Bệnh virus Ebola, còn gọi là sốt xuất huyết Ebola, xuất hiện đầu tiên vào năm 1976 tại một ngôi làng cạnh sông Ebola thuộc Congo, Châu Phi. Từ đó, tên “cúng cơm” của Ebola lấy từ địa danh này. Trải qua nhiều đợt dịch nhỏ, Ebola lan dần sang một số quốc gia Châu Phi, đến nay bùng phát mạnh ở một số nước Tây Phi (Guinea, Liberia, Nigeria, Sierra Leone) và được cho là có nguy cơ lớn sẽ vượt sang các châu lục khác.
Thảm cảnh hơn cả bệnh AIDS
Nguồn gốc của loại virus đáng sợ này hiện chưa rõ ràng. Nghi phạm số một là loài dơi ăn quả Pteropodidae và một số động vật đặc hữu Châu Phi: khỉ đột, tinh tinh, linh dương, vượn… Virus Ebola lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết mang mầm bệnh. Tại Châu Phi, lây nhiễm phổ biến là do người bệnh sờ, chạm, tiếp xúc vào những con vật trung gian truyền bệnh. Virus này lây từ người sang người cũng qua tiếp xúc cận kề từ máu và các chất dịch cơ thể khác như: dịch nôn, phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch. Do vậy, đối tượng có nguy cơ cao là những người kề cận nguồn lây, bao gồm: nhân viên y tế, người thân, người chăm sóc, người tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người chết do bệnh (từ đây xuất hiện thêm những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh là người tẩm liệm, nhân viên nhà đòn, người dự đám tang). Đây là lý do kinh hoàng khiến các thi thể bị vứt đầy đường ở Tây Phi vì mọi người sợ chạm vào người chết vì Ebola. Đến cả người bệnh AIDS cũng chưa phải rơi vào thảm cảnh như vậy.
Hạn chế thương mại và du lịch đến vùng dịch bệnh
Người nhiễm Ebola có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày. Các triệu chứng khởi đầu là sốt, đau cơ, nhức đầu và đau cổ họng (gần giống cúm); sau đó là ói mửa, tiêu chảy, phát ban, suy gan, thận và một số trường hợp xuất huyết nội lẫn ngoại nặng (chảy máu mắt, tai, mũi, miệng, trực tràng). Bệnh nhân lây cho người khác khi bắt đầu có triệu chứng, không lây trong thời gian ủ bệnh (chưa có triệu chứng) – khác với một số bệnh do virus. Hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc đặc trị virus Ebola. Một số vắc-xin đang được thử nghiệm nhưng chưa có loại nào thật sự hiệu quả. Dù nguy cơ lan bệnh với khách du lịch không cao nhưng Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo hạn chế thương mại và du lịch tới những vùng dịch bệnh đang bùng phát. Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng lui tới của loài dơi ăn quả Pteropodidae – nghi phạm số một của bệnh virus Ebola.
Phòng tránh bằng cách nào?
Cũng như các loại dịch bệnh chưa có thuốc chữa, cách phòng tránh Ebola đến giờ vẫn là trông chờ vào khả năng tự vệ và vệ sinh cá nhân.
– Rửa tay bằng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn (cồn 70 độ, hóa chất sát trùng thông dụng…).
– Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh.
– Không cầm, nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh (đồ dùng cá nhân, quần áo, tay nắm cửa nhà vệ sinh, tay gạt bồn vệ sinh…).
– Nếu đang ở vùng dịch mà xuất hiện các triệu chứng bệnh (như đã nêu trên), cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời.
Vì sao Ebola là nỗi ám ảnh?
Trên đây là những “phác thảo” chính về Ebola. Rõ ràng, nó không quá đặc biệt so với những dịch bệnh trước đây nhưng lại gây ra làn sóng hoang mang quá lớn. Lý do có thể từ những nguyên nhân sau:
– Đến nay vẫn chưa có vắc-xin lẫn thuốc đặc trị bệnh này.
– Tỷ lệ tử vong quá cao.
– Hình ảnh “bề ngoài” kinh sợ của bệnh nhân lan truyền trên hệ thống truyền thông gây kinh hoàng.
– Nổ ra tại vùng Tây Phi nghèo khó, bất ổn chính trị với hệ thống y tế, mức sống, dân trí kém khiến dịch bệnh lan nhanh và xảy ra những cảnh thương tâm như vứt xác ra đường…
– Nguồn lây khá “phong phú”, từ nước bọt đến tinh dịch nên việc lây nhiễm gần như khó tránh từ cú chạm vào người bệnh.
– Bệnh vẫn có thể lây khi người bệnh đã được chữa khỏi sau một thời gian.
Tuy nhiên, cũng có vài điểm “may” là Ebola không lây qua không khí (đường lây tốc độ nhất của dịch bệnh) và chỉ lây khi người bệnh có triệu chứng (Nếu lây ngay từ giai đoạn ủ bệnh, chưa có triệu chứng, sẽ không biết đâu mà lần và còn đáng sợ hơn rất nhiều).
Dịch bệnh có thể dự phòng và kiểm soát
Không bàn cãi đây là một dịch bệnh rất nguy hiểm, đòi hỏi sự cố gắng phòng chống cao từ tầm toàn cầu, quốc gia cho đến mỗi cá nhân. Tuy vậy, dù sao đây là loại virus đã được nhận diện (xuất hiện cách đây hàng chục năm) nên y học phần nào đã “nắm thóp” được chúng. Do đó, đây là dịch bệnh có thể dự phòng và kiểm soát.
Đường lây tuy nhạy nhưng chỉ qua tiếp xúc trực tiếp nên được xem là “điểm sáng” giúp chúng ta tỉnh táo đối phó.
Hoang mang, hoảng loạn thái quá đôi khi làm hại chính chúng ta vì sẽ dễ sa đà vào những biện pháp phòng tránh “không thực chất”, “cẩn trọng” thái quá sinh căng thẳng, mệt mỏi (căng thẳng, mệt mỏi kéo dài đến một lúc đâm ra buông tay, lơ là). Rửa tay bằng xà phòng vẫn là biện pháp phòng tránh “bách bệnh”. Chỉ thực hiện thật tốt việc này đã là cách hạn chế dịch bệnh hữu hiệu.
Bài: Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn