Sao Việt hướng đến Mùa Vu lan:
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha/ Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ/ Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha…
Ai còn Mẹ xin đừng làm mẹ khóc/Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe không?”
Một mùa Vu lan, mùa Báo hiếu nữa lại về, gợi nhắc tình mẫu tử thiêng liêng, cho những ai còn mẹ hay không còn mẹ. Hãy cùng lắng nghe sao Việt nói những lời tri ân với Mẹ!…
Trước đây, khi còn là một cậu bé vô lo và bướng bỉnh, tôi chưa hề hiểu được vì sao từ Mẹ lại thiêng liêng và cao quý đến thế, cho đến cái ngày tôi bắt đầu có ý định viết “Nhật ký của mẹ”…
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và mẹ
… Ấy là năm 2007, trong nhà tôi có chuyện. Đứa em trai út của tôi bị bắt cóc khi đang đứng chơi trước sân. Dù chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi may mắn tìm lại được em nhưng tôi đã trải qua rất nhiều cảm xúc mà trước giờ chưa từng có. Đầu tiên là về tình thân giữa anh em với nhau. Phải là lúc có chuyện, tôi mới biết được cảm giác sợ hãi khi nghĩ rằng mình sắp mất đi một người anh em là như thế nào. Điều thứ hai tôi nhận ra được là tình cảm thật sự mẹ dành cho chúng tôi. Dù ngày thường mẹ có hay la mắng, đánh đòn, nhiều khi mắng oan chúng tôi, nhưng khi ấy, chính mắt tôi thấy mẹ lo lắng thế nào, hốt hoảng thế nào, mẹ cứ chạy đi vừa tìm vừa khóc. Những hình ảnh đó suốt đời tôi không thể nào quên được. Tôi biết rằng, khi tôi gặp chuyện, chắc chắn mẹ cũng sẽ lo lắng y như thế. Tôi thấy mình trước giờ đã quá vô tâm, cứ luôn trách lầm mẹ, cứ giận hờn và hay cãi lại mẹ mỗi khi bị mắng oan.
Tôi vẫn còn nhớ như in cái khoảnh khắc đó, tâm trí tôi đột nhiên thay đổi. Tôi bỗng thấy lại tất cả những gì mẹ đã làm cho tôi từ lúc tôi còn bé đến giờ, từng chén cơm mẹ đút cho ăn, từng ly sữa mẹ pha, dòng chữ đầu tiên mẹ cầm tay tôi tập viết… Nhớ những lần tôi xin tiền mẹ, dù khó khăn nhưng chưa bao giờ mẹ từ chối nếu hợp lý, những lần mẹ chở tôi đi Chợ Lớn mua đồ chơi trên chiếc Chaly nhỏ bé cũ kỹ, những đêm mẹ thức học bài cùng tôi trước bao kỳ thi học kỳ, những ngày mẹ buôn bán vất vả nhưng chưa bao giờ từ chối nấu cho tôi món ăn nào tôi thích… Tự nhiên tôi thấy tôi có thể hiểu được hết tấm lòng của mẹ, tự nhiên tôi thấy những trận đòn của mẹ không hề đau và đáng giận một chút nào. Rằng có thể do áp lực công việc quá nhiều mà đôi khi mẹ không thể kiểm soát cảm xúc của mình mà thôi. Tôi bỗng thấy thương mẹ vô cùng, một tình thương mà trước giờ tôi chưa hề nghĩ đến.
Sau ngày hôm ấy, tôi ngoan hơn, nghe lời mẹ nhiều hơn, và lúc nào cũng chỉ muốn làm mẹ vui và muốn thấy mẹ cười. Mỗi khi bị la, tôi không hỗn hào cãi lại mà mau chóng xin lỗi. Và tôi cũng hay để ý những công việc thường ngày của mẹ hơn. Tôi biết rằng sức khỏe mẹ tôi không tốt, vì thế tôi không hiểu sức mạnh nào, ý chí nào có thể giúp mẹ lo chu toàn tất cả mọi công việc buôn bán, đến công việc gia đình, và cả chuyện ăn, ngủ, học của 3 anh em chúng tôi. Tôi để ý rằng mẹ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mua sắm gì cho bản thân, mà lại còn hay quan tâm đến những người thân xung quanh, kể cả những nhân viên của mẹ. Càng để ý, tôi càng thấy kính phục mẹ. Rồi dần dần, tôi chủ động tâm sự, nói chuyện với mẹ nhiều hơn, vì tôi mong có thể hiểu được mẹ đang nghĩ gì, đang lo gì để có thể chia sẻ được với mẹ. Tôi biết mẹ rất vui khi tôi thay đổi, và mẹ cũng thay đổi, không còn hay cáu gắt, la mắng anh em tôi như trước nữa. Tôi lại được học thêm một bài học: Đó là khi mình thay đổi thái độ với mọi người, thì mọi người xung quanh cũng sẽ thay đổi theo mình.
“Chiếc môi bé nhỏ, thốt lên bất ngờ…”
Rồi một ngày, khi gần đến sinh nhật mẹ, tôi quyết định tặng mẹ một món quà thật đặc biệt, đó sẽ là một bài hát tôi viết cho mẹ. Tôi biết điều này sẽ phá vỡ nguyên tắc “nhạc sĩ chuyên viết tình ca” của tôi, nhưng tôi không quan tâm. Vì phá vỡ nguyên tắc cho một người quan trọng với mình là xứng đáng! Thế là tôi bắt đầu tìm hiểu những bài hát về mẹ, những bài thơ, bài văn về mẹ. Và rồi tôi thấy lo… Lo vì tôi thấy được những bài hát về mẹ từ trước đến giờ được viết quá hay, quá tình cảm. Nếu tôi viết quá tệ, hoặc trùng lắp với ý tưởng của một ai đó thì tự bản thân tôi sẽ thấy rất xấu hổ, không đáng để làm món quà tặng mẹ. Trong lúc đang trằn trọc suy nghĩ, chợt tôi nảy ra một ý: ai cũng viết về mẹ với tư cách là người con kính yêu và thương nhớ mẹ, vậy tại sao mình không viết về mẹ dưới ánh mắt của một người mẹ dõi theo con của mình lớn lên từng ngày? Ai cũng viết về mẹ của riêng mình, vậy tại sao mình không viết bài hát về mẹ mà có thể dành cho bất cứ người mẹ nào, có thể nghe bất cứ lúc nào, hoàn cảnh nào?
“Rồi một ngày, khi gần đến sinh nhật mẹ, tôi quyết định tặng mẹ một món quà thật đặc biệt, đó sẽ là một bài hát tôi viết cho mẹ…”
Đắc ý với những ý tưởng mới của mình, tôi tập trung suy nghĩ, phát triển theo hướng đó! Và nỗi lo thứ hai xuất hiện: thật khó mà “nén” được tất cả tình cảm và những gì mẹ đã làm cho chúng ta từ khi ta còn thơ bé đến khi trưởng thành chỉ trong một bài hát 5 phút. Nhưng không hiểu sao lúc ấy tôi vẫn ngoan cố đi theo hướng ấy. Và rồi tôi chợt nảy ra một ý, tôi sẽ viết 5 phần lời miêu tả nỗi lo, niềm vui của mẹ khi nhìn thấy con mình trưởng thành qua 5 giai đoạn cơ bản của đời người. Dù tôi biết như vậy bài hát sẽ rất dài, hơn 8 phút, khiến nó có thể không bao giờ có cơ hội được trình diễn trên sân khấu hay trên truyền hình, vì khó có ca sĩ nào học thuộc được lời và khó có chương trình nào chấp nhận một bài hát vượt quá thời lượng trung bình 5 phút. Nhưng tôi chấp nhận, vì dù sao đi nữa thì đây là một bài hát tôi viết tặng mẹ, việc nó được biểu diễn hay không đối với tôi lúc đó không quan trọng… Tôi viết trong sự háo hức, quên cả thời gian, có lẽ tôi đã nhốt mình trong phòng sáng tác cả ba ngày, kể cả lúc ăn. Khi mệt quá, tôi thiếp đi một lúc, trong mơ dường như vẫn vô thức suy nghĩ và tìm tòi. Đến bây giờ khi nghĩ lại tôi vẫn không biết mình đã hoàn thành bài hát như thế nào. Chỉ nhớ rằng, khi viết xong, tôi cảm thấy rất vui và tự hào. Không thể chờ đợi được, tôi bắt tay vào hòa âm và nhờ một người bạn nữ trong lớp hát demo để chép ra đĩa tặng mẹ đúng ngày sinh nhật. Mẹ không nói, không khen gì cả, nhưng tối nào cũng nghe tiếng nhạc từ phòng mẹ phát ra, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng…
Và bí mật chưa từng kể
Ngay khi vừa hoàn thành xong bài hát, không hiểu sao tôi lại nghĩ rằng tôi muốn gửi bài hát này cho ca sĩ Hiền Thục. Có lẽ tôi cảm nhận được bên cạnh việc Thục là một ca sĩ có chất giọng nhẹ nhàng, đầy cảm xúc, thì Thục còn là một người mẹ tốt, luôn hết lòng hy sinh vì con. Tôi biết được cuộc sống riêng của Thục gặp nhiều sóng gió và cay đắng, nhưng Thục vẫn mạnh mẽ vượt qua tất cả. Và tôi có một niềm tin rằng Thục sẽ là người thể hiện ca khúc này tốt nhất và hợp nhất. Đến nỗi, khi nghe xong bản demo, Thục đã hỏi tôi: “Anh viết riêng bài này cho em hả?”. Tôi trả lời: “Anh viết bài này cho mẹ anh, nhưng anh chắc chắn bài này là dành cho em!”. Khi đang thu đến đoạn thứ 3, giai đoạn người con đi học, bỗng nhiên Thục òa khóc và xin tôi: “Anh cho em 5 phút em khóc cho bình tĩnh lại rồi em vào thu tiếp…”. Phải mất 3,4 lần như thế, Thục mới hoàn thành được bài hát.
Tự nhiên tôi thấy tôi có thể hiểu được hết tấm lòng của mẹ, tự nhiên tôi thấy những trận đòn của mẹ không hề đau và đáng giận một chút nào…
Khi nhận được bản master, giọng hát của Thục nghe mượt mà hơn, một số chỗ lỗi nhỏ được chỉnh sửa, những tiếng lấy hơi cũng được giảm đi, âm thanh hay hơn, bài hát nghe tròn vẹn hơn, thế nhưng, tôi vẫn có cảm giác rằng dường như cảm xúc không còn nguyên vẹn nữa. Điều này là đương nhiên khi chỉnh sửa bằng những phần mềm mix nhạc. Tôi đắn đo lắm bởi vì sự khác biệt rất nhỏ, có lẽ cũng không ai nhận ra đâu. Nhưng cuối cùng, tôi đưa ra một quyết định táo bạo và đầy ích kỷ: tôi chọn bản thu demo để đưa vào album chứ không chọn bản mix. Một bí mật mà khán giả và ngay cả chính Hiền Thục cũng không được biết…
Clip “Nhật ký của mẹ” dài 9 phút với màn trình diễn tranh cát nghệ thuật đầy cảm xúc và giọng hát của ca sĩ Hiền Thục đã gây tiếng vang lớn và trở thành ca khúc hit của năm 2012. Clip này thành quả làm việc miệt mài trong một tháng trời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cùng nhạc sĩ Quốc Bình và nghệ nhân tranh cát Trí Đức.
Tuy nhiên, tôi chưa cảm thấy trọn vẹn với dự án “Nhật ký của mẹ” vì mới chỉ hoàn thành phần nhạc. Tôi muốn thực hiện cả phần video clip cho bài hát này vì như thế thì bài hát sẽ được phổ biến rộng rãi hơn. Thế nhưng, điều khó khăn là phải thực hiện hình ảnh như thế nào mới đúng với mong muốn ban đầu của tôi: bất kỳ người mẹ nào ở bất kỳ nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thời điểm nào khi nghe bài hát này cũng sẽ thấy được hình ảnh con mình trong đó; bất kỳ người con nào, dù trai hay gái, khi nghe bài hát này cũng sẽ thấy mẹ mình trong đó. Mãi đến đầu năm 2012, có dịp tham gia Festival Hoa Đà Lạt, tình cờ được xem màn trình diễn tranh cát của nghệ nhân tranh cát Trí Đức, tôi mới sửng sốt nhận ra rằng đây chính là mảnh ghép cuối cùng của tôi, là điều tôi đang tìm kiếm. Chỉ có nghệ thuật tranh cát mới mang tính khái quát, hình tượng chung của nhân vật, vừa có sự giản dị, mộc mạc, vừa lồng ghép được cảm xúc vào đấy, và tranh cát kết hợp với âm nhạc thì thật sự tuyệt vời…
Không cần tôi phải thuyết phục thêm, anh Trí Đức đã ngay lập tức đồng ý giúp tôi mà không đòi hỏi bất kỳ chi phí nào. Về Sài Gòn, tôi dành hơn 1 tháng để học vẽ tranh cát, tôi muốn cố gắng vẽ được những nét cơ bản, vì như thế, chính tôi mới có thể phác họa sơ bộ được hình ảnh và cách liên kết những hình ảnh lại với nhau. Chúng tôi – tôi, nhạc sĩ Vũ Quốc Bình, nghệ nhân Trí Đức – cả 3 đều dành trọn cả tháng để làm việc, người dạy, người học, người quay phim… Những nét vẽ trên clip chỉ gói gọn trong 9 phút, nhưng không ai biết rằng thật sự nó là thành quả của cả 1 tháng trời vẽ rồi xóa, vẽ lại, trau chuốt…
Bản thân tôi, tận đến giờ, mỗi lần nghe lại “Nhật ký của mẹ”, là thêm lần nữa cảm thấy mình cần phải quan tâm và yêu thương mẹ nhiều hơn để bù đắp cho những sự vô tâm của mình ngày trước. Đến giờ thì tôi hiểu rằng không phải tôi viết bài hát này tặng mẹ nữa, mà chính mẹ mới là người khiến tôi muốn viết bài hát này. Vì mẹ tôi, cũng như mẹ của các bạn, đều xứng đáng với những bài hát ngợi ca tình yêu bao la và vô bờ ấy…
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung
Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “
Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook,
“trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?
Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dâncủa một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai