Hồi học trường điện ảnh liên bang Xô Viết VGIK, chị sống chung phòng với cô sinh viên khoa diễn viên Trung Á tên An-tư-nai mà chị rất yêu mến. Yêu mến vì tính cách em dễ mến, giọng nói em dễ nghe, dáng vấp em dễ thương. Sàn sàn tướng nhau nên chị hay tặng em những trang phục em thích, may giúp em những thứ em nhờ cậy… Tóm lại là thân thiết. Chị thường đến lớp diễn viên xem An-tư-nai diễn. Em diễn rất tuyệt nhưng do quá nhỏ con nên không có nhiều vai, càng hiếm các vai chính. Mỗi lần nhìn em bên trên hay bên dưới sân khấu chị cứ cám cảnh băn khoăn không biết tương lai nào cho em ở cái nước cộng hòa xa xôi, mỗi năm sản xuất chỉ vài phim?
Học bổng ít, An-tư-nai thường tự nấu ăn cho đỡ tốn. Một lần ở trường về chị thấy em vừa hát vừa lom khom xắt khoai tây rất đáng yêu. Thay lời chào chị âu yếm phát mông em. Đang vui, An-tư-nai bỗng ôm mặt khóc. Chị hốt hoảng cái gì vậy, em sao vậy. Và bủn rủn chân tay khi biết ra ở xứ em con gái bị vỗ mông là điềm bất hạnh cả cuộc đời (?). Ôi, cái tương lai băn khoăn của chị về em như vậy là phải… đúng, sau cái vỗ mông yêu thương! Em không trách chị, nhưng mắt em buồn thăm thẳm…
An-tư-nai tốt nghiệp trước chị một năm, với vai trẻ con trong vở kịch khá lớn của lớp dù đã hai mươi bốn tuổi. Ngày chia tay em ôm chị, nói qua tiếng nấc: “Tao thương mày lắm, nhưng mà…”. Rồi em đi, cùng với chữ nhưng thăm thẳm. Nghe nói rốt cuộc em phải nhận việc ở đài phát thanh, vì sân khấu, điện ảnh xứ thảo nguyên quá ít vai cho em. Cú phát mông của chị coi như đã “linh ứng” tắp lự! Ba mươi năm đã trôi qua, nhưng cái tên An-tư-nai và những cái dáng khom khom giông giống em cứ làm chị giật thót. Ba mươi năm chị không phát mông ai nữa, kể cả con mình…
Hồi mới “theo chàng” qua Pháp, mỗi lần về nước chị đều chịu khó mang quà cho đồng nghiệp, chịu khó chọn mua những thứ lạ, khiêm tốn nhưng thích hợp với từng người… Một lần nhìn thấy miếng lót bên trong giày có thể ăn gian chiều cao thêm một chút, chị mừng húm, mua cho mình hai cặp và cho anh hai cặp. Anh thấp đậm, cùng nghề với chị, từ miền ngoài mới chuyển vô Nam. Vào cơ quan, đang hí hửng huyên thuyên món quà “trúng khía”, chị lập tức biết mình thậm… ngu khi nhận ra nụ cười tổn thương, bất mãn của anh. Nhưng đã muộn, quà đã trao, lời xin lỗi càng không thể nói!
Nhà văn Nguyên Ngọc có một bút ký hay mà ông gọi là “câu chuyện cay đắng về hạnh phúc”. Cay đắng bởi nó xảy ra ở nơi ông yêu thương, gắn bó hơn nửa đời người. Chuyện là mười bảy năm trước ông có dịp cùng đạo diễn X. làm một phim về Tây Nguyên. Sau mấy chuyến tham quan, ông đạo diễn quyết định không sử dụng diễn viên chuyên nghiệp cho các vai chính, mà chọn dân sở tại. Lặn lội khắp cao nguyên, cuối cùng họ cũng tuyển được hai kiều nữ Ba Na. Em mười bảy “rực rỡ đến chói chang”, chị mười chín “đằm thắm, đậm đà”.
Hai chị em Ba Na đi cùng đoàn phim hơn bốn tháng. Phim xong, chia tay, những người chuyên nghiệp đã quen nhưng hai sơn nữ thì chao dao, chới với. Nghĩ đến cảnh các cô trở về làng, và chắc chắn chỉ vài năm lại lếch thếch lôi thôi con cái, nhà văn bỗng tự hỏi: Tại sao không, cuộc đổi đời? Bằng thiện chí trong sáng, nhà văn giới thiệu hai cô làm việc trong một nhà khách cấp tỉnh – nơi vợ chồng bạn ông phụ trách. Rất nhiệt tình ủng hộ, các bạn ông thậm chí còn trù tính các bước tương lai xa hơn, vững vàng hơn cho cả hai chị em.
Xếp đặt xong xuôi, nhà văn trở về Hà Nội, đinh ninh đã làm một việc “đúng lương tâm”, “đúng tâm huyết lâu dài vẫn ấp ủ với vùng đất đã thành ruột thịt”. Qua một thời gian, nhà văn bàng hoàng nhận tin hai cô đã đi khỏi nhà khách. Đi đâu? Em theo một đoàn ca nhạc dưới vùng biển lên biểu diễn. Chị cũng bỏ về luôn, nghe nói đi theo tay buôn gỗ quê tận miền Tây… Hai năm sau các cô trở về làng. Chị về trước với cái bụng chửa của tay buôn gỗ đã có vợ. Một năm sau, em về, mang theo đứa con không cha. Nhà văn cay đắng nhận ra một sự thật, rằng cả hai chị em, trầm lắng hay cháy bỏng, chẳng ai thoát được hậu quả cuộc toan tính hạnh phúc đầy thiện chí của ông và các bạn. Rằng “Cuộc sống dữ dằn đã dứt họ ra khỏi mưu sự đầy tham vọng mà ngây thơ đến tệ hại của chúng tôi. Của tôi. Và đập nát cuộc đời họ”. Nhà văn nói mình không quá đáng khi dùng chữ đập nát.
Nguyên Ngọc kể sau đó ông có trở lại thăm họ. Cô chị đau ốm liên miên, xác xơ. Cậu con trai không cha nay đã là một thiếu niên khôi ngô, nhưng chỉ học xong cấp một rồi nhất định ở nhà làm rẫy nuôi mẹ. Cô em sau… ba đời chồng, bốn mặt con không cha, cuối cùng lấy một anh Ba Na, có vẻ yên ổn hơn, nhưng cả hai đều thất nghiệp. Cuối bài ký, một lần nữa nhà văn lại kêu lên xót xa về “cuộc thử nghiệm hay ho của tôi về hạnh phúc”. Rằng hóa ra với tình yêu chân thành và mưu tính mang tới cho tha nhân những điều tốt đẹp, đôi khi, rất có thể ta đang phá nát cuộc đời họ.