– Sống ở cuộc sống này, chúng tôi luôn có những khoảng thời gian nhất định để chiêm nghiệm về những kinh nghiệm mình có được ở đời sống. Và như thế thì cay đắng. Ví dụ như hồi bé chúng tôi ăn kẹo, rồi có kẻ nào đó cướp đi, thế là đủ để cay đắng rồi.
Ban nhạc Ngọt
Còn bây giờ, ví dụ người ta thường nói: Tiền không quan trọng, tiền là một vấn đề mình nên bỏ sang một bên; tình yêu, tình cảm mới quan trọng. Chúng tôi nói: Tiền mới là thứ quan trọng. Những người nói tiền không quan trọng làm chúng tôi cảm thấy cay đắng. Vì chúng tôi không có tiền. Chúng tôi cảm thấy việc không có tiền cản trở chúng tôi rất nhiều. Tiền không mua được tất cả mọi thứ, nhưng mua được rất nhiều thứ.
Khi chúng tôi bắt đầu nhận thức ra được những ẩn ức khác nhau của xã hội – những con người bình thường phải chịu những gì, họ gặp phải những vấn đề gì… thì sẽ có những trò đùa cay đắng. Cay đắng, nhưng hài hước. Một câu chúng tôi nói nghe buồn cười, nhưng chứa sự bực bội của chúng tôi với xã hội, sự cay đắng được tạo thành một trò cười, một trò giải trí, để người khác cười cùng mình.
– Các bạn có nghĩ các bạn hiểu rõ từ cay đắng không?
– Ý tôi là tôi cảm thấy trong cay đắng có hàm chứa sự bất lực. Tôi cảm thấy nó không phù hợp với tuổi trẻ. Tuổi trẻ là tuổi của hành động chẳng hạn. Ví dụ như nếu các bạn cảm thấy một sự bất mãn, một sự bực bội, một sự mất mát nào đó, các bạn có thể hành động để thay đổi điều đó, thay vì cảm thấy cay đắng.
– Cay đắng đôi khi không phải là sự bất lực. Cay đắng là điểm xuất phát để có sự bực bội, để hành động, nếu không có cay đắng ban đầu thì con người không có gì để chiến đấu lại. Nếu chúng ta không day dứt thì không bao giờ hành động để thay đổi sự cay đắng mà xã hội mang lại cho mình.
– Nếu không đại diện cho cả ban nhạc thì chúng tôi đã không chơi chung. Chúng tôi thấy đồng ý với nhau mà chẳng cần nói ra quan điểm.
Chúng tôi là những đứa trẻ lớn lên trong cùng một khu phố, học cùng lớp, lớn lên trong cùng một kiểu xã hội, trải qua những bất trắc cùng với nhau, thậm chí đó là những bất trắc y hệt như nhau. Và cả ban nhạc cùng chia sẻ cảm giác cay đắng với nhau.
Nhưng điều hay nhất, tuyệt vời nhất, dễ chịu nhất là biến sự cay đắng thành hài hước, và sau đó kể cho mọi người nghe. Thế nên người ta nghe nhạc Ngọt không thấy ghét bỏ, mà thấy dễ chịu trong lòng. Đôi khi họ không hiểu, đôi khi họ hiểu rất sâu.
Tất nhiên có một số người sống khác tầng lớp của Ngọt, họ không đồng cảm với những vấn đề mà chúng tôi đã trải qua, nhưng đó là lúc mà cái hay của âm nhạc bước vào. Nội dung bài hát không hay với người này người kia, nhưng cảm xúc vẫn lắng đọng, không cần phải hiểu.
– Tức là các bạn tự tin rằng cảm xúc đủ sâu để nhạc của Ngọt chinh phục được khán giả?
– Chúng tôi không tự tin vào khả năng của Ngọt, mà tự tin vào khả năng của con người. Con người, khi họ nghe, họ cảm nhận một bộ phim, một bài hát, đôi khi họ nói không hiểu, nhưng thực ra họ hiểu hơn những gì họ nghĩ, vì trong con người luôn có khả năng nhận biết. Ai cũng có món quà về trực giác. Họ cảm nhận được bài hát khi nó trôi vào tai họ ngay từ lần đầu tiên, và tới lần thứ hai, thứ ba, những cảm giác này càng trở nên rõ ràng hơn.
Thậm chí cảm xúc mới cũng là sự sáng tạo trong đầu óc người nghe. Nhưng nhạc của Ngọt ai cũng thích thì chán lắm, không ai ghét thì cũng chả ai thích.
– Ẩn ức này được giải quyết xong thì lại chuyển qua ẩn ức khác, vì trong cuộc đời này, chúng tôi yêu nhiều thứ, và cũng ghét nhiều thứ. Cả yêu và ghét chúng tôi đều viết thành nhạc.
Cách thức viết nhạc của chúng tôi là chọn một chủ đề, rồi tìm một cảm xúc mãnh liệt, dù tiêu cực hay tích cực, để viết.
– Quan điểm làm nghệ thuật của mỗi người khác nhau, có người cho rằng không nên gieo cảm xúc tiêu cực cho khán giả. Còn Ngọt thì sao?
– Tôi không nghĩ có bài hát nào của Ngọt hoàn toàn tiêu cực. Ví dụ bài “Quan điểm”, nó là một thứ trung gian, nó không nghiêng về bên nào. Nó là sự trộn lẫn, giống như chocolate, vừa đắng vừa ngọt. Về thang tiêu cực và tích cực, nhìn thì tưởng ở hai đầu khác nhau, nhưng nhạc của Ngọt có cả hai.
Đó là lý do vì sao nhạc của Ngọt thu hút, nó nhìn mọi chuyện theo nhiều cách khác nhau, nó không bị một chiều.
– Chúng tôi chẳng tính toán gì cả. Chúng tôi có trực giác của người viết nhạc, không cần phải tìm cách gì, tất cả đều tự nhiên để nhìn thấy vấn đề, tóm được vấn đề, không cần tìm kiếm ở bên ngoài. Chúng tôi tìm kiếm ở bên trong mình.
Đôi khi cái trực giác ấy nó sai, nhưng chúng tôi vẫn viết nhạc về nó, vì chúng tôi không quan trọng sai đúng, quan trọng là mình tin vào nó. Đó là một thứ ngôn ngữ tự nhiên.
– Chúng tôi vẫn nhạy cảm lắm, vẫn cay đắng, bực mình với những thứ nhỏ nhất, nhưng chúng tôi tìm được cách để đối phó hiệu quả hơn. Bất kể mạnh lên hay yếu đi, cảm nhận vẫn là của chúng tôi. Bây giờ bạn không thấy đau, nhưng hồi đó bạn thấy đau, và nỗi đau là thật. Quan trọng không phải là hiện tại, tương lai hay quá khứ. Quá khứ là nền tảng của tương lai, nó không sai, và chủ quan của mỗi người đối với người đó không sai.
– Tôi thấy nhạc của các bạn nhiều hy vọng lắm, không cay đắng đâu. Các bạn có đang… “tỏ ra nguy hiểm” không?
– Chúng tôi “nguy hiểm” một cách chân thành. Nếu làm âm nhạc mà sợ người khác hiểu nhầm con người cá nhân của mình thì thất bại về mặt thể hiện rồi. Tốt nhất là cứ thế nào thì tỏ ra thế ấy. Chúng tôi không làm quá.
Nếu âm nhạc không đến từ sự tự nhiên thì nó sẽ là: Hà Nội ơi, Hà Nội ơi… (hát to lên) vì đám đông nhiều người yêu Hà Nội phết. Đấy là kiểu không tự tin đấy. Còn chúng tôi tự tin, nên chúng tôi nói cái riêng của mình.
Chúng tôi tự tin vào quan điểm, vào âm nhạc của mình.
– Xin cảm ơn Ngọt!
Bài: Đinh Phương Linh
Ảnh: Nhân vật cung cấp
>>> Có thể bạn quan tâm: Nom Trọng Tấn chẳng có vẻ gì là một người đàn ông thành đạt: gương mặt dường như vẫn còn vương một chút chân quê, ăn vận giản dị, mà như Tấn nói là “gần như chả liên quan chút gì đến hàng hiệu”… Nhưng chỗ Tấn ngồi tiếp chuyện tôi (cái phòng khách rộng thênh thênh nhìn ra cái giếng trời đầy cây xanh và nắng) lại cho biết rằng, ít nhất, vợ con anh đã được “ấm thân” đến mức nào nhờ giọng hát trời cho ấy. Vậy mà đã là lúc Tấn dợm nhắc đến hai chữ “giải nghệ”, nhẹ như không…