Trẻ em và hào quang showbiz là chủ đề đang nóng trên mọi “mặt trận” từ truyền thông đại chúng đến những bữa cơm gia đình. Chuyên mục “Sao làm báo” lần này sẽ là những chia sẻ rất thật của ca sĩ Hiền Thục – trên vai trò của một người mẹ và tư cách của một người ăn cơm showbiz từ bé – về vấn đề này.
Hào quang sân khấu có một ma lực riêng mà ai cũng thích. Không phải tới bây giờ, các bậc phụ huynh mới mê ánh hào quang sân khấu như vậy. Ngay cả thời điểm khi Thục còn là cô bé con 8-9 tuổi của hai mươi mấy năm trước, mỗi lần Thục được lên tivi là cả một niềm hãnh diện của bố mẹ.
Thời nào cũng vậy, trong mắt cha mẹ, con mình cũng là xinh nhất, giỏi nhất. Ngày Thục còn nhỏ, bố mẹ Thục cũng mê con tít thò lò. Khác chăng ngày ấy, tin tức trên báo đài chưa bùng nổ như bây giờ, có lẽ vì thế mà ít thấy sự so sánh, sự ganh đua của các bậc phu huynh về con cái. Giờ đây, lại là mẹ của một cô con gái ở độ tuổi đến trường, nên Thục càng hiểu tâm lý của các bố các mẹ: ai chẳng muốn con mình trở thành một người tài giỏi, được nhiều người yêu quý.
Ca sĩ Hiền Thục làm giám khảo The Voice Kids mùa đầu tiên
Gần đây, các game show dành cho trẻ em đã phát hiện ra nhiều tài năng nhỏ tuổi. Tuy nhiên, lại gây ra nhiều tranh cãi rằng, cuộc thi của trẻ em nhưng lại là tham vọng của người lớn, của nhà sản xuất, của “lò luyện”…
Trước tiên, chúng ta phải hiểu rằng, khi tham gia bất kỳ một game show nào, đứa trẻ đó phải thích, phải muốn mới được, chứ không phải con không thích mà bố mẹ có thể đẩy con vô.
Con đường nghệ thuật vô cùng chông gai. Nếu như thời Hiền Thục còn bé, tham gia văn nghệ chủ yếu chỉ để giải trí thì lúc này, trẻ em đi hát còn phải gánh trên vai nhiều áp lực, ngoài đi thi giành giải, để thỏa mãn sự hãnh diện của bố mẹ còn đối diện với áp lực truyền thông, dư luận cả yêu lẫn ghét… Nếu thế, thì thật tội nghiệp cho đứa trẻ đó.
Bản thân Thục không khuyến khích con gái đi theo con đường nghệ thuật. Con đường này quá khó khăn, phàm cái gì khó khăn, mình không nỡ để con gặp phải. Nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng nghĩ như Thục, đó cũng là chuyện bình thường. Vậy thì hãy nghĩ theo cách tích cực hơn.
Chúng tôi rất thương con trẻ khi phải đứng trước thử thách quá lớn như thế. Chưa kể, các em còn có thể phải hứng chịu cả búa rìu dư luận như những người lớn…
Có lo lắng là hiện nay có quá nhiều cuộc thi dành cho trẻ em và những đứa trẻ tham gia sẽ phải nếm trải sự ganh đua, tỵ hiềm quá sớm. Thục thì nhìn thấy nhiều hơn những điều tiêu cực. Đã thi thì tất nhiên là có sự ganh đua, nhưng nếu sự ganh đua đó là động lực khiến trẻ muốn vươn lên, làm tốt hơn, hay hơn, giỏi hơn, thì cũng tốt chứ sao! Phải có cạnh tranh, mới có phát triển, không cứ gì người lớn hay trẻ con.
Phải xác định trước rằng đâu phải ai cũng có thể đi theo nghệ thuật đến cùng, các bé phải thật giỏi, phải thật tài năng và bản lĩnh mới tồn tại được. Thế nên, nếu lo con mình khổ và sợ mình sẽ mất thời gian thì tốt nhất đừng cho con đi thi. Còn một khi đã chấp nhận tham gia cuộc thi rồi thì Thục tin các bậc cha mẹ cũng đã chuẩn bị tâm lý, phải chấp nhận có sự ganh đua, chứ không thể giữa chừng, thương con vất vả rồi nhờ báo đài lên tiếng. Trước khi thi, bố mẹ hãy cùng ngồi lại với con để xác định: Con đi thi phải cố gắng, phải nỗ lực, nếu cảm thấy quá sức thì thôi đừng đi thi nữa và nếu thi rớt cũng không có buồn. Hãy coi đó là một cuộc vui.
Hiền Thục và các thí sinh nhí của The Voice Kids mùa đầu
Giám khảo của các em cũng là những nghệ sĩ – những người rất tình cảm, nhạy cảm, nên họ rất buồn, rất day dứt khi chọn một em và phải loại những em khác. Nhưng các bậc phụ huynh cần phải hiểu và chuẩn bị tâm lý cho con mình: đã gọi là cuộc thi thì phải có người đứng đầu.
Chúng tôi rất thương con trẻ khi phải đứng trước thử thách quá lớn như thế. Chưa kể, các em còn có thể phải hứng chịu cả búa rìu dư luận như những người lớn. Hay cũng nói được, dở cũng nói được.
Chông gai và khó khăn như thế, nên Thục không cổ vũ con mình đi thi. Bé nhà Thục rất có thiên hướng nghệ thuật, thích đánh đàn, vẽ art rất tốt nhưng không phải thuộc dạng để “show” và đi diễn như mẹ. Nhưng Thục cũng sẽ không cấm nếu con muốn và thực sự có khả năng. Nghề này, một khi đã đam mê thì khó thoát lắm. Cứ từ mình suy ra thì biết, kiểu gì cũng thành ca sĩ vì nghề chọn người mà.
Tuy nhiên, nếu con gái đi thi, Thục cũng sẽ quán triệt với con rằng: Con thích đi thi, mẹ sẽ cho con đi thi cho vui, được tới đâu hay tới đó. Đi thi, con sẽ gặp những khó khăn thế này, vất vả thế kia, phải nỗ lực ra sao, nếu thành công thì không nói, nhưng nếu thất bại con cũng đừng có buồn, con hãy coi đó là một cuộc vui chơi, con xem con có làm được không? Nếu con làm được thì hãy tham gia, còn làm được nửa chừng thì đừng nên làm. Không nên cho con ảo tưởng rằng, con giỏi đó, con phải đi thi để giành giải nọ, giải kia…
Cũng may, con gái Thục đã lớn và sắp thành thiếu nữ, nghe mẹ nói, con sẽ hiểu. Còn các bé nhỏ hơn, chưa thể hiểu được những sự phức tạp đó nên càng cần đến sự sáng suốt của cha mẹ. Không phải cái gì con người khác làm được, hay mình từng làm được, thì con mình cũng phải làm được. Con mình đang là búp măng mà, sao phải bắt nó chịu nhiều gió mưa sớm như vậy? Nên tốt nhất là giúp con có được một môi trường giáo dục tốt nhất trong khả năng có thể để con dần sớm hình thành khả năng nhận thức và đỡ chếnh choáng hơn trong những bước đi chập chững đầu đời…
Ca sĩ Hiền Thục
(Giám khảo The Voice Kids mùa đầu)
Ảnh: Hiền Thục Facebook’s
Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “
Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook,
“trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?
Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.
>>Xem thêm: “Nhật ký của mẹ” và bí mật chưa từng kể