Tất cả tạo nên một bức tranh tổng thể đa sắc màu, đầy tươi mới. Và theo từng guồng quay xu hướng, hình ảnh người phụ nữ trong bộ sưu tập của các nhà mốt hàng đầu lại liên tục thay đổi. Tuy nhiên, dù thế nào, phụ nữ và thời trang vẫn mãi luôn song hành bởi xét cho cùng, thời trang xuất hiện trên thế giới là để làm đẹp cho phụ nữ.
Thiết kế trong BST Xuân Hè 2015 của Louis Vuitton
Suốt 15 năm ở vị trí giám đốc sáng tạo tại Balenciaga, không một ranh giới nào chưa bị Nicolas Ghesquière – đứa con cưng của làng thời trang – liên tục phá vỡ. Mỗi tuần lễ thời trang, giới mộ điệu lại hướng về Paris để trông ngóng các bộ sưu tập với muôn vàn nguồn cảm hứng khác nhau của ông: từ môn bơi lặn (BST Xuân Hè 2003), những đồ vật vô tri tầm thường mà ta thường bỏ qua trong cuộc sống hàng ngày (BST Thu Đông 2010), đến những ý tưởng phức tạp và trừu tượng hơn như sự phản xạ và hấp thụ ánh sáng (BST Xuân Hè 2009). Do đó, không có gì quá khi nói rằng Ghesquière không theo xu hướng, mà ông chính là người tạo ra nó!
Vì vậy, khi Nicolas Ghesquière được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc sáng tạo tại Louis Vuitton – thương hiệu với nguồn vốn gần như vô tận, người ta kỳ vọng một viễn cảnh còn huy hoàng hơn những gì đã diễn ra tại Balenciaga. Thế nhưng, khi nàng thơ của Ghesquière, Freja Beha Erichsen, sải những bước đầu tiên trên sàn catwalk trong chiếc váy cashmere cổ lọ màu kem kết hợp áo khoác da và boots cao cổ mang đậm âm hưởng những năm 1960 – một xu hướng vốn đã và đang được rất nhiều nhà mốt theo đuổi, điển hình là Gucci – chúng ta không tránh khỏi sự thất vọng.
Vẫn còn đấy những điểm nhấn đầy ấn tượng, và chất lượng thì không phải nghi ngờ khi giá một chiếc áo len đơn giản lên đến 8.000USD, nhưng dường như sự bất ngờ mà Ghesquière đã luôn biết cách tạo ra không còn nữa. Điều gì khiến nhà thiết kế với những sáng tạo gồm đôi giày cao lêu nghêu nặng gần 2kg hay chiếc quần kim loại như đôi chân robot C-3PO trong bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao” lại “lắng nghe những tâm tư của phụ nữ” để tạo ra bộ sưu tập này? Tính thương mại chắc hẳn sẽ là câu trả lời hiện ra trong đầu nhiều người, khi thật sự doanh thu tại Balenciaga dưới thời Ghesquière luôn được quyết định phần lớn bởi phụ kiện chứ không phải quần áo.
Tuy vậy, câu trả lời của Ghesquière lại chỉ đơn giản rằng ông muốn tạo những trang phục cho đời thật, chứ không phải cho các bảo tàng như trước đây. Ông đã hỏi bạn bè, đồng nghiệp, những nàng thơ của mình về nhu cầu ăn mặc của họ, những gì họ cảm thấy yêu thích và thoải mái nhất. Hẳn ai cũng biết câu chuyện diễn viên Jane Birkin than phiền với CEO Hermès, Jean-Louis Dumas, về việc bà không có chiếc túi đi dạo cuối tuần ưng ý nào. Chỉ một tuần sau, chiếc túi Hermès Birkin ra đời và những gì còn lại là lịch sử. Vì thế, với hướng đi hiện tại của mình, ta có thể hy vọng Ghesquière sẽ tạo nên những thiết kế bất tử tương tự. Và thật vậy, bộ sưu tập đầu tay của Ghesquière tại nhà mốt lâu đời Louis Vuitton là một thành công vang dội, khi nó được xuất hiện trên hàng trăm tạp chí lớn nhỏ trên toàn thế giới.
Toàn cảnh show diễn Xuân Hè 2015 của Louis Vuitton
Qua 4 bộ sưu tập (Thu Đông 2014, Resort 2015, Xuân Hè 2015, Chớm Thu 2015), dễ nhận thấy mọi nỗ lực của Ghesquière hiện tại không dành cho việc bứt phá và làm cho bao kẻ phải “mắt chữ A, mồm chữ O”, mà nhằm để tạo nên một tủ quần áo mới cho người phụ nữ Louis Vuitton: không cầu kỳ, khoa trương nhưng vẫn toát lên nét trẻ trung và sang trọng. Nếu như 15 năm trước Ghesquière luôn sống ở thì tương lai, thì giờ đây ông tìm cách cân bằng giữa quá khứ và hiện tại. “Tương lai nằm ở hiện tại”, ông phát biểu trong một bài phỏng vấn gần đây. Không còn ý tưởng kỳ lạ nào nữa, những gì ông thực hiện là liên tục làm mới và hiện đại hóa phong cách của thập niên 1960.
Vẫn còn trong đó tinh thần thể thao và sự phối hợp chất liệu đột phá đã tạo nên danh tiếng của Ghesquière, nhưng khi nhìn những trang phục này, ta có thể dễ dàng hình dung người phụ nữ mặc nó ngồi ở quán cà phê trong nắng chiều, hay dạo quanh những trung tâm mua sắm cùng bè bạn, chứ không còn là những nữ anh hùng bước ra từ các bộ phim viễn tưởng. Ghesquière khẳng định đây là quá trình trưởng thành, khi ông, hiện tại 43 tuổi, muốn minh chứng mình không chỉ có khả năng làm một nhà khoa học luôn đắm chìm trong những ý tưởng mới mà còn là một nhà thiết kế quần áo cổ điển tuyệt vời. Nếu ở Balenciaga lúc trước là những chiếc váy phồng như đóa hoa loa kèn bung nở, thì hiện tại chúng trở thành những mẫu váy chữ A cổ điển kết hợp với áo dệt họa tiết, thi thoảng lại được phá cách bằng một vài hình in tinh nghịch.
Những chiếc váy ngắn kết hợp với áo khoác lửng bằng các chất liệu da hoang dã như cá sấu, đà điểu, lươn biển trong những mã màu rực rỡ tạo nên nét nữ tính hiện đại với tinh thần đường phố và thể thao không lẫn vào đâu được. Sự “chơi đùa” cùng các chất liệu khác nhau cũng là một đặc trưng từ thời Balenciaga mà Ghesquière vẫn giữ được: trong bộ sưu tập Xuân Hè 2015, các mẫu áo được kết hợp từ da, len và dệt cùng dây buộc corset mượt mà đến không ngờ. Cùng một chất liệu len, Ghesquière tạo nên các kiểu trang phục khác nhau, tạo sự đa dạng và nhiều khả năng kết hợp cho tủ quần áo của người phụ nữ. Bên cạnh đó, sự nữ tính cũng được ông chú ý đến nhiều hơn, khi giới thiệu những chiếc váy bay bổng được chấm phá bởi các chi tiết cut-out thú vị để tôn lên những đường cong, hay tươi trẻ với họa tiết thêu san hô và sóng biển, hoặc như Marie Antoinette thời hiện đại trong chuyến du ngoạn về thôn quê với mẫu váy điệu đà cùng tua rua và những lớp vải xuyên thấu.
Là một thương hiệu nổi tiếng về phụ kiện, không thể không nhắc đến những chiếc túi mà Ghesquière đã sáng tạo ra. Nổi bật nhất trong số đó là Petite Malle (Chiếc rương nhỏ) lấy cảm hứng từ chiếc rương đã tạo nên tên tuổi của Louis Vuitton. Cũng như quần áo, phụ kiện của Ghesquière không thay đổi nhiều mà chỉ đơn thuần là một chút biến tấu để trở nên thú vị hơn sau mỗi mùa. Lần xuất hiện đầu tiên, Petite Malle ẩn trong chiếc bao da. Trong BST Resort, nó lại trở nên lí lắc với những chùm tua rua ánh kim hay viền lông thú.
Khi khác, Petite Malle lại trở nên không “petite” lắm, nhưng thực dụng hơn, khi có kích thước to và may bằng chất liệu vải bố. Bên cạnh đó, thiết kế giày cũng là một kết nối liên tục giữa các bộ sưu tập khi hầu hết đều là những đôi boots với kiểu dáng tương tự, nhưng được biến tấu lại với chất liệu khác nhau: từ da bóng, da lộn, đến da lươn biển, rồi da cá sấu. Chỉ trong 2 năm, Ghesquière đã tạo dựng thành công hình ảnh mới cho những người phụ nữ đam mê các cuộc viễn du sang trọng của Louis Vuitton và định nghĩa lại khái niệm “chic” cho các tín đồ thời trang hiện đại.
NTK Nicolas Ghesquière
Dù Nicolas Ghesquière có thay đổi thế nào đi nữa, tầm ảnh hưởng và khả năng dẫn đầu xu hướng của ông vẫn mãi không suy suyển. Như bài hát “Copycat” (Kẻ bắt chước) làm nền cho show diễn đầu tay của ông tại Louis Vuitton: “Tôi thích cái váy của cô quá, vì vậy tôi đã mua theo, 5 năm về trước rồi!”, hàng loạt nhà thiết kế lớn nhỏ, từ Maison Margiela, Mary Katrantzou, đến Zara và H&M, vẫn không tránh khỏi việc “học hỏi” Ghesquière. Có lẽ đến khi nào ông ngừng thiết kế, hay thậm chí lâu hơn nữa, ta vẫn có thể bắt gặp một chiếc áo trong cửa hiệu nào đó và giật mình thốt lên: “Ôi, sao nó ‘Ghesquière’ thế!”.
Mẫu túi xách Petite Malle trong BST Cruise 2015 của Louis Vuitton