“Có bát canh cần cũng… chịu”
Tôi rủ chị đi chợ hoa Tết, chị đi cùng nhưng vẫn không giấu được nét ưu tư trên gương mặt. Cứ mỗi dịp Tết là nhà anh chị lại tranh cãi chuyện ăn Tết ở nhà nội hay nhà ngoại. Anh thì cho rằng, đã đi lấy chồng, làm dâu thì nghĩa vụ của chị là phải ở nhà chồng, lo phụ cúng kiếng, nấu nướng, ăn Tết cùng gia đình chồng. Làm gì có nhà nào ở quê anh lại có kiểu về nhà ngoại ăn Tết, người ta lại cho rằng anh không biết dạy vợ. Chị thì ấm ức nhớ tới những giây phút được quây quần bên gia đình lúc giao thừa mà đã bao lâu chị không còn được hưởng chỉ vì thuộc “biên chế nhà chồng”.
Hoa hậu Hương Giang cho rằng, ngày Tết, hai bên “nội ngoại” phải cân bằng vì bố mẹ ai cũng đều có công dưỡng dục, sinh thành...
Mấy chục năm nuôi con lớn khôn cho đến khi con gái đi lấy chồng, bố mẹ nào chẳng mong được sum họp bên con cái, dù có thể không nói ra vì sợ con áy náy. Tới mùng 3, khi cái tết đã gần tàn, anh chị mới về chúc tết nhà ngoại. Đành rằng, không khí đón Tết bên nhà chồng rất đông vui, con cháu, họ hàng tụ tập từ sớm đến tối, nhưng chị vẫn cảm thấy thiếu thốn sự ấm áp quen thuộc của gia đình mình. Chị bỗng thấy tủi thân vô cùng. Thật đúng là, các cụ nhà ta nói cấm có sai bao giờ: “Có con mà gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng bưng cho/ Có con mà gả chồng xa, trước là mất họ sau là mất con“…
Thế nên, Tết năm ngoái, chị quyết định không cùng anh đón tết ở quê nội mà là về quê ngoại. Sau biết bao lần tranh cãi cùng nước mắt thì anh cũng đồng ý về quê chị đến mùng 1. Nhưng kèm với đó là gương mặt bí xị, cáu gắt, khó chịu của anh trong suốt mấy ngày Tết. Anh coi mình như khách trong nhà ngoại, chẳng hào hứng, thiết tha tham gia chuyện trò khi họ hàng đến chơi. Những lúc ấy, sao anh không chịu hiểu cho cảm giác tủi thân của chị vào những ngày Tết, sau bao năm trời không được về ăn tết với ba mẹ?
Và đến năm nay thì anh nhất định không chịu về ngoại, nên anh chị lại tiếp tục “chiến tranh lạnh”.
“Về thu xếp lại”
Tôi thì phản đối ý kiến của anh cho rằng, phụ nữ đã lấy chồng là có nghĩa “xuất giá tòng phu”: Nhà chồng là trên hết, nhà ngoại bao giờ cũng phải xếp sau. Bản thân mỗi con người là một cá thể độc lập, bình đẳng. Anh chị yêu nhau, đến với nhau để kết hôn là muốn gắn bó với chính người mình thương, mối quan hệ hai bên nội – ngoại đứng hàng thứ hai sau gia đình nhỏ của mình. Hai bên phải cân bằng vì bố mẹ ai cũng đều có công dưỡng dục, sinh thành con cái, không phải tự nhiên chị “hít khí trời” mà lớn lên theo anh về nhà, rồi từ đó phải “quên” nhà mình mỗi dịp Tết đến.
Hoa hậu Hương Giang và con gái – bé Tiểu Panda
Cả năm được mấy ngày Tết để về đoàn tụ, gặp gỡ anh em họ hàng, những nàng dâu lấy chồng xa mà quanh năm sống chung với gia đình nhà chồng, nếu không được về đón Tết với bố mẹ thì hẳn sẽ rất buồn. Nhất là thời khắc đón giao thừa, nếu nhà neo người, nghĩ đến cảnh chỉ có hai ông bà già còm cõi đón Tết với nhau nơi quê xa, thật chạnh lòng, thương mình, thương bố mẹ, còn bụng dạ nào mà đón Tết nữa.
Tết là dịp để sum vầy, để tìm lại cảm giác hạnh phúc, quây quần bên gia đình, hay đơn giản là để nghỉ ngơi sau một năm dài vất vả. Nếu hai vợ chồng muốn đi du lịch, hay vợ muốn về nhà ngoại, chồng về nhà nội, hoặc cả hai vợ chồng thay phiên: năm về nhà nội, năm về quê ngoại, đó cũng chẳng phải là vấn đề lớn. Quan trọng nhất là cả hai vợ chồng đều thấy thoải mái và vui vẻ với sự lựa chọn của mình.
Trong cuộc sống vợ chồng, chỉ có thể được hạnh phúc nếu cả hai cảm thấy được bình đẳng, tôn trọng, người này phải tâm lý với người kia. Nếu mức độ “dàn xếp” mà không đạt đến 50-50 thì 40-60 cũng được. Chuyện người khác bàn ra tán vào, tốt hơn hết hãy để ngoài tai. Chẳng ai sống thay mình được nên chuyện gia đình nhỏ của mình, hãy nên để cho bản thân vợ, chồng mình tự quyết định. Làm sao cho cái Tết đúng nghĩa là Tết ấm, chứ không phải là cái Tết “lạnh” bởi “cuộc chiến nội ngoại”.