5 nguyên tắc an toàn cho trẻ nhỏ phụ huynh cần nhớ - Tạp chí Đẹp

5 nguyên tắc an toàn cho trẻ nhỏ phụ huynh cần nhớ

Sống

1. Hãy đảm bảo trẻ được ở trong môi trường an toàn

Bởi phần lớn tai nạn xảy ra, không phải là lỗi của trẻ!

Con gái của chị bạn tôi, đi mẫu giáo, cháu nghịch quá trèo lên ghế, đu cánh cửa sổ của lớp mẫu giáo, rồi không may cánh cửa rơi xuống, cháu ngã và bị thương nhẹ ở chân. Về sau nhà trường có yêu cầu phụ huynh bồi thường về cánh cửa bị bung ra, chị bạn tôi đồng ý và coi như chuyện này là rủi ro cho cả hai bên, vì chị nghĩ con mình sai khi vi phạm nội quy. 

Có điều, sau này nghĩ lại, chị mới thấy trang thiết bị cho lớp mẫu giáo đúng ra cần phải thật an toàn, đúng tiêu chuẩn. Bởi vì bất cứ đứa trẻ nào cũng tiềm ẩn “khả năng” vi phạm nội quy trong người. Nhất là khi nó mới chỉ có 4 tuổi. Trẻ có quyền được vận động trong môi trường an toàn. Vậy nên, việc cánh cửa lớp rơi một cách dễ dàng như vậy, lỗi phần lớn thuộc về nhà trường. Bởi, rõ ràng xây dựng môi trường an toàn cho trẻ là việc của người lớn. 

giúp bé an toàn, giữ an toàn cho trẻ, nguyên tắc an toàn cho trẻ, chọn môi trường an toàn cho trẻ

2. Bọn trẻ cần được vận động, đủ để không quá “khát thèm” vận động

Có rất nhiều người hạn chế con mình vận động, vui chơi bởi họ quá lo sợ về chuyện mất an toàn. Điều này lại vô tình làm trẻ dễ mắc phải những sự cố hơn. Tôi đã từng nghe được lời khuyên kỳ lạ, trong khi những bà mẹ cứ thi nhau “tố” con mình nghịch quá, bướng quá, thì một cô giáo mầm non (hiện đã về hưu) nói với chúng tôi rằng: muốn con khỏi nghịch, nhất là nghịch dại, hãy cho con được “nghịch khôn” nhiều vào. 

Bà nói rằng khi bà còn trẻ, bà đã đến lớp để rèn cho bọn trẻ ở lứa tuổi mầm non tính kỷ luật. Bà nghĩ, trẻ con càng sớm uốn nắn vào khuôn khổ càng tốt cho sau này. Rồi về sau bà nhận ra là lý thuyết ấy sai. Thay vì cấm bọn trẻ nghịch ngợm để rồi khi chúng quá háo hức với niềm vui được vận động, bọn trẻ rất dễ gặp tai nạn, ta hãy tạo điều kiện cho chúng vận động thoải mái với “mức năng lượng” sẵn có trong cơ thể. 

Nhiều bà mẹ hét lên: “Con tôi nghịch ngợm quá mức rồi”, thực ra “quá mức” với sự hình dung của người lớn thôi, có khi trẻ vẫn còn muốn nghịch nhiều hơn! Không phải là tất cả nhưng rất nhiều trong số bọn trẻ bướng bỉnh hoặc xảy ra những sai sót không đáng có chỉ vì chúng đã quá ham muốn được vận động đến mức hơi stress, và càng khiến cho rủi ro xảy ra nhiều hơn.

3. Tìm hiểu trước về những khả năng có thể xảy ra với trò chơi mà con tham gia

Với điều kiện truyền thông phát triển mạnh như hiện nay, không quá khó để phụ huynh có thể tìm hiểu trước về những nguy cơ có thể xảy ra đối với một đứa trẻ khi tham gia cuộc chơi nào đó. Không hẳn đó phải là câu chuyện đã xảy ra nhưng kiến thức về trò chơi, về các thiết bị được sử dụng… thì cha mẹ nào cũng có thể tìm hiểu ở mức cơ bản nhất. Qua đó hiểu ra vấn đề gì có thể xảy ra với con mình. 

4. Từ chối những nơi vui chơi không chuẩn bị sẵn sàng phương án cứu hộ cho trẻ

Tiếp theo thì cần tự trả lời câu hỏi, rằng giả sử điều này/ điều kia xảy ra thì biện pháp giải quyết là gì, trước khi cho con tham gia vào một trò chơi vận động hay mạo hiểm. Có rất nhiều nhà sản xuất/tổ chức cố tình “lờ tịt” đi câu hỏi này, thậm chí họ quay lại đổ lỗi cho cha mẹ đứa trẻ suy diễn, không tích cực, gây hoang mang cho những khách hàng của họ… Tuy nhiên, tạo điều kiện cho con vận động không phải là cố ý làm liều. Và vì trẻ em luôn sẵn sàng “vi phạm nội quy” vì bản tính nghịch ngợm, tò mò nên mọi điều cần phải được lường trước và kiểm chứng ở mức độ tin tưởng trước khi cha mẹ quyết định cho con tham gia.

5. Chuẩn bị kỹ năng tự bảo vệ cho con

Những đứa trẻ hầu như đang càng ngày càng bị nhồi nhét quá nhiều sách vở, bài học lý thuyết mà không được dạy những kỹ năng đơn giản phục vụ cho sự sinh tồn. Hãy dạy con bạn những điều đơn giản mà cần thiết như cách băng qua đường, cách đối phó khi bị người lạ dụ dỗ, cách gọi điện thoại cầu cứu trong những tình huống nguy hiểm, cháy nổ, bị thương – và hãy cho bé đi học bơi. 

Những kỹ năng ấy không giúp trẻ trở nên giàu có hay nổi bật nên bị nhiều bậc cha mẹ coi thường, nhưng lại giúp trẻ có thể vượt qua rất nhiều những tình huống trong cuộc sống. Làm được điều ấy không hề dễ, cần sự thay đổi quan niệm của nhiều bậc cha mẹ, để tạo ra làn sóng chuyển biến về hành động. Thậm chí, nó là lối tư duy của cả một nền giáo dục. Có lẽ, những gì xảy ra gần đây, những câu chuyện rủi ro liên quan đến bọn trẻ gần đây cũng là lời cảnh báo cho điều này.

Khi vòng tay ba mẹ không đủ lớn…

Gần đây, câu chuyện cậu bé 5 tuổi bị diều cuốn gây tử vong đã khiến dư luận bàng hoàng. Hầu như tháng nào cũng có những trường hợp tai nạn đau lòng liên quan đến trẻ nhỏ xảy ra. Đó là những bài học cảnh báo cho các bậc phụ huynh về việc giữ an toàn của con trẻ. Những tai nạn nào dễ xảy ra cho các bé trong khi vui chơi, vận động? Làm thế nào giữ cho con được an toàn? Làm sao để giúp các con xử lý các tình huống nguy hiểm?

Ai cũng mong muốn có vòng tay đủ lớn để chở che con, nhưng không phải lúc nào ta cũng có thể ở cạnh con… Đẹp Online muốn chia sẻ với các ông bố bà mẹ những kinh nghiệm, cũng như những nguyên tắc giúp con trẻ có một cuộc sống an toàn hơn.

Đón xem:

– Những tai nạn bé thường gặp và cách đối phó, phòng tránh

– Dạy con cách tự vệ

Tổ chức: Hà Phương

Bài: Nguyên Ân

logo 

Thực hiện: depweb

19/03/2015, 11:50