Bí quyết nuôi sinh đôi

Nuôi các bé sinh đôi sẽ giảm bớt vất vả nếu bạn thử giống tôi “giắt lưng” một số kinh nghiệm.

Cùng một lúc nuôi hai đứa bé giống nhau, cùng ăn cùng ị… sẽ gây rất nhiều chuyện dở khóc dở cười. Ở nhà tôi, bà ngoại thì già, cộng với việc trí nhớ của tôi có phần sụt giảm sau khi sinh. Chuyện hài hước đầu tiên là do tính đãng trí của bà ngoại, vừa cho Bun ăn xong, một tiếng sau lại cho Bun ăn tiếp vì cứ nghĩ lúc trước là Beo ăn. Một chàng đang no kềnh bụng mà bà cứ ép mặc cho Bun khóc như mưa, trong khi em Beo cũng đang khóc như lụt vì đói.

Nghiêm trọng hơn nữa là vụ ị, không thể nhớ nổi đứa nào đã hoàn thành nhiệm vụ “đầu ra”, đứa nào chưa. Nên lại có cảnh mẹ và bà thi nhau xi cháu ị, còn cháu cũng mặt đỏ tía tai vì cháu vừa mới “giải quyết” xong mà mẹ và bà đãng trí không nhớ.

Cảnh rối như canh hẹ là “chuyện thường ngày ở huyện”  trong nhà tôi.

Chính từ những câu chuyện cười ra nước mắt đó nên tôi đã phát kiến ra cuốn sổ ghi chép với cái tên mỹ miều: “Nhật ký tình yêu”, nhưng thực chất chỉ là “NHẬT KÝ ĂN Ị CỦA BUN BEO”, trong đó ghi chi tiết hàng ngày Bun Beo ăn ị như thế  nào, ngày biết nói chuyện, biết ngóc đầu, biết lật… Cuốn sổ này giúp cho tôi giảm tần suất nhầm lẫn, đồng thời nó sẽ trở thành kỷ vật sẽ theo các con sau này.

 

Mặc dù Bun Beo ấy nối chung một cuống rốn, cùng chung một nguồn dinh dưỡng và chen chúc nhau một thời gian dài trong cái bụng chật hẹp của mẹ, nhưng chúng hoàn toàn không phải hai giọt nước. Vì sinh trước mấy phút nên Bun được gọi là anh. Nhưng đúng là anh ấy xứng đáng được gọi là anh vì đầu têu nghịch phá. Suốt ngày anh ấy chỉ đạo: Beo ơi, làm thế này đi; Beo ơi, làm thế kia. Thằng em châm chạp mắt mũi lại kém nên toàn bị thằng anh “chơi đểu”

Thằng anh phân vai thế này: Beo giả vờ làm con cá, Bun câu lên rồi đánh chết để ăn thịt. Thế là thằng em nằm im như chết để cho thằng anh đánh lấy đánh để. Còn có vai như thế này nữa: Beo giả vờ làm con chó Tony, còn Bun làm ông ngoại (con Tony hay cắn dép tha đồ lung tung nên hay bị ông ngoại đánh). Thế nên màn nào cũng có cái cảnh Beo nằm bẹp và bị thằng anh đánh cho tơi tả. Lạ lùng ở chỗ không bao giờ thằng em có ý kiến ý cò về việc đổi vai.

Thế nên để đối đầu với các trò nghịch tinh quái của các con, tôi chỉ cần điều chỉnh anh Bun thủ lĩnh: chỉ cho Bun các trò chơi theo hướng hoà bình đoàn kết tránh “huynh đệ tương tàn”. Hơn nữa các bé sinh đôi luôn có tinh thần đồng đội, chỉ cần tóm được kẻ đầu đàn các trò quấy phá thì tự dưng trò chơi sẽ kết thúc.

Các cặp sinh đôi luôn có thần giao cách cảm, sự gắn kết của chúng rất đặc biệt. Mỗi lần thời tiết thay đổi, một chàng ốm thì cả nhà chuẩn bị tinh thần để chăm sóc chàng còn lại, vì việc chúng ốm cùng nhau là một tất yếu. Và bạn sẽ chứng kiến hai bé sinh đôi lúc có những hành động tương tự nhau một cách vô thức.

Beo ốm nhưng không chịu uống thuốc nên rất lâu khỏi, phải tìm đủ các cách để cho chàng uống một cách tự nguyện mà không bị trớ ra. Mỗi lần cho Beo uống thuốc, anh Bun cứ bám riết xin xỏ một cách thảm hại: mẹ cho em một tí, cho em một tí. Cuối cùng phải cho anh ấy mút một chút còn dính ở thìa. Beo ốm chưa khỏi thì đến lượt anh Bun ốm. Lúc này lại xảy ra cảnh tượng ngược lại, muốn đo nhiệt độ cho Bun, mà anh ấy giãy đành đành, khóc thét lên như bị ai đánh, còn em Beo cứ léo nhéo: mẹ bắn em, bắn em (do cái nhiệt đội sử dụng bằng cách bắn vào tai). Những cảnh như thế rất thường xuyên xảy ra ở các gia đình có bé sinh đôi, nên cách duy nhất là cha mẹ hãy bình tĩnh, vào góc nhà “xì hết khói” và chuẩn bị mọi tinh thần và vật lực để chăm con. Và sau mỗi lần cặp sinh đôi khỏi ốm, tôi chỉ cần thở phào: Cảm ơn chúa, dù sao mọi việc cũng đã qua!.

Cùng lớn lên trong một thế giới chung, nhiều người sợ rằng “hai giọt nước” sẽ bị hoà tan, khó đạt được nhân cách độc lập, khó sống riêng rẽ, không thể lớn lên như anh em bình thường. Nhưng tại sao lại bắt các bé phải phát triển như người bình thường mà không để các bé sống tiếp cuộc sống kỳ diệu mà tạo hoá đã ban tặng?

Không hiểu sao tôi luôn nghĩ mối quan hệ anh em sinh đôi là nhân duyên từ kiếp trước, còn duyên đến kiếp này nên mới đầu thai cùng một nhà, đợi nhau cùng ra đời và cùng nắm tay nhau lớn lên, nhân duyên ấy giúp chúng gắn bó và yêu thương trong suốt cuộc đời.

Bài:  Thu Huyền

logo

Xem thêm: Cứ thoải mái mắc lỗi đi con nhé!


From the same category