Khôn hồn ra thì đừng bối rối, vì tin buồn là gã đàn ông lãng tử ấy đã “bị trói”, mà còn trói rất chặt: nào “vợ đẹp”, nào “con khôn”, mà còn tận tới 4 đứa!
Trong nhà tôi, ai cũng là “Trưởng” hết
– Biết nói gì về mấy anh chàng… “bắt vợ đẻ nhiều” nhỉ: Hoặc là hắn ta phải rất yêu vợ, hoặc… quá “tàn nhẫn”, khi “trói vợ” bằng cách đó?
– Tôi lại chỉ thấy mình vô tội (cười). Vì nó là tự nhiên mà! Cả hai chúng tôi đều yêu trẻ con, nhất lại là con mình, tại sao lại không nhỉ? Trừ 3 năm đầu mới cưới nhau là do vướng phải một số công việc đang dang dở, còn sau đấy, trung bình cứ từ 2 – 3 năm, gia đình chúng tôi lại chào đón thêm một thành viên mới. Gia tài của chúng tôi hiện có gồm ba cậu nhóc lần lượt là 8 tuổi rưỡi – 6 tuổi – 3 tuổi và bé gái út gần 1 tuổi. Hơi vất vả một chút nhưng bù lại, gia đình lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười.
– Ra là phải “đủ nếp, đủ tẻ” thì mới chịu dừng đấy phỏng?
– Lại cũng có người bảo: Hay là vì sợ “tam nam bất phú”? Cũng chả hẳn! Chỉ đơn giản là vì càng đẻ càng thấy vui, tự dưng được giời cho, tội gì không nhận.
– Phần nữa, có phải vì bản thân anh là con một, từng thấm cảnh “thân cô thế cô” nên đến lượt mình, anh quyết phải “viết lại lịch sử”? Chưa kể, con một lại còn dễ hư nữa…
– Bạn thấy tôi có hư không? Không, đúng không? Có khi còn ngoan hơn là đằng khác, vì nuôi con đàn còn dễ có lúc lơ đãng, chứ con một thì cứ gọi là hẳn bốn con mắt nhìn vào chằm chặp, hư vào đâu được! Hư hay ngoan, theo tôi không phụ thuộc vào con đàn hay con một, mà quan trọng là độ kèm cặp sâu sát của bố mẹ. Nhưng buồn thì đúng đấy! Cái thích nhất của việc nuôi con đàn là nhà lúc nào cũng đông vui như tết, đi đâu chỉ muốn về nhà để được chơi với con.
– Xuất phát điểm thuận lợi, công việc được đà…, vợ chồng anh không ngại cảnh nhà đông con ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sự nghiệp sao?
– Sự nghiệp thì nó vô cùng lắm, biết thế nào! Và, như người ta vẫn nói, con cái cũng chính là sự nghiệp của những người làm cha làm mẹ…
– Vợ anh, kể cũng… lạ nhỉ: Nhan sắc, thần thái, xuất thân lại dứt khoát “không phải hạng vừa” (là con gái cưng của ông “chúa đảo” Tuần Châu – PV)… – đối tượng này thường đâu có “dễ bảo”!
– Tôi không cho rằng một cô gái sinh ra trong một gia cảnh có điều kiện thì sẽ đồng nghĩa với việc không biết hy sinh. Hoàn cảnh gia đình tất nhiên cũng có thể ảnh hưởng ít nhiều đến tính cách nhưng quan trọng hơn cả vẫn là nền tảng giáo dục và phông văn hóa có được trong suốt một quá trình dài tích lũy.
– Các cụ bảo: “Lấy vợ xem tông…”, vậy khi chọn vợ, anh có để ý nhiều đến hai chữ “gia thế”? Có không, chữ “môn đăng hộ đối”?
– Vợ chồng là nhân duyên, yêu nhau thì lấy thôi, chứ không phải vì tiêu chí abcd nào cả. Tôi nghĩ tôi đủ tự tin để không phiền đến. Và phải lấy về rồi thì mới biết được, thực ra là có hợp nhau không. Bạn ấy vốn dĩ là người hiền lành, hướng nội, ưa làm việc nhà, vào bếp, chăm sóc con cái…, nên luôn sẵn lòng đứng đằng sau chồng. Trong một chừng mực nào đó, tôi nghĩ mình may mắn.
– Thật ra thì anh có phải là một tay gia trưởng không, đằng sau vẻ hào hoa?
– Không hề. Trong nhà tôi, ai cũng là “trưởng” hết. Chúng tôi coi trọng sự bình đẳng, kể cả bọn trẻ, trước bố mẹ.
– Nhưng rốt cuộc anh vẫn có được những điều mà một gã gia trưởng thường muốn?
– Như đã nói, nhiều việc diễn ra, chỉ đơn giản là vì thuận theo lẽ tự nhiên, không cứ ép mà được… Ai ép được ai chứ!
“Nuôi con đàn” có cái hay của nó
– Có lúc nào, nhìn cảnh “đàn con nay đã… nhiều”, và người phụ nữ của mình ít nhiều cũng bộn bề hơn, mà anh thầm biết ơn hay ái ngại cho cô ấy?
– Lo lắng lớn nhất có lẽ là sức khỏe của vợ, sau 4 lần sinh nở khá là dày, chắc chắn đã không còn được như xưa. Nên tôi vẫn thường xuyên động viên cô ấy tập thể dục. Chỉ có thể sống thoải mái khi trong người cảm thấy khỏe khoắn. Chăm 4 đứa con dĩ nhiên là cũng có lúc mệt mỏi nhưng khi coi đó là một niềm vui và biết san sẻ cùng nhau thì sẽ không còn là gánh nặng nữa. Cũng may là hai chúng tôi cùng thống nhất quan điểm là không nên nuôi con theo kiểu “nhà kính” nên thành ra lại dễ nuôi, trộm vía cả 4 đứa nhỏ từ bé tới lớn chả mấy khi hắt hơi sổ mũi, kể cả khi trái gió trở trời. Nhà đông con cũng có cái lợi là chỉ cần “xây dựng thành công mô hình thí điểm” là cậu lớn, rồi thì ba cô cậu sau cứ thế mà làm theo.
– Một ông bố có máu “nghệ”, lại thuộc dạng “nhà có điều kiện”, hẳn là cho con học đủ thứ?
– Học đủ thứ, không phải theo kiểu “nhồi vịt” và “thừa giấy vẽ voi” mà là phải trên cơ sở con thực sự cảm thấy thích và trẻ con thì thường tò mò cái mới. Cần để ý tâm lý ấy của trẻ để lập nên một thời gian biểu linh hoạt, cho đến chừng nào con còn cảm thấy thích. Trẻ con nhà này, cứ 2 tuổi đổ lên là được lôi ra bể bơi, học bơi. Rồi dần dần sẽ học cưỡi ngựa, cầu lông, đi xe đạp (hai cậu lớn hiện đã là thành viên… Hội đạp xe quanh hồ Tây) Nói chung là lúc nào tay chân cũng phải động cựa, không ngày nào là ngồi không, hạn chế gần như tối đa việc suốt ngày cắm mặt vào màn hình TV hay điện thoại. Tầm này, cốt nhất vẫn cứ phải là phát triển thể chất. Sau đó mới đến thi ca nhạc họa. Tầm 3-4 tuổi, bọn trẻ sẽ được học đàn, học vẽ… Cũng may, nhờ Luala mà tôi “kéo” được nghệ sĩ Xuân Huy kèm đàn cho ba cháu… Trong người tôi có máu “nghệ”, một phần hẳn cũng nhờ hồi bé, hay được mẹ hướng cho đọc sách (bà vốn là giáo viên dạy văn). Về sau, học kinh tế, rồi ra làm kinh tế, kiểu gì lại cũng phải “dan díu” chút ít đến nghệ thuật thì mới yên được…
– Có câu: “Của không ngon, nhà đông con cũng hết”. Nhà anh, chắc khác?
– Theo cách hiểu thông thường, thì câu đó hẳn là nghiêng về điều kiện kinh tế. Nhưng cũng có thể hiểu theo một nghĩa khác, hay hơn, mang ý nghĩa cạnh tranh. Có cạnh tranh mới có phát triển. Nuôi con đàn, nhiều lúc hay ở chỗ đó: tính tự giác của bọn trẻ cũng cao hơn, vì cứ thi nhau mà làm chứ chả cần bố mẹ phải nhắc. Hoặc giả có nhắc, thì cũng là bằng giọng “khích tướng”, chiêu này với các anh con giai phải nói là khá hiệu quả…
– Tự giác có thể nói là đức tính kém nhất ở trẻ con Việt do cách nuôi dạy có phần “hộp” ở ta. Cách của anh là gì?
– Từ 2 tuổi, các con đã buộc phải tự làm một số việc mà bọn trẻ có thể. Đi du lịch, ngay cả cái bạn 2 tuổi cũng phải có hành lý riêng. Con phải tự gấp quần áo, lệch cũng được, chỉnh sau, quan trọng là con phải tự làm và có ý thức về việc đó. Trẻ con nhà này rất hay được cho đi du lịch, và mỗi lần như vậy, tự mỗi cậu chàng sẽ phải chuẩn bị hành lý và chịu trách nhiệm bảo quản chúng trong suốt quá trình di chuyển… Độc lập, tự giác theo tôi là những yếu tố quan trọng nhất làm nên một người đàn ông đàng hoàng, tự do và tử tế.
– Giờ này mà anh còn nói đến hai chữ “tự do” sao? Tôi ngờ là anh đào hoa lắm đấy nhỉ?
– Đào hoa theo nghĩa nào cơ, khách quan hay chủ quan? Nếu là khách quan thì nên để khách quan đánh giá!
– 4 cái “dây trói”, kể ra cũng… khó cựa quậy nhỉ! Cũng là một sự hy sinh đấy chứ, vì khoảng trời tự do đã bị hẹp lại?
– Có nhiều cách để tự do lắm bạn! Tôi không tin là khoảng trời của mình bị hẹp đi đâu! Vả, “bị trói” cũng vui mà! Tự do, với tôi, là cảm giác thoải mái. Thoải mái được theo đuổi những công việc mình yêu thích. Thoải mái chơi đùa với con, trò chuyện với chúng mỗi ngày. Trừ những lúc phải đi công tác xa, mỗi ngày, tôi đều dành thời gian trò chuyện với con nhiều nhất có thể, trước, trong hay sau bữa ăn, về một ngày ở trường của cháu… Bọn trẻ rất thích kể chuyện đó.
Hãy trao cho con quyền làm chủ cuộc đời
– Tôi có một người bạn có gia cảnh rất tốt, nhưng mỗi lần con cái đòi mua đồ chơi, câu cửa miệng của anh ấy là: “Nhà mình nghèo nên phải đợi bố mẹ kiếm đủ tiền mới mua cho con được”. Còn anh thì cho con làm “người mẫu quảng cáo”, diện hàng hiệu Milano Kid “của nhà giồng được”…, như thể mong muốn có một dàn con “hotboy” vậy! Anh có hồn nhiên quá không?
– Bạn nghĩ bọn trẻ có tin vào câu nói dối kia không, khi những gì mà chúng được thụ hưởng hàng ngày, ở trường cũng như ở nhà hoàn toàn không hề nói lên điều đó? Trẻ con chúng nó nhạy cảm lắm, không thể nói một đằng làm một nẻo được. Tôi không muốn nói dối con dù với bất cứ mục đích nào, vì nếu thế, sẽ rất khó dạy con nói thật. Nhưng một mặt, tôi cũng tạo điều kiện để các cháu được tiếp xúc những hoàn cảnh sống kém may mắn hơn, được trải nghiệm cuộc sống từ nhiều góc độ, để ý thức được hơn nữa sự may mắn của mình và sống có trách nhiệm với bản thân hơn. Tôi cũng cho con thấy, trong một điều kiện sống không hẳn lý tưởng, con người ta vẫn có thể tìm thấy niềm vui. Tỉ dụ như là đi du lịch không nhất thiết phải ở khách sạn 5 sao mà có thể ở gần một làng chài. Hay như hè này, tôi và cậu lớn đã lên kế hoạch sẽ đi xuyên Việt bằng tàu hỏa và điểm dừng chân sẽ không chỉ là những thành phố lớn, tiện nghi mà còn cả những tỉnh nghèo nữa, có thể nghỉ nhờ nhà dân. Rồi sau đó, sẽ là cua dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ nghèo ở Hạ Long, nơi cháu có một ông thầy người Anh từng dạy cháu hồi mẫu giáo và nay có một trường quốc tế ở dưới đó. Dự định hè này hai thầy trò sẽ dắt nhau đi làm từ thiện, và vai trò của cháu là trợ giảng… Ở tầm tuổi lên 9, tôi tin là cháu đã đủ nhận thức để cảm nhận được những niềm vui do mình tự tạo ấy.
– Hành trang nào anh muốn trao cho con nhất?
Thái độ sống. Đừng nghĩ cứ có tiền, đem quẳng con vào trường quốc tế là xong. Sẽ không ai có thể trao cho con thái độ sống tốt hơn bố mẹ, vì đó là những người gần gũi con hơn cả, có tiếng nói thuyết phục với con hơn cả. Khi con sống độc lập, tự giác, trung thực, không ngại khó…, con sẽ là một người đàng hoàng, và điều đó sẽ mang lại hạnh phúc trước nhất cho chính con.
– Nói thật với anh là gần đây, khi vào thăm một trường quốc tế, tôi thấy rất thương con mình, giữa một lớp học lít nhít 50-60 cháu. Thậm chí, còn là hơi bi quan một chút. Tương lai phải chăng sẽ thuộc về những đứa trẻ nhà giàu?
– Bạn không biết một học sinh VN mới đây vừa thẳng tiến vào Havard là suốt 12 năm học ở trường công sao? Và khá nhiều học sinh VN vào được Havard là từ trường công chứ không phải một. Kinh tế chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ, và trong giáo dục, có rất nhiều cách. Có thể phương pháp của “mẹ hổ” cũng đúng mà phương pháp tự do cũng đúng. Quan trọng là bố mẹ luôn quan tâm và khéo “liệu cơm gắp mắm”. Trẻ con cũng như quần áo vậy, đồ may đo thì bao giờ cũng chuẩn hơn đồ may sẵn, và bố mẹ, chứ không phải nhà trường, mới chính là những người thợ may mà các con cần nhất. Có điều, dù là “đồ may sẵn”, thì cũng đừng bao giờ đổ lên đầu các con những giấc mơ còn dang dở của bố mẹ và bắt chúng phải theo đuổi cho kỳ được. Hãy cho con quyền quyết định và làm chủ cuộc đời nó ngay từ tấm bé, còn bố mẹ chỉ là người tạo điều kiện cho chúng mà thôi.
– Anh biết chuyện đứa trẻ suýt chết đuối do bị bố nó hứa: “Cứ bơi đi, có gì bố sẽ ứng cứu!”. Và bài học nhận được là: “Đừng bao giờ tin bất cứ ai, kể cả bố mình”?
– Thế bạn có biết cái gọi là “cú nhảy của đức tin” không? Có những thứ phải tin mới làm được. Đành rằng, hoài nghi có khi là con đường dẫn đến chân lý, và bố mẹ luôn cần phải dạy con biết cách phán đoán để giảm thiểu việc tin mù quáng, nhưng sống thì vẫn phải nên tin người, tin đời, thì mới tin được chính mình. Hoài nghi cách mấy rồi thì cũng phải có lúc lựa chọn, chứ không lẽ cứ hoài nghi suốt cả một đời sao?
– Việc phi thường nhất gần đây ông bố 4 con làm được?
– Là đang tập luyện để tham gia cuộc thi Ironman với 3 môn phối hợp, sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng trong tháng 5 tới. Bình thường tập gym, tôi chẳng bao giờ chạy nổi 5km cả, thế nhưng khi dốc sức tập luyện cho cuộc thi, tôi mới phát hiện ra khả năng của con người ta quả là vô hạn. Điều quan trọng là cần vượt qua được những nỗi sợ từ trong ý thức, mặc cảm, định kiến… vẫn luôn giới hạn, “cầm tù” mình mà thôi!