“Bà lão” làm vườn, vẽ tranh

– Đêm trước ngày nghỉ cuối tuần, chị thường làm gì?

– Nếu ngày mai không phải dậy sớm đưa cô út đi học thì hai mẹ con thường ôm nhau xem phim tới khuya.

– Chị yêu bọn trẻ tới mức nào?

– Như mọi bà mẹ khác thôi, nhưng khác chút là tôi với các con giống như tri kỷ. Tôi thấy nhiều người yêu con nhưng bọn trẻ luôn xa cách và ít trò chuyện với mẹ. Tôi yêu và được yêu lại nên thấy vui và luôn có nhiều năng lượng.
 
– Có bao giờ chị thấy mình đơn độc trong gia đình không?

– Gần như không. Đôi khi có buồn và thất vọng vì một vài biến cố nhưng rồi cũng qua. Tôi không cảm thấy đơn độc vì ở đó có các con. Mà chúng nó với mẹ luôn là một khối gắn kết. Nhờ có con làm bạn, cùng vui, cùng chia sẻ nên tôi thấy gia đình vẫn là vương quốc của mình.
 
– Như vậy có “cuồng con” quá không?

– Có thể hiểu thế này: Những người đàn ông yêu tôi, cả người được yêu lại và không, đều chưa ai tặng sách nấu ăn cho tôi hay đánh đàn cho tôi nghe. Không có người đàn ông nào chia sẻ với tôi từng câu chữ, lời văn hay trong những cuốn sách, hoặc cùng tôi xem phim mà quan tâm mỗi góc quay đẹp, ánh sáng diệu kỳ ra sao. Và càng chẳng có ai ngồi với tôi để cùng thích thú những bức tranh, cùng phân biệt đây là màu gì, vẽ theo kiểu gì, rồi cùng đi tới những chân trời, mê đắm với mây bay hay những thôn quê yên bình, say sưa với từng loại nước sốt, món A chế biến khác món B ra sao và dịch lại cho tôi công thức những món Âu mà tôi muốn nấu. Chỉ có con trai tôi – người luôn nhắc tôi ăn thêm, không được ăn ít, mẹ có béo đâu mà lo; người nhòm chân tôi và nói “May mà mẹ đi dép rồi chứ không Bin đã nói, mẹ không chịu đi tất gì cả, hôm nay lạnh lắm”. Và chỉ có con trai tôi về tới cửa là hỏi “Mẹ giặt đồ phơi chưa, để con phơi” và nhắc mẹ rửa bát nhanh nhé, bọn con học bài nhanh rồi xem phim. Con biết tôi thích loại phim gì và tải về, háo hức cho mẹ xem. Với các con trai, tôi thấy mình được yêu thương đầy đủ, được nâng niu, trân trọng và được là chính mình.
 
– Chị có đặt tất cả những gì chị mong ước về một người đàn ông lên con trai mình không?

– Tôi không đặt áp lực đó lên con. Không biết do cách mình dạy con, hay do tự nhiên con bị ảnh hưởng mẹ, hoặc sinh ra đã giống mẹ mà lại có tất cả những điều tôi mong ước về một người đàn ông trong mơ. Nói thế không phải con trai tôi hoàn hảo đâu, chỉ là cách nghĩ, cách nhìn, gu thẩm mỹ và quan niệm về hạnh phúc của chúng tôi giống nhau. Con có những điều tôi cần và yêu. Chứ trong mắt bố, con vẫn bị chê nhiều lắm.
 
– Chị thích làm một người hạnh phúc như thế nào?

– Chỉ cần được yên bình giữa “vương quốc” của riêng mình với các con. Mỗi ngày được làm vườn, nấu ăn, đọc sách, chăm con, dọn dẹp nhà cửa. Tôi không thích bon chen, sợ đám đông và ngại họp hành.
 
– Chị có thấy hạnh phúc trong công việc không?

– Tôi cũng là người say mê nghề nghiệp đấy. Mỗi lần vẽ một cuốn mới là được sống cùng với nó qua nhiều khoảnh khắc đẹp, có khi say sưa làm xuyên đêm mà quên cả mệt.

– Những dấu ấn nào khiến chị tự hào với công việc của một họa sĩ?

– Từ khi còn là sinh viên trường mỹ thuật, tôi đã được nhận vào làm họa sĩ ở báo Hoa Học Trò, nhờ một lần gửi thơ đến cho tòa soạn nhưng lại được chú ý vì hình minh họa. Bài tốt nghiệp đạt điểm 10 của tôi là vẽ “Truyện Kiều”, sau đó được Nhà xuất bản Văn hóa về trường xin bài và mang đi in. Cuốn sách này thường được chọn làm quà của thầy tôi khi tặng cho những người bạn ở nước ngoài. Hồi ấy, nhà thơ Trần Hòa Bình còn viết một bài giới thiệu về nữ họa sĩ trẻ nhất vẽ “Truyện Kiều”.
 
Năm 2000, tôi được UNESCO chọn là họa sĩ duy nhất của Việt Nam tham dự hội trại sáng tác dành cho các họa sĩ vẽ minh họa cho thiếu nhi trên toàn thế giới. Tôi đã rất choáng váng khi đọc bức thư từ Paris của bà giám đốc UNESCO, đại ý rằng tôi là ứng viên nộp hồ sơ muộn nhất, tuổi già nhất và tiếng Anh kém nhất nhưng “Chúng tôi chọn bạn, vẫn chọn bạn, vì đơn giản, nét vẽ của bạn quá đẹp. Và những điều bạn chia sẻ về giấc mơ làm nên những cuốn sách đẹp cho trẻ em đã thuyết phục được chúng tôi”. Ngày triển lãm cuối cùng sau một tháng tập trung cùng học, cùng sáng tác với các họa sĩ đến từ 20 nước, câu chuyện bằng hình vẽ của tôi là tác phẩm duy nhất đã khiến cô giáo rơi nước mắt.
 
Cách đây khoảng 4 năm, tôi nhận được thư mời của giám đốc bảo tàng Angoleme cùng 100 họa sĩ đương đại trên thế giới tham gia một dự án thú vị là vẽ lại những truyện tranh của các họa sĩ nổi tiếng, nhưng phải giữ nguyên được nội dung cũ bằng phương pháp thể hiện mới và cho thấy cái tôi của mình. Toàn bộ các bức vẽ được triển lãm tại Pháp và Tây Ban Nha. Sau này, tác phẩm đó của tôi còn được in trong một cuốn catalogue, bên cạnh tên tuổi của nhiều họa sĩ nổi tiếng. Riêng với bảo tàng Angoleme, tôi đã tham gia vào hai dự án và triển lãm “Mảnh sống”, “Mặt kể” rất thú vị.

Không phải là quyền cao chức trọng, mà chính những điều nho nhỏ đó để biết rằng mọi người quý trọng đôi bàn tay của mình khiến tôi cảm thấy tự hào.

– Làm họa sĩ, làm vợ, làm mẹ và làm vườn, chị thấy mình giỏi việc nào nhất?

– Tôi thấy mình làm mẹ giỏi nhất, hợp nhất và có năng khiếu nhất.
 
– Chị làm gì dở nhất?

– Quản lý và kinh doanh. Tôi yêu nội thất nên từng mở một công ty và có thương hiệu riêng đàng hoàng. Tôi có thể say mê vẽ, thiết kế, đi xưởng, tư vấn cho đến hoàn thiện nhà cho khách nhưng cứ đến khâu kiểm hàng, làm sổ sách và quản lý nhân sự là rối loạn. Làm được vài năm phải bỏ. Tôi nhận ra đó không phải năng khiếu của mình.

– Cuộc sống hiện tại đã gần với mơ ước của chị hay chưa?

– Có lúc tôi tuyệt vọng khi thấy những giấc mơ về tổ ấm đã xa rời. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, lẽ nào phải bỏ những mơ ước của mình. Tại sao lại để một ai đó hay vì ai đó mà khiến mình không hạnh phúc. Có bờ vai để chia sẻ vui buồn thì thật may mắn, nhưng chẳng may không có hoặc có mà bờ vai ấy không thích mình, không cùng quan điểm về hạnh phúc thì sao? Mỗi người có quyền sống vui và hạnh phúc theo cách mình muốn, nên không ai là xấu hay tốt trong việc này. Vì thế, tôi tập hạnh phúc một mình, với các con. Bây giờ tôi thấy ổn. Riêng việc “xây” hạnh phúc thì tôi có nhiều năng lượng lắm.
 
– Chị dạy con gái điều gì để có thể hạnh phúc?

– Phải biết yêu mình và làm chủ cuộc đời mình. Đừng bao giờ quên chăm sóc bản thân; sống với những điều mình say mê và đừng để ai làm ảnh hưởng đến những điều đó.
 
– Còn con trai?

– Cũng vậy. Hãy cứ làm những gì con thích và say mê, thật nhiều đam mê để hạnh phúc, kể cả là một công nhân hay chủ tiệm sách…, nếu điều ấy làm con vui. Đừng làm theo những gì người khác muốn. Làm một người tốt và làm người như thế nào quan trọng hơn là ai. Tuy nhiên, cuộc sống không phải là chuyện giải bài toán với những dữ liệu do mình được chọn, nhưng vẫn phải xoay xở làm sao để mình ổn nhất.

– Điều gì thường dễ khiến chị xúc động?

– Khi nhớ đứa con gái nhỏ, khi nghĩ đến mẹ, đến người chị đã xa. Tôi khá nhạy cảm và dễ xúc động, kể cả khi hoa nở, khi mùa qua… Bây giờ bận rộn hơn nên… đỡ nhiều rồi. Tôi hay bị ấn tượng bởi mùi, không khí và cảnh vật. Đôi khi tôi thấy mình như bay lạc đến một nơi nào khác, rất kỳ lạ.
 
– Chị có cầu toàn và duy mỹ không?

– Riêng về nghệ thuật, tôi rất cầu toàn và duy mỹ. Còn những thứ khác thì đơn giản và biết chấp nhận, chứ không mệt lắm.
 
– Chị làm đẹp cho mình bằng cách nào?

– Tôi không dùng giày, túi hay quần áo hiệu mà chủ yếu dùng đồ may đo và tự tay may. Tôi cũng không hề muốn mua ô tô. Tôi coi trọng giá trị tự thân, coi trọng nhân cách và phong thái chứ không nhìn nhận một người qua vẻ bề ngoài hay quyền chức. Sức sống của một con người, sự tinh tế, nhạy cảm hay đơn giản là cách người ta lựa chọn thú vui sẽ khiến mình biết họ có đáng yêu hay không.
 
– Chị sử dụng tiền cho những việc gì?

– Trước tiên là để nuôi lũ nhóc. Tiền ăn, tiền học, tiền quần, tiền áo – chao ôi là tốn! Chi phí cho gia đình là lớn nhất. Chi phí cá nhân thì ít. Tôi mua nhiều quần áo nhưng không phải đồ hiệu đắt tiền nên cũng đỡ tốn. Khoản chi cho khu vườn là bất thường nhất và tôi khá tốn kém với vụ mua cây, mua hoa, đồ trang trí trong nhà. Tôi bị nghiện những món đồ xưa cũ, đồ cổ điển Châu Âu và đôi khi dốc hết túi cho mấy cây đèn hay đồng hồ cổ. Du lịch cũng là một khoản chi đáng kể, luôn phải có kế hoạch. Thay vì mua đồ hiệu, đi spa, tôi bỏ phắt mấy vụ đó để dành tiền cho việc du lịch với bọn nhóc. May mắn là tôi có những năm tuổi trẻ “vẽ” ra tiền và lương của bố các cháu cũng cao nên cuộc sống gia đình khá ổn định, dù ba nhóc đều học trường tốt và đang tuổi ăn tuổi lớn.
 
– Chị có giỏi kiếm tiền không?

– Cũng khá đấy. Hồi sinh viên tôi đã giàu nhất lớp, có lương, có tiền rủng roẻng và có xe máy để đi rồi. May mắn là mọi việc đều đến với tôi dễ dàng, hay nói đúng hơn là việc cứ tự đến. Tôi chưa từng gặp khó khăn với việc kiếm tiền và đôi khi còn thấy mình kiếm tiền rất dễ nữa. Chỉ là đừng để cơn lười nổi lên thôi. Phụ nữ chủ động về kinh tế cũng là làm chủ cuộc đời mình.
 
– Chị sẽ là một bà lão như thế nào?

– Già nua ngồi vẽ ngoài hiên đợi cháu đi học về – quá là thích! Bà lão sẽ làm vườn với cái lưng còng, tóc trắng xóa búi tó, lọ mọ lau cái này quét cái kia. Tôi sẽ giống như mẹ mình – người phụ nữ yêu lao động, luôn tay luôn chân. Tôi là bà lão nghệ sĩ pha nông dân, muôn đời không thể thành quý bà được đâu. Mà tôi cũng không màng.
 
– Chị thấy mình đẹp nhất lúc nào?

– Lúc đi chơi, giữa thiên nhiên. Đẹp và bay bổng. Chứ lúc họp hành, quần là áo lượt là thấy mình như “con điên”.
 
– Trong lúc chúng ta đang trò chuyện, điều gì đang diễn ra quanh chị?

– Bin đang “canh” giúp file hình mẹ gửi qua email xem có bị trục trặc gì không để còn ra tay xử lý. Em Moon thì vừa thức dậy, gọi mẹ oai oái…

Họa sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa

– Những tác phẩm chị đã vẽ, dành cho thiếu nhi: “Cây tre trăm đốt”, “Đồng dao con cò”, “Ngõ hoa bìm bìm”, “Trung thu của Huy”, “Huệ tím”…

– Đặc biệt, chị là nữ họa sĩ trẻ nhất từng vẽ “Truyện Kiều”; là họa sĩ vẽ minh họa cho thiếu nhi của Việt Nam được UNESCO và một số bảo tàng nước ngoài mời tham gia nhiều hoạt động cùng các họa sĩ trên thế giới.

 Bài: Như Thảo
Ảnh: Phạm Thu Hà – Sơn Khuê

logo 


From the same category