Sau 3 năm thương thảo để mua bản quyền 1.510 phóng sự truyền hình – 6.000 phút phim nhựa màu ghi lại một chặng đường lịch sử của Việt Nam của hãng truyền hình Nhật Bản NDN, 2 năm chuẩn bị về nhân lực và vật lực, ê kíp thực hiện chương trình Ký ức Việt Nam đã gửi tới khán giả truyền hình các tập phim đầu tiên.
Chương trình Ký ức Việt Nam phát lúc 21 giờ 50 từ thứ hai đến thứ năm hàng tuần trên VTV1, phát lại lúc 11 giờ 45 ngày kế tiếp trên VTV3. Khán giả cũng có thể xem lại clip và chia sẻ với những người làm chương trình tại địa chỉ kyucvietnam.vn
Chúng ta chưa hiểu rõ về phần đáng tự hào nhất của mình
– Tôi được biết chuyện mua 6.000 phút phim nhựa màu là việc tình cờ, nhân chuyến công tác sang Nhật của BTV Xuân Tùng. Tôi có một câu hỏi là: như vậy, chúng ta không hề có ý thức đi tìm những thước phim kiểu đó?
BTV Gia Hiền: Chúng tôi có ý thức, nhưng không hề biết có một kho phim khổng lồ như thế tồn tại.
BTV Gia Hiền
– Tôi có thể biết tại sao quá trình thương lượng mua bản quyền, cũng như chuẩn bị, lại kéo dài tới như vậy được không?
BTV Gia Hiền: Bởi vì hãng NDN đã giữ 6.000 phút phim trong một số lượng cuộn phim nhựa khổng lồ, và họ đã lưu giữ trong nhiều năm, trong điều kiện bảo quản phải có kho lạnh. Những băng tư liệu ấy, nếu bị thay đổi môi trường, có thể hỏng ngay lập tức. Hãng NDN không yêu cầu nhiều về tiền tác quyền, nhưng với sự chăm chút, tâm huyết mà họ dành cho những thước phim, họ yêu cầu phía Đài truyền hình Việt Nam phải có điều kiện bảo quản tương tự như họ.
Bước thứ hai là chúng tôi phải xây dựng kế hoạch cụ thể về chương trình, để những thước phim này được chuyển tới đông đảo công chúng. Phía đài cũng cần thời gian để xin giấy phép, xây dựng format, gom đủ nhân lực… để bắt đầu.
– Mục đích ban đầu của những người thực hiện khi quyết định mua những thước phim này là gì, thưa anh?
BTV Gia Hiền: Chúng tôi ý thức được rằng kho tư liệu màu khổng lồ này sẽ mang tới cơ hội vàng để công chúng Việt Nam hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử.
Vì thế, cách thực hiện của chúng tôi là sử dụng chất liệu từ phía Nhật Bản làm nền tảng, sau đó tìm gặp các nhân chứng, cố vấn để làm rõ hơn lớp nghĩa đằng sau hình ảnh, để khán giả dễ tiếp cận hơn. Tất nhiên, phải thừa nhận rằng, với cách làm đó, phần nào chương trình cũng mang tính áp đặt, nhưng giải pháp là với mỗi tập phim chỉ kéo dài 5-7 phút, như những nhát cọ, sau 3 tháng, nửa năm, 2 năm…những nhát cọ ấy sẽ tạo thành một bức tranh lớn – một bức tranh vẽ lại 20 năm biến động vào bậc nhất của lịch sử đất nước, và những người theo dõi sẽ không cần phải xem tương đối thường xuyên mà vẫn bổ sung được kiến thức lịch sử.
Chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận rằng phương thức tiếp cận lịch sử chủ yếu của giới trẻ bây giờ là qua sách giáo khoa vì nó bắt buộc, ngoài ra, các hình thức khác cũng khá một chiều, nhàm chán.
– Thực ra cách của các anh cũng là một chiều thôi.
BTV Gia Hiền: Chúng tôi giữ thông tin, thông điệp, góc nhìn của phía Nhật Bản về mặt sự kiện lịch sử, chỉ làm rõ thêm chứ không bình luận nhiều, nếu có bình luận thì cũng trên cơ sở của nhân chứng chứ không phải dạy dỗ người xem. Một nhân chứng nói về loạt bom Mỹ đầu tiên ném xuống Hà Nội trong chiến tranh phá hoại rằng họ cảm thấy mùi của chiến tranh đến sát rồi, khi tàn lửa của quả bom bay vượt qua sông Hồng. Đó là câu chuyện chủ quan, nhưng thực ra vẫn là khách quan. Những bình luận khác cũng đã có hàng chục năm để khán giả chiêm nghiệm tính xác thực hay khách quan rồi.
Hình ảnh trong chương trình Ký ức Việt Nam
– Thẳng thắn mà nói, tôi thấy các đoạn phỏng vấn nhân chứng mà các anh đưa vào không thực sự tương xứng với các thước phim mà phía Nhật đã quay được. Ý tôi là nó nhợt nhạt hơn, quen thuộc và không có dấu ấn.
BTV Gia Hiền: Hình ảnh của Nhật Bản hấp dẫn hơn, vì đó là những hình ảnh đầu tiên mà bạn được xem sau ngót nửa thế kỷ, còn các cuộc phỏng vấn, dù là phỏng vấn ai, đều khó tránh khỏi sự rụt rè trước truyền thông đại chúng, chưa kể đến tính chính xác trong câu chuyện của nhân vật đã giảm thiểu sau hàng chục năm. Đặt một thứ, dù đã được cố gắng làm tới mấy cũng đã trở nên nhàm chán, bên cạnh một thứ lần đầu tiên chúng ta được xem, thì độ chênh lệch vẫn là rất lớn.
Tuy vậy, lần tới, khi bạn xem, đừng đặt ra chuyện bạn phải tiếp nhận thông tin, hay có sự tuyên truyền nào đó, mà hãy hình dung rằng người đang kể câu chuyện là người có mặt đâu đó trong những hình ảnh này, họ đang kể một câu chuyện vượt qua sự sống và cái chết, vượt qua bom đạn và vô vàn khó khăn khác để có mặt ngày hôm nay. Dưới góc độ đó, bạn sẽ thấy trân trọng những điều này hơn.
Khi bật tivi lên, bạn sẽ thấy có vô vàn các cuộc phỏng vấn, nhưng đây không phải là một cuộc phỏng vấn.
– Tôi nghĩ câu hỏi này sẽ có nhiều người đặt ra, đặc biệt là những người thuộc thế hệ tôi: tại sao chúng tôi phải xem những chương trình nói về quá khứ, thay vì tập trung vào hiện tại, với đầy các vấn đề của nó?
BTV Gia Hiền: Tôi từng không tin rằng có người nước ngoài hỏi: Việt Nam còn chiến tranh không? Người dân Việt Nam có khổ lắm không? Nhưng chuyện này là có thật. Tới tận bây giờ, khi nhắc tới Việt Nam, người ta vẫn nghĩ tới mấy gạch đầu dòng thôi, như là: chiến thắng Mỹ, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… Xét trên một khía cạnh nào đó, đây là điều đáng suy nghĩ, vì chúng ta còn có nhiều điều hay khác nữa chứ? Nhưng xét trên một khía cạnh khác, thì hóa ra đây là phần đáng tự hào nhất của chúng ta.
Vậy, chúng ta đã hiểu rõ về phần đáng tự hào nhất của mình chưa? Chúng ta nghe nói tới sự kiện Vịnh Bắc Bộ, vậy nó là gì? Chúng ta cười khi nghe nói đến chuyện bà già bắn máy bay, nhưng tại sao chuyện đó lại xảy ra? “Hilton-Hà Nội” thực ra là gì?
Chúng ta có thể xem tin về chiến tranh Iran, Syria… nhưng ngay tại đây, vẫn có những người có thể kể với bạn về cảm giác của họ khi bom nổ trên đầu. Chúng ta sẽ không nói một cách sách vở rằng phải tôn trọng lịch sử, tôn trọng quá khứ thì mới có tương lai. Tôi chỉ nói về chuyện đơn thuần là hiểu biết, chưa nói rằng đây là những cuốn sách lịch sử, mà đây có thể là một cuốn tiểu thuyết mà lật trang nào bạn cũng sẽ thấy say mê.
Có một lỗi của hệ thống truyền hình là khiến khán giả của chúng ta không còn tin lắm vào chất lượng. Họ nghi ngờ tất cả. Chỉ cần quá 10 giây bật ti vi lên mà không thấy hấp dẫn thì họ sẽ chuyển kênh. Chúng tôi vẫn kiên trì làm và vẫn hy vọng rằng khán giả sẽ thích nó, thậm chí những người xem sẽ đóng góp để thay đổi cách làm, khiến chương trình được yêu thích hơn. Phải kiên trì và chờ đợi thôi.
Nếu giữ định kiến, nhiều sản phẩm sẽ bị đối xử bất công
– Làm thế nào để các anh nuôi được cảm hứng, sau chừng ấy thời gian?
BTV Gia Hiền: Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định rằng những người làm chương trình sẽ phải thực sự yêu thích nó. Chúng tôi xây dựng nhân lực bằng cách để các ứng viên xem các thước phim nguyên bản, không có lời dịch rồi hỏi: Cậu có thích nó không? Cậu có hiểu nó nói gì không? Yêu cầu này được đặt ra ngay cả với người dựng phim chứ không chỉ người biên tập.
Sự hứng thú ấy giống như bạn nhìn thấy một quyển sách và muốn đọc nó một cách tự thân, vì bạn muốn tìm hiểu, vì bạn yêu sách, chứ không phải vì có người nói với bạn rằng quyển sách này đáng đọc đấy, ông tác giả nổi tiếng lắm…
Chúng tôi hứng thú với chương trình qua mỗi ngày, vì tất cả đều là những thước phim chưa từng được xem. Chúng tôi có vô vàn các câu chuyện để kể cho khán giả. Chúng tôi nhìn thấy nghệ sĩ Văn Hiệp cầm chai rượu đi ngay bên Hồ Gươm ngày giáp Tết, chúng tôi nhìn thấy NSND Như Quỳnh mặc áo dài màu thiên thanh, nhảy tung tăng như một con chim nhỏ ở đường Đinh Tiên Hoàng khi biết tin chiến thắng…
Hình ảnh trong chương trình Ký ức Việt Nam
– Vậy làm thế nào để các anh duy trì sự mới mẻ qua từng chương trình. Mới mẻ ở đây là theo nghĩa người xem sẽ không đoán được thông điệp, câu chuyện, cách thể hiện…
BTV Gia Hiền: Có hai điều mới qua mỗi tập phim: những hình ảnh mới, và những nhân chứng mới. Chúng ta hãy rộng lòng một chút, vì có những chương trình trên thế giới không thay đổi format qua hàng chục năm, ví dụ như Larry King Live.
– Tôi hiểu điều đó, nhưng thời thế bây giờ cũng khác rồi. Ví dụ, để thu hút giới trẻ, có lẽ các anh cũng biết mình đang phải cạnh tranh với ai, với cái gì.
BTV Gia Hiền: Lợi ích ở đây là khi chúng ta lật giở lại lịch sử, dù muốn hay không, chắc chắn bạn đang bước vào một quá trình thay đổi nhận thức. Nếu chúng ta sống với những thứ chúng ta tiếp nhận mới mỗi ngày, thì chúng ta tự phân tích chúng một cách chủ quan, rút kinh nghiệm dựa trên sự chọn lọc, vấp váp, trải nghiệm của chúng ta. Lịch sử khác ở chỗ, bạn không có cách nào thay đổi nó, bạn bắt buộc phải tiếp nhận nó theo cách mà nó diễn ra.
– Tôi thì nghĩ là mỗi người sẽ có sự thật của riêng mình.
BTV Gia Hiền: Người ta có thể nhìn lịch sử với nhiều góc khác nhau, nhưng quá trình tiếp nhận lịch sử là quá trình bạn tiếp nhận sự đúng hay sai, ngọt ngào hay cay đắng… theo đúng như nó là thế.
– Theo tôi thì ngọt ngào hay cay đắng vẫn là chuyện đang được tranh cãi.
BTV Gia Hiền: Vậy ít nhất bạn cũng sẽ có một cơ hội nữa để hiểu vì sao họ lại nói thế. Chương trình Ký ức Việt Nam là một luận điểm, lắng nghe thêm một luận điểm, từ những bằng chứng mới cũng là điều tốt mà.
Có người hỏi tôi rằng: những người thực hiện chương trình có hy vọng sẽ chạm tới những góc khuất của lịch sử không? Chúng tôi tư duy thế này: góc khuất có thể là do bị thứ khác che đi, nhưng cũng có thể là thứ chưa ai nhìn tới. Mang 6.000 phút phim nhựa màu chưa ai biết đến cũng là mang 6.000 góc khuất ra ánh sáng.
Thêm nữa, khán giả hãy yên tâm rằng những người thực hiện chương trình vẫn còn khá trẻ, vẫn còn nhiều sự tò mò và nghi ngờ. Điều đó khiến quá trình thực hiện Ký ức Việt Nam vừa là quá trình tìm lại, vừa là quá trình khám phá.
– Càng nghe anh nói, tôi càng thấy sự quảng bá cho chương trình là quá ít, cho tới hiện tại, và thật lãng phí nếu nó không được nhiều người biết tới.
BTV Gia Hiền: Trước giờ, các đài truyền hình luôn cho rằng: “Sóng của chúng tôi chính là sự quảng bá mà!” Suy nghĩ đó sai rồi, nhưng hệ thống hơi chậm trong việc thay đổi. Nhưng rating của chương trình, theo đánh giá của nhà tài trợ là tốt, bằng chứng là họ đang tăng lượng quảng cáo lên.
Hình ảnh trong chương trình Ký ức Việt Nam
– Tốt so với cái gì, thưa anh? So với các chương trình chính luận khác, hay là…
– BTV Gia Hiền: Tốt so với chính nó, so với thời điểm mới phát sóng, và so với các chương trình chính luận khác. Dù sao, xin nhắc lại, hãy rộng lòng với lịch sử một chút, vì có vẻ như định kiến của chúng ta dành cho nó và cho những chương trình có tính chính luận còn khá khắt khe.
– Thực ra tôi không định kiến với lịch sử, tôi chỉ định kiến với tuyên truyền, với cách người ta làm lịch sử thôi.
– BTV Gia Hiền: Chúng tôi luôn cố gắng để khách quan nhất có thể, và luôn đấu tranh với nhau, đấu tranh với cách làm dễ dãi. Nhưng dù sao, thứ định kiến ấy vẫn là rất lớn. Nếu chúng ta giữ định kiến, thì nhiều sản phẩm sẽ bị đối xử bất công, và sẽ bị tước đi cơ hội được công chúng tiếp nhận.
– Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!
Linh Hanyi (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp
>>> Có thể bạn quan tâm: Cafe sáng với Hiệp sĩ Gió, tác giả cuốn sách “Xóa hết dấu vết trước khi về nhà” – một tập hợp những bài viết vô cùng thú vị về sự khác biệt giới tính giữa đàn ông và phụ nữ với giọng văn thông minh, tưng tửng: