Một mùa thơ dại
Tác giả: Higuchi Ichiyo
An Nhiên dịch
Phương Nam & NXB Hội Nhà văn, tủ sách “Tinh hoa văn học”
Tập hợp bốn “tiểu thuyết” (khái niệm này ngày nay gần với “truyện ngắn” hơn), “Một mùa thơ dại” mang đến một giọng văn Nhật Bản hết sức thuần chất, một phụ nữ viết văn thời cận đại, Higuchi Ichiyo, nàng Nhất Diệp tài hoa yểu mệnh (chỉ sống trên cõi đời 25 năm). Higuchi Ichiyo rất nổi tiếng trên văn đàn đương thời và giữ được vầng hào quang hậu thế lâu dài. Tập truyện đẹp với những miêu tả thanh thoát, tinh vi đi sâu vào các chuyển biến nội tâm phức tạp, đặc biệt của phụ nữ. Đặc biệt đặt nỗi hoài nhớ sâu nặng về thuở thơ ngây đã trôi xa, nhưng Higuchi Ichiyo cũng không kém sắc sảo trong những quan sát và nhận xét về thân phận người phụ nữ: nhỏ bé và bị lu mờ, họ có thể ôm mối tình câm lặng xuống tuyền đài, hoặc nhẫn nhịn trong cuộc sống vợ chồng đau khổ; câu chuyện “Khe nước đục” lại đặc biệt đi vào miêu tả cuộc sống của những cô gái điếm với một vẻ ngậm ngùi lưu luyến dài lâu trong tâm hồn người đọc.
Hồn Trương Ba, da hàng thịt
Tác giả: Lưu Quang Vũ
Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn
Tuyển tập kịch xuất hiện đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm ngày Lưu Quang Vũ qua đời, khi các vở kịch của ông đang được diễn lại trên sân khấu. Gồm 5 vở: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Ông vua hóa hổ”, “Ngọc Hân công chúa”, “Tôi và chúng ta”, “Điều không thể mất”, tập sách chưa thể bao quát được khối lượng đồ sộ tác phẩm của “ông vua sân khấu” một thời. Đó là thời những vở kịch của Lưu Quang Vũ thực sự làm các nhà hát sáng đèn, trở thành đề tài cho những câu chuyện sôi nổi trên báo chí và ngoài đời. Hiện tượng này có thể coi là trớ trêu, bởi thơ Lưu Quang Vũ, phần sâu kín và nghệ thuật nhất của ông, lại không bao giờ phổ biến được bằng những vở kịch nhiều lúc hẳn được viết khá “theo thời vụ”.
Trẻ em thời chiến
NXB Kim Đồng
Tháng vừa rồi, nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản rất nhiều sách hay, trong đó có “Trẻ em thời chiến”, tập sách ảnh gồm bốn phần – “Thích nghi”, “Học tập”, “Chung tay” và “Sự quan tâm của Đảng và chính phủ”; cách đặt tên đề mục hơi lạ lùng này không làm lấp đi giá trị của những bức ảnh lột tả cuộc sống (chủ yếu là cuộc sống cộng đồng) của trẻ em những năm chiến tranh, và khía cạnh tuyên truyền của các hình ảnh nhiều khi quá mức thơ mộng không làm giảm bớt cảm giác nôn nao của độc giả ngày nay. Những lớp học thời chiến, quang cảnh sơ tán và nếp sinh hoạt toát lên sự hoạt bát và sức sống của trẻ em ngay cả trong những điều kiện ngặt nghèo nhất. Cuốn sách tập hợp ảnh từ nhiều nguồn, trong đó hai nguồn quan trọng nhất là Thông tấn xã Việt Nam và Nihon Denpa News.
Phụ trách: Nhị Linh