Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy: Từ “nước mắt anh Thoại” đến “nụ cười Hạ Long”

Khi người Singapore “biến thua thành thắng”

 

Anh Thoại khóc khi bị lừa tiền mua iPhone

Sự cố mà vị khách mua iPhone 6 ở Singapore gặp phải, về phía chủ quan mà nói, theo tôi là do anh Thoại chưa trang bị đủ kiến thức cần có cho mình khi đến một nơi lạ – kỹ năng thiết yếu đối với một người đi du lịch. Mỗi đất nước bên cạnh danh lam thắng cảnh, lòng mến khách, tục lệ tập quán… thì cũng đồng thời có cả những tiểu xảo, mánh khóe không nằm trên phương diện quốc gia mà ở một số cá nhân không thuộc về mảng sáng. Âu cũng là một tai nạn mà nếu ai đó trong chúng ta gặp phải, cũng có thể ít nhiều mất bình tĩnh. Nhưng liệu có đến mức phải bật khóc hay không thì còn thuộc về cá tính của từng người.

Và vì vậy, tôi không thấy có gì đáng cười nhạo ở đây. Còn nếu như ai đó rảnh, theo kiểu: “nhàn cư vi bất… tiện” thì tôi cho rằng, đó có thể cũng chỉ là một phản ứng tức thì tương tự, trước một chuyện mà họ cho là (cũng) nằm ngoài sức tưởng tượng của họ: Một người đàn ông có thể òa khóc trước mặt bạn gái chỉ vì… một cái Iphone (?!). Phản ứng tức thì, thường thì thật lòng, nhưng khi thiếu đi sự suy xét thấu đáo, nó có thể gây ra một sự tổn thương cho người khác, cũng như cho chính bản thân mình.

Dư luận nói chung, và nhất là ở ta, tôi thấy khá là cảm tính (hẳn vì thế mà cũng khá là dễ đảo chiều?). Nhớ hồi xảy ra chuyện “Trọng Tấn bỏ diễn tại Lào” (cuộc đó tôi cũng có mặt), dư luận (trong đó có truyền thông) lúc đầu khá là nặng lời với Trọng Tấn, nhưng sau đó thấy Tấn “vô tội” lại quay ra bênh chằm chặp và cuối cùng là “huề cả làng”: chả ai sai cả… Chuyện anh Thoại, xem ra, có vẻ cũng tương tự: lúc đầu là cười nhạo, sau đó là nghĩ lại (trước hành động anh ấy dũng cảm từ chối số tiền từ thiện được cộng đồng mạng Singapore quyên góp bằng câu nói khảng khái: “Tôi không muốn nhận lại nhiều hơn những gì mình đã mất” – điều mà không phải ai trong chúng ta cũng làm được…).

Nhưng gây ấn tượng hơn cả, chắc chắn không chỉ với tôi, đấy chính là cách các bạn Singapore “biến thua thành thắng” để cứu lại hình ảnh đất nước du lịch của họ – một phản ứng khá là tức thì nhưng lại được suy xét hết sức kỹ lưỡng. Và muốn hay không muốn, chúng ta cũng vẫn phải thừa nhận  với nhau rằng: Phản ứng của dân chúng (dù không hẳn là đại đa số), ít nhiều, chính là phản ánh trình độ văn hóa, dân trí… của đất nước đó. Bố mẹ tôi đã từng chọn Singapore làm nơi sinh sống trong khá nhiều năm và do đó, đảo quốc Sư tử cũng là một trong những địa chỉ tôi khá là hay lui tới. Vì vậy, khi nghe câu chuyện này, tôi chẳng có gì ngạc nhiên cả. Lẽ đương nhiên, một đất nước văn minh, quy củ, dễ chịu… đến vậy, thì khó có đất cho cái xấu được bám rễ nẩy mầm và cái tốt, vì thế, cũng dễ dàng lan tỏa hơn lên…

Nghệ sĩ Bùi Công Duy

 

“Nụ cười Hạ Long”? Cười thôi, chưa đủ!

Mới cách đây mấy hôm, tôi vừa đọc thấy trên báo một thống kê buồn: Hơn 90% khách du lịch là lần đầu tiên tới Việt Nam, còn số khách quay lại chỉ chiếm có 6% mà thôi. Câu hỏi đặt ra là vì sao?

Tiếp xúc nhiều với bạn bè quốc tế, tôi để ý thấy rằng: Khách du lịch đến Việt Nam thường thuộc về hai thái cực, cho thấy một sự mất cân bằng đáng lo ngại: hoặc là quá yêu mến Việt Nam, hoặc là quá thất vọng về Việt Nam. Với nhóm đối tượng thứ nhất, thì bất luận Việt Nam thế nào, họ cũng vẫn thấy Việt Nam đẹp. Đẹp ngay trong chính sự lộn xộn, bề bộn của nó, nhất là dưới con mắt nghệ sỹ. Như một đồng nghiệp người Đức từng nói với tôi rằng: Càng ở một nơi quy củ, chính xác đến từng giờ, từng phút theo kiểu “rô bốt hóa”, họ càng dễ bị Việt Nam quyến rũ. Vì theo họ, có lộn xộn, có “trái ngang” như thế (khoảnh khắc một gánh hàng rong hay một người ăn xin lướt qua bên cạnh chiếc Rolls-Royce, chẳng hạn) thì mới chính là cuộc sống – như chính lẽ sinh tồn từ bao lâu trên Trái đất…

Còn những người thất vọng về Việt Nam, tôi đồ rằng, đó thường là những người trẻ quen tiện nghi, nhịp sống công nghiệp… nên cái họ phàn nàn nhất khi đến du lịch ở ta chính là chất lượng dịch vụ. Riêng với khách châu Âu – vốn là đối tượng mà theo như tôi biết là khó tính số 1, và điều mà họ quan tâm hơn cả là ý thức bảo tồn di sản, môi trường (văn hóa cũng như sinh thái)… thì tôi cho rằng, đó hẳn là nỗi thất vọng lớn nhất của họ về Việt Nam.


Hình ảnh của 9 vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khum tay thành hình trái tim trong chiến dịch
“Nụ cười Hạ Long”

Vừa qua, có một ý tưởng “kích cầu” du lịch, tôi thấy cũng hay, đấy là “Nụ cười Hạ Long”. Quả vậy, nụ cười gần như là ấn tượng đầu tiên của du khách khi đặt chân tới một đất nước hay một vùng đất lạ, và vì thế, không nên bỏ lỡ cơ hội gây thiện cảm này. Tuy nhiên, đừng quên, đó chỉ là thiện cảm ban đầu mà thôi. Và cũng chưa hẳn là ban đầu. Vì còn cần gây thiện cảm ngay từ khi khách còn chưa kịp hạ cánh xuống mặt đất kia: nụ cười mến khách, cung cách phục vụ của tiếp viên, phi hành đoàn trên máy bay, những món ăn, những tờ rơi chỉ dẫn du lịch…

Xin đừng nhìn đâu xa mà hãy nhìn vào Hội An thôi đã! Hãy tự hỏi vì sao ngay cả khách nội địa cũng vẫn muốn quay lại Hội An; còn nhiều nơi khác, cảnh còn đẹp hơn thế, trữ lượng văn hóa còn dồi dào hơn thế, thì không? Câu trả lời phổ biến thường là: Sự mến khách, thật thà của người dân phố cổ trong cách sống chậm, không chộp giật của họ. “Công thức” thì rõ rành rành như thế, nhưng chẳng dễ gì “nhân bản”. Bởi lẽ, để có được một “đặc sản tinh thần” như thế, đòi hỏi phải có một “nụ cười Hạ Long” xuyên suốt từ trên xuống dưới, mọi nơi mọi lúc, bài bản mà không giả tạo…

Từ “nước mắt anh Thoại” đến “nụ cười Hạ Long” vì thế còn là một hành trình dài để chúng ta học cách làm du lịch…

Nghệ sỹ violin Bùi Công Duy
logo

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.


From the same category