Sang thăm chị hàng xóm ốm nặng, chị kể chuyện về tụi con nít mà nước mắt chan chứa: “Việc gì mình cũng giành làm hết để con có thời gian học hành và nghỉ ngơi, mấy bữa nay nằm bẹp trên giường nhìn con loay hoay mình chỉ biết khóc vì tủi thân và bất lực”. Thằng anh 15 tuổi, con em 11 tuổi, hàng ngày mẹ hầu tận miệng. Bố đi làm xa, mẹ đổ ốm – 2 anh em lóng ngóng chẳng nấu nổi bữa cơm. Cắt cử nhau hàng bữa mang cặp lồng đi mua cháo hoặc phở, về xẻ ra 3 bát, đến tiết mục rửa dọn thì chí chóe đánh cãi nhau đùn đẩy việc. Mẹ thều thào nhờ lấy cốc nước, thèm ăn miếng trái cây, hai đứa không ngóc đầu khỏi ti vi, nói gọn lỏn: “Tủ lạnh chỉ có xoài, gọt nát lắm tụi con không biết cách”. Buổi sáng nay, con em đứng bên giường thông báo: “Mẹ, con hết quần áo sạch mặc đi học. Sao bây giờ?!”. Chị nói đến đây, ngơ ngác: “Sao bây giờ? Con mình vừa vụng về chẳng lo được thân, vừa ích kỷ không biết nghĩ đến người khác, kể cả ruột thịt của nó…”. Yêu thương cũng phải đúng cách chứ, chị yêu con như thế quá bằng hại con. Rèn giũa cho một đứa trẻ biết tự lập, tự trọng, biết thích ứng với xung quanh, không đòi hỏi ích kỷ – việc cơ bản và tiên quyết nhất là hãy cho nó cơ hội được lao động, thì chị đâu cho con cơ hội ấy?
Nhiều nhà bây giờ con 6 tuổi vẫn há mỏ cho bố mẹ bón cơm; 9-10 tuổi vẫn chưa biết cầm cái chổi, bóc củ tỏi, nhặt cọng rau; 14-15 tuổi thì phụng phịu quăng ném mỗi khi phải vào bếp giúp mẹ; có gì đẹp đẹp ngon ngon con tranh trước; con tránh việc thật lực, nghiễm nhiêm coi bố mẹ như ông thần đèn, nghĩa là cần gì muốn gì chỉ cần ra lệnh là được đáp ứng. Một trong những lý do quan trọng dẫn đến thói ích kỷ của bọn trẻ, theo tôi, chính là chuyện lũ trẻ bây giờ không được tập quen với lao động. Đừng vì lo con bận học, ngại con quá bé bỏng, hay nhà có sẵn cả ông bà còn khỏe lẫn ô sin thạo việc mà để con tránh xa lao động. Đứa trẻ lười nhác và ích kỷ rất tội nghiệp, vì chỉ có bố mẹ nó mới yêu nó, liệu bạn có lột được như rắn để chăm bẵm và yêu con suốt cuộc đời nó hay không?
Để tập cho con lao động, chả bao giờ là quá sớm. Bé 2-3 tuổi đã cần biết trách nhiệm với những việc mình làm, đó là phải tự dọn dẹp đồ chơi và những gì mình bày bừa ra. 4-5 tuổi có thể quét dọn nhà, bóc hành tỏi, nhặt rau giúp mẹ. Bé 7-8 tuổi chả cứ trai hay gái, mẹ cũng cần hướng dẫn con cắm nồi cơm điện, nấu những món đơn giản như luộc rau tráng trứng, phơi quần áo, tưới cây ngoài ban công. Bố mẹ nhớ đừng quên khuyến khích con giúp đỡ bạn bè và những người quanh con khi họ thực sự cần hỗ trợ. Có điều cũng cần lưu ý là trẻ con rất hay thắc mắc, dạy con về niềm vui trong lao động, nhắc con phải thương yêu bố mẹ thông qua chia sẻ trách nhiệm trong công việc – sẽ rất khó ăn nói với trẻ khi trong nhà luôn sẵn ông bố chỉ ngồi chúi mũi vào ti vi. Dạy con là quá trình trung thực không ngừng với chính mình, trước hết bạn phải tự yêu lao động và vui vẻ vì mình còn có sức khỏe để làm việc, thì bạn mới có thể truyền cảm hứng và lòng thích thú đó cho con.
Lũ trẻ bắt đầu nghỉ hè, các ông bố bà mẹ lại bắt đầu lao đi tìm các lớp dạy đàn, dạy vẽ, dạy múa, dạy kỹ năng sống “Tôi tự tin – tôi tài giỏi” cho con. Bạn có dám bứt con mình ra khỏi trào lưu đào tạo siêu nhân và nghệ sĩ, để chuyên chú dạy con trước hết hãy làm người bình thường và yêu lao động?! Học đóng bàn ghế, sửa đồ điện, học nội trợ, về quê làm vườn cùng ông bà, phụ giúp mẹ nấu các bữa cơm… tất cả chỉ là con đường, mà đích đến là thái độ sống đúng đắn và lành mạnh của con trẻ. Xin bạn đừng làm ông thần đèn của con, cũng đừng xót xa vì con vất vả, đừng cáu kỉnh nếu phải sửa chữa những việc vụng về con làm. Bạn hãy tin, con có nhọc nhằn làm lụng mới biết trân quý thành quả lao động của người khác, mới biết cảm thương khi người khác vất vả, biết xót xa để không phung phí, biết tự trọng để không ngửa tay nhận những trao tặng của người khác một cách tất nhiên và dễ dàng. Lao động để tự mình chủ động với cuộc sống của chính mình, không nương dựa phụ thuộc như cây tầm gửi, để biết sống sẻ chia, khiêm nhường và kiêu hãnh. Như thế, chắc bạn sẽ không phải chảy nước mắt vì tủi thân và lo lắng, trong một ngày nằm ốm bất lực nhìn con loay hoay sống.
Bài: Quỳnh Ngọc