Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt? - Tạp chí Đẹp

Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt?

Sống

Quan niệm của đàn ông Việt và đàn ông phương Tây rất khác nhau. Tỷ dụ chuyện thứ nhất, tôi nghe không dưới cả tá chàng Tây nói rằng phụ nữ Việt Nam đẹp nhất châu Á, là “đẹp nhất” hẳn hoi, chứ đàn ông nước ngoài khen phụ nữ Việt Nam đẹp thì nhiều. Tôi hồ hởi kể lại chuyện này với các nam nhân nhà mình. Họ bĩu môi: “So làm sao được với phụ nữ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ”, rồi phẩy tay ra cái điều không thèm nói nữa, ý rằng: “Bọn ấy” nói nịnh thế mà cũng tin. Tôi hoài hơi nói rằng có lẽ các bác chỉ mới nhìn Phạm Băng Băng, Song Hye Kyo và hoa hậu Aishwarya Rai trên màn bạc nên tưởng phụ nữ nước họ ai cũng thế, hoặc chí ít thì gần như thế, không gần như thế cũng phải được… hai phần ba.
 

Tây lấy vợ Việt
 

Chuyện thứ hai là nam nhân nhà mình hay bảo: Gu thẩm mỹ của đàn ông phương Tây lạ lắm. Xấu thì “chúng” bảo đẹp, đẹp “chúng” bảo là xấu. Phụ nữ Việt mà xinh là “chúng” không thích đâu. Cứ phải đen nhẻm ra, mũi tẹt dí, “chúng” mới cho là đẹp. Tôi lại hoài hơi cãi rằng: Chuẩn mực về thẩm mỹ thì ở đâu cũng giống nhau, chỉ là người xứ này thích vẻ đẹp thế này, người xứ kia thích vẻ đẹp thế khác chứ đâu có nhẽ xấu là đẹp, đẹp là xấu được. Họ lại lắc đầu. Theo ý họ, tại sao những cô nàng ngoại hình như thế lại “cưới được hẳn một anh Tây”, trong khi ở Việt Nam thì trai Việt chẳng thèm lấy.

Giáo sư văn học Charles Waugh của trường đại học Utah (một anh chàng bảnh trai đã thu thập nhiều truyện ngắn của Việt Nam để dịch và xuất bản thành công bên Mỹ) trong một buổi chuyện trò đã bảo: Không hiểu sao có rất nhiều gã người Mỹ xấu xí, bụng to, cục mịch lại “cưới được hẳn một cô gái Việt Nam”, mà những gã đó ở quê nhà thì khéo… ế sưng. Cái chuyện giai Tây ế vợ bỗng dưng sang châu Á (chứ không riêng Việt Nam) thành “đắt hàng” thậm chí đã được cây bút Larry Rodney (người Canada làm việc tại Nhật) sáng tác hẳn một series truyện tranh với nhân vật Charisma Man – người đàn ông hấp dẫn (được minh họa bởi họa sĩ Glen Schroeder) và đăng tải hàng tháng lên The Alien – tạp chí dành cho những người nước ngoài làm việc tại Nhật. Series truyện tranh này xuất hiện từ năm 1998, qua nhiều tác giả, kéo dài đến tận năm 2006, rất được ưa chuộng với nhân vật “người đàn ông hấp dẫn” đến từ hành tinh Krypton. Ở quê nhà, siêu nhân này chẳng có gì đặc biệt, nhưng khi xuống Trái đất lại được tung hô nhiệt liệt.

Larry Rodney chia sẻ với báo chí: “Người Nhật dường như luôn nhìn người phương Tây qua một bộ lọc. Bằng chứng là tất cả những gã ngoại quốc của nợ mà tôi nhìn thấy ngoài kia đều đang đi dạo tay trong tay với một cô gái Nhật cực kỳ xinh đẹp. Những gã này ở quê nhà chẳng có vị trí xã hội gì nhưng sang đến Nhật, những yếu tố của nợ đó dường như không được nhận ra”. Chính sự nhìn nhận khác biệt giữa những người đồng hương và cư dân của thành phố châu Á mà họ chuyển đến sinh sống đã khiến Larry nghĩ ra một nhân vật siêu nhân, người hùng kiểu mới cho cuốn truyện tranh độc đáo của mình. Trong đó, các Charisma Man ở nhà bị phụ nữ da trắng chê ỏng chê eo vì ngoại hình chẳng có gì nổi trội, lại chỉ là anh đầu bếp bình thường, nhưng sang Nhật bỗng dưng được vô số các cô gái xinh đẹp xúm vào hâm mộ.

Tây lấy vợ Việt

Trong cuốn “Ngược chiều vun vút”, tác giả Joe Ruelle – anh chàng ngoại quốc nổi tiếng ở Việt Nam nhờ tài viết tiếng Việt chuẩn hơn cả người Việt – cũng chia sẻ: “Khả năng biến thành Charisma Man của các anh Tây sang Việt Nam cũng không hề kém. Tôi, chẳng hạn. Tôi chưa bao giờ được nhiều người khen đẹp trai như ở Việt Nam (suy ra: trước khi sang Việt Nam, tôi chưa đẹp trai). Lúc đầu, tôi nghĩ đó là những lời khen xã giao để tôi cảm thấy được quý mến. Nhưng sau một thời gian, tôi bắt đầu… tin tin”.

Riêng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ tại sao cô X, cô Y “cưới được hẳn anh Tây”. Tôi có ba cô bạn gái và hai bà chị họ lấy chồng người Âu. Những anh chồng ngoại hình cao to như mọi anh Tây khác, là cán bộ của các tổ chức phi chính phủ hoặc nhân viên cao cấp ở công ty đa quốc gia. Đến tiệc cưới, ai nấy đều xuýt xoa vì cái tội “được hẳn anh Tây”. Những cô bạn tôi đều có bằng cấp, đi học ở nhiều quốc gia, vị trí xã hội và công việc thu nhập tốt, thông tuệ, tính tình thú vị, chân thành. Tôi nghĩ ở Việt Nam, các cô ấy cũng có thể kết hôn với một cán bộ người Việt của tổ chức phi chính phủ hoặc nhân viên cao cấp người Việt của một công ty đa quốc gia, thậm chí còn hơn thế nữa. Không biết tự bao giờ, người Việt cứ nhắc tới Tây là nghĩ đến việc anh ta giàu có, đẹp trai, giỏi giang, hào hoa và… khỏe.

Sau khi những cô bạn lấy chồng Tây, mấy cậu bạn cũ trong những lần ngồi cà kê quán xá thường nửa đùa nửa thật hỏi xoáy các cô ấy về chuyện “khỏe, yếu” với cách hỏi đầy mặc cảm (chỉ riêng câu hỏi thôi đã nói lên sự mặc cảm rồi). Còn về vụ “đẹp trai” thì rõ là người xứ họ cao to, trắng trẻo, vàng tóc hơn người châu Á (lúc còn trẻ) và sẽ già nua, to bụng, xập xệ, nhăn nheo, đồi mồi hơn dân Á châu (khi về già). Sang đến trời Âu, thấy gã bán ngô rong bên bãi biển Baltic, anh chàng thu dọn vệ sinh trong siêu thị hay thậm chí gã ăn cắp vặt ngoài bến xe điện ngầm cũng cao to, trắng trẻo, tóc dài nghệ sĩ như Brad Pitt. Không vì thế mà nhìn gã ăn cắp vặt cũng “được hẳn anh Tây” chứ?

Tây lấy vợ Việt

Một chị họ của tôi kết hôn với anh chàng người Franfurt từ thập niên 90. Bận sang đó công tác, tôi nhân tiện đến thăm gia đình chị. Anh ta – một người lái xe tải to béo kềnh càng – ra bắt tay tôi rất chặt rồi bảo cứ tự nhiên nhé, tôi phải đi ngủ, sáng mai còn dậy sớm, rồi quay vào nhà đi ngủ thật, trong khi cả gia đình rộn rã chuẩn bị bữa tối đón chào tôi. Anh ta không tham gia cùng mọi người, không thêm một câu ngoại giao lấy lệ. Sợ tôi chạnh lòng, chị tôi giải thích: “Bên này họ sống thế đấy, việc ai người nấy làm”. Và việc ai người nấy làm thật. Tối đến, chị rủ tôi và các bạn vào trung tâm thành phố chơi, để mặc ông chồng Đức ngủ khò khò. Một năm sau, tôi nghe chị ly dị anh Đức để lấy một anh Việt.

Việc vợ Việt đâm đơn bỏ chồng Tây để kết hôn với một anh người Việt không phải hiếm. Thậm chí, còn có cô đi kể vung lên với thiên hạ rằng anh chồng người Úc không làm cho cô… thỏa mãn nên đành phải qua lại với một anh đồng hương.

Có lẽ chỉ có điều duy nhất vẫn phải công nhận khi tiếp xúc với bạn bè năm châu là đàn ông phương Tây ưu ái và chiều chuộng phụ nữ hơn đàn ông Việt. Trong khi nhiều quý ông nhà ta ngồi ung dung đọc báo, xem ti vi để vợ mướt mồ hôi lau nhà, rửa bát, chăm con thì các ông Tây thường song hành mọi việc cùng vợ và tôn trọng các quyết định của vợ, luôn dùng lời hay ý đẹp để khen ngợi vợ khiến cho vợ cảm thấy mình là nữ hoàng trong căn hộ chỉ có hai người.

Tây lấy vợ Việt

Tuy nhiên, chuyện gì cũng có mặt trái. Các ông Tây được cái này thì mất cái khác. Trong cuốn tiểu thuyết hài hước “Từ điển Trung – Anh cho người đang yêu” của nhà văn Quách Tiểu Lộ, được coi là nhật ký của chính nhà văn trong quá trình chị sang học tại London, kể về cú sốc văn hóa giữa một cặp đôi khác chủng tộc. Nhân vật nữ người Trung Hoa choáng váng khi anh chàng người yêu Anh quốc của cô nhất quyết chỉ trả tiền phần mình khi cùng nhau đi ăn ở nhà hàng với lý do: “Cả năm nay anh đã trả tiền nhà cho cả hai chúng ta, thật không công bằng khi lúc nào anh cũng phải trả tất tật các loại tiền cho cả em nữa. Hôm nay em phải trả tiền suất ăn của em”. Cô gái Trung Hoa choáng váng: “Tại sao lại không? Anh phải trả tiền vì anh là đàn ông mà”. Vì lý do lúc nào cũng nghĩ Tây là giàu có nên vô số người Việt sốc khi gặp những anh (được coi là) “vắt cổ chày ra nước”. Họ sẽ không sĩ diện lúc mặc cả, cân đong đo đếm khi phải tiêu tiền dù ở trước mặt nữ giới, sẽ ai trả tiền người nấy khi đi ăn và nếu phụ nữ là người mời thì về  nguyên tắc, anh Tây sẽ chẳng thèm mang ví theo người, sống với nhau trên danh nghĩa vợ chồng thì liệu mà chia đôi tất cả. Đấy là văn hóa của họ, cũng như ta có văn hóa rằng trong gia đình, người chồng làm chủ. Người Việt nào cứ nghĩ ông Tây đồng nghĩa với việc giàu có, ga lăng thì thế nào cũng sẽ kinh ngạc “Tây mà cũng thế à”. Vâng, Tây cũng ăn cắp, ăn trộm, lừa đảo (thậm chí móc túi siêu hơn mình); Tây cũng quỵt nợ; Tây cũng nghèo khổ, ở bẩn, keo kiệt, đần độn. Ở đâu chẳng có người nọ, người kia. Sao lại cứ nghĩ Tây là cao cấp?

Có một cô từng là hoa khôi của trường đại học, sau có thời gian làm MC cho đài truyền hình rồi chuyển sang Đức du học hai năm. Khi trở lại quê nhà, thấy cô vẫn chẳng có một mảnh tình vắt vai, nhiều người ngạc nhiên. Nàng thật thà kể rằng sang ấy có nhiều anh Tây thích, nhưng chẳng hiểu sao nàng không rung động. Cô bạn xinh đẹp, tài hoa này khi ở nhà lúc nào cũng đặt ra tiêu chuẩn người yêu phải là… đại doanh nhân, và tất nhiên xung quanh nàng lúc nào cũng chỉ có đại gia, người khác khó lòng mà chen vào nổi. Liệu sang ấy có đại doanh nhân Âu châu nào ngỏ lời yêu nàng không? Nếu không thế, nàng quyết chẳng thèm yêu một anh Tây… dân dã. Chuyện này cũng giống như một cô hoa hậu là vợ chưa cưới của con trai ông chủ tịch thành phố X. Để cho môn đăng hộ đối, nếu cô ta yêu anh Tây thì chắc cũng phải chọn một ý trung nhân tương đương với anh chàng hiện tại là con trai ông thị trưởng Paris hoặc con trai ông thị trưởng Bắc Kinh. Mà nếu không xảy ra được chuyện ấy thì chắc gì nàng đã báu một anh Tây bình thường.

Cứ bảo “được hẳn anh Tây”, vậy mà tôi chưa từng thấy một cô gái Việt Nam nào kết hôn với một đại gia có tên trong tạp chí Forbes, một bộ trưởng Italia, một ngôi sao Hollywood, một nhà văn hàng đầu của Pháp hay một ngôi sao bóng đá/quần vợt ở Đức… Trong khi đó, nhiều phụ nữ lấy chồng Tây đều là những người “vua biết mặt, chúa biết tên”. Có lẽ phải nói ngược lại như nhà văn Charles Waugh, như Joe Ruelle hay tác giả của “Charisma Man”: Cái gã Tây kia bình thường thế, sao lại cưới được hẳn một cô người mẫu/diễn viên/ca sĩ nổi tiếng ở Việt Nam. Ghen tỵ quá! 

Bài: Di Li

Đọc thêm: Lấy chồng Tây là vô phúc?

Thực hiện: depweb

14/11/2013, 17:00