Thật tuyệt vời khi mọi công đoạn chế tác đàn đều được làm hoàn toàn bằng tay. Cứ vậy mà sự tinh luyện của những nghệ nhân ngày càng đầy lên theo năm tháng. Bạn có tưởng tượng được không: có đến gần 50 công đoạn để làm ra một cây đàn, bắt đầu từ khâu chọn gỗ, đến phơi, sấy, vào khuôn, vào thùng, cắm cần, lắp bàn phím, dán ngựa, rồi lắp lược đàn, xương ngựa, vô trục, ráp dây… Công đoạn nào cũng cần sự tỉ mỉ và phải vận dụng năng lực tối đa của cả ngũ quan để nghe, nhìn, chạm, ngửi… Không có tình yêu thực sự, bạn sẽ chẳng bao giờ tạo ra được những cây đàn tốt nhất.
Những cây đàn vừa qua các công đoạn đầu tiên. Xưởng sản xuất luôn đầy bụi gỗ. Ở đây được lắp rất nhiều quạt hút bụi cỡ lớn nhất nhưng vẫn có thể làm choáng váng những người mới đến lần đầu tiên.
Chưa cần trải qua hết từ công đoạn đầu tiên như chọn gỗ rồi phơi sấy trong nhiều ngày mà chỉ cần tự tay thực hiện những công đoạn cuối, Hến đã hiểu được vì sao một cây đàn có thể được bán với giá vài trăm nghìn đồng cho đến cả trăm triệu đồng.
Không phải là một người thợ thực thụ, ngay cả cách cầm đàn như thế nào để thực hiện một công đoạn, bạn cũng sẽ gặp lúng túng. Bài học đầu tiên: Hãy giữ cây đàn trong tay bằng sự trân quý.
Những dụng cụ không thể thiếu ở công đoạn hoàn thiện đàn.
Lắp trục đàn – tưởng chừng rất đơn giản nhưng hầu như những người mới bắt đầu đều lắp ngược.
Công đoạn lắp xương ngựa đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao vì độ chính xác được tính từng ly. Nếu lắp cao quá, người đánh đàn sẽ bị đau tay. Nếu thấp quá sẽ làm rè phím.
Cho dù có quan sát kỹ lưỡng đến mấy vẫn có thể làm sai như thường khi thực sự bắt tay vào thực hiện từng công đoạn.
Niềm vui giờ đã khác – khi không chỉ đơn giản là được cầm cây đàn trên tay như mọi lần mà Hến đã hiểu được mỗi cây đàn đều có giá trị thực sự như thế nào.
Nickname: Hến
Trưởng phòng Marketing, Công ty SIR Tailor
Địa điểm: Xưởng sản xuất đàn thùng guitar truyền thống Ba Đờn
Bài: Như Thảo
Ảnh: Đại Ngô