Nghệ sĩ hài Giang còi: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” – cái lý của thằng cùn - Tạp chí Đẹp

Nghệ sĩ hài Giang còi: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” – cái lý của thằng cùn

Sao

Vui ai chả ham

Tầm này ra đường, nhìn mọi người đi lại lũ lượt, không hiểu người ta đang đi chơi hay đi làm. Đúng là một dòng sông xe máy chen chúc nhau, người ta lao cả xe lên vỉa hè, len qua những gốc cây, vòng vèo cắt vào trong ngõ, phóng thật nhanh đến cơ quan để xe rồi… ra quán uống cà phê cả tiếng đồng hồ. 

Lại có những người đi làm lững tha, lững thững, 9 giờ mới đến cơ quan, vừa ngồi xuống ghế là bốc máy đặt chỗ ở hàng bia lúc 10 giờ. Ra hàng bia bạn nhậu hỏi: Ông làm ở đấy ổn không?, thì đáp: “Ôi sướng lắm, 10 giờ sáng đến cũng được. Hết năm nay là lên trưởng phòng!”

Rồi mùa này là lũ lượt hội hè, đình đám. Không thiếu những biển xe công được che bằng bìa các tông. Nên đầu năm muốn giải quyết công việc nơi công quyền không phải dễ.

Ngày mùng 6 âm (tức ngày 24/2), khi tất cả mọi cơ quan trở lại nhịp làm việc bình thường, nghệ sĩ Giang Còi đã “đăng đàn” trên Facebook cá nhân “kêu cứu” vì cô giúp việc xin nghỉ qua rằm


Hôm Tết, có vị quan chức của một bệnh viện phát biểu trên phương tiện thông tin đại chúng: Ngày Tết, chúng tôi vẫn đón tiếp bệnh nhân bình thường. Nhưng Tết ra, thấy bảo ở một viện khác, có bệnh nhân nhập viện từ trong Tết mà tận đến ra giêng cũng vẫn chưa được xét nghiệm.

Cô giúp việc nhà tôi mới là người sướng, ăn Tết rõ dài. Nghỉ Tết từ 20 tháng Chạp hứa lên sớm, lương, thưởng đủ. Mồng 6 Tết gọi điện lên bảo dưới quê em họ ăn rằm to hơn cả Tết (lệ làng là thế) nên phải ngoài rằm mới lên được. Lên sớm các cụ chửi cho. Và thế là chết thằng chủ!

Hai vợ chồng “cày bục mặt” cả năm mà không để ra được 72 triệu. Người giúp việc kiếm được 36 triệu một năm, mưa nắng không tới đầu, làm được hay không làm được, đổ vỡ hỏng hóc không phải đền, thỉnh thoảng còn được thưởng. Nghỉ Tết lên muộn cũng chẳng dám trừ lương. Bao nhiêu việc cần giải quyết mà bị khóa chân ở nhà, gà qué, chim cò, cây cối, cơm nước… gì cũng đến tay, các sô diễn xa đành ngậm ngùi chối hết…

Nhưng đừng quá “vui đâu, chầu đấy”

Ai chả ham vui, nhưng đâu phải lúc nào cũng tiện “vui đâu, chầu đấy”. Ai chả mong nhận về những điều tốt lành, nhưng đâu phải cứ len chân vào chùa, vái vào mông vào lưng nhau, cướp oản cướp lộc là vận may tự khắc tìm đến. Chẳng cần biết chùa đó do sư nào trụ trì, hay thế nào là chùa, thế nào là đền, thế nào là miếu, đình chùa đó thờ ai, nguồn gốc thế nào…, mà chỉ cần thấy người ta đi mình cũng đi, người ta vái mình cũng vái, là đủ? Rồi thì khắp nơi láo nháo vỏ lon bia, thức ăn thừa rơi vãi…, thử hỏi thánh thần nào vui nổi?

“Nghèo mà không biết mình nghèo, kệ, cứ nhăn nhăn nhở nhở, hết Tết thì hết, ông là cứ phải ăn chơi tẹt ga đến tận ngoài rằm là ít. Bật nắp chai rượu cả chục triệu đồng mặt tỉnh bơ, cứ gọi là oai như cóc. Nói thật, được mời uống mấy ly rượu đó, tôi không thấy ngon, chỉ thấy đắng ngắt…”
Năm nay nghỉ đến 9 ngày, thế mà vẫn không đủ. Để rồi mà xem, năm sau mà có cho nghỉ Tết đến 20 ngày, chắc cũng vẫn không đủ đâu! Tôi ngờ là Tết ra, dân tình vẫn còn “tự thưởng” thêm cho mình vài ngày nghỉ nữa là ít. Ham vui thôi, chưa hẳn! Sâu xa ra, đấy còn là một thái độ rã đám, uể oải, bạc nhược ở một bộ phận không nhỏ người lao động, mà gọi theo kiểu thôn dã là thái độ lươn khươn. Họ nhân danh mấy ngày Tết để nửa làm nửa chơi, rồi dần dần tích thành một cái nếp rất xấu.

Thế nên đừng ngạc nhiên khi Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá năng suất lao động của Việt
Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc khoảng 10 lần. So với các nước có thu nhập trung bình trong khối ASEAN, năng suất lao động của Malaysia gấp 5 lần năng suất lao động của Việt Nam, còn của Thái Lan thì gấp 2,5 lần…

Nghệ sĩ Giang Còi cùng các thành viên trong hội thiện nguyện Nối vòng tay lớn chụp trước cổng trang trại của anh ở ngoại thành Hà Nội

Năm 2014, một vị quan chức cũng đã có một phát biểu gây ấn tượng mạnh: “Cách đây bốn, năm mươi năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy hiện có khoảng 90.000 người Hàn Quốc sống tại Việt Nam và cũng có 90.000 người Việt Nam sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm oshin. Nghe mà xót lòng…”

Nhưng nhiều người lao động Việt Nam đâu quan tâm. Nghèo mà không biết mình nghèo, kệ, cứ nhăn nhăn nhở nhở, hết Tết thì hết, ông là cứ phải ăn chơi tẹt ga đến tận ngoài rằm là ít. Bật nắp chai rượu cả chục triệu đồng mặt tỉnh bơ, cứ gọi là oai như cóc. Nói thật, được mời uống mấy ly rượu đó, tôi không thấy ngon, chỉ thấy đắng ngắt.

Các cụ ta đúc kết rồi: “Được mùa chớ phụ ngô khoai”, Tết đến cơ quan làm ăn phát đạt, thưởng cho đôi ba chục triệu đừng vội nghĩ là to. Hãy học cách tiêu tiền của các nhà tỷ phú mỹ kim, họ lao động cần mẫn và nghiêm túc. Tỷ phú là từng xu góp lại. Họ thoải mái hào phóng, nhưng không hề lãng phí.

Còn ăn uống thừa mứa, lãng phí chỉ là thói xấu của những anh trọc phú vớ vẩn. Hết Tết rồi đấy, chốt hạ được rồi, rồi thì lo mà làm cho ra làm. Và đừng quên, quyển “lịch” này mới là chuẩn này: “Tháng giêng là tháng trồng khoai/Tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà…”

Nghệ sĩ Giang Còi
logo

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

 

Thực hiện: depweb

27/02/2015, 14:40