“
Không dám mở miệng nói tiếng Anh vì sợ bị người khác cười cũng chính là vô hình chung tự đóng sập một cánh cửa nhìn ra thế giới. Tệ hơn, còn là tâm lý cảm thấy bé nhỏ trước người ngoại quốc…” – đó là quan niệm của Á hậu Hoàng My. Nhưng với Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy thì:
“Nếu là một đại sứ du lịch đại diện cho một quốc gia, phát biểu trước truyền thông nước ngoài, thì đã lại là sang một câu chuyện khác…”
Hãy cùng sao Việt và Đẹp Online nhìn lại câu chuyện một cựu đại sứ du lịch nói tiếng Anh, khi đây không còn là chuyện của một cá nhân…
Hôm qua vừa đến lớp, mình đến thẳng bàn thằng bạn Mỹ, đặt phịch ba lô xuống đất, gác chân lên bàn mặt rất kênh: “Paul, nói lại tao nghe mấy câu Tiếng Việt tao dạy mày xem!”. Nó rặn, rặn, rặn mãi được hai chữ “xx…xx”. “Bộp!” “Cái thằng! Mày đang nói hay đang nhai xxxx vậy mày? Có hai chữ học cũng không xong! Tao nói chục lần là một từ âm thấp, một từ âm cao rồi mà! Vậy đến khi nào mới học nhấn nhá rồi còn thả hồn vào đó nữa?”. Nó gãi đầu cười cười… Còn mình cố gắng giữ vẻ mặt lạnh chảnh cho nó cảm thấy tệ hại sau cái vụ nó “sỉ nhục” mình lần trước. Lúc đầu học kỳ, nó với thằng Joe hùa nhau bắt mình nói hai chữ tiếng Anh (khỏi nói cũng biết là tụi nó dạy thứ “danh ngôn tục ngữ”) mà phải chuẩn giọng Mỹ, lấy hơi từ bụng lên, nói bằng cả trái tim và còn bắt mình đứng trước gương tập suốt đêm sáng mai khảo bài nữa chứ!. “Giờ mày hiểu tao cảm thấy thế nào rồi ha! Còn cười vì tao nói tiếng Anh giọng Việt không?”
*Phân bua: Thật ra là mình chẳng định dạy cho nó nói bậy đâu, nhưng cái kiểu sinh viên Mỹ nó thế, đặc biệt là với sinh viên làm phim. Đã làm phim thì không thể không có “gia vị” trong cuộc đối thoại.
Á hậu Vũ Hoàng My trong cuộc hành trình “Taste of Vietnam” cùng Martin Yan (Yan Can Cook) đi khắp Việt Nam, khám phá ẩm thực, văn hóa, con người của từng vùng miền (chương trình host bằng tiếng Anh).
Nghĩ lại cái cảnh lúc còn ở khu Eden Mall khi chưa thành lâu đài Vincom bây giờ, tối nào mình cũng ra ban công mày mò học tiếng Anh đến 3-4 giờ sáng. Lò dò lò dò từng chữ. Nhiều lúc thấy tức, bây giờ vẫn còn thấy tức, thấy ghét, vì cái sự mênh mông vô hà xứ của một thứ ngôn ngữ, một thứ văn hoá xa lạ (dù mình cũng đã trót yêu nó đắm đuối). Nghĩ hoài chẳng hiểu nổi tụi nó nghĩ gì mà chia hết thì này đến thì khác, hết quy tắc này đến quy tắc khác, rồi bất quy tắc (!!!) và dùng giới từ loạn xạ với cả thành ngữ nhặng xị. Thấy tức vì đụng chạm đến tự ái dân tộc. Tự hỏi: Vì sao mình phải đi học ngôn ngữ của nó? Tự trả lời: Vì đó là chìa khoá mở ra cánh cửa thế giới. Tới đó thì lại cắm đầu vào bàn học và “ngậm một nỗi căm hờn trong cũi sắt”. Lúc trong cũi sắt mình mơ màng biết bao mộng tưởng: Phải chi mình có điều kiện học tiếng Anh sớm hơn nhỉ! Phải chi thế giới nói mỗi tiếng Việt thôi nhỉ! Phải chi có bánh mì học ngôn ngữ của Đô rê mon ở đây nhỉ!… Cho đến bây giờ, khi đã nói được tiếng Anh như thể “nói tiếng Việt như người nước ngoài”, mình vẫn mỗi tháng hai lần, đều đặn chu kỳ, ước ao những thứ “phải chi…”
Trong cuộc hành trình cùng Martin Yan lên Sapa, Á hậu Vũ Hoàng My đã gặp gỡ giao lưu với rất nhiều bạn bè quốc tế.
Vậy để thấy, nói được Tiếng Anh là vô-cùng-không-hề-đơn giản! Nó cần có một sự ngu muội rất nhẹ như thể cứ đâm đầu vào yêu một cô nàng/anh chàng hết sức chảnh chọe và mong chờ một ngày được chạm vào gấu váy, gấu quần của nàng/chàng vậy. Lúc mình còn nhai tiếng Anh từng chữ như thằng Paul nhai hai từ “xx…xx” tiếng Việt, mình đã luôn mơ về một ngày xa xôi đó…
Hoàng My cùng các em bé ở Sapa
Như một phản xạ mà dòng đời đã tôi luyện cho mình, cặp lông mày sẽ chau xuống tới mũi nếu có kẻ nào đó chê bai ai đó nói tiếng Anh hoặc phát âm dở ẹc. Khi đem sự may mắn ra để so sánh “vì tao được học trước mày”, “vì ba mẹ tao có điều kiện cho tao đi học hơn mày”, “vì tao có thời gian hơn mày” hay “vì tao thông minh hơn mày”… thì đó là một hình thức vô nhân đạo hạng nhẹ và sự trẻ con hạng nặng. Đó cũng là sự tối kỵ trong việc học tiếng Anh vì nó gây ra một hậu quả nghiêm trọng ở hầu hết các sinh viên Việt Nam và châu Á: KHÔNG DÁM MỞ MIỆNG NÓI TIẾNG ANH VÌ SỢ BỊ NGƯỜI KHÁC CƯỜI. Việc không dám mở miệng nói tiếng Anh là cánh cửa rộng lớn dẫn đến việc không nói được tiếng Anh, và là cánh cửa thênh thang dẫn đến việc mất tự tin khi giao tiếp. Câu hỏi vì sao người Việt mình luôn cảm thấy nhỏ bé trước người ngoại quốc vừa được trả lời một phần không nhỏ.
Chương trình “Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan” với sự góp mặt của Á hậu Vũ Hoàng My sẽ được phát sóng tại Mỹ vào tháng 9.
Mấy hôm rồi trên mạng “đá” văng rần rần việc một cựu đại sứ du lịch trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh. Rõ ràng, chúng ta hạ bút ném xuống một comment chê bai, chỉ trích, phán xét người khác thì dễ hơn việc học tiếng Anh rất nhiều. Nếu bản thân chúng ta đã nói tiếng Anh cỡ Michael Jackson hát nhạc rock thì hãy nghĩ đến những đứa em, đứa con, đứa cháu của mình sau này sẽ bị ức chế và mất tự tin thế nào khi bị người khác chê bai, bắt nguồn từ cái tư tưởng và thói quen lẽ ra hôm nay chúng ta không nên giữ.
Á hậu Vũ Hoàng My
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?
Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dâncủa một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai
“Một người bình thường, thậm chí là một người nổi tiếng nói tiếng Anh như Lý Nhã Kỳ theo tôi không có vấn đề gì, thậm chí trông còn khá “dễ thương” là đằng khác! Nhưng đáng nói, ở đây là một đại sứ du lịch đại diện cho một quốc gia phát biểu trước truyền thông nước ngoài, thì như thế, đã lại là sang một câu chuyện khác.”