Một ngày hơn tám tiếng, bố mẹ cống hiến cho sự nghiệp, sau bao nhiêu áp lực công việc, các mối quan hệ công sở, về đến nhà lại quay cuồng với đủ thứ không tên. Quỹ thời gian ấy bố mẹ gọi bằng cái tên mỹ miều “hy sinh tất cả vì tương lai của con”. Vì con, mẹ cố làm thêm ngoài giờ một chút để hoàn thành dự án, vì con bố mở rộng mối quan hệ xã hội ở… quán nhậu để tìm thêm mối làm ăn.
Không có thời gian cho con, bố mẹ tìm mọi cách bù đắp. Thêm một dự án, có tiền thưởng, bố mua cho con nhiều đồ chơi thời thượng cho bằng bạn bằng bè: những con rô bốt Chima biết vận động, những con búp bê biết nói… Mẹ tranh thủ giờ nghỉ trưa vào mạng để xem có đồ chơi nào giảm giá khuyến mãi để bổ sung vào bộ sưu tập đồ chơi là niềm tư hào của con khi các bạn đến chơi. Thỉnh thoảng các đồng nghiệp bàn tán về một trò chơi nào đấy, mẹ sẵn sàng mua mà không hề đắn đo suy tính, trong khi đó cái thỏi son mẹ định mua, so đo hàng tháng trời.
Đừng bao giờ nghĩ có thật nhiều đồ chơi là con hạnh phúc
Bố mẹ nghĩ thế là đủ đầy cho con, vừa thể hiện sự quan tâm đến con, vừa giúp bé phát triển trí tuệ qua các trò chơi. Một thứ đồ chơi mới lạ sẽ khiến chúng gợi trí tò mò và quan tâm, khi chơi, chúng có thể biểu lộ những khả năng về thể chất và tinh thần.
Thế là nhà ngập tràn đồ chơi, trong phòng bé ngoài phòng khách, trên bàn, dưới ghế, trên giá sách tủ quần áo.
Một lần, tôi nhìn thấy con ngồi giữa đám rô bốt tôi phải kỳ công đặt từ Nhật vì sợ mua phải hàng giả, hàng nhái nhưng lại rất tập trung vào một tấm bìa xé nham nhở. Tôi hỏi: “Con đang làm gì đấy?” Con tôi trả lời: “Mẹ không nhìn thấy bạn siêu nhân của con à, con đang nói chuyện với bạn ấy?”.
Một cái bìa giấy vô giá trị, tôi có thể lượm cả đống “đồ chơi” kiểu này. Nhìn dáng con cô độc giữa thế giới đồ chơi, tôi chợt nhận ra cái con tôi thiếu không phải đồ chơi – những đồ vật hàng ngày tôi mải miết mang về để bù đắp cho con, mà là thiếu bố mẹ – những người có thể lắng nghe và trò chuyện cùng con.
Bố mẹ đều cố gồng mình trong vòng quay công việc công việc và tiết kiệm nhằm kiếm tiền để đầu tư cho con một tương lai vững chắc, và đã vô tình “tiết kiệm” luôn thời gian dành cho con. Để con lầm lũi chơi một mình chính là cách bố mẹ loại mình ra khỏi ký ức tuổi thơ của con, giai đoạn ngắn ngủi một khi đã đi qua thì không bao giờ trở lại.
Tự dưng tôi nhớ lại cảnh bố ngồi gọt những con quay bằng gỗ cho con trai, những que tre cho con gái chơi trò đánh chuyền thuở nhỏ. Tự dung tôi nhớ cảnh cả nhà tôi quây quần dưới ánh đèn dầu, cả nhà chăm chú lắng nghe tôi đọc bài thơ con cóc, bài thơ ngắn chỉ cần nghe một lần ai cũng thuộc ngay. Bố mẹ tôi lần nào nghe cũng với niềm say mê mới mẻ. Tự dưng, tôi nhớ tới cảnh mình đã chơi với những mảnh vải vụn hứng khởi như thế nào trong khi bố và mẹ đang cùng cắt may cho tôi những chiếc áo mới từ đồ cũ của người lớn… Đôi lúc trên đường đời nhiều chông gai trắc trở, tôi đã vịn vào những ký ức ngọt ngào ngập tràn tình yêu của bố mẹ để giữ thăng bằng bước tiếp con đường phía trước.
Sự quan tâm của ba mẹ, người thân mới là những gì trẻ cần
Thế mà suýt nữa tôi đã đánh mất những ký ức tuổi thơ của con, những ký ức không có mặt bố mẹ?
Cha mẹ hãy coi như mỗi giây phút vui chơi cùng con là một giây phút thư giãn. Những trò đố vui như thế này không tốn xu nào, mà lại làm giàu thêm những ký ức đẹp làm điểm tựa tinh thần cho con khi con trưởng thành, cũng là khoảng thời gian để bố mẹ tách ra khỏi toan tính công việc, lo âu căng thẳng:
Chỉ đơn giản vậy thôi mà gia đình đã có những khoảnh khắc vui vẻ biết bao.
Thời thơ ấu của mỗi người đều quý giá, đừng để các con phải cô đơn trong một mớ đồ chơi và đồ công nghệ vô cảm. Chẳng có gì nuôi dưỡng tâm hồn bé tốt hơn là những khoảnh khắc bên cạnh người thân yêu.
Bài: Thu Huyền