗ trợ kinh doanh bài bản sẽ từng bước kết nối những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân yêu thời trang – hội tụ thành sức mạnh và chuyên nghiệp hóa ngành công nghiệp thời trang Việt trong tương lai gần.

Đồng quan điểm với bà Sao Kim, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền bày tỏ nhiều tâm huyết. Bà Huyền cho rằng, gia công là bước đầu tất yếu mà các nền công nghiệp vững mạnh nhất về thời trang đều cần trải qua. Ở doanh nghiệp của bà, 80% doanh thu và lợi nhuận từ việc xuất khẩu sản phẩm ngành may. Những thách thức, sự cọ sát và cả sự thất bại cũng là những bài học quý để Việt Nam có chỗ được chỗ đứng trong top 3 của ngành xuất khẩu, gia công thời trang trên thế giới. Tuy nhiên, trên thị trường nội địa, sự xuất hiện của thương hiệu Việt do các doanh nghiệp, nhà thiết kế Việt nắm giữ còn khiêm tốn. Và theo bà Huyền, sự thành công sẽ đến nếu các doanh nghiệp Việt Nam biết phát huy thế mạnh của mình, mang tới thị trường những sản phẩm, thiết kế có sáng tạo đặc trưng không trộn lẫn và mang tiêu chuẩn, chất lượng hay độ tinh xảo ở tầm quốc tế.

Bà Đỗ Nguyệt Hà, Giám đốc Sáng tạo của tạp chí Đẹp cũng chia sẻ các gợi ý của mình, đó là một hệ thống “đầu ra” lớn cho các bộ sưu tập hay các dòng sản phẩm của những nhà thiết kế Việt Nam. Hiện, thị trường này mới dừng ở mức có các đơn hàng nhỏ lẻ tới từng nhà thiết kế sau mỗi dịp trình diễn. Và bấy nhiêu đó chưa đủ để hỗ trợ và làm động lực giúp cho đội ngũ sáng tạo thiết kế thời trang tại Việt Nam có đà phát triển.

Hai phiên thảo luận trong khuôn khổ hội thảo với sự chia sẻ của nhiều khách mời, diễn giả khác cũng mang tới cho người xem rất nhiều thông tin, gợi mở đáng lưu ý. Đây cũng là dịp hiếm hoi hội tụ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và những người yêu mến ngành thời trang Việt Nam để cùng hiểu nhau hơn, cùng được chia sẻ và được lắng nghe, ghi nhận.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Hội thảo đã đón nhận được sự tham gia của đông đảo những người hoạt động trong lĩnh vực thời trang tại Việt Nam

Từ trái qua: ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Truyền thông Lê, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng giám đốc Công ty May 10, bà Nguyễn Thị Sao Kim – Viện trưởng Viện Mẫu thời trang Fadin, ông Ricardo Bianco Levrin – chủ sở hữu thương hiệu Bianco Levrin và bà Đỗ Nguyệt Hà – Giám đốc Sáng tạo Tạp chí Đẹp.

 

Ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương cũng có mặt tại hội thảo sáng ngày 18/4

Công nghiệp thời trang – một trong những ngành công nghiệp sáng tạo, đã có những bước chuyển mình thực sự, về cả chất và lượng, trong hơn một thập niên qua. Trong lĩnh vực dệt may và da giày, tận dụng tốt cơ hội mở cửa thị trường từ Mỹ, EU và các nước khác, ngành dệt may và da giày đã thu hút được nhiều lao động, năng lực sản xuất tăng nhanh hàng năm, kim ngạch xuất khẩu tăng qua các năm đưa Việt nam trở thành cường quốc xuất khẩu dệt may với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2014 đạt 24 tỷ đôla. Tuy vậy, thực trạng hiện nay là các sản phẩm dệt may xuất khẩu Việt Nam vẫn còn có đơn vị nặng về gia công, xuất khẩu dưới các thương hiệu nước ngoài, nguyên phụ liệu chủ yếu là ngoại nhập. Trên thế giới, sản phẩm mang thương hiệu thời trang Việt còn trống vắng. 

Hội nghị Quốc tế về Công nghiệp Thời trang với chủ đề: “Định hướng xây dựng và phát triển công nghiệp thời trang 2015” lần này mang lại ý nghĩa to lớn về thực tiễn, thể hiện sự quan tâm của các cơ quan Thành phố, các hiệp hội doanh nghiệp, đã giúp doanh nghiệp Thủ đô thấy rõ lợi ích của công nghiệp thời trang. Đây sẽ là bước khởi đầu có ý nghĩa quan trọng trong công tác xúc tiến thương mại của Thành phố nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa ngành công nghiệp thời trang của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian tới.

PV
Ảnh: Tuấn Đào 



logo


From the same category