Trước đây tôi cứ nghĩ bọn nhóc tì chán chường đơn giản là vì chẳng nghĩ ra được trò gì để chơi. Thế nên tôi thường gợi ý: “Con tô màu đi”, “Lấy lego ra mà xếp”, hay “Xem 1001 con chó đốm nhé”… Nhưng tất cả đều vô ích. Chúng chẳng quan tâm đến mấy món vốn là “khoái khẩu” đối với chúng. Từng đọc ở đâu đó rằng thực ra buồn cũng là một cảm xúc hữu ích, nên tôi đã mặc kệ các vụ “bán than” của lũ nhỏ.
Thời gian trôi đi, đứa con lớn của tôi rồi cũng qua cái giai đoạn kêu ca buồn chán. Hẳn là với thói hiếu kỳ và óc sáng tạo bất tận, nó đã tự tìm được nhiều cách để khỏa lấp những cơn buồn chán vô cớ. Thi thoảng nó vẫn ghé vào phòng bố nhưng thường là để hỏi những câu đại loại như: “Lỗ đen là gì?”, “Chính phủ khác quốc hội như thế nào?” hay “Kỹ thuật số nghĩa là sao?”.
Sau khi vợ chồng tôi sinh đứa thứ hai, tôi đọc nhiều tài liệu về tâm lý trẻ con hơn và nhờ đó hiểu được những điều mà trước đây tôi chỉ cảm nhận được bằng trực giác chứ không rõ bản chất. Và tôi đã khám phá được cái “ẩn ức” phía sau lời ca thán “Bố ơi, con buồn chán” sau khi nghe các bài giảng từ xa của tiến sĩ tâm lý Gordon Neufel. Giờ thì tôi thậm chí còn thấy vui khi bé Xíu ghé vào phòng mình với lời tuyên bố: “Bố ơi con buồn chán…”.
Tôi nhìn vào mắt con và hỏi: “Con buồn thật hả?” Con bé gật đầu. Tôi vỗ vào đầu gối mình và bảo: “Ngồi lên đây nào!”. Bé Xíu có vẻ miễn cưỡng lại gần và leo lên đầu gối tôi. Nhưng chỉ sau một phút yên vị thì như có cái gì đó thay đổi nơi con bé. Tôi cảm thấy cơ thể nhỏ bé của nó giãn ra trên đầu gối mình. Rõ ràng là nó có vẻ thoải mái hơn. Nó ngồi đó ngoan ngoãn xem tôi lướt facebook và thi thoảng hỏi vài câu linh tinh. Tay phải tôi vẫn tiếp tục “like”, “comment”, trong khi tay trái vẫn ôm con gái rượu đang ngồi ngoan trong lòng. Sau vài phút dường như một sức mạnh vô hình đã trở lại với con bé. Nó mỉm cười tươi rói bảo: “Con đã nghĩ ra nên làm gì rồi!” và tụt xuống chạy ra khỏi phòng.
Nỗi buồn của trẻ con thường chẳng liên quan gì đến chuyện chúng thiếu chuyện để làm hay một trò gì thú vị để giải khuây. Nguồn cơn buồn chán của chúng thực ra xuất phát từ cảm giác “đuối sức” do thiếu mối gắn kết với xung quanh. Chính vì cảm thấy thiếu vắng tình cảm yêu thương quyến luyến của với người thân, trẻ thấy bất an và bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi vô hình. Câu “Con buồn chán” thực ra cần được hiểu là: Con thấy mình bất lực, con không làm nổi việc gì cả. Con cần “tiếp sức” bằng vòng tay ôm ấp, sự âu yếm hay đơn giản là có ai đó thân thiết cùng con trò chuyện. Khi nhu cầu của trẻ về tình cảm được thỏa mãn, năng lượng dự trữ bên trong chúng sẽ trỗi dậy và trẻ sẽ cảm thấy mình tràn đầy sức mạnh để làm được nhiều điều.
Bài: Bình Minh Mưa
Xem thêm: Dạy con biết chấp nhận sự thật